Góp phần tìm hiểu sử học triều Nguyễn
Phan Huy Chú (1782 - 1840):ông sinh trưởng từ một gia đình có truyền thống thuộc dòng họ Phan Huy nổi tiếng ở vùng Quốc Oai (dòng họ có nguồn gốc từ Nghệ An), nhưng hai lần đi thi chỉ đỗ tú tài. Từ năm 1809 - 1819, ông tự mình biên soạn sách Lịch triều hiến chương loại chí- cuốn sách đã đưa ông trở thành một nhà sử học lớn, tiêu biểu của sử học Việt Nam thế kỷ XIX. Ông trở thành viên quan mẫn cán, có tư tưởng cải cách của triều Nguyễn từ sau khi dâng sách cho vua. Lịch triều hiến chương loại chíđã khảo cứu, hệ thống các ngùôn tư liệu phong phú, toàn diện, chính xác về những vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hoá dân tộc từ thời kỳ đầu đến hết triều Lê. Mười vấn đề khác nhau, nhưng có quan hệ mật thiết với nhau (Địa dư, nhân vật, quan chức, lễ nghi, khoa mục, quốc dụng, hình luật, binh chế, văn tịch, bang giao), và đây là những vấn đề thiết yếu của một dân tộc, quốc gia. Mười vấn đề, chia thành mười chí, được trình bày phân tích bằng tư duy hệ thống, uyên bác, chính xác. Phan Huy Chú khẳng định: Khảo xét dấu tích đời xưa mà không nói thêm lên, phân tích mọi việc bằng lý để tìm ra lẽ phải, có chỗ tường tận mà không đến nỗi rườm, có chỗ sơ lược mà nắm cốt yếu, khiến cho công nghệ chế tác của các đời rõ rệt, đủ làm bằng chứng.
Phan Huy Chú đề cao tinh thần dân tộc, đề cao truyền thống và lòng tự hào dân tộc. Ông cho rằng, vấn đề cốt lõi của dân tộc ta là đất đai - con người - chủ quyền. Ông cũng là viên quan sớm có tư tưởng cải cách. Năm 1823, ông dâng sớ lên vua Minh Mệnh với 4 nội dung:
- Định lại chế độ quan chức cho rõ ràng
- Phải thận trọng với việc thuế khoá
- Phải xây dựng phương pháp, phép tắc trong giáo dục
- Phải chấn chỉnh cơ quan quốc sử để sử sách biên soạn được rõ ràng.
Lịch triều hiến chương loại chícủa Phan Huy Chú là công trình sử học lớn, tiêu biểu của sử học Việt Nam dưới triều Nguyễn và các nhà khoa học Việt Nam thế kỷ XX đã xác định cuốn sách này là Bách khoa toàn thưđầu tiên của Việt Nam.
Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910):Ông sinh trưởng trong một gia đình Nho học ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, đỗ tiến sĩ khoa Bình Thìn 1856, sau đó vào làm việc ở Nội các triều Nguyễn. Ông viết nhiều sách, nhưng những công trình quan trọng nhất, tiêu biểu nhất về sử học là Sử học bị khảo và Việt sử cương mục tiết yếu.
Sử học bị khảolà công trình khảo cứu công phu về địa lý, lịch sử, về thiên văn và về quan chế của Việt Nam .
Việt cương sử mục tiết yếuông viết lời tựa năm 1905, gồm 8 quyển dày 1200 trang, chép sử từ thời kỳ Hùng Vương đến 1802. Viện Nghiên cứu Hán – Nôm tổ chức dịch. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2000. Trong lời giới thiệu, Nhà xuất bản nêu rõ:
“Bộ sử này thể hiện tập trung những thành tựu khảo chứng lịch sử của tác giả, đặc biệt là nghiên cứu về điển chương chế độ của các triều đại, về địa danh lịch sử sự biến động về lãnh thổ qua các thời kỳ lịch sử. Đồng thời bộ sử cũng chú trọng nêu những nguyên nhân thịnh suy, hưng vong của các triều đại. Bộ sử này đã được giới khoa học xã hội đánh giá cao: là bộ sử tiêu biểu nhất của nhà sử học Đặng Xuân Bảng (GS Phan Huy Lê)… là tác phẩm sử học quan trọng của một nhà sử học có phương pháp gần với phương Tây hiện đại (GS Hà Văn Tấn)” (1).
Nhà sử học Tạ Ngọc Liễn trong bài Đặng Xuân Bảng nhà sử học lớn cuối thế kỷ XIXđã viết: Khi nói đến các giá trị trong tác phẩm sử học của Đặng Xuân Bảng chúng ta không thể không nói đến phương pháp khoa học cẩn mật của ông. Đó là tính thận trọng, biết hoài nghi tra cứu tài liệu đến ngọn nguồn. Trong lịch sử sử học Việt Nam, triều Nguyễn là thời kỳ sử học phát triển thịnh vượng, có nhiều tác giả và tác phẩm lớn ra đời, trong đó Đặng Xuân Bảng với Sử học bị khảo, Việt sử cương mục tiết yếugiữ một vị trí quan trọng, xứng đáng được giới hậu học tôn vinh (2).
Đặng Xuân Bảng là nhà sử học uyên bác, ông đã tập hợp, khảo cứu một khối lượng tư liệu đồ sộ với phương pháp cẩn trọng và tôn trọng sự thật. Ông là người đầu tiên đã chỉ rõ những thiếu sót sai lầm trong Khâm định Việt sử thông giám cương mụccủa Quốc sử quán mà ông thường gọi là Việt sử.Trong Việt sử cương mục tiết yếutự ông viết: Việc biên soạn khi ấy, không phải do một người cho nên lịch sử thời Đinh, Lê, Lý, Trần thì quá giản lược, lịch sử thời Lê, hậu Lê thì quá rườm rà, nhất là ba kỷ Bình Định Vương, Thánh Tông, Hiển Tông nhà Lê là dài dòng, khảo về đại cương cũng nhiều vụn vặt… Ông chỉ rõ trong sách Việt sử.Sai lầm nhiều mà bỏ sót cũng không ít.
Đặng Xuân Bảng là nhà sử học đầu tiên dưới triều Nguyễn đã khẳng định vai trò vị trí của vương triều Tây Sơn trong lịch sử dân tộc. Ông viết: Đến như sự tích đời Tây Sơn, thì hồi đầu Gia Long đã có chiếu tiêu huỷ hết. Vì sử là để khuyến khích và răn đe. Sao lại có sự tích 15 năm để cho mai một trong một lúc, không ai biết nữa? Thế thì lẽ khuyến khích và răn đe ở đâu? Hơn nữa khi ấy nhà Lê đã mất, triều ta chưa lên, sự kế nối của các triều Đinh, Lý, Trần, Lê trong 15 năm ấy không thuộc Tây Sơn thì còn ai nữa? (3).
Sử học triều Nguyễn một bộ phận tạo thành của văn hoá Việt Nam dưới triều Nguyễn. Sử học triều Nguyễn mang dấu ấn đậm nét của hệ ý thức phong kiến Việt Nam thế kỷ XIX. Sử học triều Nguyễn đáng được ghi nhận là một thời kỳ phát triển trong toàn bộ nền sử học phong kiến Việt Nam .
1. Đặng Xuân Bảng,Việt sử cương mục tiết yếu, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội, 2000, tr 6.
2. Đặng Xuân Bảng,Sử học bị khảo, Viện sử học và Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội 1997, tr 12.
3. Đặng Xuân Bảng,Việt sử cương mục tiết yếu, Nxb khoa học xã hội Hà Nội, 2000, tr 9.