Biện pháp mới cải tạo nhanh đất nhiễm mặn
Tuy nhiên, trong quá trình khắc phục hậu quả bão số 6 và số 7 (tháng 9/2005, làm vỡ hàng ngàn mét đê biển, gây nhiễm mặn hơn 8.400ha, hàng vạn hộ nông dân không có đất sản xuất), Công ty Thuỷ nông Sông Chu (Thanh Hoá) đã thực hiện thành công đề tài “Biện pháp thuỷ lợi cải tạo đất cho vùng bị nhiễm mặn” tại xã Quảng Trạch (Quảng Xương), chỉ sau 4 lần rửa mặn đã có thể sản xuất bình thường, tiết kiệm tối đa chi phí. Các biện pháp kỹ thuật này đã được áp dụng hiệu quả tại các địa phương có ruộng đất bị nhiễm mặn trong tỉnh, cụ thể như sau:
Theo Viện Thổ nhưỡng nông hoá (Bộ NN&PTNN), đất nhiễm mặn ở Quảng Thạch có nồng độ muối tan 0,65%, pH 6,86; độ dẫn điện EC 10.16MS/cm; nhiễm mặn ở độ sâu hơn 20cm.
Bước 1 : Dùng 1 máy bơm công suất 1.200m 2/h, bơm nước từ sông Lý (thượng lưu cống Ngọc Giáp) và 1 máy ở trạm bơm xã Quảng Lợi có công suất 1.000m 3/h lấy nước từ kênh Bắc. Căn cứ vào thực trạng vùng đất, khoanh từ 2-4 vùng rửa, trong vùng chọn các thửa ruộng dài 100-200m, rộng 50-100m; đắp bờ ao 35-40cm. Kích thước ô ruộng tuỳ theo điều kiện thực tế để bố trí, diện tích 0,5-1,5ha. Trong các ô ruộng, cứ 2-3m lại đào 1 rãnh tiêu sâu 20cm để rút nước trong đất, giúp nâng cao hiệu quả rửa mặn. Tổng lượng nước rửa từ 1.000-1500m 3/ha, số lần rửa 3-4 đợt, mỗi đợt từ 300-400m 3/ha. Biện pháp này gọi là kỹ thuật rửa ngập, vì phải bơm cấp nước ngập mặt ruộng 15-25cm.
Bước 2 : Sau khi bơm cấp nước, ngâm từ 4-5 ngày; tiêu nước từ 1-2 ngày (hoàn thành rửa 1 lần mất 7 ngày). Rửa 4 lần liên tục hết khoảng 1 tháng. (Trước đây thau chua, rửa mặn phải sau 3 đến 5 năm mới có thể canh tác bình thường, chi phí lại cao hơn hàng chục lần).
Kết quả
Trên cơ sở mẫu thí nghiệm (mẫu M1 của thôn Lâm; mẫu M2 thôn Đồng Lính; mẫu M3 thôn Đông), Chi cục Kiểm định (Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá) đánh giá độ nhiễm mặn của nước sau 3 lần rửa, so sánh với chỉ tiêu cho phép đều đạt hoặc gần đạt tiêu chuẩn:
- Độ dẫn điện M1 = 1,71; M2 = 4,15; M3 = 1,52 (so với tiêu chuẩn độ dẫn điện từ 0-4 là không mặn; từ 4-8 mặn nhẹ, từ 8-15 mặn bình thường; mặn nặng là trên 15).
- Hàm lượng muối (%): M1 = 0,2; M2 = 0,36; M3 = 0,12 (so với tiêu chuẩn % nếu < 0,2% không mặn; 0,2-0,5% mặn bình thường; > 0,5% mặn nhiều).
Sau lần rửa thứ 4, các chỉ tiêu đều đạt tiêu chuẩn nhưng cũng cần chọn giống, cơ cấu giống phù hợp để gieo trồng vụ đông xuân và áp dụng biện pháp canh tác hợp lý, kết hợp tưới rửa mặn trong thời kỳ sinh trưởng của cây trồng. 60ha lúa và màu ở xã Quảng Thạch ngập trong biển nước 3 tháng trước, nay đã xanh ngát su hào, bắp cải chờ Tết nguyên đán.
Ông Trương Côn, Giám đốc Công ty Thuỷ nông Sông Chu, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Ngoài việc thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, chúng tôi còn kiểm tra độ mặn trên bề mặt ruộng để đánh giá mức độ nhiễm của từng khu vực nhằm linh hoạt trong biện pháp xử lý”.
Nguồn: Kinh tế nông thôn, số 52 (486), 26/12/2005