Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 25/01/2007 20:36 (GMT+7)

Vương triều trần và Tam giáo

Vương triều Trần kéo dài 175 năm với nhiềuvị vuaxuất sắc, vượt qua giai đoạn khủng hoảng xã hộicuối thời Lý để xây dựng một nước Việtđộc lập, tự cường, trong đó có chiến công hiển hách ba lần đánh thắng quânxâm lượcNguyên - Mông vàocácnăm 1258, 1285, và 1288. Chính sự thời Trần được cáchọc giả khen là giản dị, cởi mở, trên dưới gần gũi. Về phương diện tư tưởng, cácvuaTrần tỏ ra rấtmực phóng khoáng. Tam giáo (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo) đều được vương triều Trần ưu ái và có nhữngbước phát triểnmới. Về đại thể, Tam giáo thời Trần song song phát triển, mỗitôn giáo đều có nhữngsắc thái riêng góp phần tạo nên một khung cảnh văn hoá phong phú.

Đầu đời Trần, vào các năm 1227 và năm 1247, học theo vuaCao Tông nhà Lý, cho thi Tam giáo. Các vua, thân vương, và quý tộc nhàTrần đều có trình độ học vấn cao, đủ sức điềuhành côngviệc quốcgia nên cao tăng và đạo sĩ không tham chính. Bấy giờ, triều đìnhcần đào tạo một đội ngũ trí thức làm quan chuyên nghiệp giúp vuacai trị đấtnước. Nho giáođược thăng tiến. Khi vuaTrần Thái Tông còn nhỏ, chính sự đều nhờ tay Thái sư Trần Thủ Độ. Khi nhà vuaTrần Thái Tông đãtrưởng thành,chính sách đối với Nho học rõ ràng có nhữngnét mới.

Năm 1243, vua cho đắp thành nội Long Phượng và trùng tu Quốc Tử Giám. Năm1253, vua cho lập Quốc học viện, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và á Thánh (Mạnh Tử) vẽ tranh 72 người hiền để thờ; x uốngchiếu vời Nho sĩ trong nước đến Quốc tử việngiảng Tứ thư, Lục kinh.

Chế độ thi cử trở thànhphương cách chọn người tham chính quan trọng ở thời Trần. Số lượng, mức độ yêu cầu của cáckì thi và việc bổ dụng Nho sĩ thời Trần đều phát triểnhơn so vớiđời Lý trước đó.

Năm 1232, mở khoa thi Thái h ọc sinh (thi Tiến sĩ) (1). Năm 1246,bắt đầu định lệ thi Tiến sĩ, cứ 7 năm 1 khoa. Khoa thi năm 1247 đặt ra Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.Nếu triều Lý, kéo dài 216 năm, tổ chức được 6 khoa thi với những tên gọi khác nhau, lấy đỗ được 22 người, thì dưới thời Trần, trong vòng 175 năm, chỉ riêng đại khoa đã có 15 kì thi, lấy đỗ 477 Thái học sinh và Tiến sĩ.

Việc học tập Nho giáo dưới thời Trần khá phát triển. Quốc Tử Giám mở rộng cửa cho conem các quan văn ,những Nho sinh ưu tú cũng vào học. Bên cạnh đó còn có trường học ở phủ Thiên Trường, trường học của Chiêu Quốc Vương Trần ích Tắc ở kinh đô. Đó là những trường học của Nhà nước và các thân vương. Ngoài ra còn có các trường tư, mà nổi tiếng nhất là trường của nhà Nho Chu Văn An. Những trí thức Nho học tài năng xuất hiện, lúc đầu được bổ dụng vàocáccơ quan trong lĩnh vực văn hoá, dần dần thâm nhập vào lĩnh vực chính trị với nhiều chức vụ quan trọng.

Dưới thời Trần, giới sĩ phu có thể tham gia hàng ngũ quan lại bằng nhiều con đường khác nhau. Theo đường khoa bảng như Mạc Đĩnh Chi, Lê Văn Hưu, Nguyễn Trung Ngạn, v.v... Được cácthân vương tiến cử như Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Phạm Mại... Có những Nho sinh không qua thi cử nhưng vẫntham chính như Phạm ứng Mộng, Đoàn Nhữ Hài, v.v...

Vì có nhiềucon đường tiến thân khác nhaunên khoa cử thời Trần giữ được sự lành mạnh, không hủ bại hay mang tính hình thức như một số thời điểm ở các thế kỉ sau này, khi Nho giáo được sử dụng như ý thức hệ chính trị - xã hộitrong việc quản trị xã hội, thi cử trở thành con đường tiến thân duy nhất mà bộ máy thì không còntrong sạch. Chính sách dùng người thời Trần không câu nệ hình thức, nên nhìn chung, hàng ngũ sĩ phu quan liêu đời Trần có thực tài, trong sạch, tận tâm, hăng hái. Họ đã đạt được nhiềuthànhtích về chính trị, quânsự, văn hoásửsách đã ghi nhận.

Tuy vậy, Nho giáo thời Trần dường như chưa được coi là một học thuyết chủ lưu hay một hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho tinh thần thời đại. Nó chỉ được xem như một phương thức chính trị để xây dựng bộ máy quản lí đất nước. Lễ nghi tế tự triều đình, việc thờ cúng hay tang hôn trong dân chúng đều chưa theo khuôn phép Nho giáo. Nhất là phong tục nội hôn trong gia tộc Trần càng trái với tinh thần gia tộc của Nho giáo.

Càng về cuối đời Trần, tầng lớp Nho sĩ càng trở nên lớn mạnh, chiếm ưu thế trên chính trường. Các Nho thần có xu hướng muốn đưa tư tưởng Nho giáo lên vị trí vượt trội, gây sức ép không ít với triều đình.Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thưđã ghi lại lời vua Trần Minh Tông phản ánh hiện tượng này như sau: “Triều thần như bọn Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh muốn thay đổi chế độ. Vua nói: Nhà nước đã có phép tắc riêng, Nam Bắc khác nhau, nếu theo kế của bọn học trò mặt trắng tìm đường tiến thân thì sinh loạn ngay” (2).

Dưới sức ép của cácNho thần, nhà Trần chắc đã có nhữngcải cách về lễ nghi theo triều đình phương Bắc. Tuy nhiên, các vuaTrần vẫn cố gắng giữ gìn cá tính dân tộc. Vua Trần Nghệ Tông từng nói: “Triều trước dựng nước có luật pháp, có chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống, là vì Nam Bắc, nước nào làm chủ nước đó không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị, bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc cả như về y phục, âm nhạc... thật không kể xiết. Bởi thế chính sự buổi đầu đều theo đúng lệ thời Khai Thái” (3).

Chiều hướng độc tôn Nho giáo của các Nho thần đã làm cho vua tôi nhà Trần không nhất trí với nhau. Các Nho thầnmuốn dùng luật pháp nghiêm khắc ước thúc, kiểm soát người dân, trong khi vua Trần Minh Tông lại chủ trương cai trị một cách giản dị, không can thiệp nhiều vào đời sống của người dân, theo tinh thần vô vi của Lão Trang.

Về Phật giáo, cáchọc giả đều nhất trí cho rằng,dưới cácvương triều Lý - Trần, Phật giáochiếm ưu thế trong Tam giáo. Theo chúng tôi, sự ưu thắng của Phật giáocòn chính là nền tảng tinh thần cải tạo nội tâm được triều đình và cácnhà sư chủ trương, đặc biệt là vàothời Trần.

Khác vớicácvương triều Đinh, Tiền Lê và Lý, như đã đề cập, dưới triều Trần, việc tham chính vớitư cách là cố vấn chính trị cho triều đình của cáctăng sĩ, đạo sĩ không còn nữa. Triều đình đặt cácchức Tăng Thống, Tăng Lục, Tăng Chánh và Đại Hiền quan.Những chức vụ đó có giá trị về phương diện tổ chức tôn giáo liên hệ tới chính quyền và xã hội, chứ không phải nhữngchức vụ liên hệ tới đời sống hànhđạo của nội bộ tôn giáo. Triều Trầncó ý thức phân định rõ cácchức của tăng đạo, tách các chức vụ này khỏi khốiquan chức tham chính trong triều đình như sự kiện phong tăng đạo được ghi lại năm 1244: “Tháng 3, cho Phùng Tá Khang, cha Phùng Tá Chu, làm Tả Nhai đạo lục, tước Tả Lang. Bấy giờ cácvương hầu bổ quan tăng đạo thì gọi là Tả Nhai, vì không để cho đứng vào hàng ngũ cácquan trong triều. Tả Nhai là phẩm cao nhất của tăng đạo.Không phải là người thông thạo tôn giáo của mình thì người được dự can. Nay đem phong cho Tá Khang là lễ ưu hậu lắm (4).

Viện Tả Nhai là nơi nhà vua cùng với cácbậc cao tăng, thiền sư tham vấn về Phật học chứ không phải nơi bàn chuyện chính trị với cácnhân vật tôn giáo.Tuy nhiên, về phương diện tinh thần, mối liên hệ giữa triều đình cáctôn giáo hết sức chặt chẽ, nhất là đối vớiPhật giáo. Những vị tăng sĩ được xem như lãnh đạo tinh thần cho triều đình và cho cả nước thì được gọi là Quốcsư. Chữ Quốcsư ở đây không có nghĩa là chức vụ cố vấn chính trị cho nhà vuamà chỉ có nghĩa là bậc thầydạy đạo cho cả nước.

Theo sau vương triều Lý, Phật giáo trong đời nhà Trần tiếp tục phát triển và đạt tới đỉnh cao rực rỡ về phương diện tư tưởng, tổ chức cũngnhư hành đạo. Ba dòng thiền lớn từ Trung Hoa là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường truyền sang nước ta, phát triển từ thế kỉVI đếnthế kỉXI, đã hội tụ vào Thiền phái Trúc Lâm mang bản sắc Việt Nam với tinh thần sáng tạo, dung hợp và nhập thế.

Có được kết quả như vậy trước hết là do cácvuaTrần đều say mê học Phật. Ba vị vuađầu tiên của vương triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông không chỉ là cácvị vuaPhật tử mà còn là nhữngngười có kiến thức Phật học ở trình độ rấtcao, và hơn hết, đều là nhữngthiền giả đã chứng ngộ. Các vuaTrần Anh Tông, Trần Minh Tông kế tiếp đều là Phật tử nhiệt thành, hết lòng bảo trợ Phật giáo.

Như một quy luật, khi bề trên say mê điều gì thì bên dưới cũngsốt sắng học theo điều ấy. Tác giả NguyễnLang trong Việt Nam Phật giáo Sử luậncó lí khi nhận xét: “Nếu vuaTrần Thái Tông không học Phật và theo Phật giáo thì có lẽ Phật giáo đời Trần đã không có được giai đoạn rực rỡ hồi Trần Nhân Tông” (5).

Cuộc đời và việc học Phật của vua Trần Thái Tông không chỉ tạo nên nguồn cảm hứng cho việc nghiên cứu Thiền học trong hoàng giavà giới trí thức mà còn tạo nên lòngsùng bái Phật giáo và phong trào tu Phật trong dân chúng.

Đỉnh cao của Phật giáođã đếnsau chiến thắng quânNguyên lần thứ ba năm 1288. Năm 1299, vua Trần Nhân Tông xuất gia tại chùaHoa Yên núi Yên Tử, hiệu Trúc Lâm Đầu Đà. Vua được nhận là người truyền thừa chính thức của Thiền phái Yên Tử, thế hệ thứ sáu, nối tiếp tổ sư thứ năm Huệ Tuệ. Từ đó trở đi, với việc kết hợp Thiền và Giáo trong tu tập và truyền thừa, Ngài đã trở thành vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm.

Nhân việc vua Trần Nhân Tông xuất gia, triều đình in cácsách khoa nghi Phật giáonhư Phật giáo pháp sự, Đạo trường tân văn, Công văn cách thức vàcho ban hành rộng rãi trong cả nước.

Một ông vua đi tu, Thiền phái Trúc Lâm trở nên nổi tiếng, thế lực lan rộng trong triều đình và trong nhân gian. Các vị Quốc sư hầu hếtđều là người của Thiền phái Trúc Lâm hoặccó liên hệ mật thiết với Thiền phái này như cácthiền sư Viên Chứng, Đại Đăng, Tông Cảnh, An Tâm, Phù Vân, Nhất Tông, Bảo Phác, v.v...

Năm 1304, vua Trần Anh Tông thỉnh Trúc Lâm Đầu Đà vào triều xin thọ Bồ Tát giới. C ácquan trong triều nhiều người cũng thọ giới. Sau khi xuất gia, vua Trần Nhân Tông đã làm rất nhiều việc cho Phật giáo và quốc gia. Nhà vua vân du khắp nơi, khuyên dân chúng phá bỏ các dâm từ và thực hành giáo lí thập thiện của đạo Phật, đăng đàn thuyết pháp trong các mùa an cư kiết hạ, chủ toạ các buổi tham thiền tại các chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm. Nhà vua còn trước tác về Phật học, sáng tác thơ văn, lo việc in ấn kinh sách Phật giáo.

Từng lãnh đạo dân tộc trải qua hai cuộc chiến tranh, con người Phật giáo trong Trúc Lâm Đầu Đà không khỏi đau xót trước cảnh dân tình chịu nạn binh đao, từ đó muốn xây dựng Đại Việt thành một quốc gia hoà bình, với đời sống xã hội hài hoà trên tinh thần Phật giáo. Tuy đã xuất gia, nhà vua vẫn không thôi nhiệm vụ giáo hoá dân chúng sống theo giáo lí từ bi của đạo Phật, dùng ngoại giao và uy tín của mình để thu xếp một cục diện chính trị hoà bình trong khu vực.

Năm 1301, Trúc Lâm Đầu Đà đi Chiêm Thành, gặp gỡ Chiêm vương Chế Mân và hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chiêm vương với mục đích gây dựng mối thân hữu đảm bảo cho một nền hoà bình lâu dài giữa hai dân tộc.

Là người lãnh đạo nhìn xa trông rộng, Trúc Lâm Đầu Đà tìm kiếm và đào tạo người kế tục mình lãnh đạo và xây dựng Phật giáo Trúc Lâm. Mùa xuân năm 1308, Trúc Lâm Đầu Đà chính thức uỷ Pháp Loa kết thế trụ trì chùa Siêu Loại, làm tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm dưới sự chứng giám của vua Trần Anh Tông (Ngài mất vào tháng 11 năm này). Dưới thời Pháp Loa, Thiền phái Trúc Lâm phát triển mạnh về quy mô tổ chức. Trung ương Giáo hội Trúc Lâm đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm. Các chức vụ của tăng sĩ được quy định. Hồ sơ các tăng sĩ Thiền phái Trúc Lâm được làm và cất giữ tại văn phòng trung ương.

Dưới đời vua Trần Anh Tông, tăng sĩ bắt đầu được cấp độ điệp (một thứ giấy thông hành do chính quyền địa phương cấp cho tăng sĩ) mà Pháp Loa là người có độ điệp đầu tiên do Anh Tông cấp năm 1308. Thế lực to lớn của Thiền phái Trúc Lâm đã thu hút phần đông tăng sĩ và tín đồ Phật giáo trong nước. Số người xuất gia gia nhập Thiền phái Trúc Lâm rất đông, đến nỗi năm 1313, Pháp Loa phải ra quyết định 3 năm mới có một lần độ tăng và mỗi lần như thế số người không đạt tiêu chuẩn được thọ giới phải có đến hàng nghìn.

Tính đến năm 1329, số tăng sĩ được xuất gia trong những giới đàn do Thiền phái Trúc Lâm tổ chức dưới quyền lãnh đạo của Pháp Loa là hơn 15.000 vị. Chùa chiền thời kì này cũng rất nhiều. Triều đình cấp tiền xây dựng các cơ sở lớn của Giáo hội. Quan lại và giới quyền quý đua nhau cúng tiền xây chùa. Phong trào theo Phật giáo trong dân chúng phát triển mạnh, dân chúng tự động góp công, góp của xây dựng chùa làng, cúng ruộng đất nuôi tăng. Học giả Nguyễn Lang đã căn cứ vào các tỉ lệ theo con số chùa chiền ở Trung Hoa để ước tính số chùa thời ấy:

1. Chùa quốc tự: 15 chùa

2. Chùa do vương hầu và người giàu có tạo dựng: 330 chùa

3. Chùa do quần chúng tạo dựng: 9.000 chùa

Như vậy, vào thời Trần có khoảng 9.500 ngôi chùa và khoảng 30.000 tăng sĩ (6).

Các chùa lớn, có nhiều ruộng đất được áp dụng chế độ tam bảo nô của Nhà nước, là chế độ canh phu cày ruộng cho chùa. Quan hệ giữa nhà chùa và tam bảo nô không hoàn toàn là quan hệ bóc lột chủ đất và tá điền. Những người tam bảo nô được hưởng những quyền lợi mà người nông dân bình thường không có. Mỗi tam bảo nô được nhà chùa cấp cho một khoảnh đất để canh tác. Nếu người tam bảo nô phạm pháp, nhà chùa không có quyền trừng phạt mà do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm xét xử. Ai đánh đập một tam bảo nô sẽ bị chính quyền phạt 100 gậy. Nếu người tam bảo nô lấy chồng hay vợ là người ngoài thì người phối ngẫu cũng mặc nhiên được hưởng chế độ tam bảo nô và được sự che chở của pháp luật.

Đây là một sự cộng tác giữa nhà chùa và Nhà nước để đảm bảo sự sống và quyền tự do của những người cày ruộng cho chùa (7). Có những người tam bảo nô rất giàu có.Đại Việt Sử Ký Toàn Thưcó ghi lại dưới thời Trần Minh Tông, Trương Hán Siêu, một nhà Nho rất có danh vọng đương thời, khi ra làm Giám tự chùa Quỳnh Lâm đã gả con gái cho tam bảo nô Nguyễn Chế. Người đời chê, cho rằng Hán Siêu gả con vì hâm mộ sự giàu có của người tam bảo nô ấy (8).

Bất động sản ở những chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm rất lớn, phần lớn do nhà vua, những người có quyền thế trong triều đình và hoàng gia cúng vào. Số ruộng đất, vàng bạc, tiền của, vật liệu, công lao động cúng để dựng chùa, xây tháp, đúc tượng, tổ chức đàn chay, in ấn kinh sách và làm Phật sự nhiều không thể kể xiết. Riêng chùa Quỳnh Lâm đã có tới 1.000 mẫu ruộng cúng dường với 1.000 canh phu do Nhà nước cấp để làm ruộng. Chùa Siêu Loại cũng có nhiều ruộng. Năm 1313, Bảo Từ hoàng thái hậu cúng vào chùa Siêu Loại 300 mẫu ruộng.

Với những tiền của đóng góp đó, Pháp Loa đã cho đúc tới 1.300 tượng Phật bằng đồng. Tại chùa Báo Ân, năm 1314, ông cho xây 33 cơ sở tăng đường, Phật điện, tàng kinh. Tính đến năm1329, ông đãdựng 5 bảo tháp, 2 cơ sở hành đạo lớn (Quỳnh Lâm và Báo Ân) và trên 200 tăng đường (9).

Năm 1295, vua Trần Anh Tông cho người sang nhà Nguyên thỉnh Đại Tạng kinhđem về cất giữ ở phủ Thiên Trường. Việc trùng san được tiến hành trong nhiều năm. Năm 1319, sau 25 năm, việc khắc in Đại Tạng kinhdo Thiền sư Bảo Phác chủ trì, triều đình bảo trợ hoàn thành, khoảng 5.000 quyển.Ngoài ra, Thiền phái Trúc Lâm còn in ấn rất nhiều tác phẩm biên soạn, chú giải, sáng tác Phật giáo thời ấy cũng như các kinh sách phục vụ cho việc tu học của tăng sĩ và dân chúng.

Thiền p hái Trúc Lâm thời Pháp Loa đã phát triển đến mức thịnh đạt cao nhất. Sau khi tổ thứ ba Huyền Quang mất (1334), Thiền phái này không còn hưng thịnh nữa. Sự thịnh đạt chứa mầm tàn lụi, nhất là khi vương triều Trần đã vượt qua đỉnh cao và bắt đầu suy thoái. Các vua Trần về sau không còn được anh minh sáng suốt như các vị vua đầu, những mâu thuẫn chia rẽ trong nội bộ triều đình với những bi kịch về quyền lực bắt đầu xuất hiện.

Thiền phái Trúc Lâm đã quá ỷ lại vào tiền của và sự sủng ái của triều đình và giới quyền quý. Chùa chiền nhiều khó giữ thanh quy, nhiều quyền lợi dành cho giới tăng sĩ khiến càng khó kiểm soát tăng đoàn. Sự sùng mộ thái quá của triều đình và dân chúng, việc tiêu tốn tiền của quá mức vào Phật giáo đã khiến các nhà Nho không khỏi không bực tức, bài bác.

Mặt khác, cuối đời Trần, giới Nho sĩ đã trở nên lực lượng áp đảo trong bộ máy chính quyền. Nho giáolớn mạnh đòi hỏi một vị trí tinh thần cao hơn. Một số Nho thần mang tư tưởng đề cao Nho giáo, bỏ mất tinh thần khoan dung phóng khoáng về mặt tư tưởng vốn có của vương triều Trần. Trong số họ có người quay ra bài bác Phật giáo kịch liệt như Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Lê Văn Hưu...

Hôn nhân quá ngắn ngủi của công chúa Huyền Trân khiến cho nền hoà bình dài lâu giữa hai nước Chiêm - Việt mà Trúc Lâm Đầu Đà mong mỏi không còn. Chỉ ba năm sau ngày Trúc Lâm Đầu Đà mất, triều đình đã tiến đánh Chiêm Thành. Các cuộc đánh dẹp Ai Lao, Chiêm Thành liên miên không dứt cho đến cuối đời Trần. Chiến tranh đã làm hao tốn tiềm lực của Đại Việt, góp phần đưa nhà Trần dần đến chỗ rối loạn suy vong.

Triều đình lo chiến tranh, sự ủng hộ của vương triều cho Phật giáo không còn nữa. Chiến tranh, loạn lạc, đói kém khiến cho hàng nghìn người thất nghiệp, xuống tóc vào chùa để kiếm ăn, để trốn lính. Đất nước thiếu người sản xuất, thiếu người đánh giặc. Năm 1381, Trần Phế Đế cho bắt những tăng sĩ miền quê, những người xuất gia không có độ điệp sung vào quân đội, đi đánh Chiêm Thành, mà oái oăm việc này lại được giao cho Quốc sư Đại Than đốc suất. Năm 1396, vua Trần Thuận Tông xuống chiếu thải bớt tăng sĩ dưới 50 tuổi. Bấy giờ, Hồ Quý Ly đã nắm trọn quyền lực. Có lẽ hầu hết các việc nêu trên đều do Hồ Quý Ly thao túng nhằm làm giảm tiềm lực của đạo Phật. Năm 1389, đã xảy ra cuộc bạo động do một vị tăng sĩ pháp danh là Thiên Nhiên, tục danh là Phạm Sư Ôn cầm đầu chống lại sự chuyên quyền của họ Hồ, thanh thế khá mạnh, đã từng chiếm được kinh thành Thăng Long.

Đạo giáo từ lâu đã có mặt trên đấtnước ta. Tư liệu về Đạo giáo thờiTrần không cónhiều. N hưng những gì cònlại trong sách sử và cáctư liệu khác cho thấy tôn giáo này rất được triều đình ưa chuộng.Đối vớiĐạo giáo, triều Trần đặt cácchức Đạo lục, Uy nghi và Đô quan.Các cơ sở Đạo giáo đời Trần hiện nay được biết là:

Núi Yên Tử, trung tâm Phật giáo đời Trần, tương truyền cũng là nơi đắc đạo của đạo sĩ Yên Kỳ Sinh nhà Hán.

Quán Thông Thánh ở Bạch Hạc, ViệtTrì thờ Tam Thanh có từ đời Đường, đếnthời Trần đạo sĩ Hứa Tông Đạo trùng tu, đúc chuông.

Đời Trần, ở động Huyền Vântrên núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương)đạo sĩ Huyền Vân ẩn cư để luyện đan. Năm 1368, vua Trần Dụ Tông đãcho mời đạo sĩ Huyền Vân đếnkinh đôhỏi về phéptu luyện. Ban tên cho động của đạo sĩ là Huyền Thiên động . Cũng tại đây, nhà Trần có dựng cung Tử Cực và điện Lưu Quang.

Núi Côn Sơn có động Thanh Hư, do Tư đồ Trần Nguyên Đán xây dựng để di dưỡng tinh thần.

Núi Đạm Thuỷ có quán Ngọc Thanh (Trần Thuận Tông nhường ngôi, tu Đạo giáo, bị Hồ Quý Ly giết ở đây).

Tại kinhđô, có quán Thái Thanh cung Cảnh Linh (được xây dựng từ thời Lý), được vua Trần Thái Tông trùng tu vào năm 1248. Sự kiện này đã được Đại Việt Sử Ký Toàn Thưghi lại như sau: “Mậu Thân Thiên ứng Chính Bình năm thứ 17 (1248)... Mùa hạ, tháng 4, làm cầu Lâm Ba chùaChân Giáo, qua hồ Ngoạn Thiềm, đến quán Thái Thanh cung Cảnh Linh, cực kì tráng lệ” (10).

Quán Thái Thanh chính là nơi sinh hoạt Đạo giáo của triều đình. Đầu đời Trần có đạo sĩ tên là Thậm đã cầu tự cho vua Trần Thái Tông tại cung này. Đại Việt Sử Kỳ Toàn Thưđã ghi lại sự kiện này: “Ất Mão Nguyên Phong năm thứ 5 (1255), mùa hạ, tháng 4,... Hoàng tử thứ sáu Nhật Duật sinh.Trước đó, đạo sĩ cung Thái Thanh tên là Thậm cầu tự cho vua. Đọc sớ xong (đạo sĩ) tâu vua : “Thượng Đế đã y lời sớ tâu, sắp sai Chiêu Văn đồngtử giáng sinh, ở trần thế 4 kỉ”. Thế rồi hậu cung có mang. Sau quả nhiên sinh con trai, hai cánh tay có chữ “Chiêu Văn đồngtử ” nét chữ rất rõ, vì thế đặt hiệu làChiêu Văn. Lớn lên nét chữ mới mất đi” (11).

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, con trai thứ sáu của Trần Thái Tông, do đạo sĩ cầu tự được ở cung Thái Thanh, là một nhân vật lịch sử lớn thời Trần. Sự sinh hạ của ông mang màu sắc Đạo giáo Thần tiên, bản thân ông cũng là một học giả Đạo giáo xuất sắc. Đại Việt Sử Ký Toàn Thưdành nhiều dòng ghi chép về ông với những tư chất như: hoà nhã, độ lượng, mừng giận không lộ ra sắc mặt, trong nhà không bao giờ chứa roi vọt để đánh nô lệ... Ông còn là người thiệp liệp sử sách, rất hâm mộ Huyền giáo (Đạo giáo), thông hiểu Xung điển (12), nổi tiếng đương thời là người uyên bác. Ông là bậc thân vương tôn quý, làm quan trải bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn, trong nhà không ngày nào không mở cuộc hát xướng, làm trò, mà không ai cho là say đắm. So với Quách Tử Nghi đời Đường tột cùng xa xỉ mà không ai chê, ông cũng gần được như thế (13).

Trong thời kì này, nước Trung Hoa có nhiều xáo trộn, nhà Nguyên diệt nhà Tống, nhiều người Tống chạy sang nước ta, trong đó có một vị đạo sĩ mà Đại Việt Sử Ký Toàn Thưcó ghi lại: “Nhâm Dần Hưng Long năm thứ 10 (1302), bấy giờ có người đạo sĩ phương Bắc là Hứa Tông Đạo theo thuyền buôn sang ta, cho ở bến sông Yên Hoa (Yên Phụ, Hà Nội). Phép phù thuỷ, đàn chay bắt đầu từ đấy” (14).

Thực ra không phải tới năm 1302 Hứa Tông Đạo mới đếnĐại Việt. Theo bài kí trên chuông Thông Thánh quán ở Bạch Hạc, ViệtTrì do chính đạo sĩ soạn thì ông đã đếnĐại Việtvàonăm Bính Tý 1276. Vương Khả, một học giả Trung Quốc về Đạo giáo, cũng xác nhận điều này. Trong bài “ Sơ lược về Đạo giáo ở Việt Nam”, ông viết: "Hứa Tông Đạo là người hươngThái Bình, huyệnPhúc Thanh, Phúc Châu, lộ Phúc Kiến. Năm Bính Tý (1276), quânNguyên đánh Nam Tống, ông chạy nạn đến Việt Nam, dựa nhờ vào Chiêu Văn vương là người “tâm hoài đại Đạo, tính trọng Tống nhân” (15).

Trong chiến tranh chống quân Nguyên, Hứa Tông Đạo cùng Trần Nhật Duật trấn thủ lộ Tuyên Quang. Hai người thề kết nghĩa ở Bạch Hạc Thông Thánh quán, cầu Thần phù hộ, đại thắng lợi giết chết tướng Nguyên là Toa Đô. Sau đó, Trần Nhật Duật lại càngsùng kính Đạo giáo, liên tục bùa chú, ăn chay và tất cả đều do Hứa Tông Đạo chủ trì.

Hứa Tông Đạo không chỉ bày lễ cầu phúc cho Khai Quốcvương Trần Nhật Duật mà còn cầu an siêu độ cho côngchúa trưởng Thiên Thụy, Thiên Trân và vua Trần Anh Tông ... được Thái thượng hoàng, hoànghậu cùngcácvuaquan quyền quý tin sùng, ban cho vàng bạc để tu tạo cung Thái Bình ở kinhđô, đúc chuông ở Bạch Hạc Thông Thánh quán (có từ đời Đường). Ông đã lần lượt sống qua cácđời vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, và Trần Minh Tông.

Tư liệu tuy không nhiều,nhưngcũngcó thể thấy, vương triều Trần rấthâm mộ Đạo giáo. Triều đình ban chức tước cho hàng đạo sĩ. C ó nhữngđạo sĩ rấtđược trọng dụng, được vuahoànggia ủy lạo tiền bạc để xây dựng cung quán, đúc chuông, tạc tượng ... Để phục vụ hoànggia, các đạo sĩ đã làm các lễ cầu tự, cầu phúc, cầu an, cầu thọ ... cho nhà vuavà giới quý tộc. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thưcó chép:Đến năm (Trần Nhật Duật) 48 tuổi, bị ốm hơn 1 tháng, cáccon ông làm chay xin giảm tuổi thọ của mình để kéo dài tuổi thọ cho cha. Đạo sĩ đọc sớ xong đứng dậy nói:Thượng Đế xem sớ, cười bảo: “Sao hắn quyến luyến trần tục muốn ở lại lâu thế, nhưng cáccon hắn thực lòng hiếu thảo, cũng đáng cho. Thôi cho thêm hai kỉ nữa”. Bệnh liền khỏi. Sau Nhật Duật mất, thọ 77 tuổi, thế là được 6 kỉ lẻ 5 năm” (16).

Thời Trần, tư tưởngĐạo giáo Thần tiên rất có ảnh hưởng. Trong Hoàng tộc, ngoài Trần Nhật Duật là Chiêu Văn đồngtử giáng sinh còn có Thái tử Khâm (vua Trần Nhân Tông) là Kim Tiên đồngtử, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn là Thanh Y đồngtử. Sự ra đời của Chiêu Quốc vươngÍch Tắc lại càng mang màu sắc Đạo giáoli kì. Có thể nói, màu sắc Đạo giáo thể hiện đặc biệt nhất ở hành trạng của Hưng Đạo đạivương Trần QuốcTuấn, một gương mặt lịch sửđáng khâm phục nhất của vương triều Trần. Ông không có tên trong cácnhân vật Phật giáo, mặc dù ông là em ruột Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung, một thiền giả, tác gia Phật giáoxuất chúng thời ấy. Chưa có tài liệu lịch sửnào nóiông là người theo Đạo giáo, nhưng ở ông có những biểu hiện mang tính chất của Đạo giáo. Vườn cổ Dược Sơn là nhà cũ của ông. Đền thờ ông cạnh núi Vạn Yên, dưới núi có động Bắc Đẩu, đối vớiđộng Nam Tào, phía trước trông ra sôngNhật Đức. Các địa danh đều mang màu sắc Đạo giáo. Sau khi mất,ông được suy tôn là Giáo chủ của dòng Thanh Đồng nổi tiếngvề trừ tà chữa bệnh ở đền Kiếp Bạc. Khoảngthế kỉXVI - XVII, ở Việt Nam xuất hiện đạo Mẫu, một tín ngưỡng bản địa, chịu rất nhiều ảnh hưởng của Đạo giáo trong đó có ban Trần Triều. Trần Hưng Đạo được suy tôn là Đức Thánh Trần, ở vị trí cao nhất ngang với Mẫu Thượng Thiên. Cung cách dân chúng tôn thờ ông như vậy thiết tưởng không phải là ngẫu nhiên.

Qua thư tịch còn lại, có thể khẳng định, trong khi cácvua Trần ham mê Thiền học , thì các thân vươngnhư Trần Nhật Duật, Trần ích Tắc, Trần Quang Khải, Trần Quang Triều, Trần Nguyên Đán...lại hâm mộ Đạo giáohay ưa chuộng tư tưởng Lão Trang, mà nhân vật được ghi lại rõ nét nhất trong sách sử là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Thông thường, vua sùng bái gì thì quý tộc, quan lại đua nhau theo đó. Nhưng các thân vương nhà Trần là những người thông tuệ, có cá tính. Về mặt tâm linh, họ tham cứunhững học thuyết hay tôn giáo nào phù hợp với thiên hướng phóng khoáng hay tính cách nghệ sĩ, lòng yêu thiên nhiên, thích cái đẹp mà không lệ thuộc vào bề trên. Điều này cũng lần nữa cho thấy không khí tự do về tư tưởng của thời Trần.

Do sự cởi mở về mặt tư tưởng và tôn giáo của nhà Trần nên Tam giáo có sự hữu dụng cho xã hội. Tuy Phật giáo, Đạo giáo không tham dự vào triều chính nhưng nhân sinh quan của các tôn giáo này, nhất là Phật giáo đã tác động mạnh đến đời sống tinh thần xã hội nhờ việc các vị vua Trần tu Phật. Trong khi đó Nho giáo lại là công cụ đắc lực cho việc xây dựng bộ máy quản lí xã hội.Chính nếp sống và tư duy theo tinh thần khoan dung Phật giáo của cácvuaTrần đã tạo nên một xã hội khai phóng, khiến cho các tôn giáo, các hệ tư tưởng cùngnhau phát triển, phát huytối đa tinh hoa thời đại, tạo cho xã hộimột đời sống tinh thầnphong phú, góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh dân tộc khiến cho Đại Việt có thể đoàn kết ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông.

Vua Trần Thái Tông từng phát biểu tôn chỉ cuộc đời mình trong bài tựa sách Thiền Tông Chỉ Nam: “...Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê muội, con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của Đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của tiên thánh. Cho nên, Lục Tổ có nói: “Bậc đại thánh và đại sư đời trước người khác gì nhau”. Như thế đủ biết đại giáo của Đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời. Thế thì nay, lẽ nào trẫm không coi trách nhiệm của tiên thánh là trách nhiệm của mình, giáo lí của Đức Phật là giáo lí của mình ư?” (17).

Chỉ tiếc rằng cuối thời Trần, các vị vua không còn đủ sức mạnh tinh thần để thực hiện tôn chỉ ấy của Trần Thái Tông./.

______________________

*.NCV., Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

1. Từ đời nhà Lý cũng đã có thi Nho sĩ, nhưng chỉ thi đến Tam trường. Đến thời Trần mới có khoa thi Thái học sinh, chia thứ bậc làm ba giáp để định cao thấp.

2. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tập II. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1993, tr.138.

3. Khai Thái: Niên hiệu của Trần Minh Tông (1324-1329). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tập II. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1993, tr.151.

4. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tập II. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1993, tr. 20.

5. NguyễnLang. Việt Nam Phật giáoSử luận. Tập I-II-III. Nxb Văn Học. Hà Nội 2000, tr.376.

6.NguyễnLang. Sđd., tr.534.

7. NguyễnLang. Sđd., tr. 452.

8.Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tập II. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1993, tr. 135.

9.Nguyễn Lang.Sđd., tr. 319 - 320.

10. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tập II. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1993, tr. 21.

11.Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tập II. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1993, tr. 26.

12. Xung: nghĩa là sâu, là hư không. Xung điển chỉ chung cáckinh điển Đạo giáo.

13.Xem: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tập II. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1993, tr. 120.

14.Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tập II. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1993, tr. 86.

15.Vương Khả. Sơ lược về Đạo giáo ở Việt Nam . Trong cuốn: Đạo gia và văn hoá. Nxb. Văn hoá Thông tin. Hà Nội 2000.

16. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tập II. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1993, tr. 26.

17. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên). Thơ văn Lý Trần. Tập II. Quyển Thượng. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1988, tr. 27.

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.
Huế: Hội nghị về Nội tiết và Đái tháo đường năm 2025
Ngày 29/3, Hội Nội tiết và Đái tháo đường thành phố Huế phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 8 về bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa năm 2025.

Tin mới

Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.