'Đại tướng Võ Nguyên Giáp trăn trở nỗi nhục nghèo hèn'
- Cơ duyên nào đưa ông đến với đại tướng Võ Nguyên Giáp?
- Lần đầu tiên tôi gặp ông cách đây hơn 20 năm, khi ông chuẩn bị cho chuyến thăm Ấn Độ và sẽ có bài phát biểu về Bác Hồ. Ông đề nghị cử một cán bộ của Viện Khoa học Xã hội sang giúp việc. Tôi khi đó là Phó viện trưởng Viện Sử học được giao nhiệm vụ này. Những phần tôi chuẩn bị ông đọc kỹ, nhưng chắc chẳng giúp được bao nhiêu. Mặc dù vậy, ông luôn động viên bằng lời khen và góp ý chân tình. Điều tôi đúc rút là ông không những có tầm vóc lớn mà trong hành xử luôn tôn trọng người làm việc với mình dù đó chỉ là cán bộ bình thường như tôi.
Kể từ khi Hội Sử học Việt Nam khôi phục hoạt động (năm 1988), tôi được bầu làm Tổng thư ký, đại tướng được tôn vinh là Chủ tịch danh dự cùng với giáo sư Trần Văn Giàu, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với đại tướng hơn. Ông nhận làm Chủ tịch danh dự và thực hiện cương vị đó rất nghiêm túc. Mọi công việc của Hội ông đều tham dự và có ý kiến đóng góp. Mỗi khi quan tâm vấn đề gì liên quan tới lịch sử ông đều mời các nhà nhà sử học đến trao đổi.
Những năm sau này, ông càng dành nhiều thời gian để viết những công trình có giá trị sử học thực thụ. Đó là những bộ hồi ức, những tổng kết về lịch sử chiến tranh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bài phát biểu sâu sắc về nhân vật hoặc sư kiện lịch sử. Với những công trình này, Võ Nguyên Giáp xứng đáng là nhà sử học hiện đại hàng đầu, xứng đáng có một giải thưởng cao nhất của nhà nước đối với một nhà khoa học xã hội, nhân văn.
- Nhiều năm được tiếp xúc với đại tướng, kỷ niệm nào khiến ông không thể quên?
- Từ những mối liên hệ về nghề nghiêp và tình cảm, tôi còn may mắn nhiều lần được ông bố trí cho phép tham dự các sự kiện đặc biệt, như hai lần gặp ông Mc Nammara (1995, 1997) hay lần ông và gia đình tiếp con trai cố tổng thống Mỹ Kennedy tại nhà riêng vào năm 1998. Có cơ hội gần gũi nên tôi quan sát được đời sống, các mối quan hệ của ông.
Ông rất gần gũi và quan tâm đến nguyện vọng của người dân bình thường, nhất là cựu chiến binh. Một lần tôi đang làm việc với đại tướng thì có cựu chiến binh từ Quảng Bình ra thăm lăng Bác và hỏi thăm đến nhà đại tướng. Bảo vệ ngoài cửa ban đầu e ngại, nhưng hình như thành tập quán, cánh cửa nhà đại tướng luôn rộng mở đối với các cựu chiến binh nên cuối cùng ông cũng vào được tận nơi chúng tôi đang làm việc. Người lính già rất vui vì thực hiện được ước mơ của mình, còn đại tướng thì sẵn lòng tiếp chuyện như người từng quen biết.
Chúng tôi đã chụp ảnh (tấm ảnh này sau đó lên bìa tạp chí Xưa và Nay ) và tôi gửi số báo tặng người cựu binh thì được ông hồi âm với lời cảm ơn vì nhờ đó bà con mới tin rằng ông ra Hà Nội, được đại tướng tiếp. Ông coi đó là vinh dự cũng như phần thưởng lớn nhất của mình.
- Không qua một trường đào tạo quân sự nào nhưng đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến cả thế giới phải nể phục trước tài cầm quân kiệt xuất. Ông giải mã thế nào về hiện tượng này?
- Sự học ở nhà trường rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Quan trọng là học trên đường đời, học trong thực tiễn cách mạng. Ngay với Bác Hồ, chủ nghĩa Mác Lênin chỉ được coi như một nguyên lý hướng tới, mục tiêu hành động. Vấn đề quan trọng hơn là phải biết sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn.
Riêng với Võ Nguyên Giáp, ông có một tấm bằng cử nhân luật, lĩnh vực tri thức rất quan trọng đối với một nhà hoạt động chính trị. Năm 1944, khi giao trách nhiệm thành lập lực lượng vũ trang đầu tiên cho cách mạng, Bác Hồ nhấn mạnh đến nhân tố “chính trị” trong hoạt động vũ trang. Đơn vị này mang tên Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là vì thế.
Nhưng khi đã giành được chính quyền, chức Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên lại được trao cho Chu Văn Tấn rồi Phan Anh, còn Võ Nguyên Giáp chỉ phụ trách công tác quân sự bên cơ quan chính trị là Ủy viên Quân sự Hội. Sở trường của một cử nhân luật được dành cho trọng trách Bộ trưởng Nội vụ, lúc này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong xây dựng Nhà nước.
Chỉ đến lúc nguy cơ chiến tranh không tránh khỏi thì Chủ tịch Hồ Chí Minh mới quyết định từng bước giao phó cho Võ Nguyên Giáp chức vụ quan trọng hàng đầu là Tổng Tư lệnh Quân đội. Có một sự thật là nhiều vị tướng lĩnh rất nhà nghề, được đào tạo rất chính quy từ các học viện quân sự nổi tiếng của phương Tây lại vẫn thua ở Việt Nam. Đơn giản vì ở các trường đó họ không học cái học thuyết đã đánh thắng họ là chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích. Học thuyết này lại được sáng tạo không ngừng trên thực tiễn chiến trường Việt Nam.
Sự sáng tạo của nhân dân là thiên biến vạn hoá, hoàn toàn khác với tri thức kinh viện của phương Tây. Khi trả lời cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Nammara về sự cơ động nhờ những khí tài hiện đại của quân đội Mỹ thì đại tướng nói: "Không có sự cơ động nào nhanh bằng, hiệu quả bằng ở đâu trên đất nước này cũng có lực lượng chờ sẵn đối phương. Đó là tính cơ động tuyệt đối của chiến tranh nhân dân".
- Ngoài học ở thực tiễn, theo ông còn những phẩm chất nào khác ở tướng Giáp tạo nên một Tổng tư lệnh bách chiến bách thắng?
- Tôi cho rằng ông còn có phẩm chất rất cần thiết ở một người cầm quân đánh giặc ngoại xâm, đó là tư chất của nhà sử học. Có một chi tiết mà hồi ức của đại tướng và nhiều vị khách kể lại rằng, khi chiến tranh có khả năng bùng nổ, một trong các yêu cầu của Bác Hồ là tìm một cuốn sách lịch sử Việt Nam do người Việt viết để các cán bộ lãnh đạo đọc. Lúc đó duy nhất có cuốn “Việt Nam Sử lược” của ông Trần Trọng Kim, từng là người đứng đầu chính phủ thân Nhật vừa bị đánh đổ. Nhưng ông Kim lại là học giả xuất sắc, cuốn sách của ông ghi lại kinh nghiệm cha ông đánh giặc. Bác bảo phải đọc cuốn này vì kiến thức đó không thể tìm ở nhà trường hay bất cứ đâu trên thế giới mà tìm ngay ở bản lĩnh của dân tộc đã được đúc kết trong lịch sử.
Là Chủ tịch danh dự của Hội Sử học VN, đại tướng thường xuyên lắng nghe các nhà sử học. Trong tấm ảnh chụp năm 1998 là giáo sư Phan Huy Lê (ngồi cạnh đại tướng) và nhà sử học Dương Trung Quốc (bìa phải). Ảnh: Trần Tuấn. |
Cũng cần nói đến cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đã tin cậy, Bác giao toàn quyền chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ cho đại tướng. Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo các chiến trường phối hợp cùng với công tác hậu cần và ngoại giao. Nhờ đó đại tướng có thể tự mình quyết định những vấn đề sống còn của trận chiến với tinh thần trách nhiệm cá nhân cao nhất.
Nhưng với tư cách là người có quyền quyết định tối cao của chiến dịch, đại tướng lại cũng là người biết lắng nghe, phát huy dân chủ. Chính nhờ ý kiến (nay ta gọi là phản biện) của một vị tướng khi đi thị sát thực địa phát hiện nếu bố trí pháo như vậy sẽ bị đối phương gây tổn thất nặng, vì thế đại tướng quyết định bố trí lại trận địa, kéo pháo ra sau khi vô cùng vất vả mới đưa được pháo vào trận địa. Rồi khi cần thì tự mình quyết định cách đánh để giành chiến thắng...
- Không chỉ thế hệ trước mà lớp thanh niên hiện nay, những người sinh ra sau chiến tranh vẫn dành cho đại tướng sự yêu mến, ngưỡng mộ. Theo ông, điều gì đã xóa bỏ khoảng cách thế hệ để các bạn trẻ có được tình cảm đó?
- Tôi cho có nhiều yếu tố. Trước hết, đại tướng là người gần gũi Chủ tịch Hồ Chí Minh và có mặt ở những khúc quanh lịch sử quan trọng nhất. Lúc Chính phủ lâm thời vừa thành lập sau Cách mạng tháng Tám, ông là Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên, là nhân vật quan trọng số một trong xây dựng nhà nước mới. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông là tổng tư lệnh, chỉ huy trực tiếp chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước với cương vị Bộ trưởng Quốc phòng...
Sau những đóng góp to lớn thì ông lại trở về với công việc hết sức bình thường, giản dị. Đã có lần tôi mạnh dạn hỏi việc ông từng đảm nhận chức Phó thủ tướng chỉ đạo công tác kế hoạch hoá gia đình, trả lời tôi ông nói rất đơn giản: “Kế hoách hoá gia đình cũng như vấn đề dân số là rất quan trọng với cả toàn thế giới chứ không riêng mình. Nhiều nước thủ tướng phụ trách việc này. Hồi đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng bận nhiều việc nên vừa là phân công vừa là nhờ cậy tôi đảm nhận. Mà đã là nhiệm vụ thì nhiệm vụ nào cũng vượt qua như truyền thống của bộ đội cụ Hồ”. Đại tướng nói với một nụ cười ý nhị.
Những năm gần đây, khi tuổi đã rất cao, ông vẫn có tiếng nói tới những quyết sách lớn của nhà nước, vẫn tận tâm theo dõi thời cuộc, vẫn gọi anh em trong giới sử học lên trao đổi cho đến khi sức khoẻ không cho phép. Tác phong của ông luôn giản dị, gần gũi. Hơn thế, ông để lại cho đời sau nhiều pho sách có giá trị, điều mà không phải ai làm lãnh đạo cũng làm được. Tôi cho đó là những yếu tố khiến không chỉ các thế hệ cha anh mà thanh thiếu niên ngày nay, và sau này nữa vẫn rất yêu mến, ngưỡng mộ đại tướng.
- Trên cương vị một sử gia, đại tướng thể hiện cách nhìn như thế nào về lịch sử và sự phát triển của đất nước?
- Có lần ông phát biểu tại diễn đàn của Hội Sử học rằng khi còn trẻ, ông cũng như nhiều thanh niên đương thời mỗi lần đi ngang qua vết đạn đại bác khoét trên mặt thành Cửa Bắc thì lại thấy sâu sắc hơn nỗi nhục mất nước chứ không phải như cái tấm biển thực dân gắn cạnh đó để biểu dương sức mạnh của kẻ đi chinh phục. Ông nói rằng vì nghĩ đến mối nhục ấy mà thế hệ của ông phấn đấu làm cách mạng để rửa mối nhục giành độc lập, tự do.
Rồi ông liên hệ rằng, ngày nay, nếu hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông hay viết những dữ kiện, con số đáng suy nghĩ như trình độ nước ta xếp hạng như thế nào so với các quốc gia trên thế giới, viết về những tồn tại không đáng có... để thấy được mối nhục nghèo hèn và những hạn chế, từ đó chung sức chung lòng phấn đấu thì cũng là một cách làm hữu ích... Lịch sử không chỉ biểu dương những cái tốt đẹp, vẻ vang mà phải tạo ra động lực để phát huy cái tốt đẹp, vẻ vang ấy bằng sự tự thay đổi chính mình cũng như dân tộc mình.
- Sử học thường đánh giá mỗi sự kiện, nhân vật ở nhiều chiều. Có đánh giá nào trái chiều về đại tướng, thưa ông?
- Có thể có tuỳ theo góc nhìn, hơn nữa mọi cái đều phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể cũng như sự nhận thức về hiện thực lịch sử của mỗi thời. Vả lại không bao giờ có cái gì toàn bích tuyệt đối cả. Nhưng theo tôi, có được một sự nghiệp căn bản trọn vẹn như đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là “cổ lai hy”. Ông không chỉ được trời cho tuổi tác (nhưng cũng là sự rèn luyện về thể chất và tinh thần rất kiên trì) mà bản thân ông rất lạc quan trong bất kỳ tình huống nào trên đường đời cách mạng cũng như đời sống thường ngày. Gần ông sẽ cảm nhận được và tiếp thụ được cái phẩm chất ấy.
Gần đây tôi sưu tập được 3 bộ sách lớn xuất bản ở Mỹ và Anh (xuất bản năm 2008, 2009, 2010) tuyển chọn các tướng lĩnh, nhà chiến lược quân sự lừng danh nhất trong mọi thời đại... thì cả 3 cuốn dù có những tiêu chí khác nhau nhưng đều có đề mục viết về đại tướng Võ Nguyên Giáp với số trang, vị trí và lời lẽ đặc biệt kính nể.