Cẩn thận khi dùng hoa tam thất
Mỗi khi có dịp lên Cao Bằng, Điện Biện, Lạng Sơn... hay có người thân quen đi công tác lên xứ Lạng là chị Nguyễn Thu Hiên, khu tập thể Thành Công, Hà Nội lại nhờ mua bằng được nụ hoặc hoa Tam thất để uống. Không biết tác dụng tới đâu, nhưng thấy ăn ngon và ngủ tốt nên chị mua cho cả gia đình, họ hàng và bạn bè.
Giờ đây, chẳng phải lên Cao bằng, mà chỉ cần tới bất kỳ hiệu thuốc nào trên phố Lãn Ông, Hà Nội bạn cũng được mời mua loại hoa này. Hoa được đóng trong túi nilông 1-2 lạng/túi bán với giá 20.000đ/lạng nguyên hoa. Loại hoa rời bán với giá 18.000đ/lạng.
ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Đông Y, Bệnh viện TW quân đội 108 cho biết, trong y học cổ truyền, các bộ phận của cây tam thất đều được dùng làm thuốc. Củ tam thất là một trong những dược liệu quý được dùng phổ biến, hoa tam thất cũng được người xưa sử dụng. Theo dược thư cổ, hoa tam thất có vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt (làm mát, giải nhiệt), bình can (điều hoà chức năng của tạng Can), giáng áp (hạ huyết áp) và an thần, trấn tĩnh. Thường được dùng để chữa các chứng và bệnh như cao huyết áp, huyễn vựng (hoa mắt, chóng mặt trong hội chứng rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não...), nhĩ minh, nhĩ lung (tai ù, tai điếc), viêm hầu họng cấp tính... Tuy nhiên, dược lý thực sự của nụ và hoa tam thất thì chưa được khoa học hiện đại kiểm nghiệm và chứng minh.
Dược sĩ Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền cho biết: dược liệu mà phóng viên báo KH&ĐS thu thập được ở một số tiệm thuốc Bắc ở Hà Đông) không phải nụ tam thất mà là quả non. Cây tam thất chỉ phần củ là tốt nhất. Sử dụng lá, thân, hoa hay quả chỉ là tận dụng cho khỏi phí. Nếu dùng hoa thì tốt nhất là dùng cụm hoa để tránh bị nhầm với loài hoa khác. Trên thị trường có bán dạng tam thất hoa rời, nếu không phải cơ sở tin cậy thì không nên mua vì dễ lẫn với các loại hoa khác.
Hiện nay hoa và quả tam thất được bày bán trên thị trường hầu hết là có xuất xứ từ Trung Quốc vì Việt Nam trồng được rất ít loại cây này. Dược sĩ Khánh rất ít khi dùng hoa tam thất, nếu có dùng thì thường phối hợp nhiều loại để pha trà chứ không dùng độc vị.
Trong Đông y, người ta hay dùng thuốc theo bài “Quân thần tá xứ”. Có nghĩa một bài thuốc sẽ có vị chỉ huy, vị hỗ trợ, vị dẫn thuốc vì thế, rất nhiều nhà thuốc khuyên dùng tam thất dù là củ hay hoa cũng nên theo bài, không nên dùng độc vị để cân bằng âm dương ngũ hành. Tam thất củ thường giúp bổ âm (bổ máu), tam thất hoa thường giúp bổ dương, làm sáng da, giúp đầu óc thoải mái. Những người dương kém như da tối, khí huyết kém, tóc rụng, huyết áp thấp, người lạnh, làm việc hay mệt mỏi, dễ cảm mạo nên dùng hoa. Những người âm hư như huyết hư, huyết ứ nên dùng củ. Những người bình thường, trẻ em và những người huyết áp cao không nên dùng vì dùng tam thất dễ bị kích thích làm huyết áp càng tăng cao.
DS Phan Đức Bình, Phó Tổng biên tập Tạp chí Thuốc và Sức khoẻ
“Cẩn thận hoa giả”
Tam thất là cây thân nhỏ, sống lâu năm, phát triển chậm. Cây cao chừng khoảng 30 - 60 cm, thân mọc đứng, không có lông, lá mọc vòng 3 - 4 lá một. Cây có hoa khoảng tháng 6 - 7 dương lịch. Hoa hình tán mọc đầu ngọn cây, gồm nhiều hoa đơn. Cuống hoa trơn bóng không có lông. Hoa lưỡng tính cùng với hoa đơn tính. Hoa rất nhỏ và ít nên thu hái không được bao nhiêu. Việc các cửa hàng bán tràn lan hoa tam thất e rằng có hoa giả lọt vào. Nếu chẳng may dùng hoa lẫn với hoa giả có độc thì không những không có tác dụng mà còn đặc biệt nguy hại. Củ tam thất đã được chứng minh là rất tốt, trong khi hoa chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu vì vậy chỉ nên dùng củ.
Nguồn KH&ĐS Số 97 Thứ Hai 4/12/2006