“Vua máy cày” chế cả thuyền cho máy cày chạy ở ruộng ngập nước
Rót chén nước trà bằng đôi bàn tay có phần dị tật, ông bắt đầu câu chuyện về nghiệp buôn máy nông nghiệp từ chính những vết thương trên cơ thể mình. “Vì máy cày, tôi đã mất 3 ngón tay giữa, một ngón chân, đã nếm đủ những khó khăn vất vả với nghề nhưng tôi chưa bao giờ thôi đam mê cả”.
Ông chia sẻ, những chiếc máy nông nghiệp từ máy tuốt lúa, máy phụt, máy cày, máy gặt, lần lượt đến với ông như duyên nợ ở đời. Bước vào nghề với tâm thế của người nông dân quanh năm lăn lộn với ruộng đồng, năm 1992, lần đầu tiên ông mua một chiếc máy tuốt lúa đạp chân với hy vọng tuốt thóc nhanh hơn để có thời gian đi làm những việc khác. Sau khi suy nghĩ, thấy việc đạp bằng chân này mặc dù có nhanh hơn so với đập lúa lấy hạt, nhưng năng suất vẫn chưa cao, ông đã xuất hiện ý nghĩ chế tạo máy tuốt lúa tự động. Rồi ông tìm mua một chiếc máy nổ và nhờ người ta chế tạo, hàn gắn theo ý mình, còn phần răng cưa của máy lại tự mua gỗ về bào từng chiếc cho phù hợp. Thế là chiếc máy tuốt lúa tự động dùng máy nổ chạy dầu được hoàn thành và bắt đầu đi phục vụ bà con khắp vùng. Đến khi người ta dùng máy tuốt lúa bằng điện thì ông lại quyết tâm đầu tư mua máy phụt – một khái niệm vẫn còn xa vời với người nông dân nghèo ngày ấy. Thử nghiệm thành công với các loại lúa của nhà mình, chiếc máy phụt của ông lại bôn ba khắp đồng trên ruộng dưới.
Từ năm 1995, sau khi có nguồn vốn nho nhỏ tích cóp được từ những ngày lái máy làm thuê, ông nghĩ đến chuyện mua máy cày. Cũng là người đầu tiên trong vùng có chiếc máy hiện đại này, ông được nhiều người gọi đến thuê rồi hỏi thăm mua lại. Nhận thấy nhu cầu ngày càng lớn của người dân, ông đã cử người con trai cả vào trong miền Nam tìm kiếm nguồn máy cày đã qua sử dụng nhưng vẫn còn tốt để gửi về bán cho nông dân. Trong suốt quá trình gắn bó với những chiếc máy nông nghiệp ấy, ông tự mày mò sửa chữa và cải tiến hàng trăm chiếc máy cho phù hợp với đồng đất quê hương.
Ông Vững chia sẻ: “Máy của Nhật hay Trung Quốc không thể phù hợp với tất cả các chân ruộng nơi đây, nhất là những ruộng trũng, sình lầy. Điều này khiến tôi rất trăn trở và có suy nghĩ phải cải tiến nó, như vậy mới nâng được hiệu suất sử dụng của máy móc”. Vậy là trải qua nhiều đêm thức trắng, nhiều lần thất bại, ông cứ tháo tung những chiếc máy ra rồi nghiên cứu, rồi sửa chữa. Và đến nay ông đã có thể cải tạo những chiếc máy cày có các kích cỡ lồng khác nhau, phù hợp cho từng chân ruộng, thậm chí ông còn chế được thuyền cho máy cày chạy ở những ruộng ngập nước. Tất cả các sáng chế này của ông được người dân hưởng ứng, máy bán ra ngày càng nhiều. Lúc cao điểm nhà ông có đến 30 máy cày, 4 máy gặt đập liên hợp. Vừa qua, ông còn chế ra máy có lưỡi cày ở phía sau để đánh luống trực tiếp cho các hộ trồng màu. Những chiếc máy sau khi được cải tạo có giá từ 40-180 triệu đồng/cái, một mức giá phải chăng giúp cho người dân nghèo muốn sở hữu máy móc hỗ trợ làm nông nghiệp.
Trải qua bao năm lăn lộn với máy móc, ông đã truyền lại kinh nghiệm cũng như vốn nghề của mình cho 4 cậu con trai. Đó là những người sẽ nối bước ông tiếp tục cải tiến và mang đến những chiếc máy nông nghiệp phù hợp cho đồng ruộng, đúng như tâm niệm của ông: “Đem cơ hội sử dụng máy nông nghiệp giá rẻ đến cho những người nông dân nghèo chính là động lực để tôi không ngừng mày mò, cải tiến những chiếc máy, thậm chí sống chết với nghề”.