Hán-Việt và thuần Việt (kỳ 3)
Nhà ngôn ngữ học
Trong tiếng Việt, các từ “Hán-Việt” làm thành một lớp riêng, có những đặc trưng ngữ pháp và tu từ (phong cách học) riêng.
Về ngữ pháp, các từ tổ Hán-Việt tuy cũng chứa đựng những mối quan hệ cú pháp (đẳng lập hay chính phụ) rõ rệt không kém các từ tổ “thuần Việt”, nhưng mối quan hệ cú pháp này chặt hơn nhiều, một phần là nhờ cái “trật tự ngược” (phụ trước chính sau) so với các từ tổ thuần Việt. Chẳng hạn, quan hệ cú pháp chính phụ trong xạ thủhay phi côngchặt hơn nhiều so với mối quan hệ tương đương trong người bắnhay người lái: trong khi xạ thủ Namchỉ có thể hiểu một cách, thì người bắn Namkhông cho biết đó là kẻ đã bắn anh Nam hay là người lính tên là Nam (chắc hẳn cách hiểu thứ nhất tự nhiên hơn cách hiểu thứ hai).
Tính chất “chặt” của mối quan hệ cú pháp này giữa hai từ “Hán-Việt” làm cho các từ tổ tương tự dễ được hiểu đúng hơn nhiều khi được dùng làm thuật ngữ chuyên môn (khoa học hay kỹ thuật), nhờ đó mà khi cần cấu tạo một thuật ngữ, từ “Hán-Việt” bao giờ cũng có ưu thế hơn hẳn từ “thuần Việt”, tuy có một thời, nhân danh tính “đại chúng”, người ta đã thay những thuật ngữ như khủng long những thuật ngữ như thằn lằn kinh khủng(vốn có nghĩa khác hẳn).
Hồi ấy, người ta còn yêu cầu đặt thuật ngữ khoa học làm sao mỗi người chỉ cần biết đọc chữ quốc ngữ là hiểu ngay được nội dung. Phải chi có thể làm được như vậy, thì có lẽ toàn dân ngay từ sáu bảy tuổi đã không còn phải đi học nữa, vì đã hiểu được đủ thứ khái niệm như nguyên tử, điện tử, lượng tử, tích phân, vi phân, v.v., sau khi những từ Hán-Việt được chuyển thành từ “thuần Việt”.
Từ “thuần Việt” dễ hiểu thật, nhưng đó chính là nhược điểm lớn nhất của nó, vì khi một thuật ngữ quá dễ hiểu, thì cách hiểu “quá dễ” ấy có rất nhiều xác suất là lối “vọng văn sinh nghĩa” - tức là cứ nhìn chữ mà đoán mò ra nghĩa, cho nên có thể sai hoàn toàn. Trong nhiều ngành, trên thực tế đã có hàng ngàn thuật ngữ được hiểu như thế, chẳng hạn như tình thái, hàm nghĩa, ngữ dụng, sở chi,v.v., là những thuật ngữ có vẻ dễ hiểu đến nỗi ai cũng cho là mình hiểu rồi, cho nên không thấy cần đọc sách nữa.
Chính tính chất trừu tượng, khó hiểu (?) của thuật ngữ Hán-Việt tránh được cho ta cái hiểm họa ấy.
a. Về phương diện ngữ nghĩa, hầu như ai cũng đã thấy từ lâu rằng phần lớn các từ Hán-Việt đều có một sắc thái ngữ nghĩa (hay tu từ) khiến cho nó khác một cách khá rõ với các từ thuần Việt dường như đồng nghĩa với nó. Đó là sắc thái “trang trọng”, hay “thi vị”, hay “cổ kính”, hay “bác học”, hay “mờ ảo” của các từ Hán-Việt.
Điều đáng ngạc nhiên là lẽ ra cái sắc thái đặc thù ấy phải cho thấy ngay rằng những từ ấy đã trở thành những từ “thuần Việt” từ lâu, chính vì trong tiếng Hán nó không hề có, thì ngược lại, nó lại được dùng như một cái cớ để bài bác và để tìm đủ cách loại trừ.
![]() |
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bậc thầy sử dụng tiếng Việt. (Ảnh: Internet) |
Trong tiếng Hán, nữ chỉ có nghĩa là “gái”, phụ nữ chỉ là “đàn bà”, trượng phu là “đàn ông” (hay “chồng”), hoa đăng chỉ là “đèn hoa/bông”, sơn động chỉ là “hang núi”, lam sơn chỉ là “núi xanh”, tử sĩ chỉ là “quân lính chết”, mãnh hổ chỉ là “con cọp mạnh”, tràng kỷ chỉ là “cái ghế dài”, lôi vũ chỉ là “mưa giông”, phong ba chỉ là “sóng gió”, hài chỉ là “giày”.
Sở dĩ khi chuyển sang tiếng Việt, những từ ngữ này có được cái sắc thái “thi vị”, “cổ kính” hay “bác học” và cái sức mạnh tu từ của nó chính vì nó đối lập với những từ ngữ “thuần Việt” (hay “nôm na”), và đó chính là nguyên nhân làm cho nó có được cái sắc thái ngữ nghĩa hay tu từ mà nó vốn không có trong tiếng Hán, và cái sắc thái mới ấy cũng chính là bằng chứng hoàn toàn chắc chắn cho thấy rằng nó đã là một bộ phận hữu cơ của hệ thống từ vựng của tiếng Việt, hay nói gọn lại, nó đã hoàn toàn trở thành những từ ngữ tiếng Việt, tức những từ ngữ “thuần Việt”.
Chính cái phong vị riêng (trang trọng, bác học, v.v.) của các từ ngữ Hán- Việt đã cám dỗ một số người làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng sính dùng loại từ ngữ này. Đáng lẽ nói “bàn nhanh” thì người ta thích nói “hội ý” hơn; đáng lẽ nói “nói chuyện phiếm” thì người ta thích nói “mạn đàm” hơn, đáng lẽ nói “đi thăm” hay “đi xem” thì người ta thích nói “tham quan” hơn,v.v.
Trước tình hình đó, hồi kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy cần nhắc nhở cán bộ trong cuốn Sửa đổi trong lối làm việc(dưới bút danh XYZ) là nên nói năng với quần chúng một cách giản dị hơn, dễ hiểu hơn, bình dân hơn, đừng dùng những từ ngữ quá trang trọng, quá bác học mà thành ra khó hiểu. Nói tóm lại, phải dùng từ ngữ sao cho thích hợp với quần chúng.
Về sau, những lời dặn dò chí lý ấy dần dần bị hiểu sai thành một chủ trương thanh lọc từ ngữ ngoại lai, và người ta hè nhau tìm cách thay thế những từ Hán-Việt bằng những từ “thuần Việt”, nghĩa là những từ ngoại lai khác, gốc Thái, Mã Lai, Môn-Khmer, Ấn Độ, v.v., trong khi xây dựng thuật ngữ khoa học và kỹ thuật.
Người ta tưởng làm như vậy là bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, trong khi đó chính là làm cho tiếng Việt nghèo đi, và thay những cách nói đúng đắn và thích hợp với tình huống, với ngôn cảnh hay văn cảnh bằng những cách nói ngô ngọng, lạc lõng, thậm chí vô lễ và man rợ.
Nếu gọi con gái bạn mình bằng quý nữchẳng hạn là lố lăng, thì gọi một người đàn bà bằng đồng chí gáihay y tá gáicũng lố lăng không kém. Thủ tướng gáikhông bằng nữ thủ tướng. Nhưng đầy tớ gáilại hơn nữ đầy tớ.Ngài Tổng thống và vợkhông bằng Ngài Tổng thống và phu nhân,nhưng thằng Út nhà tôi và phu nhânlại không bằng thằng Út nhà tôi và vợ nó. Nói chung, những sự kết hợp không tương thích đều cho những kết quả xấu.
Hết