Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 08/11/2007 17:15 (GMT+7)

Chữ Huy trong hai dòng họ Phan Huy và Nguyễn Huy

Hai dòng họ Nguyễn Huy và Phan Huy đã có một quá trình phát triển liên tục qua nhiều đời. Là những họ quan danh giá, có nền nếp thi thư và có truyền thống văn học, đã tạo nên văn phái của dòng văn Phan Huy và dòng văn Nguyễn Huy.

Dòng văn nhân Nguyễn Huy

Viễn Tổ của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu - Hà Tĩnh là Nguyễn Uyên Hậu, đậu Ngũ kinh, làm quan dạy học ở Quốc Tử Giám. Ông về miền La Giang - La Thạch - Hà Tĩnh lập làng Trường Lưu vào giữa thế kỷ 15 đời Lê, nay là Trường Lộc - huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Đến thời thứ 9 mới xuất hiện chữ Huy trong dòng họ Nguyễn Huy. Khởi đầu là Nguyễn Huy Tựu (1690 - 1750), ông đỗ thi hương năm 1717, làm quan đến Tham Chính Thái Nguyên, Tả thị lạng Bộ Công, tước Khiết Nhã Hầu, lúc mất được thăng làm thượng thư Bộ Công. Ông có 5 người con, trong đó có hai người đỗ tiến sĩ, làm quan, là tác giả văn học: Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785). Tám đời trước đó các tên đệm khác nhau như Nguyễn Uyên Hậu, Nguyễn Hàm Hằng, Nguyễn Thừa Nghiệp, Nguyễn Như Thạch (1579 - 1662), Nguyễn Công Ban (1630 - 1711), ngay anh của Nguyễn Huy Tựu vẫn có tên đệm là Công - Nguyễn Công Xuân. Sau này con trai trưởng của Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) mới nhắc nhở các đời sau: “Các con cháu từ này về sau nên giữ lấy chữ Huy”. Ở Trường Lưu, con cháu Nguyễn Huy Tựu và con cháu các chi họ khác, từ Nguyễn Uyên Hậu có các tên đệm khác nhau đều đổi về chữa Huy và giữ chữ Huy cho đến ngày nay.

Dòng văn Nguyễn Huy đã có một số tác giả tiêu biểu, Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) đã đỗ Tiến sĩ, có tài ứng đối nên năm 1765 được triều đình cử làm chánh sứ sang nhà Thanh. Trước khi đi thi bảng nhãn Lê Quý Đôn đã chúc ông: Đem tài văn chương để tăng thế nước. Sang Trung Hoa, ông được vua quan nhà Thanh đón tiếp long trọng. Khi về nước được phong Bá. Năm 1768 được thăng Hữu Thị Lang Bộ Công. Ông đã để ra nhiều tâm lực, soạn 40 tập sách như: Huấn nữ tử ca, Phụng sứ Yên Kinh tổng ca…

Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790) là con trai trưởng của Nguyễn Huy Oánh, làm Hàn lâm viện hiệu thảo, đốc đồng Hưng Hoá, Sơn Tây. Năm 1781 triều đình mở khoa thi hội, ông được phái làm Khâm sai giám đằng kiêm ấn quyển. Trong văn học, ông để lại tập thơ nổi tiếng Hoa Tiên. Hiện nay ở Hà Nội có đường phố mang tên ông.

Nguyễn Huy Hổ (1783 - 1841) là con trai trưởng của Nguyễn Huy Tự được vua Minh Mệnh ban chức Linh Đài Lang. Theo học giả Hoàng Xuân Hãn: “Chính ông (Nguyễn Huy Hổ) lấy kiểu đất lăng Minh Mệnh”, ông để lại tác phẩm truyện thơ: “Mai Đình Mộng Ký” cùng với các nhà thờ ông nội (Nguyễn Huy Oánh), thân phụ (Nguyễn Huy Tự), nhà thờ Nguyễn Huy Hổ đã được Bộ Văn hóa thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá.

Dòng văn nhân Phan Huy

Dòng họ Phan Huy gốc ở Thạch Châu - Thạch Hà - Hà Tĩnh. Theo gia phả, đời sớm nhất vào đời Hậu Lê, thế kỷ XVI, tiến sĩ Phan Huy Cận (1722 - 1789) là đời thứ tám, được coi là vị tổ khai khoa của dòng họ. Phan Huy Cận kém Nguyễn Huy Oánh 9 tuổi. Ông đậu Giải Nguyên năm Đinh Mão (1747), đậu Hội Nguyên, làm quan đến chức Bình Chương Sự (Tể Tướng), sau đó về trí sĩ, rồi lại ra làm Tham Tụng, Quốc sử tổng tài, Tả Thị Lang, tước Khuê Phong Hầu, ông nhập cư về chùa Thầy - Sơn Tây và được coi là thuỷ tổ khai lập nên dòng họ Phan Huy ở đây. Hiện nay, ngôi nhà thờ ông ở thôn Thuỵ Khuê xã Sài Sơn - huyện Quốc Oai - tỉnh Hà Tây vẫn còn giữ chữ “Phan Bình Chương Từ” ở trên nóc nhà. Theo GS. Phan Huy Lê, họ Phan Huy có nhiều chi phái ở nhiều nơi, nhưng vào cuối thời Lê Trung Hưng và đầu triều Nguyễn, tức thế kỷ XVIII và XIX chi phái ở chùa Thầy - Hà Tây phát đạt nhất và có nhiều người đóng góp cho quê hương đất nước.

- Phan Huy Ích (1751 - 1822) là con trai Phan Huy Cận, ông đỗ tiến sĩ năm 26 tuổi, vốn tài năng, ông đã được vua Quang Trung tin dùng và phong Tả Thị Lang bộ hộ, tước Thuỵ Nham Hầu, Thị Lang Bộ Binh. Cùng với anh rể là Ngô Thì Nhậm, được vua Quang Trung giao cho nhiều trọng trách như việc bang giao với nhà Thanh, nhằm gây tình hoà hiếu giữa hai nước. Ông tham gia sứ bộ mừng thọ vua nhà Thanh. Ông để lại các tác phẩm, trong đó có: Dụ am ngâm lục, Dụ am văn tập, bản dịch diễn nôm: Chinh phụ ngâm.

- Phan Huy Ôn (1755 - 1786) là em Phan Huy Ích, đỗ tiến sĩ năm 1779, làm trực giảng ở Quốc Tử Giám, Hàn Lâm đãi chế, ông có các tác phẩm: Khoa bảng tiêu kỳ, Liệt truyện đăng khoa bị khảo, Thần quật ký… Cùng với phụ thân là tiến sĩ Phan Huy Cận, anh trai là tiến sĩ Phan Huy Ích ông được khắc tên vào bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Hà Nội. Đây là trường hợp hiếm có trong một gia đình.

- Phan Huy Thực (1778 - 1844) là con trai Phan Huy Ích, làm quan trong Hàn Lâm Viện, giữ chức lễ Bộ Thượng Thư, được vua Gia Long giao chức phó sứ đi sứ nhà Thanh. Khi làm việc trong bộ lễ, được vua Minh Mệnh tin dùng, nên đã nói: Quốc gia điển lễ tắc phi Phan Huy Thực bất khả” (Điển lễ quốc gia không có Phan Huy thực thì không được) khi vua Thiệu Trị ngự giá ra phía Bắc đã ban cho ông một bài ngự thi, bài thơ được khắc trên núi Thầy và hiện nay vẫn còn. Cảm mến tài năng, đức độ của ông, phương đình Nguyễn Văn Siêu đã làm bài văn bia nói về công lao, sự nghiệp của ông. Nay vẫn được lưu lại ở làng Thuỵ Khuê - Quốc Oai - Hà Tây. Phan Huy Thực để lại một số tác phẩm: Hoa thiều tạp vịnh, Nhân ảnh vấn đáp, bản dịch diễn nôm “Tỳ Bà Hành”.

- Phan Huy Chú (1782 - 1840) là con trai Phan Huy Ích, dưới thời vua Minh Mệnh, giữ chức Hàn Lâm biên tu, các năm 1842 và 1830 đi sứ nhà Thanh, năm 1832 được cử đi công cán ở Batavia (Inđonexia). Ông để lại một số tác phẩm: Hoa thiều ngâm lục, Hoa trình tục ngâm, Hoàng Việt địa dư chí. Đặc biệt là ông để ra 10 năm, từ 27 tuổi đến 37 tuổi, lên núi Thầy viết bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí” gồm 49 quyển. Với bộ sách này, ông được vua Minh Mệnh ban thưởng. Đây là bộ bách khoa thư đầu tiên và có giá trị nhất về lịch sử văn hoá Việt Nam . Nhà thờ ông ở thôn Thuỵ Khuê - Sài Sơn - Quốc Oai - Hà Tây đã được Bộ Văn hóa và thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá. Ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có đường phố mang tên ông và thân phụ Phan Huy Ích.

Giai thoại và mẩu chuyện về chữ Huy của hai dòng họ

Ông Nguyễn Huy Cung (1891 - 1972) cháu 5 đời của Nguyễn Huy Oánh đã kể lại: Dòng họ Phan ở Chợ Cày (Hà Tĩnh), mấy đời trước Phan Huy Cận đều làm quan võ, thời Nguyễn Huy Tựu làm quan văn ở Thái Nguyên thì bên họ Phan cũng làm quan và ở đó. Nguyễn Huy Tựu có người thiếp, sau về với họ Phan và sinh ra Phan Cận, lúc lớn đổi thành Phan Huy Cận khi Phan Huy Cận muốn về Trường Lưu, thám hoa Nguyễn Huy Oánh có nói: Đây là cái lỗi của tiền nhân ta lúc trước, thôi em giữ lấy chữ Huy, anh cũng giữ lấy chữ Huy và con cháu ta cũng vậy. Từ Phan Huy Cận trở đi, chi phái này chủ yếu phát theo ngạch văn, có sự nghiệp văn chương lưu truyền hậu thế. Ông Nguyễn Huy Cung còn cho biết, lúc trước đó đã gặp ông Nghè Tùng (Phan Huy Tùng tiến sĩ triều Nguyễn thân phụ của GS. Phan Huy Lê) vẫn về Trường Lưu vào các dịp giỗ tết. Cuối đông năm Đinh Sửu, đầu xuân Mậu Dần (tháng 1 - 1998), chúng tôi (Nguyễn Huy Mỹ và Phan Huy Dục) đã đến gặp bác Phan Tương, tác giả cuốn sách “ Họ Phan trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”, được nghe bác kể lại giai thoại về chữ Huy của dòng họ Phan. Trong dòng họ Phan có nhiều người con gái lấy chồng họ Nguyễn Huy (đích thất của Nguyễn Huy Tựu là Phan Thị Trừu (1694 - 1755), ngoài ra còn có người con gái khác của họ Phan cùng lấy Nguyễn Huy Tựu, sau này vì bất đồng trong gia đình, trong lúc mang thai Phan Huy Cận đã bỏ về Chợ Cày, lúc sinh con bà cho con mang họ của mình và lấy tên đệm là Huy sau đó thành dòng họ Phan Huy.

Tháng 9 - 1998, trong cuộc họp các họ Nguyễn ở Hà Nội do Câu lạch bộ UNESCO các dòng họ Việt Namtổ chức, ông Nguyễn Minh Chương người thôn Đông Tây xã Phú Lộc - Can Lộc - Hà Tĩnh là chuyên viên cao cấp đã nghỉ hưu có kể lại, thời cụ Thượng (Nguyễn Huy Tựu) có người thiếp họ Phan, sau về chợ Cày, sinh ra Phan Huy Cận, khởi đầu cho dòng họ giàu truyền thống là dòng họ Phan Huy. Hiện nay, ở Can Lộc - Hà Tĩnh vẫn còn khá nhiều người biết về chữ Huy của hai dòng họ Phan Huy và Nguyễn Huy.

Theo thống kê của một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam có hơn ba trăm dòng họ. Chúng tôi nghĩ rằng mỗi dòng họ đều có truyền thống văn hoá quý báu. Cái may mắn của dòng họ Nguyễn Huy và Phan Huy là còn lưu lại được nhiều chứng tích văn hoá, vật chất và tinh thần như những tác phẩm văn học.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV
Tuần làm việc thứ hai, Quốc hội tập trung cho công tác lập hiến, lập pháp, thảo luận về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao.
Công đoàn VUSTA tổ chức hội nghị triển khai công tác, phổ biến những điểm mới Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ngày 9/5, Công đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Công đoàn VUSTA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động nửa đầu nhiệm kỳ (2023 -2028), triển khai công tác công đoàn đồng thời phổ biến những điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) tới công đoàn viên.