Các nhà sử học quốc tế nhìn về Đông Kinh Nghĩa Thục
Trong giới sĩ phu yêu nước thời đó, xuất hiện một xu hướng canh tân, muốn cho xã hội Việt Nam biến đổi trong hoàn cảnh chiếm đóng thực dân, nhằm một ngày kia có thể giành lại nền độc lập cho đất nước bằng những con đường khác. Lợi dụng thời cơ thuận lợi, họ đề xướng việc mở trường học, lập nhà xuất bản độc lập với chính quyền, hay tổ chức hợp tác xã sản xuất nhưng với mục đích là tài trợ cho các hoạt động văn hoá và giáo dục như Công ty nước mắm Liên Thành ở Phan Thiết đã xây dựng thêm một trường học và một nhà xuất bản. Khởi thủy Đông Kinh Nghĩa Thục là một trường công khai lấy chương trình giảng dạy dựa theo lối “tân học” của Trung Quốc và Nhật Bản, dạy cách trí, toán pháp, địa lý, lịch sử, văn chương, công dân giáo dục, kể cả thể thao thể dục. Nội dung giảng dạy chủ yếu của Trường nhằm đả phá những tư tưởng lạc hậu của các nhà Nho thủ cựu, đánh đổ lối học từ chương trong khoa cử, bài trừ hủ tục, kêu gọi học chữ Quốc ngữ, học khoa học kỹ thuật mới, chú trọng đến thực nghiệp để chấn hưng công thương nghiệp. Có thể nói trường học là nơi đề xướng cuộc vận động công khai để truyền bá tư tưởng yêu nước, tư tưởng cách tân nhằm chấn hưng dân khí, tiến tới giành quyền tự chủ, phù hợp với ý tưởng mà những nhà Nho tiến bộ đã đề xuất trong phong trào Duy Tân mấy năm trước đó. Vì vậy mà chỉ sau gần 9 tháng hoạt động trường đã bị nhà chức trách ra lệnh đóng cửa.
Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ mở ra một bước ngoặt của cuộc cách mạng Việt Nam , mà còn có ý nghĩa kéo dài đến tận ngày nay, nhất là khi đất nước ta bước vào công cuộc Đổi mới, nhằm đem lại sự phồn vinh trong hiện đại hoá. Chính vì vậy, vào dịp kỷ niệm này, các nhà sử học Pháp đã có sáng kiến tổ chức cuộc hội thảo vào những ngày đầu tháng 5 năm 2007, tại Axien Provence, do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (IRSEA) tổ chức,
Nếu như những ý tưởng chung của các nhà duy tân cũng như tiểu sử các nhân vật chủ chốt của phong trào này đã được khai thác nhiều qua các thư tịch Pháp và Việt, thì sự bắt rễ của phong trào trong quần chúng vẫn còn ít được biết đến. Đó là mối quan tâm đầu tiên của Hội thảo. Phải chăng đây là một phong trào diễn ra ở đô thị là chính, hay các làng quê có đóng một vai trò quan trọng? Vào những năm đầu thế kỷ XX, việc học chữ (Hán - Nôm) đã lan đến bao nhiêu phần trăm trong dân chúng, trình độ Quốc ngữ của người dân lúc đó đến đâu? Việc hô hào cổ vũ của tầng lớp sĩ phu được thực hiện bằng cách nào để đến được với công chúng? Phong trào có ảnh hưởng đến những địa phương nào, đặc biệt hai tỉnh có truyền thống năng động về văn hoá hay chính trị là Thanh Hóa và Bình Định? Sự suy tàn của tầng lớp Nho sĩ trong hoàn cảnh thuộc địa có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của phong trào Duy Tân, hay là ngược lại. Với mục tiêu đầu tiên đó, Hội thảo muốn nhìn lại phong trào trong bề dày xã hội của nó.
Mục tiêu thứ hai của hội thảo là đặt lại Việt Namtrong bối cảnh châu Á: chính các nhà Nho duy tân đầu thế kỷ XX đã đem lại cho văn hóa Việt Namkhái niệm về một nước Việt Nam gắn liền với văn minh Á Đông chứ không phải chỉ có riêng Trung Hoa. Là một nước nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam thường được nghiên cứu trong khung cảnh Đông Nam Á; là một nước thuộc địa của Pháp, ở giai đoạn này, những vấn đề nghiên cứu thường chỉ được tiếp cận bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp, trong khi đó các thư tịch tiếng Anh chưa được khai thác đầy đủ. Trong nửa sau thế kỷ XX, lịch sử Việt Nam được đánh dấu bằng những cuộc xung đột liên quan đến các nước Pháp, Mỹ và Liên Xô, nên người ta thường chú ý đến mối quan hệ Việt nam với các cường quốc, hơn là sự tiếp súc với các nước như Inđônêxia, Thái Lan hay Philippin. Thế nhưng vào đầu thế kỷ này, quan hệ và ảnh hưởng giữa các nước Châu Á lại rất phong phú, không phải chỉ có với Trung Quốc và Nhật Bản, mà còn có cả với Ấn Độ, Inđônêxia và Philippin hoặc qua các con đường thông thương do thực dân Pháp thiết lập (đường biển của hãng Messageries maritimes Pháp nối liền Yokohama, Thượng Hải, Sài Gòn, và cả Singapore, Colombo và Bombay), hoặc qua hệ thống của các nhà truyền giáo, hay bằng những hệ thống có từ trước thời thuộc địa mà Nguyễn Ánh đã sử dụng cuối thế ký XVIII, hoặc sự tồn tại của những cộng đồng người Việt xuất dương ở Xiêm, Cao Miên, Lào, cũng như ở Trung Quốc hay Nhật Bản. Hơn nữa, tại các xã hội châu Á lúc này đang đặt ra vấn đề thích ứng với sự du nhập ồ ạt của tư tưởng phương Tây trong mọi lĩnh vực văn hoá, tôn giáo, thương mại…, và sự trùng hợp của sự ra đời những phong trào chính trị hiện đại. Việc Tôn Trung Sơn đến Việt Nam những năm đó không phải là ngẫu nhiên, mà phản ánh mối quan hệ cần được làm sáng tỏ thêm.
Cuối cùng hội thảo muốn xác định di sản của phong trào Duy Tân và Đông KInh Nghĩa Thục. Ảnh hưởng của những phong trào này đối với các xu hướng cách mạng sau đó ra sao? Không phải chỉ có hoạt động của Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc ở Pháp trong Thế chiến thứ nhất, đã được nghiên cứu kỹ, mà còn có những xu hướng khác tản mạn hơn nhưng cũng cần được khai thác. Nhiều người sau khi ra tù đã đi vào con đường làm báo như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, vì đây là phương thức vận động quần chúng có hiệu quả nhất. Nhưng cũng có những người làm báo dựa vào sự che chở của chính quyền thực dân nhưng không hẳn chỉ là phụ hoạ cho đường lối thuộc địa như trường hợp của Đông Dương tạp chívà Nam Phong. Sự đa dạng và phức tạp của các xu hướng văn hóa - chính trị đó cũng cần được đào sâu thêm. Ngoài ra còn có những hoạt động ngụy trang dưới màu sắc văn chương hay tôn giáo như các hội hướng thiện, các thiện đàn với việc in sách tuyền bá tư tưởng yêu nước dưới hình thức lời giáng của thánh mẫu. Lại còn vai trò của các sĩ phu rút lui về với gia đình nhưng vẫn nhen nhóm cho con cháu tinh thần yêu nước thương nòi, cho con cháu theo học các trường Pháp - Việt để duy trì sự kế thừa trong học vấn của một tầng lớp.
Đây là một cuộc hội thảo có tính học thuật cao, các tham luận đã đem lại nguồn tài liệu mới, cụ thể và phong phú. Những người tổ chức đã chú ý giới thiệu các tài liệu liên quan đến chủ đề của Hội thảo, hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp (CAOM) ở Aixen Provence, cũng là nơi diễn ra hội thảo. Một trăm năm đã trôi qua, nhưng những vấn đề đặt ra của Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn còn thu hút sự quan tâm của các học giả Việt Nam và thế giới, đòi hỏi phải có sự tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sắc hơn.