Biển ngọt hơn vì trái đất ấm lên
Kể từ cuối thập kỷ 1960, hầu hết Bắc Đại Tây dương đã trở nên nhạt đi, một phần do sự gia tăng nước ngọt đổ vào biển, bắt nguồn từ hiện tượng trái đất ấm lên. Nay, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đã ước lượng được phần nước ngọt bổ sung này, cho phép họ dự báo ảnh hưởng dài hạn của các dòng hải lưu.
Phân tích cho biết thay đổi khí hậu ở bán cầu Bắc đã làm tan chảy các sông băng và gây mưa nhiều hơn, khiến cho lượng nước ngọt đổ ra các đại dương càng lớn. Ruth Curry thuộc Viện Hải dương học Woods Hole (Mỹ) và Cecilie Mauritzen ở Viện khí tượng học Nauy tính ra, có thêm khoảng 19.000 kilomét khối nước đổ vào và hoà loãng các vùng biển Bắc từ giữa năm 1965 đến 1995.
Để hình dung con số này, bạn cần biết rằng sông Mississippi giải phóng khoảng 500 kilomét khối nước ngọt mỗi năm vào vịnh Mexico, trong khi Amazon, con sông lớn nhất thế giới, hằng năm chỉ cung cấp khoảng 5.000 kilomét khối nước.
Vì nước ngọt có tỷ trọng nhẹ hơn, nên việc gia tăng nó vào biển có thể ảnh hưởng đến các dòng hải lưu, và sự thay đổi nhẹ các dòng hải lưu sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ, từ việc hình thành các cơn bão đến hạn hán và các đợt sóng nhiệt.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa ai quan sát được sự thay đổi nào đáng kể trong các dòng hải lưu. Curry và Mauritzen dự đoán rằng nếu tốc độ bổ sung nước ngọt như hiện nay duy trì, thì cũng phải mất một thế kỷ nữa để nó làm chậm lại sự trao đổi giữa các vùng nóng lạnh của đại dương.
Nguồn: vnexpress.net 30/6/2005