Dập lửa khi có cháy rừng
Bà con có thể sử dụng một số dụng cụ thông thường nhừ cây tươi tại chỗ, cuốc, xẻng lấp đất vào chỗ cháy để dập lửa. Ngoài ra, có thể dùng dao chặt cây tạo đường băng bao vây lửa không cho lây lan. Nếu gần nguồn nước, dùng máy bơm nước để khống chế ngọn lửa.
Kỹ thuật dập lửa
Chữa cháy trực tiếp được dùng cho các đám cháy vừa và nhỏ hoặc nơi gần nguồn nước bằng cách dùng các dụng cụ thông thuờng dập trực tiếp hoặc bơm nước vào nguồn lửa theo hướng lửa có nguy cơ lây lan cao để khống chế ngọn lửa.
Cách dập: Triển khai đội hình bao vây đám cháy, tập trung người vào hướng gió lây lan để chặn đứng ngọn lửa. Dùng các dụng cụ như nhánh cây, thân cây chuối, cào, ống thụt nước, hoặc máy móc để đập liên tục vào đám cháy từ nhiều phía, nhằm mục đích là để tách rời đám cháy, làm phân tán sức nóng, giảm bớt khả năng sấy khô những vật liệu cháy lân cận, và tiêu diệt dần đến khi nó tắt hẳn.
Chữa cháy gián tiếp được sử dụng khi đám cháy lớn bằng cách:
- Tạo đường băng trắng bao gây ngọn lửa (cho rừng non, rừng thứ sinh và cây bụi): chặt cây tạo băng trắng cho đám cháy rộng từ 15-20m và to dần theo hướng gió. Đảm bảo khi công việc hoàn tất thì đám cháy mới lan đến gần. Cần lợi dụng địa hình sông, suối và đường mòn để làm đường vây lửa.
- Giới hạn đám cháy bằng cách đốt trước (cho rừng trồng lớn tuổi, rừng tự nhiên mật độ dầy): Cách đám cháy không xa, bao vây lửa bằng một đường băng trắng quanh đám cháy rộng từ 15 - 20m. Trên đường băng dọn sạch các vật liệu gây cháy. Đốt từng đoạn vật liệu cháy được vun vào phía trong giáp đám cháy, sao cho lửa không lan ra ngoài (biện pháp đốt ngược chiều với đám cháy). Đốt xong cần có người túc trực dập lửa phòng khi có gió và lửa cháy lan tới.
Chữa cháy song song được áp dụng khi xảy ra đám cháy vừa phải:
Bố trí đội hình chữa cháy, đứng lùi về phía trước, song song với hướng của đám cháy đang lan đến với một khoảng cách mà sức nóng của đám cháy không gây ảnh hưởng đến những người chữa cháy. Thực hiện biện pháp phát dọn băng trắng ngăn cản lửa ngay phía trước đầu hướng gió (độ rộng của đường băng phụ thuộc vào cường độ của đám cháy và tốc độ gió). Sau đó, tiến hành đốt cho cháy phần cành nhánh, cỏ, cây bụi ở phía bên hướng có đám cháy đang lây lan đến. Đồng thời, ở hai bên đám cháy, cần cũng bố trí đội hình chữa cháy nhằm khống chế không cho lan ra những vùng lân cận.
Nguồn: KH&ĐS Chuyên đề NTDTTS&MN Số 4 24/11/2006