“Viết về cháy rừng, phóng viên nên ngửi thấy mùi khói”
Sáng 9/6, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức buổi tập huấn Kỹ năng xây dựng tác phẩm báo chí chất lượng cao với sự tham dự của diễn giả, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.
Sáng 9/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức buổi tập huấn Kỹ năng xây dựng tác phẩm báo chí chất lượng caotham dự giải báo chí quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành với sự tham dự của diễn giả, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - cây bút viết phóng sự điều tra xuất sắc, đã giành nhiều giải Báo chí quốc gia, thành viên Ban giám khảo của nhiều giải báo chí uy tín.
Phát biểu tại buổi tập huấn, PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho hay, Liên hiệp hội Việt Nam là một trong các đơn vị có hệ thống báo chí mạnh với 70 cơ quan báo chí với hệ thống phóng viên, biên tập viên rải khắp cả nước.
Báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam đã thể hiện được sứ mệnh của mình, là một trong những vũ khí sắc bén, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; là diễn đàn cho Nhân dân tham gia. Đặc biệt, đã đưa được tiếng nói của các nhà khoa học, trí thức của Việt Nam trong việc tư vấn, phản biện, giám định xã hội, phổ biến kiến thức.
Trong đó, Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương trực tiếp quản lý một cơ quan báo chí (Báo Tri thức và Cuộc sống) và gián tiếp quản lý là 18 cơ quan báo chí thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ; 47 cơ quan báo chí là thuộc hội ngành toàn quốc quản lý.
Điểm đặc thù của báo chí của Liên hiệp hội Việt Nam chủ yếu là các tạp chí, chỉ có duy nhất một báo là Báo Tri thức và Cuộc sống, một nhà xuất bản.
Buổi tập huấn “Kỹ năng xây dựng tác phẩm báo chí chất lượng cao tham dự giải báo chí quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành cho các phóng viên, biên tập viên” nhằm giúp các phóng viên, biên tập viên của Liên hiệp hội Việt Nam nâng cao được chất lượng bài viết, có thể tham dự các giải báo chí, nâng sự chuyên nghiệp của các cây bút.
Tại buổi tập huấn, các phóng viên, biên tập viên đã được nghe diễn giả, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng xây dựng tác phẩm báo chí chất lượng cao, từ việc phát hiện đề tài, nuôi dưỡng cảm xúc, đầu tư thiết bị tác nghiệp, cách dựng bài viết cho tới kinh nghiệm dự thi…
Một trong những nội dung được diễn giả nhấn mạnh, đó là để có được một tác phẩm chất lượng thì Tòa soạn cần phải có cơ chế đặc thù cho những phóng viên có nghề, có năng lực, cần trân trọng ngòi bút của họ để họ được sáng tạo. Cùng với đó, cần phải tạo điều kiện, để có được những phóng viên chuyên sâu ở những mảng theo dõi, chẳng hạn, phóng viên theo mảng khoa học và công nghệ, phóng viên giáo dục, phóng viên y tế...
Đặc thù của Liên hiệp hội Việt Nam là có mạng lưới các nhà khoa học, các chuyên gia uy tín, vậy báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam có thể tạo diễn đàn để các nhà khoa học lên tiếng về những vấn đề mà xã hội quan tâm, có ích cho cộng đồng…
Tại buổi tập huấn, các phóng viên, biên tập viên cũng đã sôi nổi đặt nhiều câu hỏi đối với diễn giả, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, trong đó có kỹ năng tác nghiệp, đặc biệt với thể loại phóng sự điều tra.
“Muốn hiểu tâm trạng của một miếng bít tết không nhất thiết phải nhảy vào chảo nước sôi. Nhưng viết về vụ cháy rừng thì nên ngửi thấy mùi khói và đi vào rừng”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng ví von khi nói về kỹ năng khả năng xâm nhập thực tế, điều tra… của phóng viên.
Phát biểu bế mạc, Thạc sĩ Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến khuyến khích phóng viên, biên tập viên trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia tích cực vào Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành.