Ghép dưa hấu trên gốc bầu phòng bệnh héo rũ
Gieo hạt bầu làm gốc ghép và hạt dưa làm ngọn ghép: Chọn hạt bầu (có thể dùng các loại bầu sao, bầu dài, bầu eo hoặc hạt bí ngô cũng được) gieo làm gốc ghép vì chúng sinh trưởng khoẻ. Ủ hạt bầu cho lên mầm rồi gieo vào bầu đất có kích thước 10 – 12 x 8 cm. Xếp các bầu gốc ghép nơi có nhiều ánh nắng, hàng ngày tưới nhẹ (vừa đủ ẩm) cho cây mọc đều, thân to, mập, khoẻ. Khi cây bầu có 2 lá mầm thì ngâm ủ hạt dưa rồi gieo tãi trên khay có chứa trấu sạch. Rải hạt dưa xong, phủ tiếp một lớp trấu mềm dày 2 – 3 cm rồi để vào chỗ tối cho nhanh nảy mầm. Khi thấy cây dưa bắt đầu xoè 2 lá mầm, cây bầu đã có 1 lá thật thì tiến hành ghép.
Cách ghép và chăm sóc: Dùng lưỡi dao lam sắc cắt bỏ ngọn cây bầu phía trên 2 lá màm, đồng thời cắt lấy ngọn dưa cách 2 lá mầm khoảng 1 cm về phía dưới. Dùng một chiếc ghim tre vót nhọn xiên vào ngọn cây bầu hoặc xiên chéo sát bên lá mầm khoảng 4 – 5 mm rồi cắm ngọn cây dưa vào. Đường kính cây ghim tre chỉ lớn hơn thân cây dưa một chút thì tỷ lệ ghép sống mới cao. Đặt các bầu cây đã ghép nơi kín gió, làm vòm che trong 2 – 3 ngày. Tưới nhẹ giữ đủ ấm cho ngọn dưa không bị héo. Khi cây dưa đã liền sẹo, đưa cây ra chỗ nắng cho đến khi có 2 – 3 lá thật thì đem trồng ra ruộng. Thời gian từ ngâm ủ hạt cho tới khi bầu dưa đạt tiêu chuẩn trồng khoảng 18 – 20 ngày. Chỉ nên ghép vào lúc trời mát, thỉnh thoảng nhúng dao, ghim vào dung dịch Benlat 1% để khử trùng, tránh nhiễm khuẩn và nấm bệnh cho cây.
Cách trồng: Lên luống rộng 2 m (đơn) hoặc 4,5 – 5 m (đôi), cao 30 – 35 cm, rãnh rộng 30 – 40 cm, mặt luống dốc thấp vào giữa (nếu là luống đôi) hoặc cao ở phía trồng cây, dốc thấp dần về phía ngọn dưa để tránh úng nước. Do cây dưa ghép sinh trưởng khoẻ, thân cây mập, lá to, nhiều dinh dưỡng nên trồng thưa hơn (khoảng 200 – 250 cây/sào Bắc Bộ = 360 m 2), mỗi cây nên để 2 – 3 thân, mỗi gốc nên để 2 trái sẽ cho năng suất và chất lượng cao hơn.
Nguồn: Kinh tế VAC, số 1, 25 – 6 – 2007, tr.25