Chủ nhân ấn đồng năm 1802?
Năm 1992, trong quá trình tiếp xúc với một số cổ vật ở cố đô Huế, chúng tôi đã may mắn bắt gặp và nhượng lại một chiếc ấn lớn của một vị tướng được đúc vào thời Gia Long.
Ấn được đúc bằng đồng thau. Hình thể quả ấn gồm 2 phần:
Phần núm đúc hình con kỳ lân, miệng ngậm hạt châu, đầu to ngẩng cao, thân tròn, đuôi đài vượt quá phần thân. Hai bên hông từ chân đến lưng có 4 dải trang trí đao lửa đúc nổi; sống lưng chạm vân thủy ba. Dáng nét tinh xảo, bề thế. Toàn bộ chiều cao của núm ấn (con lân) và thân ấn là 7,2cm.
![]() |
Mặt dấu của ấn hình vuông có kích thước 9,25 x 9,25cm. Bốn chữ triện xếp theo hai hàng, nét khắc sâu đậm. Nét nổi và nét khắc rất đều và cân xứng nhau, mỗi nét rộng 0,025cm. Đó là 4 chữ “Tả quân chi ấn”.
Với chất liệu, hình dáng, kích thước như đã miêu tả, theo chúng tôi, đây là một loại hình hiện vật hiếm gặp, cần thiết không chỉ đối với người nghiên cứu văn hóa, quan chế thời Nguyễn mà cả với các bộ sưu tập trong bảo tàng. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu khác nhau, chúng tôi thấy chiếc ấn này có mấy điểm đáng lưu ý sau:
Về kỹ thuật chế tạo và kiểu dáng trang trí
Dù chưa được tận mắt thấy hết các loại ấn triều Nguyễn nói chung và thời Gia Long nói riêng, nhưng quan sát chiếc ấn, chúng tôi không khỏi khâm phục và thích thú về trình độ kỹ thuật chế tạo nó. Thân ấn có bề mặt bóng mịn, không hề có một lỗi kỹ thuật. Nét chữ chân khắc trên thân khảm bạc có bị bóc đôi chỗ nhưng vẫn còn sáng rõ. Điểm đặc biệt trong kỹ thuật và kiểu dáng là ở núm ấn và mặt ấn.
Núm ấn thì đầu và thân lân có hoa văn trang trí vân thủy ba, đao lửa và khắc vạch, cũng như các bộ phận của đầu lân rất sắc nét, kỳ công đến từng chi tiết nhỏ. Chúng đạt đến độ tinh xảo cao nhất, tạo ra sự bề thế, uy nghi, dũng mãnh của con kỳ lân đứng trên bệ đồng vững chãi.
Mặt ấn chữ triện rất đều và cân phân trong từng nét khắc. Trong trang bìa ba một bài viết của tác giả Nguyễn Công Việt có in dấu đóng ấn của Tả quân Lê Văn Duyệt bên cạnh dấu của Tiền quân Nguyễn Văn Thành và Hữu quân Nguyễn Văn Nhân (1). Trong ba dấu ấn ấy thì ấn của Tiền quân có lối khắc chữ triện đẹp nhất và rất giống với nét khắc chữ triện của chiếc ấn mà chúng tôi đã mô tả. So sánh nét khắc chữ triện trên dấu đóng ấn của Tả quân do tác giả dẫn ra trong Châu bản đời Gia ong với chiếc ấn hiện có, chúng tôi thấy khác nhau cả về tự dạng, kích thước nét khắc và vòng viền ngoài, chiếc ấn hiện có đẹp và hoàn hảo hơn nhiều.Nó minh chứng cho kỹ thuật đúc đồng buổi đầu thời Gia Long.
Về chủ nhân của chiếc ấn
Như đã biết, chiếc ấn có khắc dòng chữ về chủ nhân “Tả quân chi ấn” và niên đại đúc ấn “Nhâm Tuất trọng xuân cát nhật giám tạo”. Trong hai năm Nhâm Tuất của thế kỷ XIX (1802 và 1862), thì rõ ràng ấn được đúc vào năm 1802. Lần giở các bộ sử biên niên và Hội điển của triều Nguyễn, sử liệu có ghi: “Nhâm Tuất (1802) mùa xuân tháng Giêng… sai Lê Văn Duyệt đánh thành Bình Định. Trước là… tới đây Quang Toản thua rồi, quân vua tiếng tăm lừng lẫy. Vua thấy cơ hội có thể được mới giục Duyệt đánh… Đúc ấn phong tặng” (2). Đó chính là chiến tích của danh tướng Lê Văn Duyệt để cho ấn Tả quân ra đời vào tháng 2 năm ấy. Và chủ nhân được quyền sử dụng ấn không ai khác hơn là Đô thống chế Tả quân Đinh Thần sách Lê Văn Duyệt.
Thật là khó khăn để tìm hiểu lý do lưu lạc của chiếc ấn. Cuộc đời chinh chiến của tướng quân Lê Văn Duyệt xuất phát từ một quan Thái giám trẻ tuổi, năm 1778 đã đứng ở dưới cờ của Nguyễn Ánh ở Sài Gòn. Thông minh, dũng cảm và trung thành với họ Nguyễn; ông nhanh chóng trở thành một vị tướng tài ba có công lớn. Nhưng sau khi ông mất (1832), mồ mả bị san bằng do cái họa lây từ cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi – con nuôi của ông. Điều chắc chắn là các loại ấn tín, bằng sắc của ông, nếu còn, đều đã bị truy thu như pháp chế quy định. Mãi đến thời Tự Đức, ông mới được phục hồi danh dự. Đại Nam liệt truyệncó cho biết một chi tiết là ông bị bọn nịnh thần ở triều đình ganh ghét khi được gọi về Kinh năm 1815. Ông bị bọn chúng ám hại bằng thuốc độc, việc không thành, kẻ gian lấy trộm bộ ấn Tả quân rồi bỏ trốn. Ông cho tiền bắt được tên gian (3). Cứ liệu này cho thấy phải chăng việc lấy trộm là một trong những lý do làm cho chiếc ấn bị lưu lạc. Dù sao thì bộ ấn kiếm của Lê Văn Duyệt cũng lưu lạc như cuộc đời binh nghiệp – quan lại của ông vậy.
Về niên đại đúc ấn
Dòng chữ ghi niên đại trên ấn đã khá rõ ràng, đó là tháng 2 năm 1802; nhưng khi tra cứu sử sách, chúng tôi muốn bàn thêm đôi điều.
Ở một đoạn khác trong Đại Nam thực lụccó ghi: “(1802)… tháng 3 ngày Canh Dần đúc 5 quả ấn:
1. Ấn “Thảo tội an dân chi bảo” (dùng để sai tướng ra quân).
2. Ấn “Sắc chính vạn dân chi bảo” (dùng để sức vạn thần dân).
3. Ấn “Mạnh đức chi bảo” (dùng để thăng thụ các hoàng thân, đại thần từ tước công trở lên).
4. Ấn “Chế cáo chi bảo” (dùng về việc thăng thụ từ tước hầu trở xuống).
5. Ấn “Quốc gia tín bảo” (dùng làm việc thường).
Đúc lại ấn công đồng và ấn các quân (năm quân Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu, quân Thần võ, quân Chấn võ – (đều đóng bằng son” (4). Điều này phù hợp với ghi chép của Hội điển: “Gia Long năm đầu chỉ dụ: chuẩn đúc một quả ấn công đồng bằng bạc, ấn năm quân… đều một quả bằng chất đồng”; “Núm chạm con kỳ lân, vuông 2 tấc 1 phân 6 ly” (5). Sau này, “Năm Minh Mạng thứ 7 (1826) xuống dụ: Chuẩn lời nghị trong kiểu mẫu đúc ấn: Ấn của Đại tướng quân, vuông 2 tấc 3 phân, dày 6 phân 3 ly… tất cả đều 2 tầng, núm chạm con hổ, lại làm thêm cho mỗi ấn một cái dấu kiềm bằng ngà” (6).
Như vậy trong cuộc đời của Tả quân Lê Văn Duyệt, ít nhất đã có 3 ấn “Tả quân” dành cho ông. Ấn đúc năm 1826 núm chạm con hổ thì khỏi phải bàn tới; còn ấn đúc con kỳ lân vào tháng 2 và chuẩn đúc vào tháng 3 năm 1802, trước khi ông được phong làm Khâm sai Chưởng Tả quân Bình Tây tướng quân vào tháng 5 năm ấy (7); chắc chắn đó không phải là một mà là hai cái khác nhau. Đối chiếu chiếc ấn có trong tay và dấu chiếc ấn “Tả quân” được tác giả Nguyễn Công Việt in chụp lại trong Châu bản triều Nguyễn, tập Chủ bộ nha, quyển hai, đời Gia Long (nếu đúng như tác giả viện dẫn) thì chúng tôi thấy có sự khác nhau về tự dạng chữ triện, về nét khắc chữ triện (to đều so với nét nhỏ không đều), về kích thước vòng viền ngoài (1,1cm so với 1,2cm). Điều đáng lưu tâm hơn nữa là chiếc ấn có mặt chữ triện rất giống với dấu đóng ấn của “Tiền quân chi ấn” được tác giả dẫn trong cuốn Công văn cựu chi, đóng dấu ngày 7 tháng 8 năm 1802 (8).
Như vậy, rõ ràng chiếc ấn hiện có rất khác với dấu ấn được tác giả in chụp – chúng đẹp hơn, hoàn mỹ hơn. Và có thể nói rằng những chiếc ấn ra đời vào buổi đầu dựng nghiệp tinh xảo hơn những chiếc ấn ra đời sau đó. Điều ấy phải chăng bộc lộ một thực tế là vị thế ngày càng giảm dần của các tướng lĩnh quân đội khi chuyển từ thời chiến sang thời bình.
Việc đúc chiếc ấn mang hình con lân dành cho các tướng đứng đầu quân đội thời Gia Long (sau đó thời Minh Mạng đúc con hổ) trong khi rồng và lân được dùng cho “Kim ngọc bảo tỷ” của Hoàng đế, ấn của Hoàng tử, Vương tôn trong Hoàng tộc; cũng như kỹ thuật, hình dáng, nét khắc của lân đúc đầu tiên so với các lần sau đó đã chứng tỏ vị thế chính trị xã hội của người sử dụng ấn – Tả quân Lê Văn Duyệt nói riêng và các bậc danh tướng đầu thời Nguyễn nói chung. Đó là sự thay đổi nhanh chóng từ những vị đại tướng cầm quân trong chiến trận trở thành những viên quan cai trị hành chính trên những địa bàn rộng lớn trong chủ trương “tản quyền” buổi đầu của triều Nguyễn, để rồi các quan văn dần thay thế các quan võ trong bộ máy nhà nước. Đó chính là chính sách dùng người của vua Gia Long, biểu hiện một đặc trưng nổi bật của tổ chức hành chính quan chế của triều Nguyễn. Bộ ấn kiếm đó đã theo bước chân của Tả quân đến những vùng đất xa xôi, hiểm yếu; mang những bản tấu trình về Kinh, giúp vua Gia Long trên nhiều lĩnh vực cai trị thời bấy giờ.
Những hiểu biết về ấn triện học của chúng tôi còn mới mẻ nên không dám lạm bàn; bản thân chiếc ấn quý hiếm với đôi dòng miêu tả và vài tấm ảnh chụp, chúng tôi chỉ muốn cung cấp một tư liệu hiện vật để người đọc tham khảo. Âu cũng là muốn góp thêm một phần nhỏ nhoi vào công cuộc tìm hiểu quan chế triều Nguyễn nói chung và lịch sử văn hóa thời Gia Long nói riêng.
______________
(1) Nguyễn Công Việt, Vài nét về ấn dấu của ba vị danh tướng đầu thời Nguyễn, Tạp chí Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số 3 (24) – 1995, tr. 30 – 33.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 3, Đệ nhất kỷ 2, quyển XVI, KHXH, Hà Nội, 1963, tr. 8.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 2, Nxb, Thuận Hóa, Huế, 1993, tr 386.
(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tr. 15.
(5) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sư lệ, tập 6, Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 299 – 300.
(6) Nội các…, Sđd, tr. 304.
(7) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tr. 25: “(1802)… mùa hạ, tháng 5… cho Đô thống chế Tả quân Dinh Thần sách là Lê Văn Duyệt làm Khâm sai Chưởng Tả quân Bình Tây Tướng quân, đổi Tả đồn quân Ngự quân làm Hậu quân, cho Lê Chất làm Khâm sai Chưởng Hữu quân Bình tây tướng quân”.
(8) Nguyễn Công Việt, Sđd, tr. 31.