Bướu giáplà từ dùng để gọi chung tình trạng gia tăng kích thước của tuyến giáp, tuỳ theo bản chất của bướu mà chia ra thành các loại: bướu lành, bướu độc (bệnh Basedow) và bướu ác (hay ung thư tuyến giáp). Muốn biết “ có uống rong biển được không? Ăn nhiều iốt có hại không? Cách phòng và trị bệnh?... thì phải phụ thuộc vào loại bướu. Bướu lành, còn gọi là bướu tuyến giáp lành tính hay bướu tuyến nang, thường gặp ở cư dân vùng núi, do trong đất và trong thực phẩm thiếu iốt, tuyến giáp không đủ iốt, nên chỉ tạo ra thyroglobulin rồi ngừng, không thể tiếp tục quá trình tổng hợp để tạo ra T3 và T4. Các thyroglobulin được chứa trong các nang của tuyến giáp. Bình thường, khi trong máu có đủ T3 và T4 sẽ ức chế ngược lên tuyến yên để tuyến yên ngừng tiết hormon TSH kích thích tuyến giáp làm việc, vì thiếu T3 và T4 nên tuyến yên vẫn tiết hormon kích thích tuyến giáp và tuyến giáp vẫn kích thích quá trình tổng hợp, nhưng cũng chỉ tạo ra thyroglobulin, chất này tích tụ trong nang tuyến, làm phình to tuyến giáp. Bướu lành tuyến giáp có thể to gấp 10 đến 20 lần thể tích tuyến giáp bình thường.
Các từ suy giáp, nhược giáp, cường giáp để chỉ tình trạng hoạt động của tuyến giáp.
Suy giáp đồng nghĩa với nhược giáp, để chỉ chức năng tuyến giáp yếu đi, không tạo ra đủ hormon T3 và T4. Có hai nguyên nhân gây suy giáp: Thứ nhất là suy giáp do tuyến giáp bị viêm, phá huỷ rồi xơ hoá thì không tạo bướu, gọi là bệnh Hashimoto. Thứ hai là suy giáp do thiếu iốt như nêu trên thì tạo bướu lành tuyến giáp.
Các triệu chứng của suy giáp là do thiếu tác dụng của hormon giáp lên cơ thể.
Ở người trưởng thành suy giáp thường do bệnh lý viêm, xảy ra ở người trên 40 tuổi, gồm các biểu hiện:
Người mệt mỏi, buồn ngủ và ngủ nhiều (có thể ngủ từ 12 đến 14 giờ mỗi ngày).
Yếu cơ, nhịp tim chậm.
Giảm thân nhiệt, sợ lạnh.
Ăn không ngon, táo bón.
Hoạt động thể lực và tinh thần đều chậm chạp.
Tăng cân do giảm chuyển hoá cơ thể (năng lượng không được sử dụng mà tích trữ lại).
Lông tóc hay rụng, móng dễ gãy.
Trong trường hợp nặng, bệnh nhân bị phù mặt và có quầng lớn dưới mắt, đây là dạng phù cứng, ấn không lõm.
Thiếu hormon giáp làm giảm chuyển hoá lipit, giảm bài tiết các dịch của đường tiêu hoá, gan giảm sử dụng cholesterol để tạo mật nên cholesterol trong máu tăng, gây xơ vữa động mạch.
Nếu suy giáp xảy ra trong giai đoạn bào thai, sơ sinh hay tuổi nhà trẻ, mẫu giáo sẽ làm cơ thể và não bộ không phát triển, trí thông minh kém, gọi là bệnh đần độn. Tác hại của suy giáp ở trẻ em nặng nề hơn suy giáp ở người lớn, sự trầm trọng của bệnh tuỳ thuộc vào mức độ thiếu hormon tuyến giáp. Nguyên nhân: do không có tuyến giáp bẩm sinh, khiếm khuyết di truyền liên quan đến tuyến giáp là nguyên nhân không phòng ngừa được và do thiếu iốt, đây là nguyên nhân phòng ngừa được bằng cách bổ sung iốt trong khẩu phần ăn .
Nguồn: Thuốc & Sức khoẻ, 343, 1/11/2007, tr 24