Cây Cơm nguội
Cơm nguội răng (còn có tên Trọng đũa, Đại la tán, Bách lượng kim, Châu sa kim) thuộc tiểu mộc, cao từ 0,5 - 2 mét, nhiều cành nhánh. Lá có phiến xoan ngược, dày, dài 7 - 10cm, rộng 4 - 5cm. Cành mang 1 - 3 lá ở chót. Chùm hoa tản phòng ở cuối cành, hoa màu hường, quả tròn, to 7 - 8mm, khi chín màu đỏ tươi, có đốm trong, thòng xuống trông rất đẹp.
Cơm nguội răng (Trọng đũa) mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh, làm rau, làm thuốc. Ngọn và lá non hái về vò qua với ít muối, rửa sạch để nấu canh cho mát, lợi tiểu giải độc và trị đau nhức, nhưng không nên dùng nhiều vì hơi có độc và kỵ thai. Cành, lá, vỏ thân và rễ được thu hái, phơi khô làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian, ngâm rượu hoặc sắc uống. Liều dùng 10 - 15g dược liệu khô sắc uống trị đau nhức, ho, viêm họng. Rễ Cơm nguội chứa nhiều glycosid triterpenoid (Ardiscrenodid A, B, C, D, E, F…) các dẫn xuất bergenin, sitosterol, giàu sinh tố khoáng chất các loại. Lá chứa đa phenol, saponin.
Dược tính: nước sắc cành lá có tính kháng sinh ức chế nhiều vi khuẩn ngoài da và đường ruột, có tác dụng kháng viêm giảm đau và trục huyết ứ sau sinh. Kỵ thai.
Bài thuốc kinh nghiệm dùng cho phụ nữ sau sanh: Toàn cây Cơm nguội 20g, cây Dủ dẻ 30g, Ngũ gia bì gai hay Chân chim 30g, cây Mua 30g, cây Gai làm bánh 20g. Dược liệu khô, chặt nhỏ, thêm 2 lít nước, sắc còn 1 lít để uống trong ngày. Dùng liên tục 7 - 10 ngày.
Bài thuốc trị ho dai dẳng:Thân và rễ cây Cơm nguội 20g, cây Thuốc giòn 20g (tươi: 50g), vỏ Quít 2 cái, Camthảo 8g. Dược liệu khô sắc với 1 lít nước, còn phân nửa chia uống trong ngày. Dùng 3 ngày liền.
Trị bầm dập, té trặc:Lá Cơm ngội 1 nắm, Gừng tươi 1 củ, muối một muỗng canh. Rửa sạch, thêm muối, giã nát bó vào vết thương. Ngày thay băng 1 lần.