Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 05/11/2007 22:48 (GMT+7)

Định hướng phát triển cơ khí than - khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020

Tại chỉ thị số 26/CT-VP ngày 18 tháng 3 năm 2003 của Tổng Giám đốc TVN về phát triển cơ khí đã xác định “Phát triển cơ khí ngành than thành một ngành sản xuất vững mạch, có tốc độ tăng trưởng cao, có lãi trên cơ sở đẩy mạnh cơ khí chế tạo máy thành ngành chính bên cạnh việc hiện đại hoá cơ khí sửa chữa”. Trong giai đoạn 2005 - 2020, cơ khí được xác định là một ngành sản xuất chính trong chiến lược kinh doanh đa ngành của TKV. Yêu cầu đối với cơ khí ngành là phải nhanh chóng đẩy mạnh “cơ khí chế tạo” và hiện đại hoá “cơ khí sửa chữa” phục vụ sự phát triển ngành cũng như sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Giá trị sản xuất của cơ khí ngành dự kiến đạt khoảng 4.000 tỷ đồng vào năm 2010 và 6.500 tỷ đồng vào khoảng 2020.

I. Hiện trạng của cơ khí than – khoáng sản Việt Nam

1. Về cơ sở vật chất.

Cơ khí than đã được trang bị cơ sở vật chất để thực hiện “công nghệ sửa chữa”, thiết bị đã cũ. Để trở thành “cơ khí chế tạo” phải cải tạo, tăng cường thiết bị công nghệ mới, nâng cấp thiết bị công nghệ cũ và bố trí toàn bộ số thiết bị này theo dây chuyền sản xuất “cơ khí chế tạo”, đáp ứng quy hoạch phát triển.

2. Về sản phẩm

Sản phẩm cơ khí than hiện nay mới chủ yếu cung cấp cho sản xuất than, sản phẩm cung cấp cho các ngành khác còn chưa nhiều. Doanh thu 2005 hơn 815 tỷ đồng (sửa chữa » 200 tỷ đồng, chế tạo » 600 tỷ đồng). Muốn trở thành một ngành chính trong chiến lược kinh doanh đa ngành của TKV, cơ khí than buộc phải có sản phẩm mang thương hiệu của mình, đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Việc chọn phương án sản phẩm sẽ quyết định đến công nghệ sản xuất và đầu tư của mỗi đơn vị.

3. Về kĩ thuật - công nghệ sản xuất

Hiện nay đang thí điểm sửa chữa một số thiết bị theo đúng quy trình, quy phạm kĩ thuật nhưng tiến độ còn chậm và chất lượng chưa ổn định (do chuẩn bị sản xuất chưa tốt; chưa có đủ phụ tùng đúng yêu cầu, công nghệ phục hồi sửa chữa, chế tạo phụ tùng còn hạn chế…). Phương án sửa chữa cụm chưa được thực hiện triệt để. Đối với các thiết bị mới đầu tư thì chưa chuẩn bị tốt các quy trình sửa chữa, tiêu chuẩn kĩ thuật nghiệm thu, giao nhận trước và sau sửa chữa. Để thực hiện sự tăng trưởng như trên trong thời gian ngắn nhất, đòi hỏi phải có hàng chục ngàn tấn sản phẩm chế tạo với nhiều chủng loại. Muốn chế tạo các sản phẩm mới phải nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thử, khi sản phẩm đã ổn định mới có thể sản xuất đại trà. Công tác nghiên cứu triển khai, thiết kế, lập công nghệ chế tạo, chế tạo cần nhiều chuyên gia kĩ thuật và chi phí ban đầu. Về mặt này, hiện đang gặp khó khăn, nếu không được tăng cường lực lượng cán bộ kĩ thuật, phương tiện thực hiện và kinh phí, sẽ không thể có sự tăng trưởng về sản phẩm chế tạo như yêu cầu.

4. Về nguồn nhân lực

Hiện tại cơ khí than có gần 4500 CBCNV. Năng suất lao động còn thấp, năm 2005, chỉ đạt khoảng 180 triệu đồng/người/năm. Đang thiếu kỹ sư giỏi và công nhân có tay nghề cao. Bằng các biện pháp quản lý, kinh tế, kỹ thuật cần phải làm cho năng suất lao động tăng lên. Dự tính đến năm 2010, cơ khí ngành cần đến chục nghìn lao động.

5. Về thị trường

Năm 2003, doanh thu cơ khí ngoài than chiến 27% tổng doanh thu cơ khí than (khoảng 100 tỷ đồng). Đến năm 2010, cơ khí than cần khai thác khoảng 60% doanh thu từ thị trường ngoài ngành (hơn 2000 tỷ đồng). Trong 6 năm, cơ khí than cần chiếm lĩnh thị trường ngoài ngành với mức tăng hơn 20 lần so với hiện tại. Đây là điều không dễ dàng, cơ khí than cần chỉnh đốn tư thế để hội nhập vào đội ngũ các doanh nghiệp cơ khí cản nước trong cuộc chiến “thị trường”.

6. Về các lĩnh vực khác

- Cơ khí than hầu như chưa được hưởng ưu đãi từ các chính sách khuyến khích của Nhà nước, nay đã có cơ hội, chúng ta cần khai thác.

- Cần có biện pháp huy động các nguồn vốn (cổ phần hoá, liên kết…).

- Cần tăng cường sự phân công hợp tác sản xuất để tạo sức mạnh chung, tăng hiệu quả vốn đầu tư.

II. Mục tiêu của cơ khí than

1. Giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010

a) Đối với cơ khí chế tạo

- Cung cấp 58 - 63% nhu cầu phụ tùng của ngành than.

- Cung cấp 40 - 45% nhu cầu thiết bị bổ sung, thay thế của ngành than.

- Hoàn chỉnh dây chuyền lắp ráp xe tải dạng CKD, IKD phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hoá đến 40% vào năm 2006 và 60% vào năm 2010.

- Mỗi nhà máy phải có sản phẩm mang thương hiệu của mình.

- Sản phẩm chế tạo của cơ khí than chủ yếu tiêu thụ ở thị trường ngoài ngành và có xuất khẩu.

b) Đối với cơ khí sửa chữa

- Đảm bảo thực hiện 100% nhu cầu sửa chữa lớn thiết bị trong dây chuyền sản xuất than. Khai táhc 70 - 75% doanh thu sửa chữa từ thị trường ngoài ngành than.

- Hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, định hướng tiêu hao vật tư, phụ tùng, lao động cho sửa chữa (chú ý đến các thiết bị hiện đại mới được đầu tư).

- Đầu tư thiết bị, phương tiện cho công tác kiểm tra, thử nghiệm, nghiệm thu đối với chi tiết, cụm máy và tổng thành thiết bị.

- Xác định lại đơn giá sửa chữa trên cơ sở quy trình sửa chữa và tiêu chuẩn chất lượng khi xuất xưởng.

c) Công tác nghiên cứu, thiết kế, tư vấn về cơ khí

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thiết kế cơ khí, lấy Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ làm nòng cốt, đảm nhận chức năng tư vấn chính cho Tập đoàn và các công ty thành viên trong lĩnh vực phát triển cơ khí.

- Tổ chức phòng thiết kế, phòng công nghệ đủ mạnh ở các công ty cơ khí lớn.

- Tin học hoá công tác nghiên cứu, thiết kế, công nghệ và quản lý.

2. Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020

- Về chế tạo phụ tùng, thiết bị:

+ Đảm bảo chế tạo được 75 - 80% nhu cầy phụ tùng và 60% nhu cầu thiết bị khai thác lộ thiên, 80% nhu cầu thiết bị khai thác hầm lò.

+ Tạo thêm các sản phẩm cơ khí mang thương hiệu của từng nhà máy.

- Về công tác nghiênc ứu - thiết kế chế tạo. Trong giai đoạn 2011 - 2020, lực lượng thiết kế chế tạo cơ khí và công nghệ sản xuất phải hoạt động ổn định, có thể đảm nhận hầu hết khối lượng bản vẽ thiết kế - chế tạo các loại thiết bị khai thác, sàng tuyển, chế biến, vận tải than, quặng; tiếp nhận và làm chủ các công nghệ nhập ngoại, để có thể phổ biến, chuyển giao cho sản xuất.

III. Định hướng quy hoạch và chiến lược phát triển cơ khí than    

- Đưa cơ khí từ vị trí là một khâu phụ trợ trong dây chuyền sản xuất thành ngành chính, phát triển bền vững có tốc độ tăng trưởng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường, kinh doanh có lãi.

- Chuyển công nghệ sản xuất từ “cơ khí sửa chữa” thành “cơ khí chế tạo” bên cạnh “hiện đại hóa cơ khí sửa chữa”.

- Tăng cường chuyên môn hoá, hợp tác hoá trong các lĩnh vực chế tạo; nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực.

- Gắn nghiên cứu khoa học công nghệ với sản xuất, củng cố, đầu tư toàn diện cho nghiên cứu - thiết kế.

- Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ phải trở thành cơ quan tư vấn chính cho Tập đoàn và các công ty, nhà máy trong lĩnh vực phát triển cơ khí.

- Đưa công tác thiết kế chế tạo vào nề nếp phục vụ kịp thời cho sản xuất.

1. Về Sản phẩm

- Cơ khí ngành than từ nay đến năm 2010 phải phát triển, vươn lên trở thành một ngành chính của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam .

- Sau năm 2005 đảm nhận 100% công việc sửa chữa lớn thiết bị phục vụ sản xuất than.

- Chế tạo phụ tùng, phụ kiện thay thế vào năm 2006 đạt 43 - 45%, đến năm 2010 đạt 60 - 65% và năm 2020 đạt 75% nhu cầu phục vụ sản xuất ngành.

- Chế tạo thiết bị bổ sung năm 2006 đạt 29 - 32%, đến năm 2010 đạt 40 - 45% và năm 2020 đạt 60 - 65 % nhu cầu phục vụ sản xuất ngành.

- Phục vụ tốt chiến lược phát triển kinh doanh đa ngành của TKV trong các lĩnh vưc: sản xuất than, khoáng sản, sản xuất, lắp ráp xe tải nặng và xe chuyên dùng; phát triển các nhà máy nhiệt điện than, nhà máy xi măng và vật liệu xây dựng; đóng mới các phương tiện vận tải thuỷ tải trọng đến 15000 DWT…

2. Về thị trường

Phục vụ sản xuất của TKV; Mở rộng và phát triển đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, ngành điện, ngành sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng, ngành vận tải thuỷ, ngành thi công xây dựng công trình… Tiến đến xuất khẩu các mặt hàng có ưu thế được tín nhiệm về chất lượng.

3. Về thiết bị

Phát huy tối đa công suất, năng lực của các thiết bị hiện có, kết hợp bổ sung thêm các thiết bị còn thiếu về số lượng và chất lượng, tính năng. Bảo đảm sự đồng bộ trong dây chuyền sản xuất và yêu cầu của công nghệ.

4. Về công nghệ và kỹ thuật

Duy trì, phát huy các công nghệ truyền thống có hiệu quả cao trong sản xuất. Mạnh dạn đầu tư phát triển, phù hợp với tiến tình đổi mới công nghệ. Làm tốt công tác nghiên cứu, thiết kế, sản xuất thực nghiệm, chuyển giao công nghệ.

5. Về tổ chức, quản lý

- Giữ nguyên hệ thống tổ chức sản xuất như hiện nay, không mở rộng nhiệm vụ sửa chữa lớn đối với các xưởng cơ điện của các công ty sản xuất, khai thác và chế biến than. Phát triển hình thức phân công phục vụ sản xuất than, khoáng sản theo vùng và chuyên môn hoá theo khả năng truyền thống, thế mạnh của các nhà máy cơ khí phụ thuộc vào các công ty cơ khí độc lập của TKV. Tập trung phát triển các công ty cơ khí độc lập làm nòng cốt và mũi nhọn trong quá trình phát triển của cơ khí TKV, đồng thời đầu tư mở rộng các cơ sở mới trên địa bàn miền Trung và miền Nam .

- Củng cố và phát triển lực lượng nghiên cứu, thiết kế đủ mạnh, đáp ứng được chức năng tư vấn cho Tập đoàn, cho các công ty thành viên về cơ khí trong sửa chữa, thiết kế, chế tạo phụ tùng và thiết bị, trong cơ giới hoá khai thác và xây dựng mỏ, trong áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và kỹ thuật mới.

- Đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực cơ khí cho các đơn vị sản xuất và Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ.

- Mở rộng hợp tác với các trường đào tạo, các cơ quan nghiên cứu thiết kế và chế tạo, tổ chức trong và ngoài nước để tiếp nhận viện trợ khoa học công nghệ và kỹ thuật thiết kế, thiết bị, đào tạo nhân lực…

IV. Những giải pháp phát triển cơ khí ngành than - khoáng sản Việt Nam            

1. Giải pháp về thị trường

- Là một khâu trong dây chuyền sản xuất than - khoáng sản, sản phẩm cơ khí được các đơn vị thành viên TKV sử dụng theo sự điều hành của Tập đoàn TKV. Thị trường của cơ khí trong ngành cần được bảo vệ, không nhập khẩu hoặc mua ngoài những sản phẩm mà cơ khí ngành đã sản xuất được. Sử dụng triệt để năng lực dịch vụ, tư vấn cơ khí trong ngành.

- Cần ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật đối với những sản phẩm chính để ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị cơ khí trong sản xuất và ngăn chặn những sản phẩm không đảm bảo chất lượng từ bên ngoài ngành thâm nhập, lấn át hàng sản xuất trong ngành.

- Cần tích cực khai thác thị trường nội địa, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm. Để thực hiện mục tiêu này, cơ khí ngành cần khắc phục sự trì trệ trong tiếp thị, kém nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu thị trường và năng lực triển khai đơn hàng có khối lượng lớn hoặc có yếu tố nước ngoài, cơ khí ngành vươn tới các thị trường khu vực và thị trường thế giới.

2. Giải pháp về đầu tư

- Cần phân công chuyên môn hoá và hợp tác sản xuất trong nội bộ cơ khí ngành để tận dụng các công nghệ và thiết bị sẵn có nhằm giảm chi phí đầu tư mới và tránh đầu tư trùng lặp.

- Ở từng đơn vị cơ khí cần có phương án bố trí lại mặt bằng công nghệ cho phù hợp với quá trình phát triển sản xuất theo qui hoạch, năng lực sản xuất sẽ tăng lên đáng kể so với thiết kế cũ.

- Cần lựa chọn, cải tạo nâng cấp một số máy cho phù hợp để tận dụng năng lực có sẵn.

- Đầu tư cải tạo mở rộng và đầu tư mới từng bước, có trọng điểm, đầu tư dứt điểm từng dự án. Đưa dự án nhanh vào sản xuất. Những khâu công nghệ cơ bản, quyết định chất lượng sản phẩm cần năng suất cao: cần đầu tư thiết bị hiện đại sử dụng công nghệ CNC, PLC… Nếu tính bình quân đầu người giá trị tài sản cố định còn lại cho 01 lao động cơ khí than đầu năm 2004 chỉ khoảng 20 triệu đồng, là rất thấp so với cơ khí cả nước và thấp hơn nhiều lần chi phí đầu tư mới để tạo 01 chỗ làm việc mới cho cơ khí. Như vậy, việc đầu tư bổ sung để khai thác năng lực sẵn có của cơ khí than là cần thiết, khả thi và có hiệu quả.

- Đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu triển khai (R & D) về cơ khí.

3. Giải pháp về khoa học công nghệ

- Cần ban hành tiêu chuẩn ngành về chất lượng các sản phẩm cơ khí chủ yếu.

- Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, tạo quan hệ gắn bó thường xuyên giữa Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ với các đơn vị sản xuất cơ khí và giữa các đơn vị sản xuất cơ khí với nhau.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm thay thế nhập ngoại. Tin học hoá công tác thiết kế, lập qui trình công nghệ và quản lý kỹ thuật.

- Tạo “thói quen” khi đưa vào chế tạo sản phẩm nhất thiết phải có bản vẽ thiết kế và qui trình công nghệ chế tạo, kiểm tra, nghiệm thu chạy thử, hoàn chỉnh. Bản thiết kế phải được tiêu chuẩn hoá trong toàn ngành, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, vận hành sửa chữa và chế tạo.

- Thực hiện bảo vệ bản quyền và sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm cơ khí.

4. Giải pháp về nguồn nhân lực

- Có cơ chế thu hút lực lượng kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề cho cơ khí than.

- Đào tạo và đào tạo lại nghề cho công nhân, đặc biệt là ở những khâu sản xuất trọng yếu có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm.

- Cử cán bộ có năng lực đi học tập ở nước ngoài để tiếp cận với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến.

5. Giải pháp về quản lý           

- Tập đoàn thực hiện việc điều tiết cung cầu trong nội bộ ngành đối với sản phẩm cơ khí nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích của đơn vị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

- Xây dựng cơ chế hợp tác trong nội bộ cơ khí ngành để tận dụng năng lực sẵn có và tạo sức mạnh chung khi vươn ra thị trường bên ngoài.

- Trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm, Tập đoàn ban hành giá hợp lý, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và lợi ích của bên sản xuất cũng như bên tiêu thụ.

- Tập đoàn TKV có bộ phận quản lý, hỗ trợ phát triển sản xuất cơ khí (cả về thị trường, đầu tư…).

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.