Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 27/10/2008 16:11 (GMT+7)

Xuân Diệu: Tương tác thơ và đời

Nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học hàng đầu cả nước đã có mặt tham dự: Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Phong Lê, Bằng Việt, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Ngô Thế Oanh, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân,, Phan Trọng Thưởng… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Thị Thanh Bình đã đến dự và tham gia chủ trì hội thảo. 19 tham luận được trình bày tại Hội thảo, phân tích sâu sắc nhiều khía cạnh, đưa ra những phát hiện mới, những nhận định sâu sắc và toàn diện về những đóng góp lớn của Xuân Diệu trên nhiều lĩnh vực thơ ca, nghiên cứu, phê bình, phát hiện, nâng đỡ các tài năng thơ trẻ cùng những đóng góp to lớn cho nền dịch thuật thơ nước nhà. Tất cả các tham luận đều khẳng định Xuân Diệu là một tài năng lớn, một nhân cách lớn của thơ ca và văn hoá Việt Nam. Dưới đây, xin giới thiệu tham luận của nhà thơ Thanh Thảo trong Hội thảo này.

1. Thơ như nói

Nhiều lần tôi với Ngô Thế Oanh và Trung Trung Đỉnh lên nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ Văn Cao, Xuân Diệu, lần nào chúng tôi cũng nói với nhau: Chẳng biết ai là tác giả bức phù điêu chân dung Xuân Diệu tạc trên bia mộ ông, trông giống Xuân Diệu vô cùng nhưng... buồn quá. Liệu khi còn sống Xuân Diệu có buồn đến thế không? Nhìn bức phù điêu cứ như ông đang khóc. “Giữa xã hội của đồng tiền lụ khụ / Đến nỗi thanh niên cũng thành ra cũ / Người ta thay tình ái tựa sơ mi / Như sạch trong không còn giá trị gì”( Aragon và Elsa), những câu thơ ấy Xuân Diệu viết từ năm 1962 cho xã hội phương Tây, bây giờ đọc lại thấy ông như viết cho xã hội mình. Có những câu thơ không cũ, và cùng với những khúc quanh của thời gian, nó như được làm mới lại. Dường như Xuân Diệu cũng có những bài thơ dễ dãi, nhất là trong những năm 60, 70, nhưng ta thử đọc một đoạn thơ đơn sơ này được viết vào năm 1962: “Một buổi chiều trong bếp nấu cơm / Má đang lặt rau lửa nhè nhẹ cháy / Một buổi chiều trong vườn sạch lá/ Đất còn mang dấu chổi quét ban mai”( Một buổi chiều). Những câu thơ thơm mùi đất, mùi bếp lửa, mùi của yêu thương có thể không bao giờ còn trở lại. Xuân Diệu có tập thơ mang tựa đề "Gửi hương cho gió"thì những câu thơ như vừa trích chính là mùi hương của thơ ông – “ hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya”,nó nhẹ nhàng mà khiến ta day dứt, nó đọng lại đâu đó trong ta khi gió đã ngừng và những ồn ào đã bặt.

Xuân Diệu có thể viết những bài thơ lộng lẫy, ngân vang như Nguyệt Cầm, lại có thể viết những bài thơ giản dị như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Ông là một trong những nhà thơ Việt có ý thức làm thơ "như nói" từ khá sớm: "Theo ý má, con là hơn tất cả / Ánh mặt trời má cũng gửi vào con / Bánh cho con má để dành lại đã / Con ăn cùng má mới thấy quà ngon"( Thơ tặng má). Những ngắt nhịp của đoạn thơ khiến người đọc cảm thấy như tác giả đang một mình trò chuyện với mẹ mình, trong im lặng. Còn đây là một cách ngắt nhịp khác, như tiếng kêu thốt hồn nhiên của những đứa trẻ, trong bài “ Cho chú xin một quả si” – “Mấy cháu trai cầm những nhánh lá mượt tươi / Điểm những trái nhỏ, vàng, tròn, chín, mập / Một cháu hãy còn ngửa đầu tiếp tục / Nhón gót lên với bẻ những cành la...”.Đó cũng là sự kín đáo của kỹ thuật "thơ vắt dòng" mà bây giờ một số người đang khuếch trương tới mức nống lên, làm tương hoác ra. Xuân Diệu, ngay từ thời Thơ Mới, đã có ý thức du nhập “kỹ thuật” thơ phương Tây, đễn nỗi nhiều người kêu ông làm thơ “Tây quá”. Thực ra, nếu chỉ đơn thuần dùng kỹ thuật thơ phương Tây, dù là kỹ thuật tân kỳ, Xuân Diệu cũng không thể chinh phục được người đọc như ông đã chinh phục. Chính hồn Việt, hồn phương Đông, ngất ngây trong đạm bạc, giàu có trong tiết giản đã khiến thơ Xuân Diệu được người Việt yêu thích. Và sự chân thành đến tận cùng, đến không sợ những câu chữ có thể bị coi là ngây ngô, đã khiến thơ Xuân Diệu đặc biệt gần gũi với đời thường.

2. Đi trên dây

Dĩ nhiên đi như cách Xuân Diệu đã đi trong thơ “đời thường” là đi trên dây, quá một chút sẽ hóa văn xuôi, còn non một chút thì đó là thơ có vần chưa tới. Xuân Diệu, trong rất nhiều bài thơ của mình, đã giữ được sự thăng bằng động ấy, như một nghệ sĩ đích thực. Vâng, một nghệ sĩ đích thực là người thường phải "đi trên dây" trong những tác phẩm của mình. Sự chênh vênh, bập bênh của ngôn ngữ được thể hiện trong tác phẩm lại cũng là một thước đo để người ta đánh giá tài năng của một nghệ sĩ ngôn từ. Từng là người làm thơ với "ngôn từ đẹp", Xuân Diệu đã tìm đến cái đẹp ẩn khuất của những từ ngữ bình thường, những ngôn từ xù xì và “không đẹp” nếu ta dùng thước cũ để đo. Bài thơ “ Đêm ở Thái Bình”đã khiến không ít người phải ngạc nhiên: “Những cây xoan Thái Bình nói gì trên ngọn? / Gió thổi qua biển về thổi qua đồng / Và thổi trên trời: ba mênh mông / Lại cả rằm trăng mây giăng nhẹ khuất / Sẫm thấp chuối chen những tàu rộng mát / Mấy thân cau, vài dăm bụi tre cao / Vạn tiếng côn trùng trong đất xôn xao / Một mặt áo cây vối nghiêng sát nước / Thỉnh thoảng ếch kêu trội hơn cả tiếng khác / Nhất là chó sủa văng vẳng hay hay”.Thế cũng là thơ ư? “Nhất là chó sủa văng vẳng hay hay”là một câu thơ ư? Hồi ấy người ta hỏi nhau vậy. Bây giờ khi thơ đã tự giải phóng cho mình bao ràng buộc, đọc lại đoạn thơ này, tôi càng cảm phục Xuân Diệu. Ông đã đi một bước trước. Là người có kiến văn rất rộng và rất nhạy cảm, Xuân Diệu đã cùng lúc cho thơ mình chạy trên hai đường băng ấy. Không phải ai cũng phối hợp được sức đọc và sức cảm để có những tác phẩm đầy cá tính.

Xuân Diệu là người suốt đời khao khát, suốt đời thiếu hụt. Tôi đã không ít lần được ngắm nhìn Xuân Diệu... ăn. Ông ăn ngon lành và mê say như thể không biết còn ăn được một lần nữa. Bây giờ thì tôi hiểu: Ông “đói” đời sống, cái đời sống cụ thể, tươi mởn, tràn trề, sinh động kia; ông “vội vàng” vì bị cảm thức “trôi qua” đe dọa. Chính từ cái chênh vênh giữa tồn tại và hư mất ấy mà ông làm thơ. Một quả sấu một quả si hay một quả táo với ông là cả "một khối hồng". Khối hồng ấy chính là đời sống.

“Có lẽ mùa xuân líu lưỡi tôi / Lời dâu tôi nói chửa nên lời / Dâu vừa mơn mởn vừa xa thẳm / Vừa lá long lanh, hom mát tươi”( Trên bãi sông hồng). Bãi dâu ấy với Xuân Diệu cũng chính là đời sống. Ông là một trong những nhà thơ ngợi ca đời sống tuyệt vời nhất không chỉ của thơ ca Việt Nam .

3. Thèm đời sống

Thèm đời sống là cái đặc trưng trong thơ Xuân Diệu. Có lẽ nên đọc ông bắt đầu từ đó. “Cay sống mũi như là ăn rau cải”( Lệ). Tôi chưa thấy ai có một so sánh đột ngột như thế, cái cảm giác “cay sống mũi” lúc muốn khóc lâm li hơn cái cảm giác "cay sống mũi" khi ăn rau cải hay mù tạt chứ ạ. Thơ Xuân Diệu đã vượt qua sự "lâm li" truyền thống ấy để nói với ta một điều: cảm giác là cảm giác. Và khi là cảm giác về đời sống, của đời sống thì tất cả đều có thể tương đồng. Dường như Apollinaire cũng đã ngợi ca một cách cảm nhận về cảm giác như thế.

Trong bài thơ “ Xoài thanh ca Bình Định” Xuân Diệu đã đi tới tận cùng cái cảm giác của một đứa trẻ ăn xoài như thế này: “ Má gọt thịt cho ăn / Đến khi lưa cái hột / Vẫn ôm lấy cạp hoài / Bởi cứ còn thơm ngọt/”. Đó không chỉ là “cạp” trái xoài. Đó là “cạp” chính đời sống đấy! Đã lắm, những câu thơ như thế! Sau ngày giải phóng, về quê Gò Bồi thăm chị Bốn, được chị mình cho “ Quả trứng gà ấp dở / Chị nướng lên cho em / Mùi trứng nướng thơm phức / Đến già em chẳng quên/”, ta lại thêm một lần ngạc nhiên về món ăn dân dã mà độc đáo này: món trứng nướng. Nhưng đây không phải món ăn trong nhà hàng đặc sản, mà là món quà tình quà nghĩa chị Bốn cho nhà thơ ăn sau mấy mươi năm xa cách, nó tích hợp được cái “ngon” của đời sống và cái “thương” cái “tình” của thơ. Đó là sự tương tác giữa thơ và đời thường thấy trong thơ Xuân Diệu. Về Phan Thiết thăm “kinh đô nước mắm”, Xuân Diệu lại có bài thơ mà phải là người biết thưởng thức mùi thơm vị ngọt của nước mắm mới đọc ra cái hay của nó: “ Tháng ba gió nam non / Đánh cá ngừ, cá trích / Tháng sáu gió nam già / Lắm thiều, ngân, cơm, mực”. Và đây là hình ảnh ngư dân Phan Thiết: “ Người Phan Thiết vạn chài / Sắc mắt từ khơi đến / Gió cứng tóc trên đầu / Tayvặn cùng sóng biển”. Có nhiều lắm những bài thơ Xuân Diệu như thế. Ngày trước, trong một chủ trương “văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa” đầy tính quan phương và bất trắc, Xuân Diệu lại biết tìm cho thơ mình một lối đi riêng mà quan chức văn nghệ thì khen ông “làm thơ đúng đường lối”, còn dân tình đọc thơ thì thấy gần gũi, còn bây giờ, giữa sự cởi mở ta lại nhận ra thơ ấy đích thực là…thơ hay. Bởi cái “cảm giác chủ” khi làm thơ là cảm giác thèm đời sống. Không thèm đời sống thì làm sao ra thơ ? Đến thơ Thiền, thơ thoát tục cũng là thơ thèm đời, chỉ cách thèm là khác thơ trần tục thôi.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...