Bàn về chữ “học” xưa và nay
Có người ở quận Đông Thành,
Tu nhơn tích đức sớm sinh con hiền,
Đặt tên là Lục Vân Tiên,
Tuổi vừa đôi tám nghề chuyên học hành
Nhờ cái “nghề học hành” mà anh “con hiền” Lục Vân Tiên vừa có đức lại vừa có tài:
Văn đà khởi phụng đằng giao,
Võ thêm ba lược, sáu thao ai bì.
Cũng nhờ cái “nghề học hành” mà Đào Duy Từ mới “học rộng, hiểu nhiều về lịch sử, thành thạo văn chương, tinh thông thiên văn, địa lý, sấm vĩ, thuật số” ( Đại Nam liệt truyện tiền biên). Nghĩa là nhờ có “học”, Đào Duy Từ mới có thể giúp chúa Nguyễn làm nên việc lớn và cũng vì chúa Nguyễn biết đối xử với nhân tài nên mới có được nhân tài. Aristote có lý khi cho rằng “cách” đối xử với nhân tài quan trọng hơn là “có” nhiều hay ít nhân tài.
Hình “mẫu” Lục Vân Tiên và người thực, việc thực Đào Duy Từ gặp nhau ở chữ “học”. Hiếu “học” trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam . Chẳng phải từ xưa nhà nước đã rất đỗi tôn trọng hiền tài đó sao? Lê Quý Đôn tự hào rằng:
“Bản triều từ lúc trung hưng đến nay, đối với người đỗ khoa tiến sĩ đại ngộ rất hậu, bổ dụng rất cao:
1. Ban cho mũ áo và cân đai triều phục, cho vinh quy về quê hương, có đủ các hạng cờ quạt, nghi trượng, phường trống và phường nhạc đón rước;
2. Viên quan có trách nhiệm bắt dân làng trước hết dựng phủ đệ cho tiến sĩ;
3. Không những người đỗ Tam khôi hoặc Ứng thí chế khoa trúng cách được bổ vào viện Hàn lâm, mà cả người đổ đồng tiến sĩ cũng được bổ giữ chức quan trong các khoa, các đạo, không phải bổ làm quan ở phủ hoặc huyện;
4. Trong mỗi khoa, một người đỗ trẻ tuổi được bổ giữ chức hiệu thảo;
5. Người nào bổ quan ở ngoài các trấn, thì bổ vào hai ty Thừa chính hoặc Hiến sát, đều trao cho chưởng ấn chính thức, không phải giữ chức tá nhị.
Năm ân điển này, so với việc đặt khoa mục ở Trung Quốc từ xưa đến nay chưa từng có” (1).
Không trọng dụng, không có chính sách đãi ngộ hiền tài thì làm sao xã hội có thể phát triển được? “Ân điển” đương nhiên là quan trọng rồi, nhưng “ân điển” đúng hay sai e rằng còn quan trọng hơn. Sự “xuống cấp” hay “lên cấp” của giáo dục phụ thuộc vào “đúng” hay “sai” này. Người xưa khi làm chính trị, quan tâm trước tiên đến cái gọi là “chính danh” chẳng phải là ngẫu nhiên chút nào (Vi chính tất tiên chính danh, Luận ngữ, Lỗ ngữ). Lẫn lộn giữa “thật” và “giả” về “học” là bắt đầu của mọi lẫn lộn trong xã hội. Chẳng trách khi Tử Lộ hỏi Khổng Tử rằng làm chính trị thì việc đầu tiên cần phải làm là việc gì? Trả lời: “chính danh”! Bởi vì “danh không chính thì ngôn không thuận, ngôn không thuận thì việc sẽ không thành”. Cho nên “trường phải ra trường, lớp phải ra lớp, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò” là bắt đầucủa giáo dục và cũng là bắt đầucủa xã hội. Thiên hạ thường bắt đầu từ cái bắt đầu chứ không phải bắt đầu từ cái gọi là “đi tắt đón đầu” trong khi “thật”, “giả” còn chưa phân biệt.
![]() |
Thấy “sai” mà “sửa” có lẽ còn hay hơn nhiều so với thấy “sai” mà không “sửa” hoặc không có cách gì để “sửa”. Nhà nước phong kiến một khi đã xuống cấp thì giáo dục làm sao có thể lên cấp được? Đến thời Nguyễn Khuyến thì làm gì còn “chính” với “danh” nữa mà mong? Cái mà người ta quan tâm không phải là “chính” mà là “danh”:
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,
Bảng vàng bia đã vẫn nghìn thu.
(Vịnh tiến sĩ giấy)
Chẳng phải ngày nay vẫn có người dựng “bảng vàng bia đá” để lưu danh “nghìn thu” cho mấy ông “tiến sĩ giấy” đó sao? Có phải vì hoài cổ hay lại sợ Nguyễn Khuyến “đời nay” lại “vịnh” nữa cho nên mới chuyển từ “giấy” sang “đá” chăng? Nguyễn Khuyến vịnh rằng:
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi.
(Vịnh tiến sĩ giấy)
“Tiến sĩ đá” đâu phải là cách làm cho “đồ chơi” hoá thành “đồ thật”! Không phải chỉ có Nguyễn Khuyến mà nhiều trí thức yêu nước như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng… không ai không than thở về việc “học” ngày càng sa sút đương thời. Hình như mầm mống thoái hoá của việc “học” đã tồn tại ngay từ khi con người bắt đầu “học”?
Từ trước công nguyên, cách ngày nay những hơn hai nghìn năm trăm năm, Khổng Tử vừa khuyến khích mọi người học hành (hữu giáo vô loài) nhưng ngay từ đầu cũng đã “phát hiện” xu hướng “nay không bằng xưa”. Ông cho rằng ngày xưa người ta học cho mình (học vị kỷ), còn bây giờ (thời Khổng Tử), thiên hạ lại học cho người (học vị nhân) (Cổ nhân học giả vị kỷ, kim chi học giả vị nhân, Luận ngữ, Hiến vấn). “Học cho mình” là học để làm người, còn “học cho người” là học cốt để cho người ta biết, để “vinh thân phì gia”. “Học cho mình” đâu nhất thiết phải để cho mọi người biết. Cho nên “người quân tử là người chẳng có gì phải oán hận khi thiên hạ không biết đến mình” ( Luận ngữ, Học Nhi). Thời Khổng Tử đâu đã có thi cử, làm gì có bảng vàng, bảng xanh, làm gì có thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư… mà phải khổ công “dùi mài kinh sử”.
Thực ra chữ “học” ngày xưa cũng đâu có giống với chữ “học” ngày nay. Chữ “học” đã có từ lâu trong Giáp cốt văn. Lý Lạc Nghị giải thích:
“Trong Giáp cốt văn, “học” là một ngôi nhà, trên có “hảo” (chỉ âm đọc)… Từ Kim văn trở đi trong ngôi nhà mới có thêm “tử”, chỉ việc đào tạo học trò” (4).
Chữ “học” và chữ “giáo” (dạy) ngày xưa vốn chỉ là một chữ, không phân biệt như ngày nay. Người “học” là “học với người “dạy”, còn người “dạy” là “dạy cho người “học”. Cho nên “học” cũng là “dạy” mà “dạy” cũng là “học”.
Sách Quảng nhãchép: “Học, cũng có nghĩa là dạy” (Học, giáo dã). Sách Tập vậnchép: “chữ “giáo” trong sách Thuyết văngiải thích là: “ở trên chỉ dẫn, ở dưới phỏng theo”, cũng có lúc “giáo” cũng gọi là “học” (Giáo, Thuyết văn“thượng sở thi, hạ sở hiệu dã”hoặc tác học).
Cũng có ý kiến cho rằng “học” ở phương Tây xuất phát từ tôn giáo, “học” của Trung Quốc xuất phát từ “điển chương” chứ không phải từ tôn giáo. Chùa của Nhật Bản thời xưa thường cũng là trường học. Vậy “học” ở Việt Nam xuất phát từ đâu? Không phải tôn giáo, cũng không phải “điển chương” mà ở tinh thần yêu nước.
Có lẽ ngày xưa giáo dục chưa phát triển cho nên chưa phân chia một cách rành rọt giữa “dạy” và “học”.Ấy vậy mà cũng có cái hay. “Học” và “dạy” dường như có vẻ tự nguyện, tự giác, ‘bình đẳng” hơn sau này thì phải? Mở đầu sách Luận ngữchẳng gì khác hơn là “học” và “hứng thú” của việc học: “Học và thường xuyên ôn tập chẳng phài là điều vui thú sao?” ( Luận ngữ, Học nhi). Bây giờ thì khác, từ khi mới vỡ lòng đã phải khổ sở vì cái cặp quá nặng vì những bài học ở đâu đâu. Người học học những điều mà nhà trường cần dạy chứ không phải học những điều mà họ muốn học. Cho nên cái gọi là chân lý có tính giáo điều, tiên nghiệm được ban phát từ trên xuống và “học” chỉ là quá trình nỗ lực tiếp cận chân lý đó. “Đậu” hay “rớt”, “giỏi” hay “dở’ gì đó là tuỳ thuộc vào mức độ tiếp cận chân lý đó. Người có quyền uy cao nhất để đánh giá “nhân tài”, không ai khác hơn là nhà vua. Có khi vua trực tiếp ra đề thi và cũng có khi đích thân xét duyệt (5). “Học” là để ra làm quan ( Luận ngữ, Tử Trương), làm quan nghĩa là để phụng sự vua, vì vua. Còn vua vì dân hay vì ai thì đó là chuyện của vua. Khổng Tử chẳng phải đã dạy rõ ràng rằng không ở cương vị của người đó thì cũng đừng bàn những việc của người đó. Khi học thuật được hoà tan vào chính trị thì cả chính trị lẫn học thuật đều nhằm thuyết minh cho “cái tồn tại là cái hợp lý” chứ không phải “cái hợp lý là cái tồn tại”. Học thuật ngay từ đầu đã bị tước đoạt tính độc lập, tự chủ, sáng tạo của nó. Nhưng khổ nỗi đã bị trói còn bị phê là thiếu tính năng động, sáng tạo. Bertrand Russell cũng lấy làm tiếc về điều đó. Theo ông thì “nhi đồng vốn có thói quen tư duy nhưng mục đích của giáo dục lại gạt bỏ thói quen đó”.
Như vậy là ở trên trái đất này đâu đâu cũng có “thói quen” gạt bỏ “thói quen” của người khác. Sở dĩ điều đó có tính phổ biến về cả không gian và thời gian là bởi vì “độc tôn chân lý” được xem như là “lập trường”. Thực ra, chân lý là chân lý, không phụ thuộc vào ai cả. Chỉ có chân lý mới có quyền phán quyết về chân lý, không ai có thể tự mình phán quyết thay cho người khác. Dạy tốt nhất là dạy để người học có thể tự dạy, học tốt nhất là học để tự học. Không thể có cái gọi là năng động hay sáng tạo mà không bắt đầu từ đó. Phan Huy Chú cho rằng “học hành văn chương quan hệ rất nhiều đến thế đạo, xem việc thi cử hay hay dở, biết nhà nước thịnh hay suy” (6).
Nơi nào nhận thức được điều đó sớm hơn thì nơi đó phát triển nhanh hơn. Xem ra phương Tây nhận thức và thực hiện điều đó sớm hơn phương Đông. Cho nên chủ trương nhằm giải phóng nhận thức con người, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của người học như “Autodidacticism” (Học tập tự chủ), “Democratic School” (Nhà trường dân chủ”, “Homeschooling” (Tự học tại gia)… không thể có nếu như không có cơ sở triết lý giáo dục.
Ở phương Đông lẽ nào lại không có triết lý giáo dục sao? “Tâm học” của Vương Dương Minh (1472 – 1528) là sản phẩm của xã hội Trung Quốc ở thế kỷ XV – XVI, tương đương với thời kỳ Phục hưng ở phương Tây. Là một nhánh có nguồn gốc từ “Đạo học” của Tống Nho, nhưng lại đối lập với chính nơi mà nó đã xuất xứ. Đỉnh cao của “Đạo học” Tống Nho là Chu Hy, nguyên tắc triết học cao nhất của Chu Hy là “Tính và Lý là một” ( Chu Tử ngữlục, q. 4). “Lý” và ý thực hệ của giai cấp phong kiến cũng chỉ là một, là chân lý vĩnh cửu. Chân lý đó được quán triệt vào tận trong đầu của mỗi một cá nhân trong xã hội. Sở dĩ có thể thực hiện được điều đó là vì mỗi con người đều được “ban phát” cái gọi là “Tính” vào trong Tâm. Cũng giống như nhiệt độ có thể làm cho trứng gà nở thành gà con là bởi vì trong trứng gà tiềm ẩn gà con được “ban phát”. Nhiệt độ không thể ấp cho đá trở thành gà con được bởi vì trong đá không tiềm ẩn gà con. Tuy có chú ý đến nhân tố bên trong nhưng Đạo học của Tống Nho đã tuyệt đối hoá “Đạo”, tuyệt đối hoá “cái bên ngoài” (Lý), cái bên ngoài luôn áp chế “cái bên trong”. Cho nên “giáo dục là giáo dục, theo với Đạo” (Tu đạo chi vị giáo, Trung dung). Xu hướng giáo dục theo kiểu đó hoàn toàn có lợi cho sự tồn tại của nhà nước phong kiến. Cây gậy và củ cà rốt của nhà nước phong kiến sẵn sàng “chi” cho nền giáo dục như vậy là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Cho nên học giả Trung Quốc cũng phải than rằng mấy nghìn năm lịch sử đã đào tạo ra nô tài đúng hơn là đào tạo ra nhân tài.
Đến thời nhà Minh, xã hội quá nhiều rối ren. Học hành thi cử lại quá gò bó, câu nệ. Văn “bát cố” chính là sản phẩm “ấn tượng” nhất của nhà Minh. Có người nhận xét rằng văn “bát cố” là triệu chứng báo hiệu ngày tàn của triều đại nhà Minh. “Tâm học” của Vương Dương Minh ra đời trong bối cảnh đó. Tuy nhiên Vương Dương Minh đã có cái nhìn khác, ông xem trọng “cái bên trong” (Tâm) hơn là “cái bên ngoài”, chân lý vốn tồn tại ở mỗi con người, con người sinh ra trên đời ai cũng có “lương tâm” cả, “lương tâm” chứ không phải “Lý” hay “thực tiễn” gì đó ở bên ngoài là tiêu chuẩn của chân lý. “Tâm tức là Lý” ( Truyền tập lục) (7). Khác nhau giữa “Tính tức là Lý” và “Tâm tức là Lý” là ở chỗ, một bên cho rằng phải hành động theo đạo lý đã được quy định “bên ngoài”, một bên cho rằng hãy hành động theo “lương tâm”, miễn sao không hổ thẹn với “lương tâm”. Vương Dương Minh khuyên mọi người.
“Học quý nhất là ở cái Tâm. Nếu Tâm của mình thấy sai thì cho dù lời nói đó là của Khổng Tử đi nữa cũng không thể cho là đúng được, huống hồ lại không phải là lời của Khổng Tử? Nếu Tâm của mình thấy đúng thì cho dù cả thiên hạ đều cho là sai thì cũng mặc kệ huống hồ đâu đã phải là lời của Khổng Tử”. ( Truyền tập lục, trung).
Vương Dương Minh còn dám tuyên bố rằng “dân ngu khu đen và thánh nhân đều như nhau” ( Truyền tập lục, trung). Cho nên “Tâm tức là Lý”. “Lương tâm’ là cái “tự nhiên” mà ai cũng có (8), là cơ sở của nhận thức đúng đắn mà Vương gọi là “lương tri”. “Lương năng” là khả năng trời phú để con người đến với chân lý (9). Nhưng cái “tự nhiên” mà có không biết ở đâu ra này lại trở thành “rắc rối” to cho nhân loại. Hữu thần, vô thần, tiên nghiệm, hậu nghiệm… đều từ đây mà ra. Dẫu sao, “tâm học” của Vương Dương Minh cũng đã đòi lại tính công bằng của ý thức cá nhân trước ý thức xã hội, đã đề cao tính năng động, tự chủ, phát huy cái tính của con người. Ở phương Tây, cá tính được giải phóng bằng cách kéo chân lý từ Kinh Thánh, từ tâm linh siêu việtcủa con người ra ngoài cuộc sống trần tục, còn ở phương Đông, thì bằng cách biến chân lý tối cao có tính cưỡng chế bên ngoài thành chân lý tự giác (hay đúng hơn là cái “thiện” tự giác) bên trong. Áp lực bên tronglàm cho phản áp lực hướng ra bên ngoài còn áp lực bên ngoàilại làm cho phản áp lựchướng về bên trong. Tuy nhiên, lực cản của xã hội phong kiến cố hữu hàng nghìn năm đã không thể nào tạo thành thời kỳ “Phục hưng” như ở phương Tây.
Tiền đề của cường quốc công nghệ Nhật Bản chính là ở chữ “học” (gaku). Tiền đề của chữ “học” lại là tư tưởng triết học giáo dục của Vương Dương Minh. Tại sao học thuyết gọi là “tâm học” của Vương Dương Minh lại được phát huy tối đa không phải ở Trung Quốc mà chính là ở Nhật Bản? (10).
Có thể tìm nguyên nhân ở kinh tế, chính trị, xã hội… nhưng dễ thấy nhất có lẽ là ở xứ sở này người ta rất đề cao tinh thần tự giác, xem danh dự còn quan trọng hơn cả tính mệnh. Quyền lực thường ở trong tay giai cấp quý tộc cấp tiến, thường hướng về hiệu quả kinh tế hơn là triết lý kinh viện. “Tâm học” của Vương Dương Minh đã hoà hợp với tinh thần Samurai của xã hội Nhật Bản.
Người lập ra trường phái Dương Minh học đầu tiên ở Nhật Bản là Toju Nakae (1608 – 1648). Hàng loạt những nhà tư tưởng danh tiếng như Kumazawa Banzan (1619 – 1691), Saigo Takamori (1827 – 1877), Takasugi Shinsaku (1839 – 1867)… đã nối nghiệp ông. Có lẽ nếu không có những nhà “tâm học” này thì e rằng cũng không có Minh Trị Duy Tân nổi tiếng, không có Nhật Bản hậu hiện đại ở châu Á.
Trong khi Vương Dương Minh Nhật Bản “nổi đình nổi đám” thì Vương Dương Minh Trung Quốc lại “ba chìm bảy nổi”, khen có chê cũng có, thăng chức cũng có mà bị cách chức cũng có, thậm chí còn bị hoạn quan Lưu Cẩn đánh cho 40 hèo để cho “chưa” cái “lương tâm’, “lương tri” gì đó… Còn Vương Dương Minh Việt Nam thì hình như chẳng mấy ai biết đến. Có lẽ Trần Trọng Kim đã nói đúng:
“Hãy xem như ở bên Tàu, trong đời nhà Minh và nhà Thanh có bao nhiêu học phái ta cũng không biết. Một cái học như Dương Minh học đầy khắp cả nước Tàu và tràn sang đến tận Nhật Bản, mà ở bên ta không thấy ai nói đến. Hoặc giả có người nào biết mà nói ra, thì cũng không có ảnh hưởng gì đến sự học thuật” (11).
Vương Dương Minh dựa vào “lương tâm” và “lương tri’, trả lại tư cách chủ thể và chủ kiến cho người học, nhưng “ở bên ta không thấy ai nói đến” cũng là phải, bởi vì “ở bên ta” tình trạng “mua quan, bán tước” đầy rẫy, “lương tâm’ của người mua lẫn người bán nếu đã trở thành hàng hoá rồi thì đâu còn cái “Tâm” nữa để mà bàn đến “Tâm tức là Lý” của Vương Dương Minh! F. Rabelais đã nói đúng:
“Học thuật không có lương tâm làm cho tâm hồn bị huỷ hoại” (12).
Không đổi mới giáo dục thì xã hội không phát triển được. Đổi mới giáo dục không phải bắt đầu từ “hai không” hay “ba không’ gì đấy mà phải bắt đầu từ nhận thức bản chất của chữ “học”. Không phải chỉ là chữ “học” chung chung mà là chữ “học” ở Việt Nam, hình thành trong lịch sử Việt Nam . Cho dù “học Đời” có hiện đại đến đâu nhưng nếu như làm cho “lương tâm” trở thành cái có thể “thừa” còn “hư danh”, “vụ lợi”, “giáo điều”… lại trở thành cái không thể “thiếu” thì sẽ là nỗi buồn của “học Đạo” và của cả dân tộc.
_______________
Chú thích:
(1) Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr. 95.
(2) Sđd, tr. 87.
(3) Sđd, tr. 98, 99.
(4) Lý Lạc Nghị, Tìm về cội nguồn chữ Hán, Nxb Thế Giới, 1997, mục chữ “học”.
(5) Chẳng hạn như năm 1487 “ngày mùng 7 tháng tư, vua thân đến ra văn sách”, năm 1490 “tháng tư đình thi, nhà vua thân ra văn sách”, năm 1493 “tháng tư vua thân đến ra văn sách”, năm 1496 “tháng 3 vua thân ngự coi thi ở sân điện Kinh thiên”… (Xem Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Khoa mục chí).
(6) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb KHXH, Hà Nội, 1992, t. II, Khoa mục chí, tr. 150.
(7) Tham khảo tiếng Anh: “Tính tức lý” The Nature is Li, “Tâm tức lý” Mind is Principle, Heart is Reason.
(8) Mạnh Tử quan niệm “lương tâm”… là “cái mà con người không cần học cũng biết” (nhân chi sở bất học nhi năng giả, Mạnh Tử, Tận tâm thượng).
(9) “Lương tâm” “conscience”, Tiếng La tinh “Conscire” là “hiểu biết”, “Con-scientia” là “lương tâm”, “ý thức về sự hiểu biết. Freud gọi “lương tâm” là “siêu ngã”. “Lương tri” “innate knowing”, “Lương năng” “inborn ability”.
(10) “Tâm học”, tiếng Anh gọi là “heart learning”, người Nhật gọi là “Shingaku”.
(11) Trần Trọng Kim, Nho giáo, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 735.
(12) “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme” ( Extrait de Pantagruel).