Cây quất (tắc)
Đó là cây quất, mà ở miền Nam gọi là cây tắc, tên khoa học là Fortunella Japonica (Thunb) Swingle.
Trong chúng ta, chắc không ai lạ gì, cứ mỗi dịp tết đến là các chợ hoa đều có bày bán các chậu quất, với đầy quả chín nặng trĩu bao quanh cây, trông rất hấp dẫn và nhà nào cũng mong muốn có được một vài chậu để mang về trưng bày trong các ngày tết.
Nhưng rất tiếc là sau tết, chúng ta chỉ dùng quả, còn cây quất thì không chú ý chăn sóc tốt, cho nên bản thân nó phải chết dần.
Đây cũng là một việc làm rất phung phí, vì trong thực tế thì cây quất rất dễ trồng, có trái rất nhiều và quanh năm, lại không chiếm đất. Do đó ở nơi chật hẹp, thì trồng trong chậu, còn chỗ rộng rãi thì trồng dưới đất. Vì vậy mà mỗi gia đình chúng ta đều nên trồng một cây quất, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thì càng nên trồng nhiều hơn nữa để bán trái.
Mô tả: Cây nhỏ, cao từ 1-3m, cành lá mọc sum xuê, lá mọc so le, mặt trên lá màu xanh sẫm bóng, hoa màu trắng, quả hình cầu nhỏ hơn trái chanh và khi chín chuyển từ màu xanh sang màu đỏ da cam.
Bộ phận dùng: quả và lá.
Thành phần hoa học: quả có chất pectin, axit hữu cơ, đường và sinh tố C...
Vị quả tắc: chua.
Công dụng:
Quả: ngoài việc dùng để làm thức ăn, nước giải khát, pha chế nước chấm thay cho chanh và giấm ra, còn là vị thuốc quý để chữa trị các chứng: ho, viêm họng, tiêu đàm, tỳ vị yếu, giúp dễ tiêu hoá và tăng cường nguồn sinh tố C rất cần cho cơ thể, nhất là trẻ em.
Lá: thường dùng để làm nồi xông khi bị cảm cúm.
Cách dùng:
Quả: mỗi ngày từ 8-10g, xắt lát nhỏ, trộn với mật ong hay đường phèn để ăn, hoặc pha thêm nước để uống luôn cả xác.
Lá: để làm nồi xông hay dùng chung với nhiều loại lá có tinh dầu khác, mỗi lần hai nắm.
Hoặc có thể thái nhỏ trộn gỏi, làm gia vị ăn rất hấp dẫn.
Với nhiều lợi ích thiết thực như thế, nên chúng tôi rất mong muốn phong trào nhà nhà trồng quất sẽ được phát triển mạnh, để cho cộng đồng tự chăm lo và bồi dưỡng sức khoẻ cho gia đình, bằng cây nhà lá vườn, không tốn kém tiền bạc và độc hại.
Nguồn: T/c Đông y, số 329, 25/9/2001, tr 20