Vương triều Mạc ở Cao Bằng một thời hưng thịnh
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi về cách đánh giá các chính sách đối nội và đối ngoại của nhà Mạc, không nên đánh giá nặng nề như trước đây.
Nhà Mạc là vương triều ra đời và tồn tại sau nhà Lê. Việc nhà Lê sụp đổ nhà Mạc thay là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ được nhiều người ủng hộ. Không nên coi sự kiện này là sự cướp ngôi theo đạo lý phong kiến. Sau khi ra đời, nhà Mạc đã có những đóng góp về các mặt văn hoá, tư tưởng và mộtphần nào đó về kinh tế.
Việc Nhà Mạc bị nhà Lê Trung Hưng đánh bật khỏi Thăng Long có nhiều nguyên nhân, nhưng không thể vì vậy mà quy kết rằng đây là một triều đại phản động. Sau khi phải rút về cố thủ ở Cao Bằng cho đến khi bị tiêu diệt hoàn toàn, vương triều Mạc ở Cao Bằng vẫn trải qua một thời kỳ hưng thịnh.
Năm 1592, Mạc Kính Cung lên Cao Bằng. Năm 1594, xưng vua là Càn Thống đặt vương phủ ở Cao Bình – Nà Lữ. Mạc Kính Cung đã chấn chỉnh kỷ cương mọi mặt, cắt đặt mọi việc như lúc còn ở kinh đô Thăng Long, chăm lo thu phục lòng dân, mở trường Quốc học, mở khoa thi, thu dụng nhân tài, khuyến khích phát triển nghề nông, các nghề thủ công, mở mang đường sá, đặt nhiều chợ búa cho thương mại phát triển, sửa sang lại các thành và cho đắp nhiều thành nhỏ ở các nơi hiểm yếu, chiêu binh, luyện mã, đặt ra các cơ ngũ chỉnh tề. Đối với dân lại giảm nhẹ sưu thuế, bớt các hình phạt hà khắc, xử tội nặng các quan chức tham ô, nhũng nhiễu, ức hiếp dân. Tổ chức hội hè vua quan bách tính cùng chung vui. Sự nghiệp đó nhằm duy trì đế nghiệp lâu dài bền vững ở Cao Bằng. Khi có thời cơ sẽ lấy lại Thăng Long thu phục cả nước như thuở mới khai sáng nhà Mạc.
Liên tục 83 năm trải qua 3 đời vua Mạc, một nhà nước có kỷ cương, có sách lược đối nội, đối ngoại kịp thời, có cách ứng xử nhu, cương tuỳ lúc.
Về văn hoá, giáo dục, tiếp thu nghệ thuật cung đình ở Thăng Long, nhà Mạc khéo bổ sung văn hoá nghệ thuật dân gian ở Cao Bằng như kèn, sáo, nhị, đàn tính, sóc nhạ, lượn then, lượn lương, lượn Nàng Hai, múa suông phục vụ văn nghệ trong cung đình vua Mạc, tổ chức các hội hè cùng dân chúng chung vui, chọn các thanh niên có năng khiếu đàn giỏi hát hay để truyền thụ văn hoá dân tộc, cải biên, nâng cao các bài hát của bụt, mo, tào, gẩy đàn tính đơn thuần, có thêm những nhịp sử dụng làm cho đời sống văn hoá ngày càng phong phú, sáng tác các bài thơ có nội dung giáo dục nhân dân chung sống thuận hoà, dạy dân làm điều thiện, thắng cái ác để thanh niên có đủ sức đủ tài xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, có nếp sống văn minh bản địa.
Mặc Kính Cung mở trường quốc học ở Bản Thảnh – Cao Bình, cứ 3 năm một lần tổ chức thi hương, thi hội, thi đình, đã mở 12 khoa thi, đào tạo nhiều nhân tài, các môn sinh ra trường được trọng dụng, bổ sung vào bộ máy chính quyền Mạc. Một số môn sinh toả ra các vùng trong tỉnh dạy học chữ Hán, chữ Nôm. Bà Nguyễn Thị Duệ đỗ tiến sĩ khoa thi năm Bính Dần (1616), là tiến sĩ nữ đầu tiên của cả nước. Mạc Kính Cung làm vua được 31 năm ở Cao Bằng. Đến năm 1625, đời vua Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 7, nhà Lê cử Trịnh Kiền lên chinh phạt bắt được Kính Cung đem về kinh đô trị tội. Bà Duệ phải trốn vào Hạ Lang đi tu ở chùa Sùng Phúc. Ở Hạ Lang bà vừa trông nom chùa vừa dạy học, vừa dạy dân làng làm điều nhân nghĩa theo đức Phật bà từ bé nên dân Hạ Lang đã tưởng nhớ công đức bà, đã đặt tên bà cho một bản là bản Huyền Du (bí danh Diệu Huyền, tên huý là Du). Ông Bế Văn Phùng quê ở Bản Vạn, xã Bế Triều, Hoà An đỗ tiến sĩ ở trường quốc học Bản Thảnh được vua Mạc phong là quan Tri thiền quản nhạc, ông thạo về khoa chiêm tinh, sáng tác nhiều tác phẩm chữ Tày, viết cuốn Tam Nguyên Luậnvới 318 câu thơ luận bàn về thời cuộc, sách giáo nam, giáo nữ giáo dục thanh niên có đức, có tài để phụng sự Tổ quốc, sáng tác các điệu then cải biên với cây đàn tính tẩu êm dịu, đem lại sự phồn vinh về tri thức cho dân Cao Bằng. Ông Bế Văn Noong, tức Nông Quỳnh Anh ở Nga Ô (nay là xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh) là tổ sư cây đàn tính tẩu hai dây, sáng tác bài Tứ quý hồng nhanvà các bài hát lượn then còn lưu đến ngày nay…
Về nông nghiệp, dự trữ lương thực phục vụ chiến đấu, để dân có đời sống vật chất cơm no, áo ấm nên quân cơ vừa chiến đấu vừa sản xuất, khai hoang, làm thuỷ lợi đắp đập lấy nước cho đồng ruộng (ở Nà Bát Phia Tém tưới cho cánh đồng Ảng Dàng…), phát triển trồng lúa nương rẫy ở Pò Mò - Bằng Khẩu, biết làm phân xanh cho đất thêm màu mỡ, có luật lệ giữ trâu bò không phá hoại mùa màng, có lịch canh tác từng mùa rõ rệt.
Về thủ công nghiệp, chuyên sản xuất dao, kiếm, vũ khí cho quân đội, sản xuất đúc lưỡi cày, dao, búa sắc bén. Nghề lò rèn phát triển ở Lũng Chung, Đoài Thôn… thu hút thợ giỏi từ Trung Quốc, từ miền xuôi lên như lò rèn ở xã Phúc Sen ở Quảng Uyên có tiếng là tốt, búa chặt gỗ nghiến không sứt mẻ.
Mở nhiều lò gạch, lò chìm để xây thành (hiện nay còn dấu tích 22 lò gạch ở Pác Thò xã Hoà Thuận, Phục Hoà để xây thành Phục Hoà), sản xuất giấy bản để có giấy tự túc cho học sinh học, giấy để làm pháo đùng, phát triển nghề đan lát chiếu cói, chiếu nan, nón, mẹt, mở mang nghề dệt vài chàm, tự túc vải may quần áo, dệt thổ cẩm hoa văn đẹp.
Về thương nghiệp mở các chợ phiên, 5 ngày một phiên trao đổi hàng hoá. Thuyền buôn từ Thuỷ Khẩu Trung quốc lên chợ tỉnh lên đến Mỏ Sắt, người ta còn truyền khẩu: Puôn Nhàu háng Nhát, Puôn Bát Lùng Chu, Kin cưa Pơ hác, Buôn lợn Pác nậm…Chợ trao đổi hàng đổi hàng là chính, ít nhắc đến mua bán bằng tiền thời Mạc (An Pháp nguyên bảo là Tiền Mạc).
Về giao thông mở rộng đường mòn cho xe ngựa đi lại, xây cầu cống, để nhân dân giao lưu hàng hoá và phục vụ cho việc vận chuyển vũ khí, lương thực cho các đội quân chiến đấu đóng ở các tỉnh đồn binh….
Trên đây là những việc lớn nhà Mạc đã làm được trong thời kỳ hưng thịnh ở Cao Bằng. Mạc triều ở Cao Bằng đã tạo dựng được một trật tự xã hội, là một nhà nước có pháp luật kỷ cương, mở mang dân trí, bách nghệ phát đạt, có quân tướng đảm lược đã chống chọi với nhà Lê - Trịnh gần trăm năm. Nhờ vậy mà trong khu vực cư trú của người Tày ở các tỉnh miền Bắc, Cao Bằng là nơi có đời sống xã hội và văn hoá phát triển cao nhất, trở thành một trung tâm phồn vinh.