Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 20/09/2006 14:58 (GMT+7)

Giao đất, giao rừng - Kết quả và những giải pháp cần bổ sung

Chủ trương và quá trình thể chế hoá

Chủ trương giao đất, giao rừng của Đảng đã hình thành từ rất sớm. Ngay từ năm 1983, Ban Bí thư (khoá V) đã có Chỉ thị 29-CT/TW ngày 12/11/1983 về việc đẩy mạnh giao đất, giao rừng, xây dựng rừng và tổ chức kinh doanh theo phương thức nông - lâm kết hợp nhằm bảo vệ bằng được diện tích rừng hiện có và phát triển mạnh vốn rừng, sử dụng có hiệu quả đất trống, đồi núi trọc và bãi cát ven biển, phát huy tốt chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sống và cung cấp của rừng, đáp ứng nhu cầu ngày càng to lớn của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân, tăng cường an ninh quốc phòng... Chỉ thị nhấn mạnh: làm cho mỗi khu đất, mỗi cánh rừng, mỗi quả đồi đều có người làm chủ cụ thể...

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, với đường lối đổi mới của Đảng, ngành lâm nghiệp từ chỗ dựa vào quốc doanh nay chuyển sang lâm nghiệp xã hội, nhân dân trở thành lực lượng chủ yếu bảo vệ và phát triển rừng. Nghị quyết 10 Bộ Chính trị (khoá VI) ngày 5/4/1988 đã chỉ rõ: Thực hiện việc giao rừng và đất rừng cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và hộ nông dân bảo vệ, chăm sóc, nuôi trồng, khai thác và tận dụng sản phẩm của rừng, tạo điều kiện cho dân cư ở vùng có rừng, đất rừng sinh sống và làm giầu bằng kinh doanh tổng hợp các thế mạnh của rừng. Luật Bảo vệ và phát triển rừng ban hành năm 1991 đã ghi rõ tại điều 2: Nhà nước giao rừng, đất trồng rừng cho tổ chức, cá nhân để bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ổn định, lâu dài...

Như vậy, Luật Bảo vệ và phát triển rừng (năm 1991) đã thể chế hoá một bước chủ trương giao đất, giao rừng với đối tượng được giao là tổ chức và cá nhân. Nghị định số 02/ CP ngày 15/1/1994 của Thủ tướng Chính phủ, đã có thêm một bước tiến khi quy định các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao đất lâm nghiệp để sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Cho tới lúc này, luật pháp mới chính thức công nhận hộ gia đình là một trong những đối tượng được giao đất, giao rừng. Từ sau Đại hội VIII của Đảng, nhằm đẩy mạnh quá trình xã hội hoá ngành lâm nghiệp, Luật Bảo vệ và phát triển rừng được sửa đổi, bổ sung và ban hành năm 2004. Ngoài các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được giao, cho thuê rừng (điều 5 Luật Bảo vệ và phát triển rừng) thì cộng đồng dân cư thôn, bản cũng trở thành đối tượng được giao rừng với những quy định về quyền, nghĩa vụ (điều 29,30 Luật Bảo vệ và phát triển rừng).

Có thể nói rằng, qua quá trình trên 20 năm, thực hiện quan điểm và nhận thức về ngành lâm nghiệp của các cấp, các ngành đã có nhiều chuyển biến mang tính cơ bản. Trước hết, đó là sự thay đổi về nhận thức từ chủ trương phát triển sản xuất lâm nghiệp dựa vào quốc doanh là chính, chuyển sang phát triển ngành lâm nghiệp dựa trên cơ sở xã hội hoá ngày càng cao. Nhà nước và Nhân dân cùng bảo vệ và phát triển rừng, trong đó nhân dân là lực lượng chủ yếu.

Sự thay đổi về nhận thức đó đã góp phần mở rộng đối tượng được giao đất, giao rừng, giúp họ sử dụng ổn định, lâu dài. Từ chỗ chỉ có các lâm trường quốc doanh, các hợp tác xã mới được giao đất, giao rừng thì sau này các tổ chức, cá nhân và tiếp theo là hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, bản cũng là đối tượng được giao đất, giao rừng. Mặt khác, ngoài việc giao đất, giao rừng còn có việc cho thuê rừng (điều 5 khoản 2 và 3 quy định tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để phát triển rừng..). Trong đó, các tổ chức được thuê rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất và hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất.

Đây là bước tiến quan trọng trong quan điểm, nhận thức thừa nhận các thành phần kinh tế đều được tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Điều này phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một số kết quả đạt được

Chủ sử dụng đất lâm nghiệp ngày càng được xã hội hoá. Diện tích rừng và đất rừng đã được giao ngày càng nhiều cho hộ gia đình, cộng đồng trong khi diện tích giao cho doanh nghiệp nhà nước giảm dần. Năm 1999, trên tổng diện tích 10.915.592 ha đất có rừng của cả nước đã giao cho các chủ rừng là 7.956.592 ha (72,89%), trong đó: doanh nghiệp nhà nước và các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng: 5.730.577 ha (52,50%), hộ gia đình và các đơn vị tập thể: 2.006.464 ha (18,38%). Năm 2004, trên đất có rừng của cả nước là 12.306.858 ha, đã giao cho một số chủ rừng sau: doanh nghiệp nhà nước và các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng: 6.092.753 ha (49,51%), hộ gia đình và các đơn vị tập thể: 3.155.797 ha (25,64%), UBND xã: 2.707.140 ha (22%).

Nhìn chung, đất có rừng giao cho hộ gia đình và tập thể đã tăng, trong khi diện tích giao cho doanh nghiệp nhà nước và các ban quản lý giảm. Trong các đối tượng được giao rừng, cộng đồng dân cư thôn, bản ... hiện đang tham gia quản lý trên 2 triệu ha đất có rừng. Độ che phủ rừng tăng. Diện tích rừng trồng mới tăng, diện tích rừng tự nhiên được khoanh nuôi, bảo vệ phục hồi nhanh, nâng cao đáng kể năng lực phòng hộ. Đời sống của một bộ phận nhân dân được nâng cao do phát triển kinh tế vườn, trang trại rừng.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế trong quá trình thực hiện: Tiến độ giao đất, giao rừng chậm. Tính đến cuối tháng 3/2006 mới giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 17% số hộ và gần 30% diện tích đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình. Diện tích do uỷ ban nhân dân xã quản lý lên tới 2,7 triệu ha (22% diện tích đất có rừng) nhưng trách nhiệm không rõ ràng, quản lý còn nhiều lỏng lẻo vì cấp xã chưa đủ năng lực quản lý, thiếu cán bộ, lực lượng và phương tiện bảo vệ. Mặt khác, tình trạng rừng không có chủ cụ thể đã góp phần gia tăng tệ phá rừng.

Thiếu các quy định cụ thể trong giao đất giao rừng. Cho đến nay, loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất nào có thể giao hoặc cho các thành phần kinh tế, hộ gia đình thuê cũng chưa thực sự rõ ràng.

Thiếu các giải pháp để đưa đất đã giao cho các hộ vào phục vụ sản xuất. Phần lớn nhân dân sống trên địa bàn miền núi thiếu vốn và các kỹ năng sản xuất để trồng, chăm sóc làm giầu rừng nhưng ít được hỗ trợ có hiệu quả. Đến nay, thực trạng sử dụng đất đã giao chưa được làm rõ việc khi lập dự án triển khai các chương trình kinh tế thường gặp nhiều khó khăn về quỹ đất. Chương trình 661 là một minh chứng rõ cho trường hợp này. Phần lớn các địa phương báo cáo có quỹ đất để trồng rừng nhưng trong thực tế khi triển khai thì đất đai đều đã có chủ, dẫn đến tiến độ trồng mới rừng không đạt chỉ tiêu đặt ra.

Mặc dù chủ trương giao đất, giao rừng đã có từ nhiều năm nay nhưng chính sách trong lĩnh vực này đến nay còn chưa đồng bộ, chưa tạo được động lực cho người nhận đất nhận rừng. Việc giao đất, giao rừng có nhiều điểm khác với giao đất nông nghiệp. Trong khi đất nông nghiệp, sau khi giao cho hộ nông dân sử dụng ổn định, lâu dài ngay lập tức đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ thì đối với đất lâm nghiệp, việc giao đất cho dân mới chỉ là bước đi đầu tiên.

Quản lý ngành còn bất cập, chưa có sự thống nhất trong toàn quốc, chưa đủ mạnh, nhất là cấp cơ sở. Công tác khuyến lâm còn rất yếu cả về tổ chức và nội dung tiến hành. Giữa cơ quan phát triển lâm nghiệp và kiểm lâm chưa có được sự phối hợp chặt chẽ, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển và bảo vệ rừng.

Một số giải pháp

Để công tác giao đất, giao rừng đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian tới, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục tạo được sự thống nhất trong nhận thức chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, trong lâm nghiệp, các thành phần kinh tế đều được khuyến khích tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Việc giao đất, giao rừng cần được coi là nội dung cốt lõi trong quá trình xã hội hoá ngành lâm nghiệp.

Đổi mới chính sách giao đất giao rừng: Các thành phần kinh tế, hộ gia đình, cộng đồng thôn bản đều có thể được giao, thuê cả ba loại rừng kể cả rừng sản xuất là rừng tự nhiên trên cơ sở các chế tài chặt chẽ, rõ ràng. Với mục tiêu giải phóng sức sản xuất, cần giao, cho thuê đất lâm nghiệp cho các doanh nghiệp, hộ gia đình có năng lực sản xuất. Đối với các hộ khác, chỉ giao đủ diện tích đất để làm kinh tế hộ.

Sửa đổi chính sách tín dụng trong trồng rừng. Theo đó, người trồng rừng phải được nhận các khoản tài chính về những đóng góp của họ cho phòng hộ, tạo nguồn nước và môi trường.Trước mắt, có thể hỗ trợ giống cây ngắn ngày, tạo điều kiện thực hiện nông, lâm kết hợp, lấy ngắn nuôi dài; hỗ trợ đầu tư trồng rừng. Về chính sách hưởng lợi trong giao, khoán rừng cần đa dạng hoá nguồn thu nhập của người nhận đất, nhận rừng đối với từng loại rừng cụ thể như: tạo thu nhập trực tiếp từ rừng và đất rừng; nơi rừng và đất rừng chưa có khả năng sinh lợi có thể hỗ trợ để sản xuất nông, lâm kết hợp, hỗ trợ lương thực và trả tiền công giao khoán thoả đáng.

Rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất lâm nghiệp hiện nay kể cả các ban quản lý rừng để nắm chắc được quỹ đất hiện có, sớm đưa những diện tích đất bị bao chiếm, không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả cho những doanh nghiệp, hộ gia đình có năng lực sản xuất.

Về khoa học công nghệ: tập trung nghiên cứu để xác định được tập đoàn cây lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế có sức cạnh tranh với các loại cây nông nghiệp khác, nâng cao thu nhập người trồng rừng, giảm sức ép phá rừng để trồng cây nông nghiệp như hiện nay. Đối với công nghệ chế biến, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản, sơ chế nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng.

Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về lâm nghiệp thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó, hình thành cơ quan quản lý đủ mạnh ở Trung ương, giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai cơ quan phát triển và bảo vệ rừng với việc đặt hai cơ quan này vào một đầu mối quản lý thống nhất. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính gây ách tắc, phiền hà cho người hành nghề lâm nghiệp.

Nguồn: cpv.org.vn 18/7/2006

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.