Cầu Thăng Long thế rồng bay phía Tây thành phố
Một ngày đẹp trời cuối tháng 11 năm 1973, cầu Thăng Long được khởi công xây dựng, nhằm đáp ứng nỗi khát khao của người dân Hà Nội là muốn có thêm một cây cầu nữa thay thế cho cầu Long Biên vốn đã bị hư hỏng nặng trong chiến tranh… Cầu Thăng Long lúc đó chẳng những đã tạo nên kỳ tích mới trong kỹ thuật, công nghệ xây cầu mà còn có vị trí đột phá mới trong giao thông, cũng như là một định hướng mới cho quá trình phát triển đô thị sau này.
Như vậy kể từ khi xây dựng cầu Long Biên, mãi đến 75 năm sau, Hà Nội mới xây dựng thêm một cây cầu trên sông Hồng. Sở dĩ cầu có tên gọi là Thăng Long theo như lời ông Nguyễn Hải Thoại, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, khi còn là cương vị Tổng giám đốc TCT, thì Thăng Long là cái tên oai hùng của Hà Nội xưa, khi nhà Vua Lý Thái Tổ đặt tên cho kinh đô nước Đại Việt: “Thăng Long” dịch theo chữ Hán Nôm, có nghĩa là “rồng bay”. Đó chính là sự mong muốn của cố Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ và những người thợ cầu thời bấy giờ, mong cho nghề xây dựng cầu Việt Nam lớn nhanh, lớn mạnh phát triển không ngừng. Có lẽ vì thế Thăng Long còn được đặt tên đơn vị xây dựng cầu thời đó: Xí nghiệp liên hợp xây dựng cầu Thăng Long.
Cầu được xây dựng trên đất làng Vẽ, một vùng đất Linh của Kinh thành Thăng Long xưa. Làng Vẽ, hay còn gọi là Kẻ Vẽ, bây giờ gọi là làng Đông Ngạc thuộc huyện Từ Liêm. Làng Đông Ngạc được lịch sử ghi nhận là một làng nổi danh về khoa bảng thi cử. Ngày xưa, làng Vẽ đã có 25 vị đỗ Tiến sĩ. Một trong những người đỗ đạt nổi tiếng thời Trần phải kể đến Thái Học sĩ Phan Phù Tiên, đến thời Pháp thuộc là 7 người. Người nổi tiếng phải kể đến là ông Nguyễn Văn Huyên - Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và khi cầu Thăng Long xây dựng, vươn những dàn dầm thép vượt sông Hồng, làng Đông Ngạc dường như lại có thêm vượng khí và không biết nơi đây có “linh” hay không, nhưng người ta ước tính rằng, mới chỉ có độ vài chục năm đã có khoảng trên 50 người đỗ đạt học vị Tiến sĩ. Một trong những người đỗ Tiến sĩ nổi tiếng thời nay, đó là Tiến sĩ Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Có thể nói việc xây dựng cầu Thăng Long được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu cầu do Trung Quốc giúp xây dựng. Giai đoạn 2 do Liên Xô giúp xây dựng. sau 13 năm xây dựng với biết bao khó khăn và phức tạp, cầu được khánh thành vào ngày 9 - 5 năm 1985, vượt kế hoạch 7 tháng… Hiện nay, hai đầu cầu Thăng Long có 2 bức phù điêu, trông như 2 cánh buồm một to, một nhỏ được xem như là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai quốc gia lớn là Liên Xô và Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng. Theo ông Hoàng Minh Chúc, Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hợp xây dựng cầu Thăng Long thì kì tích tiêu biểu nhất ở công trình xây dựng cầu Thăng Long là công trình đầu tiên cán bộ và công nhân xây dựng cầu Việt Nam được trực tiếp thi công một cây cầu có quy mô lớn bậc nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á. Lần đầu tiên những người thợ cầu được tiếp xúc với nhiều phương án tổ chức thi công và công nghệ kỹ thuật mới. Trong đó tiêu biểu là đắp đảo bằng bao tải, thay thế khung vây cọc ván thép để xây dựng móng giếng chìm cỡ lớn rộng 18 m và bịt đáy trụ cầu ở một độ sâu 40m trong nền địa chất sét cát, sỏi cuộn. Vào những năm 1973 của thế kỷ trước, việc thi công móng trụ cầu bằng công nghệ “định vị giếng chìm chở nổi” đối với thợ cầu Việt Nam là điều rất mới. Khi đó, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc, thợ cầu Thăng Long đã vượt qua khó khăn; hoàn thiên 16 trụ cầu chính được xây dựng trong điều kiện khó khăn, luôn phải chống chọi với mưa lũ.
Sau này, khi lắp những dàn dầm thép đồ sộ, lần đầu tiên người thợ cầu được tiếp xúc với quy trình công nghệ mới của Đông Âu, mà trong đó chủ yếu là của Liên Xô cũ, tức nước Nga bây giờ. Những công việc phun cát, phun sơn, lắp hẫng các dàn dầm thép bằng bu lông cường độ cao đã được bàn tay của người thợ cầu Thăng Long thao tác trong sự kính nể của các chuyên gia Liên Xô thời đó.
Đương nhiên, để có được một khối lượng khổng về sắt thép bê tông phục vụ cho tiến độ thi công, một cây cầu dài 11km, có 175 trụ mố bê tông các loại, 15 nhịp dầm thép mỗi nhịp dài 112m,939 phiến dầm bê tông dự ứng lực, mỗi phiến dài 31,6m,đổ tới 230 ngàn m3 bê tông, sản xuất, gia công lắp ráp 55 ngàn tấn thép. Công trường được trải dài 192 hecta thuộc 8 xã của 2 huyện Đông Anh và Từ Liêm và mô hình xí nghiệp liên hợp gọi theo đúng nghĩa của nó là một điều đặc biệt mới mẻ với nghề xây dựng cầu lúc bấy giờ. Do vậy công trường đã hội tụ về đây 3 công ty cầu mạnh, một nhà máy bê tông đúc sẵn, đủ các thành phần từ khảo sát đo đạc, thiết kế, thí nghiệm vật liệu, vận tải đường sắt, vật tư, một trường công nhân, một công ty kiến trúc và một trung tâm y tế… Mỗi đơn vị một công đoạn dưới sự chỉ huy thống nhất của TGĐ xí nghiệp Liên hợp. Trực tiếp chỉ đạo thi công xây dựng cầu Thăng Long và khu đầu mối giao thông là Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Đình Doãn.
Với vị trí trọng yếu trong phát triển đô thị ra phía Tây, khi cầu Thăng Long đang được xây dựng vào những năm 79 và 80 của thế kỷ trước, Thủ đô Hà Nội đã được Nhà nước quyết định mở rộng lần thứ hai, với một khu vực rộng lớn từ Từ Liêm đến Sơn Tây, Ba Vì và từ Đông Anh, vươn đến Mê Linh, Vĩnh Phúc.
Sau khi hoàn thành cầu Thăng Long, các vùng đất Từ Liêm, Đông Anh, trở thành điểm hội tụ trong đầu mối giao thông phía Tây và Tây bắc Thủ đô. Đã có một loạt các công trình giao thông được mở rộng và xây dựng mới. Ở phía nam cầu có các trục đường Cầu Giấy, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt… Phía bắc cầu Thăng Long - Nội Bài. Đặc biệt là từ cầu Thăng Long đã hình thành thêm tuyến đường sắt phía Tây Hà Nội, từ Ngọc Hồi qua Hà Đông, Cổ Nhuế qua cầu Thăng Long đến ga Vân Trì Đông Anh. Trục đường sắt này góp phần làm giảm lưu lượng các chuyến tàu hỏa qua các phố trung tâm trong thành phố.
Với cơ sở hạ tầng giao thông đi trước đón đầu như vậy, đã làm cơ sở để Hà Nội mở thêm các trục đường khác vào những năm 80, 90 ở thế kỷ trước. Trong đó trung tâm là trục đường vành đai 3, nối từ đường Phạm Văn Đồng, qua Cầu Giấy, Thanh Xuân, Linh Đàm, Pháp Vân nối vào cầu Thanh Trì. Sau khi có đường, các công trình kiến trúc công sở và dân dụng bắt đầu mọc lên hình thành các dãy phố, có quy mô lớn, đã và đang làm biến đổi một vùng nông thôn rộng lớn của huyện Từ Liêm trở thành đô thị hóa. Nhất là sau khi các quận Cầu Giấy, Tây Hồ được hình thành. Rồi tiếp đến vào đầu thế kỷ 21, tại 2 quận mới này một loạt các khu đô thị, khu chung cư mới được ra đời làm cho diện mạo đô thị phía Tây Hà Nội thêm phong phú đa dạng. Như Trung tâm thể thao quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm hội nghị quốc gia và một loạt các khu đô thị mới, khu cơ quan văn phòng chạy dọc theo các tuyến đường Phạm Hùng; rồi khu đô thị mới Nam Thăng Long - Ciputra, Trung Hòa Nhân Chính. Xa hơn nữa là các khu công nghiệp, đô thị: Hòa Lạc, An Khánh… Đó thực sự là một kỳ tích trong phát triển đô thị của Hà Nội sau khi xây dựng cầu Thăng Long.
Bên phía bờ Bắc cầu Thăng Long, sau khi có trục đường mới Thăng Long Nội Bài, những năm sau đó hàng loạt các khu công nghiệp, thương mại đã mọc lên từ phía Bắc cầu Thăng Long, Vân Trì đến sân bay quốc tế Nội Bài… Điển hình là khu công nghiệp Bắc Thăng Long, khu thương mại Mê Linh Plaza. Và cuối cùng là sự phát triển không ngừng của Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Từ một sân bay khởi đầu có quy mô không lớn, bây giờ sau khi có cầu Thăng Long - Nội Bài, sân bay quốc tế Nội Bài đã trở thành cầu nối quan trọng bằng đường không từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trong nước, với Thủ đô và vùng lãnh thổ các nước trên thế giới. Chính thông qua mạng giao thông được xây dựng và phát triển theo hướng bền vững, đã là một yếu tố quan trọng để Nhà nước tiếp tục đưa cả tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội trong lần mở rộng lần thứ ba vào năm 2008.
Thăng Long nghĩa là rồng bay lên. Với những dàn dầm thép của cây cầu mang tên Thăng Long, vươn giữa trời xanh hiên ngang trên dòng sông Hồng, tựa như dáng rồng bay ở phía tây thành phố đang trong độ tuổi nghìn năm. Trong ¼ thế kỷ, từ khi có dáng vóc hiện đại của cây cầu, cả một vùng nông thôn rộng lớn: Cầu Giấy, Từ Liêm, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn… đã biến đổi từng ngày trong tốc độ phát triển đô thị nhanh và vững chắc của Thủ đô Hà Nội.