Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 28/10/2009 00:20 (GMT+7)

Cấu trúc song hành và liên tưởng trong bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh

Bài thơ này là bài số 31, trước là bài 29 “ Song thập nhật giải vãng Thiên Bảo” (Tết song thập bị giải đi Thiên Bảo) và bài 30 “ Tẩu Lộ” (Đi đường), sau là bài 32 “ Dạ túc Long Tuyền” (Đêm ngủ ở Long Tuyền) và bài 33 “ Điền Đông” (Điền Đông). Long Tuyền là tên huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, một địa điểm giữa Thiên Bảo và Điền Đông. Như vậy, bài thơ này Hồ Chí Minh viết trên hành trình chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo, từ Thiên Bảo đến Điền Đông. Có thể nói, đây là một bài thơ tức cảnh đặc sắc của Hồ Chí Minh. Bài thơ có cấu trúc song hành tương ứng, hai câu đầu là cảnh hoạt động của sự vật, hai câu sau là cảnh sinh hoạt của con người:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng

                             (Nam Trân dịch)

Bài thơ tả cảnh rừng núi trong buổi chiều tối. Hai câu đầu là khung cảnh thiên nhiên trên cao với hai đối tượng đang hoạt động là cánh chim và chòm mây. Cảnh này có buồn không? Có ý kiến cho cảnh này là buồn và tác giả cũng buồn. Chiều tối là thời gian quy tụ, nghỉ ngơi của loài vật cũng như con người. Chim bay có vẻ mệt mỏi nhưng là cánh chim bay có hướng, có mục đích, nó đang bay về nơi cái tổ của nó là cây cổ thụ trong rừng kia. Nó khác với cánh chim bay vô định trong bài Tràng Giang của Huy Cận: “ Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”.

Đám mây đang từ từ trôi chậm chạp về bên kia chân trời, từ điểm này sang điểm khác trên bầu trời, tuy có vẻ lửng thửng chậm chạp nhưng cũng là hoạt động có hướng. Cánh chim bằng ấy cả ngày bay lượn tìm mồi thì đương nhiên chiều tối phải mệt mỏi nhưng vẫn cố bay về nơi nó trú ngụ, nơi tổ ấm của nó. Phải có cái nhìn cảm thông, chia sẻ với vạn vật, cái nhìn tinh nhạy nhà thơ mới thấy cánh chim kia đang mỏi và chòm mây kia đang lửng thửng trôi. Có vất vả, mệt mỏi nhưng chưa hẳn đã buồn bởi những ai làm việc có mục đích thì người ta vẫn thấy hạnh phúc. Điều quan trọng là qua hình ảnh cánh chim và chòm mây, Hồ Chí Minh ngầm gửi gắm tâm trạng của mình. Chim và mây dù vất vả mệt mỏi nhưng đều bay về nơi mình muốn đến còn ta thì vẫn đang nơi đất khách quê người, đang nặng nề lê bước đến nơi tù đày giam hãm chứ không được hạnh phúc như cánh chim và chòm mây kia có nơi chốn để đi về!

Hai câu thơ sau là cảnh sinh hoạt của con người. Hai câu trên là không gian trên trời khi về chiều còn hai câu này là không gian dưới mặt đất lúc chiều đã dần chuyển vào màn đêm. Hai câu thơ này đã không dịch đúng tinh thần của nguyên tác, thậm chí đã dịch thừa một chữ “tối” không có trong nguyên tác. Câu thơ dịch đã không làm nổi bật vòng quay của cối xay ngô để thấy sự lao động vất vả của cô thôn nữ. GS. Trần Đình Sử trong cuốn Phân tích và bình giảng tác phẩm văn học lớp 12, Nxb Giáo dục, 1996, tr. 10 đã dịch lại sát nguyên tác:

Cô em xóm núi xay ngô hạt

Ngô hạt xay xong bếp đã hồng

Cách miêu tả hai câu đầu và hai câu cuối khác nhau. Hai câu cuối là một thể thống nhất về hình ảnh lao động của cô gái xóm núi. Hai câu cuối thể hiện sự làm việc miệt mài của cô gái và Hồ Chí Minh nhìn với niềm cảm thông sâu sắc. Sự lao động vất vả của cô gái cũng giống như cánh chim và chòm mây kia nhưng là việc làm đầy ý nghĩa, đáng trân trọng. Vòng quay đều đặn, miệt mài của cối xay ngô cũng là vòng quay của thời gian từ khi trời chưa tối đến lúc trời tối. Trời có tối thì mới thấy lò than rực hồng. Sự chuyển cảnh hai câu thơ đầu sang hai câu thơ sau có vẻ đột ngột, mau lẹ, đang cảnh mông lung trên bầu trời đã quay sang cảnh dưới mặt đất. Liệu chúng có liên hệ gì với nhau? Khi Hồ Chí Minh nhìn thấy cảnh vật đang về chiều, cánh chim kia đang bay về tổ ấm, con người cũng về nhà sum họp trong cảnh sinh hoạt đầm ấm thì tâm trạng của Người cũng nhớ về quê hương gia đình. Lẽ tự nhiên, Hồ Chí Minh sẽ hướng cặp mắt tìm nơi có cuộc sống sinh hoạt của con người và Người bắt gặp cảnh sinh hoạt của một gia đình xóm núi. Cô gái xóm núi này cũng xay ngô một mình. Việc cô gái xay ngô xong thì cũng là lúc bóng tối ập đến nhưng ánh sáng lại bừng lên ấm áp, xua tan cái tối tăm, lạnh lẽo, hoang vắng của cảnh núi rừng. Chữ “hồng” là nhãn tự của bài thơ, nó có tác dụng chuyển cảnh từ tối sang sáng, từ lạnh lẽo sang ấm áp. Đó là từ khóa của bài thơ và cũng từ mở ra của tứ thơ. Ánh lửa hồng là ánh sáng của niềm tin, của hạnh phúc.

Cảnh núi rừng là thế, muôn đời vẫn thế và con người đã sống quen với nó thì không thể buồn mà chỉ có người tha phương mới buồn. Vậy Bác có buồn không trước cảnh chiều tối? Nếu theo tư duy thường tình thì con số 1 là biểu hiện của sự đơn côi: 1 cánh chim, 1 chòm mây, 1 cô gái đang xay ngô và 1 mình Hồ Chí Minh bị giải trên đường đến nhà lao. Đành rằng, con người không là gỗ đá, cũng có khi buồn khi vui. Nhưng đối với Hồ Chí Minh, làm cách mạng là một sự dấn thân thì gian lao vất vả là chuyện bình thường, chúng ta chưa thấy Người buồn trong bất cứ hoàn cảnh nào dù là ngặt nghèo nhất. Trong bài Tảo giải (Giải đi sớm), Hồ Chí Minh bị giải đi trong đêm khuya gió rét mà Người không hề nao núng, tâm hồn lại tràn đầy thi hứng thì lẽ gì Người lại buồn trong cảnh chiều tối? Có chăng Người cảm thông chia sẻ với những hoạt động sinh tồn và mưu sinh vất vả nặng nhọc của cánh chim, chòm mây, cô thôn nữ kia. Hồ Chí Minh cũng giống như thế, cũng đang vất vả nặng nề lê bước trên con đường gian truân. Có buồn chăng là nỗi buồn xa quê, nhớ nhà được giấu kín khi Người nhìn cánh chim bay về tổ và cảnh sinh hoạt đầm ấm của gia đình cô sơn nữ.

Cấu trúc song hành thể hiện cấu trúc hàm ẩn của bài thơ. Trên bầu trời là hai hình ảnh: cánh chim đang bay về tổ, chòm mây đang trôi chậm chạp từ độ này sang độ khác trên bầu trời. Tương ứng với thời gian đó, dưới mặt đất, Hồ chí Minh đang bị giải từ nhà lao này sang nhà lao khác và cô gái đang xay ngô chuẩn bị cho bữa cơm tối. Sự vận động của 3 đối tượng: cánh chim, chòm mây, cô gái đều có mục đích và tự giác còn Hồ Chí Minh thì sự vận động bị bắt buộc nhưng vẫn trên hành trình của người chiến sĩ cách mạng. Mà trên hành trình cách mạng thì có tù đày, có gian khổ là lẽ thường tình cũng như cánh chim, chòm mây và cô gái xay ngô muốn đạt mục đích thì phải vất vả, mệt mỏi. Hạnh phúc nào mà chẳng trải qua gian khổ đắng cay? Đã dấn thân vì lý tưởng cách mạng thì phải chấp nhận khổ ải cực nhục. Hai câu trên là sự vận động của thời gian, cảnh vật từ chiều đến sắp tối thì hai câu dưới là sự vận động của thời gian và con người từ chiều đến tối. Hai câu trên làm cảnh nền để chuẩn bị cho việc miêu tả hai câu dưới và có thể nói là hai câu này được thể hiện theo thể hứng, có giá trị liên tưởng để tiếp cho hai câu sau theo thể phú. Thơ Hồ Chí Minh thường có hai trục như thế. Trong bài Tảo giải cũng có hai cảnh song hành trên bầu trời là cảnh trăng sao và dưới mặt đất là cảnh người tù bị áp giải.

Thơ Hồ Chí Minh bao giờ cũng có tứ thơ vận động theo không gian và thời gian, từ bóng tối đến ánh sáng, từ cảnh vật thiên nhiên đến con người, từ khó khăn gian khổ sang vui tươi, hạnh phúc. Mộ (Chiều tối) cũng là bài thơ vận động theo tứ thơ như thế, từ chiều đến đêm, từ đêm tối bừng lên ánh sáng, từ hoạt động và lao động vất vả vì mưu sinh đến đạt đến kết quả mong muốn như cánh chim được về tổ ấm, cô thôn nữ kia xay ngô cho gia đình có bữa ăn tối. Đó là tứ thơ tươi sáng, lạc quan.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..
Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.
Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.