Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 30/03/2012 17:07 (GMT+7)

Ghe bầu Phan Thiết

Tác giả Trần Văn An đã đưa ra 3 căn cứ để cho rằng ban đầu ghe thuyền Chămpa chịu ảnh hưởng của Mã Lai – Nam Đảo, sau đó quá trình đó được tiếp nối ở ghe thuyền Đại Việt ở đàng Trong. Đầu tiên là người Chămpa vốn giỏi về hàng hải, đã có giao lưu buôn bán tận Địa Trung Hải, Trung Cận Đông, Trung Hoa. Kế đến là cho đến đầu thế kỷ XX, các bến đậu của ghe bầu chỉ phân bố từ Cửa Lò vào đến những bến cảng lớn của vương quốc Chămpa trước đây. Ngoài ra còn lưu hành rộng rãi truyền thuyết về cặp vợ chồng người Chăm là Thầy Thím chuyên đóng ghe bầu cho người Việt. Và sự tương đồng về tên gọi của ghe bầu như: gay/ghe, nga lan/ ngà làn, càn làn… Đây cũng là một minh chứng cho mối giao lưu giữa văn hoá Việt – Chăm trên lĩnh vực văn hoá dân gian.

Trong kỹ thuật đóng ghe bầu, các thợ xảm ghe và thợ mộc của Mũi Né (1)(Phan Thiết) nổi tiếng đóng khéo và có trách nhiệm. Các ghe bầu của họ là khuôn mẫu cho thợ đóng ghe ở Hội An (Quảng Nam ) và Phổ An (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi). Ghe bầu Mũi Né có đặc điểm là sàn với mạn ghe ngang 40cm và lao về phía trước. Cùng với ghe mành của Quảng Bình và ghe của Phú Quốc, ghe bầu Mũi Né có sàn mang đặc trưng kiểu Việt. Vỏ ghe bầu ở đáy với một chỗ phẳng nhẹ để dễ dàng vào bờ. Ghe bầu Mũi Né có tải trọng 120 tấn, dài 30m, chiều ngang có thể lên đến 6m, chiều sâu 4m. Từ 80 năm nay, một vài ghe bầu đã đạt và vượt 300 tấn. Ghe bầu trọng tải lớn ngày nay không còn nữa.

Ghe bầu Phan Thiết có tải trọng 80-100 tấn được xếp là loại to, thậm chí chiếc lớn nhất đến 135 tấn, loại trung bình 70 – 80 tấn và loại nhỏ dưới 70 tấn. Những năm 1960-1967, ghe bầu được đóng ở đây có chiều dài 19m, chiều rộng 5m.

Một cách phân loại khác là dựa vào khối lượng hàng hoá chở được. Ghe loại 1 chở được 1.200 bao gạo chỉ xanh (1 bao nặng 100kg) hay 22.000 tĩn (2)nước mắm; loại 2 chở 1.000 bao gạo hay 18.000 tĩn nước mắm; loại 3 chở từ 500-600 bao gạo hay 9.000-10.000 tĩn nước mắm.

Ghe loại 1 dài 20m, chiều ngang 6m, đóng dưới hai dạng: dạng nan và dạng ván. Ghe bầu nan đóng bằng ván, lườn mê ghe bằng nan. Nhưng do mê nan không chịu nổi sức nặng của trọng tải nên người ta thay thế bằng ghe bầu ván.

Mỗi chiếc ghe bầu còn có 1 chiếc xuồng nhỏ chạy kéo theo để di chuyển gần, chở được 10 người.

Tại Mũi Né, ngư dân dùng ghe bầu đáy nan, được thiết kế thành 2 phần. Phần trên là lườn ván, hai lộng dọc ngang với những cây chèo, dầm lớn nhỏ làm bằng gỗ sao, chịu được nước mặn. Phần dưới chỉ gồm mỗi đáy dài và hẹp, đan bằng nan tre rồi sơn trước khi trét lớp dầu chai đặc biệt. Đây là chỗ đựng cá đánh bắt được, giữ cho cá tươi cho đến khi vào bờ.

Buồm ghe có 3 cột: 1 buồm lớn ở giữa, buồm mũi và buồm ưng ở sau. Buồm lớn gồm 1 cột cao 16m, có trục thượng để kéo ngạch buồm, 8 sợi dây chằng (2 sợi cột thang, 6 sợi để giằng cột chính). Trục hạ để cột buồm. Buồm mũi hình bình hành, không dây, lớn hơn buồm ưng với tỷ lệ 6/10. Buồm ưng cũng có hình bình hành, có tác dụng bọc gió để đẩy ghe đi nhanh thêm, có 1 sợi dây kéo buồm này.

Khoảng 500-600 khúc buồm được kết thành 3 cánh buồm của ghe bầu. Nếu trời nắng, 14 người may trong vòng 3 ngày mới xong. Còn nếu trời mưa thì phải mất đến 5-6 ngày vì buồm được may bằng sơ dừa nên thường se dúm lại. Cạnh buồm cũng may bằng sơ dừa.

Buồm sử dụng sản phẩm của nghề dệt đệm lá buông. Loại đặc sản này được phân bố tập trung ở Hàm Tân và một phần ở Đức Linh, Phan Thiết. Trước đây, ở khu vực giáp giới hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, dọc theo quốc lộ 1 có đến 11ha rừng lá buông. Rừng cây lá buông tập trung nhiều nhất ở các xã Tân Minh, Tân Lập, Tân Thắng thuộc huyện Hàm Tân. Riêng xã Tân Minh có 2.600ha. Nghề thủ công này đã tồn tại trên 2 thế kỷ ở Bình Thuận, tạo nguồn thu cho địa phương, kể cả có giá trị xuất khẩu. Đệm buôn được đông đảo ngư dân trong vùng sử dụng, cung cấp cho cả khu vực Nam Trung Bộ và Đông nam bộ.

Cột buồm duy nhất trên ghe bầu đóng bằng gỗ sao. Trên cao có vòng thau đút bù lon để keo. Có 2 sợi dây, 1 dây dọi to bằng bắp tay để kéo trục thượng lên cao nhất, 1 dây Nam Tào để kéo trục thượng lên. Để kéo trục thượng lên phải đấu dây dọi lên trước mũi thuyền kéo bằng con tán hay cây xoay. Trong con tán có 2 cây quay để kéo buồm lên.

Khi trời thuận gió, từ Phan Thiết vào đến Vũng Tàu, ghe bầu chạy chỉ mất một đêm hoặc nửa ngày, trung bình 18km/giờ. Gặp mùa gió ngược, khoảng đường đó đi mất ba ngày đêm. Nếu nước xuôi thì 2 ngày là đến cầu Ông Lãnh (Sài Gòn). Khi gặp nước ròng thì neo ghe lại. Dân ghe bầu Mũi Né rất thành thạo kỹ thuật chạy “vát” tức chạy xiên ngược gió.

Mỗi tháng ghe đi về được ba chuyến, mỗi chuyến 7 ngày. Có những chuyến mất cả 2 tháng, do mỗi nơi phải ghe lại từ 5 đến 10 ngày. Mỗi chiếc ghe bầu lớn thường do một thuyền trưởng điều khiển và giữ tay lái được gọi là “lái phụ”, cùng 13 lao động (thường gọi là “bạn”) được chủ ghe trả lương cố định. Một “tổng khậu” lo việc ăn uống, tiếp tế hàng ngày, số còn lại chia thành 6 phiên, mỗi phiên 2 người làm đủ mọi việc để ghe luôn luôn xuôi buồm thuận gió.

Ghe nhỏ thì có 9-10 người. Chủ ghe thường không đi theo ghe buôn. Độ tuổi của lái phụ là 50-60 tuổi. Còn các bạn đi ghe từ 20 tuổi trở lên. Tỷ lệ “ăn chia” là: lái phụ 10, phiên khống 8, bạn 7. Những khi rảnh rỗi sau những cuộc mua bán, khi vào Sài Gòn họ cũng tranh thủ đi coi hát bội, cải lương, xinê. Có người mê đánh bạc với các ghe chài miền Tây đến thua sạch túi. Ông Lê Mao đến nay vẫn còn nhớ (không đầy đủ) bài Vè lái vô do một người đi bán vải kể lại cho ông nghe, xin trích ra đây một đoạn:

… Hòm Rơm, Quán Thí thương thay

Ngang lao Mũi Né gác ngoài ra khơi

Phố Hài, Phan Thiết tách rời

Nam là tại Sảnh là nơi Quán Thùng

Hòn Lang, cửa Cạn bao xa

Lagi nằm đó, hòn Bà gần ghê

Nhắm chừng hồ Đắng thẳng luôn

Ngang cửa Chúa Hòn lại luôn hồ Tràm

Hồ Tràm đương bỏ Lưới Rê

Anh em thấy thúc thương nhau…

Phan Thiết là địa bàn tập trung ghe bầu đông nhất để vận chuyển nước mắm nổi tiếng một thời (3). Hầu hết các chủ hàm hộ (hộ làm nước mắm cá thể) ở đây đều sắm ghe bầu để vận chuyển nước mắm. Trước năm 1945, Công ty Liên Thành có 3 chiếc ghe bầu lớn mang tên Vị thuyền, Phan Thiết, Hải Thuyền trị giá mỗi chiếc hàng trăm nghìn đồng (4).Ghe bầu Phan Thiết mỗi chiếc chở được “muôn mốt”, “muôn hai” tĩn nước mắm (5). Mỗi tĩn sành chữa 3,7 lít, tính cả vỏ ruột khoảng 5kg. Đôi khi nước mắm được vận chuyển bằng các toa hàng của xe lửa vào Sài Gòn, nhưng chi phí cao hơn so với vận chuyển bằng ghe bầu. Mỗi toa đôi (wagon double) xe lửa chỉ chở được 2.000 tĩn nước mắm, bằng 1/10 sức chở của một ghe bầu, mà lại dễ bị xóc bể dọc đường. Khi từ Sài Gòn trở về, ghe bầu chở theo gạo, đường, vải và các thứ hàng hoá khác. Cũng có chuyến buôn thẳng ra các tỉnh miền Trung, đến tận các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Mỗi chuyến đi của họ kéo dài hàng 2-3 tháng, ra tận Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng. Sau thời thịnh hành của ghe bầu, nước mắm mới được chở bằng những ghe máy nhỏ, mỗi chiếc chở được 60-70 thùng phuy, mỗi thùng 200lít.

Nước mắm Phan Thiết được vận chuyển bằng đường ghe bầu đến chợ Ông Lãnh, xóm Các Lái (Sài Gòn), Lái Thiêu (Thủ Dầu Một), sông Tra (Bến Lức, Long An), Mỹ Tho, Gò Công, Gia Hoà, Gia Quới, Bình Đại (Bến Tre)… Ghe to đi mỗi chuyến từ 15-30 ngày.

Do có 3 chiếc ghe bầu, nên công ty Liên Thành được nhà cầm quyền cho quản suất hơn 100 chiếc ghe bầu chuyên chở gạo. Thập niên 1940, được xem là thời kỳ vàng son của ghe bầu Phan Thiết. Năm 1943-1944, gạo được ghe bầu của Liên Thành chở từ Nam kỳ ra Phan Thiết. Ghe chở gạo của công ty bị lính Nhật trưng dụng để chở than đá Nông Sơn (Quảng Nam ) vào cho nhà máy nhiệt điện Sài Gòn. Liên Thành cũng được phép chở trà theo một tỷ lệ nhất định. Một chiếc ghe bầu của công ty bị ném bom, phải chạy xuống cửa Tiểu (tỉnh Mỹ Tho) và bị chìm tại đó; thiệt hại đến 406.350 đồng, trong đó hàng hoá là 256.350 đồng. Chiếc thứ hai, cũng từ Đà Nẵng vào, chở hàng cho quân Nhật, có ghé Phan Thiết chở thêm 3.000 tĩn nước mắm. Chiếc này cập bến Sài Gòn không được, phải lánh nạn ở Ba Tri (tỉnh Bến Tre) và bị chìm tại đó, thiệt hại cả 100.000 đồng.

Ngoài nước mắm, một đặc sản nổi tiếng của Phan Thiết được trao đổi mua bán, các mặt hàng khác như muối, cá mặn, sàn vải, đậu phộng, heo sống, da thú các loại… được những chuyến ghe bầu chuyên chở vào Sài Gòn – Gia Định và đến tận Singapore buôn bán.

Thời Pháp thuộc, để cạnh tranh với hãng nước mắm Liên Thành danh tiếng, hãng Fontaine chuyên độc quyền nấu và bán rượu đế đã thành lập cơ sở chế biến nước mắm ở Hà Nội (đường Jean Dupuis) trước cổng có treo tấm bảng hiệu về hình “chiếc ghe bầu có buồm”.

Ghe bầu Phan Thiết được tiếp thu từ kỹ thuật đóng ghe của Mã Lai, Chămpa và có những sáng tạo riêng trong chế tác cũng như vận hành. Trải qua hơn 2 thế kỷ tồn tại, ghe bầu Phan Thiết đã đóng góp rất lớn vào việc giao thương cận duyên ở miền Trung Việt Nam, hình thành nên “con đường ghe bầu miền Trung”, có thể xem là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử hàng hải thế giới. Qua đó, nó cũng góp phần chuyển tải những giá trị văn hoá giữa các vùng miền trong cả nước trong điều kiện giao thông đường bộ chưa phát triển. Đây là một di sản văn hoá quý giá cần được đầu tư nghiên cứu và có thể tái tạo lại thành những giá trị văn hoá để phục vụ cuộc sống hiện đại. Ghe bầu miền Trung nói chung và ghe bầu Phan Thiết nói riêng cần có một vị thế xứng đáng trong lịch sử hàng hải Việt Nam .

Chú thích:

(1) Trước năm 1975, nơi đây gọi là bến Bờ Đê, xã Khánh Thiện, quận Hải Long, tỉnh Bình Thuận

(2) 1 tĩn = 3,7 lít. Ở về phía Nam Phan Thiết, có một địa danh là xóm Tĩn. Nghề làm tĩn Phan Thiết phát triển rất mạnh. Nơi đây có đủ chất đốt, đất sét và bùn non để làm tĩn.

(3) Năm 1922, công ty nước mắm Liên Thành giới thiệu sản phẩm nước mắm Phan Thiết tại Hội chợ đấu xảo quốc tế ở Massetll (Pháp). Năm 1930, sản lượng nước mắm của tỉnh Bình Thuận lên tới 40 triệu lít, đựng trong 13 triệu tĩn. Riêng trung tâm ngư nghiệp Phan Thiết chiếm 7/10 sản lượng.

(4) Năm 1916, hãng nước mắm Liên Thành đã lập trại đóng ghe bầu ở Hội An để làm phương tiện vận tải nước mắm và gạo.

(5) 1 muôn = 10.000 lít

Tài liệu tham khảo:

- Tô Quyên, Trần Ngọc Trác, Phan Minh Đạo (chủ biên), Địa chí Bình Thuận, Sở Văn hoá Thông tin Bình Thuận, 2006.

- P. Paris, Esquisse dune ethnog-raphie navale des pays Annamites, B.A.V.H, No4, Octobre-Décembre, 1942.

- J.B. Pietri, Voiliers d’Indochine, SILI, Sai Gon, 1949.

- Lê Hải Đăng, Nghề làm nước mắm ở Phan Thiết, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1,2004

- Nhiều tác giả, Văn hoá sông nước miền Trung, Nxb KHXH, 2006.

- Tô Quyên, Ghe bầu Phan Thiết và bài vè thủy trình Huế - Sài Gòn , Báo Sài gòn giải phóng, ngày 18-9-1994

- Hồ Tá Khanh, Thông sử Công ty Liên Thành, Boulogne, 1984.

- 100 năm thị xã Phan Thiết (1898-1998), Thị uỷ - HĐND- UBND-UBMTTQVN Thị xã Phan Thiết, 1998.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..
Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.
Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.