Ảnh hưởng của các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mê kông tới hạ lưu
Phát triển thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mê Kông
Sông Lan Giang (Lan Thương) bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có độ cao khoảng 5000 m so với mặt nước biển, phần lớn lưu vực nằm trong Vân Nam . Khi đến lãnh thổ Lào và Thái lan, cao trình đáy sông chỉ còn khoảng 400m, nên ở thượng nguồn sông có độ dốc lớn. Tiềm năng thủy điện sông Mê Kông phần lớn ở đó, ước tính đạt khoảng 36.560 MW, trong đó dòng chính chiếm tới 25.450 MW.
Theo quy hoạch, trên dòng chính sông Lan Thương, Trung Quốc có 14 đập thủy điện với công suất lắp đặt tổng cộng tới 22.590 MW (đứng thứ ba trên 12 sông có tiềm năng thủy điện lớn nhất của Trung Quốc ). Hiện nay Trung Quốc đã có kế khoạch cụ thể cho 8 đập ở khu vực trung lưu và hạ lưu sông Lan Thương (giai đoạn I). Dự kiến hoàn thành vào năm 2017 và sẽ xây thêm 6 đập thủy điện nữa ở thượng lưu (giai đoạn II).
Trong số 8 công trình thủy điện giai đoạn I, có 2 đập có khả năng điều tiết rất lớn, đó là thủy điện Siaowan, công suất 4.200 MW (gần bằng công suất của nhà máy thủy điện Hòa Bình và Sơn La cộng lại), dung tích hồ chứa khoảng 15 tỷ m 3, chiều cao đập 292m, dự kiến tổ máy đầu hoạt động vào tháng 10-2009, và hoàn thành toàn bộ vào năm 2012; thủy điện Nuozhadu có công suất 5.500 MW, dung tích hồ chứa 24 tỷ m 3, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016. Hiện nay, đã thực hiện được khoảng 50% của giai đoạn I và đã có 4 nhà máy hoàn thành gồm: 3 nhà máy là Manwan, Daichaoshan và Jinghong, với tổng công suất trên 4.300 MW.
Một là, làm thay đổi chế độ dòng chảy và hệ sinh thái ở hạ lưu
Do việc tích nước của các hồ đập trên chỉ nhằm sao cho có lợi nhất cho phát điện, nên đã làm thay đổihẳn chế độ dòng chảy của sông, ảnh hưởng đến việc duy trì dòng chảy tối thiểu để đảm bảo đời sống của các hệ sinh thái thủy sinh và nước cho các hoạt động sinh hoạt sản xuất, sinh hoạt bình thường của các quốc gia ở phía hạ lưu, thậm chí có thời gian bị cạn kiệt kéo dài khi các hồ trên tích nước vào cả mùa kiệt. Mặt khác, các đập này cũng làm cho lũ kéo dài hơn khi xả nước vào mùa lũ.
Các công trình thủy điện xây dựng ở Trung Quốc có thể không tác động rõ rệt đến lượng dòng chảy vào Việt Nam do nằm xa Việt Nam, nhưng hiện tượng thiếu nước ở đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện, vụ đông xuân 2009 vừa qua, lưu lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu chỉ đạt mức 1.600m 3/s, so với mức trung bình trước đây luôn đạt mức lớn hơn 2000m 3/s. Nước mặn cũng xâm nhập sâu hơn vào đất liền, có nơi tới 70 km, tại thị xã Vị Thanh (Hậu Giang), lần đầu tiên trong lịch sử, người dân đã phải dùng nước mặn 3-4 ngày liền, do nước mặn xâm nhập. Vào mùa lũ, lưu lượng tháng 10-2008 chỉ còn ở mức 28.000m 3/s trong khi trước đây tới 40.000m 3/s. Như vậy, sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt ở đây sẽ khó khăn hơn.
Hai là, giữ lại phù sa trầm tích trong các hồ đập
Các hồ đập trên khi tích nước trong mùa lũ và một số tháng trong mùa kiệt đã giữ lại phù sa, thậm chí giữ lại tất cả phù sa của sông khi các con đập Xiaowan và Noughadu hoàn thành. Dòng sông Lan Thương và sông Mê Kông nói chung đã và sẽ không còn nhiều phù sa màu mỡ với nhiều chất dinh dưỡng bồi đắp cho đồng bằng của Campuchia và đồng bắng sông Cửu Long của Việt Nam nữa; chi phí cho bón phân trong canh tác sẽ phải đầu tư lớn hơn, tốn kém hơn. Lượng trầm tích phù sa bồi đắp cho các đuôi cửa sông và ven biển Cà Mau sẽ giảm đi, xói lở các đê cửa sông và ven biển khi có triều cường và nước biển dâng do biến đổi khí hậu sẽ nguy hiểm hơn.
Ba là, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản
Theo các nhà sinh học, đập là hình thức gây tác hại lớn nhất trong các tác động dẫn tới sự sụt giảm của các loài sinh vật nước ngọt. Các đập xây dựng đã ngăn cản sự di chuyển của các loài cá lên thượng lưu đẻ trứng, làm xáo trộn, thậm chí phá hủy nơi sinh sản của cá. Ngoài ra, khi tích lại phù sa và các chất dinh dưỡng trong hồ đập đã làm mất đi nguồn thức ăn tự nhiên của cá, khiến giảm hẳn sản lượng cá, thậm chí làm tuyệt chủng một số loài cá quý hiếm, khiến cho cuộc sống của hàng triệu ngư dân ven sông gặp khó khăn. Nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã cho thấy, sự thay đổi dòng chảy đến cửa sông do xây đập là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn cá tại vịnh Mexico, biển Đen và caspian, vịnh San Francisco ở California…và những khảo sát gần đây cũng cho thấy sản lượng cá tại đồng bằng sông Cửu Long đã suy giảm đáng kể so với những năm 2000 trở về trước.
Bốn là, gây kích thích động đất và hậu quả về môi trường khi các đập xả nước đột ngột
Nghiên cứu của thế giới cho thấy những khối lượng nước khổng lồ trong các hồ đập lớn đã làm tăng áp lực và kích thích động đất ở những vùng có thể xảy ra động đất như ở vùng Voughlans của Pháp vào ngày 21/7/1971.
Trong trận động đất 7,8 độ Ritcher xẩy ra ngày 12/5/2008 ở Tứ Xuyên gây hư hỏng nặng đập Zipingpu, lo sợ các dư chấn của trận đông đất này ảnh hưởng đến an toàn của các đập trên, Trung Quốc đã cho xả nước đột ngột trong các hồ đập Manwan, Dachaoson, khiến dân cư ven sông thuộc vùng gần biên giới các nước Mianmar, Lào, Thái lan bị thiệt hại.
Nếu sau này ở Tứ Xuyên, Vân Nam hay các vùng lân cận còn lại xảy ra động đất và Trung Quốc lại xả nước ở các hồ đập Xiaowan, Noughadu với một khối lượng nước gấp hàng chục lần các hồ đập Manwan, Dachaoson thì hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Cần thúc đẩy hợp tác nhằm giảm nhẹ các tác động tiêu cực đối với hạ lưu
Nhận định về kế hoạch khai thác sông Mê Kông của Trung Quốc, ông Tyson Robert (Viện nhiệt đới Mỹ) cũng như nhiều nhà môi trường đã cho rằng, việc xây dựng đã giết chết dòng sông Mê Kông. Trong cuốn sách “Đập và phát triển ”, Ủy ban Quốc tế về Đập lớn, sau khi nghiên cứu, đánh giá rất nhiều công trình đập trên thế giới đã khuyến cáo 7 nguyên tắc về chiến lược phát triển nguồn nước và năng lượng, đó là:
1. Cần có sự chấp thuận của công chúng trong lưu vực sông;
2. Phải xem xét nghiên cứu, đánh giá toàn diện các phương án;
3. Phải đánh giá đầy đủ lại tác động về môi trường của các đập hiện có nhằm khắc phục, giảm nhẹ những tác động xấu;
4. Đảm bảo bền vững cho hệ sinh thái sông và đời sống dân cư ven sông;
5. Công nhận quyền và chia sẻ lợi ích trong khu vực;
6. Đảm bảo sự tuân thủ các nguyên tắc , tiêu chí về môi trường;
7. Sử dụng các con sông vì hòa bình, phát triển và an ninh.
Thông điệp của Tổng thư ký Liên hiệp quốc đọc tại ngày Nước Thế Giới năm 2009 (22/2/2009) cũng nhấn mạnh đến việc chia sẻ nguồn nước, chia sẻ cơ hội giữa các quốc gia có chung nguồn nước. Tới đây, khi thực hiện các sáng kiến Tiểu vùng Mê Kông mở rộng bao gồm 6 nước cần thúc đẩy việc hợp tác tốt hơn nhằm giảm nhẹ các tiêu cực, thiệt hại do việc xây dựng các đập của Trung Quốc đối với hạ lưu.
· 8 công trình thủy điện chính trên sông Lan Thương (tính từ thượng nguồn biên giới Trung Quốc -Lào)
STT | Tên dự án | Diện tích lưu vực (10m 3km 2) | Chiều cao (m) | Diện tích hồ ứng với MNDBT (ha) | Dung tích hồ (10 6m 3) | Công suất lắp máy (MW) | Năm hoàn thành |
1 | Gonguqiao | 97,2 | 130 | 343 | 510 | 750 | 2013-14 |
2 | Xiaowwan | 113,3 | 292 | 3.712 | 15.130 | 4.200 | 2012 |
3 | Manwan | 114,5 | 126 | 415 | 920 | 1.250 | 1995 |
4 | Dachaosan | 121,0 | 118 | 826 | 890 | 1.350 | 2001 |
5 | Nuozhadu | 144,7 | 260 | 4.518 | 24.670 | 5.500 | 2016 |
6 | Jinghong | 149,1 | 114 | 510 | 1.139 | 1.750 | 2009 |
7 | Galanba | 151,8 | - | 12 | - | 150 | Thiết kế |
8 | Mengsong | 160,0 | - | 58 | - | 600 | Thiết kế |