Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 25/11/2010 20:54 (GMT+7)

Việc Hoa Quốc Phong từ chức Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc

Hoa Quốc Phong “mờ dần” trên sân khâu chính trị

Bắt đầu từ Hội nghị TW lần thứ 3 khoá 11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên sân khấu chính trị Trung quốc, Hoa Quốc Phong đã trải qua một quá trình từng bước giảm bớt các chức vụ (“mờ dần”) cho đến…

Tại hội nghị TW 3, mặc dù lãnh tụ thực tế của Trung Quốc đã là Đặng Tiểu Bình nhưng về danh nghĩa Hoa Quốc Phong vẫn là Chủ tịch TW Đảng, Thủ tướng Quốc Vụ viện, Chủ tịch Quân uỷ TW, một mình giữ cả 3 quyền lớn đảng, chính, quân. Vì vậy, sau khi “Thông báo” của Hội nghị TW 3 được công bố, những người không biết nội tình khi đọc câu “ít tuyên truyền cá nhân” trong đoạn số 5 của “Thông báo” ngầm cảm thấy địa vị “lãnh tụ anh minh” của Hoa Quốc Phong đã có chút phiền phức.

Tuy nhiên để giữ vững cục diện ổn định đoàn kết, Hội nghị TW 3 quyết định, tầng lớp lãnh đạo cao cấp “chỉ tăng không giảm”, “chỉ vào không ra”. Nhưng nên “giảm” nên “ra” rốt cuộc vẫn phải là “giảm” phải “ra”.

Sau Hội nghị TW 3, biến động nhân sự lớn đầu tiên đã phát sinh tại Hội nghị TW 5 họp từ 23 đến 29 tháng 2 năm 1980. Hội nghị đã phê chuẩn đề nghị từ chức của Chủ tịch TW Đảng của Uông Đông Hưng và phê chuẩn đề nghị từ mọi chức vụ trong và ngoài đảng của Kỷ Dăng Khuê, Ngô Đức, Trần Tích Liên. Thế là phải “giảm”. Hội nghị còn bầu thêm 2 Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Thế là phải “tăng”, Hội nghị còn thành lập Ban Bí thư, gồm 11 thành viên, do Hồ Diệu Bang làm Tổng Bí thư. Những thay đổi nhân sự này cho thấy, về danh nghĩa mặc dù Hoa Quốc Phong vẫn là Chủ tịch TW Đảng nhưng đã “Chủ tịch hữu danh vô thực”.

Ngày 4 tháng 7 năm 1980, Nhân dân nhật báođăng bài bình luận: “Nhận thức đúng đắn vai trò của cá nhân trong lịch sử”, chỉ ra trong điều kiện lịch sử mới không chỉ cần loại bỏ hiện tượng “thần hoá” cá nhân mà còn phải xử lý tốt quan hệ giữa cá nhân và tập thể trong ban lãnh đạo. Không nói cũng hiểu, bài bình luận đó là nhằm vào Hoa Quốc Phong.

Ngày 30 tháng 7 năm 1980, TW ĐCSTQ ra chỉ thị về việc “kiên trì ít tuyên truyền cá nhân”/ Chỉ thị này cũng ngầm phê bình Hoa Quốc Phong.

Triệu Tử Dương đã được bầu bổ sung vào Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng phải đến kỳ họp lần thứ 3 Quốc hội khoá 5 từ 30 – 8 đến 10 – 9 khi Hoa Quốc Phong từ chức Thủ tướng, ông mới được bầu làm Thủ tướng đời thứ ba của Trung Quốc và như vậy Hoa Quốc Phong đã mất quyền lực tối cao về mặt “chính quyền”. Cũng nhân dịp này Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Từ Hướng Tiền, Vương Chấn cũng không kiêm nhiệm chức Phó Thủ tướng nữa.

Hội nghị Bộ Chính trị họp 9 lần giải quyết vấn đề Hoa Quốc Phong

Ngày 20 – 10 – 1980, Ban Bí thư TW Đảng quyết định trong hai, ba mươi năm từ nay về sau, nhất loạt không cho phép treo ảnh người lãnh đạo đang tại chức nhằm có lợi cho việc xoá bỏ tệ sùng bái cá nhân (sau đó ngày 23 – 10, Hoa Quốc Phong có thư đề nghị từ nay trở đi không treo ảnh và ngữ lục, “chữ đề” của ông tại những nơi công cộng. Sau đó đã xoá bỏ hết. (Đến nay chỉ còn 6 chữ “Mao Chủ tịch kỷ niệm đường” do Hoa Quốc Phong viết và được khắc trên đá Đại Lý tại Nhà kỷ niệm Chủ tịch Mao Trạch Đông trên quảng trường Thiên An Môn).

Đối với Hoa Quốc Phong mà nói sự thay đổi chức vụ lớn nhất của ông là tại Hội nghị TW lần thứ 6, từ ngày 27 đến 29 – 6 - 1981. Tại Hội nghị này Hoa Quốc Phong đã từ chức Chủ tịch TW Đảng và Chủ tịch Quân uỷ TW, Hồ Diệu Bang được bầu làm Chủ tịch TW Đảng. Đặng Tiểu Bình được bầu làm Chủ tịch Quân uỷ TW. Hoa Quốc Phong được bầu làm Phó Chủ tịch TW Đảng, Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị, nhưng xếp thứ cuối cùng.

Việc thay đổi chức vụ của Hoa Quốc Phong, mặc dù đến lúc này mới chính thức xảy ra, nhưng thực ra từ nửa năm trước, tức trong tháng 11 và tháng 12, Bộ Chính trị ĐCSTQ đã liên tục họp 9 lần chuyên thảo luận vấn đề Hoa Quốc Phong.

Chiều ngày 11 tháng 11 Trần Vân đã có bài phát biểu quan trọng tại cuộc họp. Ông nói 3 điểm:

Điểm thứ nhất, loi được “lũ bốn người” ra, Hoa Quốc Phong đã có “cống hiến rất lớn” đối với đảng. Lúc đó Hoa Quốc Phong là người “chịu trách nhiệm chủ yếu”. Nhưng sau khi lôi được chúng ra rồi, đảng ta không thực hiện được cục diện: tâm tình thoải mái, sinh động sôi nổi khiến người ta “thất vọng lớn”.

Điểm thứ hai, “đồng chí Hoa Quốc Phong làm Chủ tịch đảng không thích đáng”. Trần Vân nói: “hôm ấy khi cùng đồng chí (Lý) Tiên Niệm đến chỗ đồng chí Hoa Quốc Phong nên tự tri chi minh (tự biết mình sáng suốt), trong cuộc đời công tác của mình “thêm điểm” là bao nhiên, “giảm điểm” là bao nhiêu. “Thêm điểm” là chỉ chính xác, “giảm điểm” là chỉ sai lầm.

Điểm thứ ba, “tôi cho rằng việc này không thể kéo dài nữa. Quyết định ai đọc báo cáo tại Đại hội 12 rồi, thì người nào làm Chủ tịch người ấy báo cáo”.

Phát biểu của Hồ Diệu Bang và Diệp Kiếm Anh

Hồ Diệu Bang đã có bài nói quan trọng tại hội nghị Bộ Chính trị. Đồng thời với việc khẳng định thành tích của Hoa Quốc Phong, ông đã nghiêm túc phê bình Hoa.

Hồ Diệu Bang nói, Hoa Quốc Phong vào đảng năm 1938, cũng nên coi là lão đồng chí. Hơn 40 năm qua đồng chí Hoa Quốc Phong đã tích luỹ được kinh nghiệm công tác phong phú, cũng có trình độ nhất định. Điều này tôi thấy cũng nên khẳng định. Cũng như một số đồng chí già khác trong vấn đề đập tan “lũ bốn người” đúng là đồng chí Hoa Quốc Phong có cống hiến rất lớn.

Khi nói đến quan hệ của Hoa Quốc Phong đối với đảng với nhân dân rất không đúng đắn, Hồ Diệu Bang đã nêu ra 5 biểu hiện, phê bình thái độ của Hoa Quốc Phong đối với sai lầm cuối đời của Mao Trạch Đông, trong đó nhấn mạnh, chỉ thấy cái trước mắt, không thấy hậu quả, chỉ suy tính tới được mất cá nhân không chú ý tới an nguy của đảng và nhà nước, đó là chủ nghĩa thực dụng điển hình, rất không tốt.

Hồ Diệu Bang nói, nếu đồng chí Hoa Quốc Phong còn tiếp tục làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch quân uỷ TW xem ra đa số đồng chí trong đảng không tán thành, vì vậy tôi cảm thấy đồng chí Hoa Quốc Phong xin thôi giữ hai chức vụ đó là rất tốt, điều này đối với đảng, đối với đồng chí Hoa Quốc Phong đều tốt.

Có người nói trong hội nghị là “trong 4 năm qua đồng chí đã làm một một số việc có ích, nhưng rõ ràng là thiếu năng lực chính trị và năng lực tổ chức cần thiết với tư cách là Chủ tịch đảng”, tôi bổ sung “đồng chí Hoa Quốc Phong không thể làm tròn nhiệm vụ Chủ tịch quân uỷ TW là điều mọi người đều biết”.

Diệp Kiếm Anh đã tự phê bình khi phát biểu ý kiến, tự kiểm điểm khi tuyên truyền cho Hoa Quốc Phong đã nói quá lời, đã ca ngợi quá cao, để cho tư tưởng phong kiến “Chu công phò Thành vương” làm loạn.

Diệp Kiếm Anh nhớ lại hình ảnh khó quên của Mao Trạch Đông muốn nói nhưng không thành lời lúc lâm chung. Ông nhắc lại chuyện khi lâm chung tại thành Bạch đế, Lưu Bị gửi con côi cho Gia Cát Lượng, đã nói: nếu phò tá được thì phò tá, nếu nó bất tài thì tự thay thế. Nhưng sau đó Gia Cát Lượng đã không làm theo lời Lưu Bị mà hết lòng phục vụ Hậu chủ (tức Lưu Thiện, con trai Lưu Bị) cho đến chết. Lúc lâm chung, Chủ tịch Mao nói, tôi hỏng rồi, sắp tới lúc rồi. Các đồng chí trong Bộ Chính trị đều tới nhà Chủ tịch, xếp hàng chờ gặp người. Lúc đó tim người còn chưa ngừng đập, sau khi gặp xong, tôi về phòng nghỉ, một lúc thấy hộ lý vào gọi tôi tới trước Chủ tịch. Lúc đó Chủ tịch nhìn tôi nhưng không nói thành lời được, tôi lùi ra. Lát sau tim Chủ tịch ngừng đập. Lúc đó tôi nghĩ, vì sao Chủ tịch muốn gặp tôi lần thứ hai? Còn định dặn dò gì nữa (nói tới đó, Diệp Kiếm Anh xúc động, rơi lệ). Tôi đã phân tích tâm tình của Chủ tịch lúc còn sống, đúng là tôi đã coi đồng chí Hoa Quốc Phong là “Hậu chủ”, cho dù tinh lực tôi không đủ, trình độ không cao, nhưng vẫn hết lòng giúp đỡ đồng chí Hoa Quốc Phong. Tôi đã có một số lời quá khen đồng chí ấy. Đó là do tư tưởng phong kiến cũ làm loạn. Nhân dịp này tôi xin tự phê bình”.

Diệp Kiếm Anh còn nói: nếu đồng chí Hoa Quốc Phong không vui lòng nhận trách nhiệm, tôi nhận cũng được thôi, mọi sai lầm của TW trong 4 năm qua đều do tôi tạo ra, các đồng chí oán trách tôi, phê bình tôi đều được. Tôi đã xin từ chức từ sớm, hôm nay tại hội nghị này tôi xin nêu lại lần nữa. Tôi xin TW cho tôi nghỉ hưu. Đó là ý kiến trời đánh cũng không thay đổi của tôi…”.

Sau khi nghe Diệp Kiếm Anh nói như vậy, Hoa Quốc Phong biểu thị không bào chữa nữa, vui lòng nghe ý kiến mọi người, tiếp thu phê bình.

29 người tham dự hội nghị đều phát biểu ý kiến, đều khẳng định công lao của Hoa Quốc Phong, nhưng đều cho rằng chức vụ mà ông đang đảm nhiệm là không thích đáng.

Tại phiên họp cuối cùng, Hoa Quốc Phong biểu thị hoan nghênh những phê bình của mọi người đối với ông và một lần nữa xin từ chức Chủ tịch TW đảng và Chủ tịch quân uỷ TW và đề nghị trước hội nghị TW 6 không chủ trì công tác TW nữa và đề nghị Diệp Kiếm Anh thay mình đảm nhiệm chức vụ trên. Diệp Kiếm Anh kiên quyết từ chối và một lần nữa xin nghỉ hưu.

Diệp Kiếm Anh và các đồng chí khác nhất trí đề nghị Đặng Tiểu Bình giữ chức Chủ tịch đảng, nhưng Đặng Tiểu Bình từ chối và cho rằng trong số những người ngoài 60 tuổi, thành tích chính trị của Hồ Diệu Bang nổi bật, nên đề nghị Hồ Diệu Bang làm Chủ tịch TW đảng. Còn mình xin nhận thức Chủ tịch Quân uỷ TW. Hội nghị còn quyết định, từ nay cho đến lúc họp Hội nghị TW 6, về danh nghĩa Hoa Quốc Phong vẫn là Chủ tịch đảng, Chủ tịch quân uỷ TW, nhưng Hồ Diệu Bang chủ trì công việc của Bộ chính trị và Đặng Tiểu Bình chủ trì công việc của Quân uỷ TW nhưng chưa dùng danh nghĩa chính thức.

Suy tính tới đây là một vấn đề vô cùng trọng đại, và để cho cán bộ cấp cao trong đảng có sự chuẩn bị về tư tưởng. Hội nghị Bộ Chính trị đã quyết định thông báo nội dung của các cuộc họp tới các đồng chí từ Uỷ viên thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ trở lên và truyền đạt tới hơn 4000 cán bộ cấp cao đang tham gia vấn đề “một số vấn đề lịch sử của đảng”, yêu cầu họ bảo mật nghiêm túc, quyết không được để lộ ra ngoài.

Hội nghị Bộ Chính trị còn gửi thông báo cho toàn đảng, thực chất là đánh tiếng trước việc này… Thông báo nêu 5 điểm sai lầm của Hoa Quốc Phong sau khi đập tan “lũ bốn người”:

1/ Nêu ra điểm sai lầm “hai cái phàm là” hoàn toàn đi ngược lại chủ nghĩa Mác;

2/ Tiếp tục quan điểm sai lầm của cách mạng văn hoá;

3/ Cản trở việc bình phản ánh oan, án giả, án sai và khôi phục công tác của các cán bộ cũ;

4/ Tạo ra tệ sùng bái cá nhân mới;

5/ Kinh tế nhảy vọt, phạm sai lầm chủ nghĩa duy tâm chủ quan.

Cuộc đời chính trị của Hoa Quốc Phong, có thể là coi là kết thúc từ đó, mặc dù tại Đại hội 12 (1982), Đại hội 13 (1987), Đại hội 14 (1992), Đại hội 15 (1997) ông đều được bầu là Uỷ viên TW chính thức, và năm 2002 là đại biểu tham dự Đại hội 16 và được mời tham dự Đại hội 17 (2007).

Ngày 20 tháng 8 năm 2008, báo chí Trung Quốc chính thức đưa tin “đồng chí Hoa Quốc Phong, đảng viên ưu tú của ĐCSTQ, chiến sĩ cộng sản trung thành được thử thách lâu dài, nhà cách mạng vô sản, đã từng giữ các chức vụ lãnh đạo quan trọng của đảng và nhà nước, do bệnh nặng chữa chạy không kết quả đã từ trần tại Bắc Kinh, hưởng thọ 87 tuổi”.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).
Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.

Tin mới