Chuyển đổi số và sứ mệnh của “Thủ lĩnh”!
Tại Việt Nam, kể từ khi Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia (vào năm 2020) đã có nhiều bộ/ngành, doanh nghiệp bắt tay vào xây dựng kế hoạch CĐS cho đơn vị mình. Như vậy, vai trò của người đứng đầu quyết định phần nhiều đến thành bại của công cuộc chuyển đổi số tạicơ quan nơi họ đang đóng vai trò “Thủ lĩnh”.
Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã, đang khẩn trương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số đáp ứng các mục tiêu của Quyết định 749.
Diễn đàn Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững vừa được Bộ KHCN tổ chức tháng 9/2023
Thực tế của chuyển đổi số hiện nay
Hiện nay nhiều tỉnh thành, cơ quan, doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình chuyển đổi số, ban hành kế hoạch chuyển đổi số. Điều đáng mừng là lãnh đạo một số các cơ quan này đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội và đã phân công lãnh đạo chủ chốt tham gia Ban chỉ đạo, mời các chuyên gia có uy tín tham gia các hội đồng tư vấn, mời các đơn vị mạnh về công nghệ và tài chính hỗ trợ.
Nhiều bộ, ngành và địa phương cũng đã tích cực triển khai xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến, một số bộ và tỉnh đã thông báo 100% dịch vụ công đạt mức độ 4, điều này cho thấy khả năng đạt được mục tiêu về chính quyền số, chính phủ số là hiện hữu.
Tuy nhiên, mảng chuyển đổi số doanh nghiệp hiện nay còn rất chậm, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo. Nguyên nhân là các doanh nghiệp sản xuất phần nhiều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn lực tài chính và con người cho chuyển đổi số, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu số cho doanh nghiệp và chưa có sự hỗ trợ của các chuyên gia về công nghệ và quản trị. Điều này ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu của kinh tế số, vì trụ cột của kinh tế số chính là các doanh nghiệp đã chuyển đổi số.
Trong các lĩnh vực của xã hội số, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay có lẽ chuyển đổi số trong giáo dục và y tế. Đây là 2 ngành có ảnh hưởng lớn nhất đối với đời sống xã hội, thu hút nguồn nhân lực và tài chính lớn nhất của xã hội, nhưng còn khálúng túng trong chuyển đổi số , bộc lộ sự yếu kém trong chuyển đổi số của giáo dục và y tế khi phải chuyển trạng thái, nếu không chuyển đổi số kịp thời sẽ làm giảm chất lượng dịch vụ và có hậu quả nặng nề.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia, đề án chuyển đổi số của nhiều địa phương vẫn chưa thoát khỏi sự rập khuôn, xây dựng theo cơ cấu của quyết định 749, kể cả một số mục tiêu cũng đặt ra theo Quyết định 749 chứ chưa căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương mình. Thêm nữa, các địa phương chưa đưa ra được giải pháp mang tính đột phá cho chuyển đổi số dựa trên đánh giá một cách khoa học về tiềm năng và lợi thế của địa phương mình. Đồng thời cũng còn lúng túng trong việc xác định lĩnh vực chính cần ưu tiên chuyển đổi số.
Nền báo chí Cách mạng rất cần thay đổi cách nhìn về chính mình trong chuyển đổi số. Phải hướng tới là một tổ hợp đa phương tiện; đa nền tảng; đa thiết bị; đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa nguồn thu; và xây dựng tòa soạn hội tụ thực chất.
Sứ mệnh của Thủ lĩnh” trong chuyển đổi số
Có thể khẳng định vai trò của người đứng đầu bao giờ cũng là yếu tố hết sức quan trọng, đôi khi là vai trò quyết định trong một cuộc cách mạng. Thành công của mọi cuộc cách mạng đều gắn liền với vai trò của người đứng đầu, hay chúng ta thường gọi là thủ lĩnh, mà chuyển đổi số cũng là một cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng về trí tuệ. Nếu không có người đứng đầu đủ bản lĩnh, trí tuệ và tập hợp được những người giỏi nhất thì không thể có sự thành công của các quốc gia mới công nghiệp hóa (NIC) như Hàn Quốc, Singapore,…
Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mà cốt lõi là chuyển đổi số cần một thời gian đủ dài để đạt được những mục tiêu vĩ đại của nó. Điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa, có ý chí và theo đuổi đến cùng mục tiêu của mình. Nếu thế hệ lãnh đạo sau không tiếp tục được tư duy và nhận thức của thế hệ trước, rất có thể công cuộc CĐS sẽ bị buông rơi giữa chừng và đất nước sẽ không bắt kịp con tàu 4.0 cùng thế giới.
Nói về người đứng đầu trong chuyển đổi số, cần phải có 4 tố chất chính: Người đứng đầu phải có tầm nhìn, nhận thức được vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của địa phương, của quốc gia. Người đó cần có kiến thức đủ rộng về chuyển đổi số. Tất nhiên không phải là một chuyên gia có kiến thức chuyên môn sâu về chuyển đổi số, không nhất thiết phải biết hết mọi cộng nghệ hiện nay ra sao, nhưng ít nhât nội hàm của chuyển đổi số cần phải nắm được. Người đứng đầu phải biết cần làm gì để thúc đẩy chuyển đổi số ở địa phương mình, phải bắt đầu từ đâu, sử dụng quyền lực, nguồn lực của mình như thế nào?
Người đứng đầu phải tập trung được quyền lực trong tay mình, cùng với tập thể lãnh đạo, với địa phương thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Nếu như không có đủ quyền lực và ý chí để theo đuổi mục tiêu đó thì chắc chắn khó thành công.
Người đứng đầu phải biết dùng người, tập hợp được những người tâm huyết nhất, những chuyên gia giỏi nhất của địa phương, của tổ chức mình để xây dựng chương trình chuyển đổi số một cách khoa học nhất, khả thi nhất.
Người đứng đầu phải dám chấp nhận thách thức, mạo hiểm. Bởi chuyển đổi số là cuộc cách mạng, khả năng thành công và khả năng thất bại là 50/50. Nếu chúng ta có quyết tâm, có người lãnh đạo đủ tầm, có nguồn lực thì tỷ lệ thành công cao hơn. Nhưng không ai khẳng định được nó có thành công 100% hay không. Do đó người đứng đầu phải chấp nhận thách thức, gần như là người bảo lãnh về mặt chính trị cho những người được giao nhiệm vụ thực hiện chủ trương chuyển đổi số của địa phương mình. Trong chừng mực nào đó còn phải chấp nhận hy sinh cả quyền lợi chính trị.
Trong quan niệm của mỗi chúng ta, người đứng đầu phải là người giữ vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị hoặc hệ thống hành chính của một địa phương, một cơ quan. Tuy nhiên, chuyển đổi số là vấn đề quan trọng nhất của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Không ai có thể dự báo được khi nào chúng ta hoàn thành được chương trình chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, đòi hỏi người lãnh đạo quản lý phải đồng hành với chương trình này với thời gian đủ dài. Tuy nhiên trong hệ thống của chúng ta hiện nay thì có thể nói đây cũng là điểm thách thức, trong gian đoạn hiện nay có những biến động trong công tác tổ chức và cán bộ cho nên khái niệm người đứng đầu trong chuyển đổi số có thể lại phải hiểu theo xu hướng mang tính tượng trưng – vị trí của người đứng đầu chứ không hẳn là một con người cụ thể.
Khi chúng ta đã chọn đúng người, giao đúng việc thì người đứng đầu phải tin tưởng những người mình đã lựa chọn, những người mình giao việc. Trong một chừng mực nào đó, giao quyền lực cho người được giao thực hiện những nội dung lớn của chương trình chuyển đổi số. Những người đó có thể là người trong bộ máy của chính quyền,nhưng cũng có thể là chuyên gia được mời hoặc thuê từ các tổ chức trong nước và quốc tế để họ giúp cho địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của mình. Họ chỉ có thể làm việc tốt khi họ được tôn trọng, được giao quyền lực đầy đủ và được tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình thực hiện nhiệm vụ,và khi ấy công cuộc chuyển đổi số của chúng ta nhất định sẽ sớm thành công.