Về vị trí đặt đại bản doanh của vua Lê Đại Hành trong trận Bạch Đằng năm 981
Sách Việt sử lược, tác phẩm khuyết danh thời Trần thế kỷ XIV chép: Năm Tân Tỵ, năm đầu hiệu Thiên Phúc, mùa xuân tháng Ba (4-981), quân của Hầu Nhân Bảo đến Ngân Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua (tức Lê Đại Hành – NMT) tự làm tướng đi chống Tống, sai người cắm cọc ngăn sông. Quân Tống lùi giữ Ninh Giang, vua sai trá hàng để dụ Nhân Bảo. Quân Tống thua, ta bắt chém Hầu Nhân Bảo, bọn Khâm Tộ nghe tin quân Bảo thua, liền rút lui”(Việt Sử lược. HN. 1960, tr 55, 56).
Sách Tống sử (Giao Chỉ truyện) của Trung Quốc cũng chép về trận Bạch Đằng như sau: “Thái Bình hưng quốc năm thứ sáu, tháng ba, ngày Kỷ Mùi (28-4-981) Giao Châu hành doang phá được 1500 quân của Lê Hoàn ở sông Bạch Đằng… Đến khi Lưu Trừng đến thì Toàn Hưng cùng Lưu Trừng theo đường thuỷ đem quân đến thôn Đa La, nhưng nói không gặp giặc (tức chủ quân của Lê Đại Hành – NMT), lại trở về Hoa Bộ. Đến đây, Lê Hoàn giả vờ xin hàng để đánh lừa Nhân Bảo. Nhân Bảo liền bị giết chết”( Tống sử, Quyển: Giao Chỉ truyện).
Như vậy trận Bạch Đằng xảy ra lần thứ hai trên khúc sông lịch sử này vào tháng 4-981, là một sự kiện hết sức trọng đại đã được sử sách của ta và đối phương đều chú ý ghi lại.
Nhưng một vấn đề lâu nay luôn đặt ra đối với giới nghiên cứu sử học, đó là Đại bản doanh của vua Lê Đại Hành đóng ở đâu để từ đó viết thư, cử người đến Ninh Giang, nơi đóng quân của quân Tống “giả vờ xin hàng đánh lừa Hầu Nhân Bảo”, rồi bố trí binh lực, điều binh khiển tướng nhằm đánh tan giặc mạnh trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử?
Vừa qua, vào khoảng cuối xuân năm 2000, chúng tôi, đã trở về xã An Lạc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương để nghiên cứu ngôi Đền Cao và xác định lại các di tích liên quan tới vua Lê Đại Hành ở trong xã. Sau một ngày điền dã gần hết địa bàn của xã, chúng tôi đã đi tới nhận định bước đầu: Địa điểm Đồng Dinh bên cạnh khu di tích Đền Cao, chính là khu vực đóng Đại bản doanhcủa vua Lê Đại Hành trong cuộc quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng xưa.
Trên thực địa “Đồng Dinh” là một cánh đồng bằng phẳng rộng chừng hơn 3 ha. Đây là một điểm đóng quân khá lý tưởng, vì ba phía Bắc, Đông, Nam đều có núi, có sông che chở, còn phía Tây mở ra một hành lang rộng rãi, khiến cho “tiến khã dĩ công, thái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ). Nơi mà vua Lê Đại Hành chọn để đóng đại bản doanh nói trên rõ ràng đáp ứng những điều kiện tối cần thiết của một nơi đóng quân mà các bộ bình thư cổ của phương Đông chỉ dẫn. Sách Tôn Tử binh phápcó viết: “Phàm bố trí quân đội phải chiếm lĩnh vùng núi non, cần chọn những nơi cao hướng về mặt trời, cần dựa lưng vào mỏm đá cao chứ không đối diện với mỏm đá cao. Đó là nguyên tắc đóng quân ở vùng núi”.Ngay trong thiên Đồn Trú sách Binh thư yếu lượccũng viết: “Phàm đóng quân thì phải dùng nơi sau cao, trước thấp, trông ra hướng sang, quay lưng hướng tối, nuôi sống ở đủ, nước lửa không lo, vận tải tiếp tế không trở ngại, tiến có thể đánh, lui có thể giữ…”
Nghiên cứu nơi đóng quân Đại bản doanh của vua Lê Đại Hành, chúng ta thấy nó “dựa lưng vào mỏm núi cao” là các ngọn Bàn Cung, Thiên Bồng Đầu Giông, Cổ Vu và “trông ra hướng sáng” là hướng Nam, phía xa có dòng Nguyệt Giang trong xanh, thoáng đãng.
Che chắn phía Đông cho Đại bản doanh là các ngọn núi như: Đồng Đò, Vọng Dứa, Đồng Ra và Cao Hiệu. Tất cả những núi non, gò đồi bao bọc ấy lại được dòng Nguyệt Giang và chi lưu cảu nó che chắn thêm khiến Đại bản doanh của vua Lê Đại Hành có khả năng án binh, giấu quân làm cho quân Tống không thể tìm thấy được. Điều đó giải thích câu văn được chép trong Tống sửvừa nói ở trên: “ Toàn Hưng và Lưu Trừng theo đường thuỷ đem quân đến thôn Đa La, nhưng nói không gặp giặc” (tức chủ quân và Đại bản doanh của quân ta – NMT). Đại bản doanh của Lê Đại Hành ở xã An Lạc, nếu đi theo đường thuỷ xuôi dòng Nguyệt Giang ra sông Kinh Thày để đến Bạch Đằng ước chừng 30km. Còn tính theo đường chim bay từ đây đến Bạch Đằng chỉ khoảng trên 20kg. Đây là địa bàn đặt sở chỉ huy, có thể nói khá đắc địa trong điều kiện của cuộc chiến tranh dưới thời Trung cổ, cả hai bên tham chiến đều sử dụng vũ khí và phương tiện vận chuyển còn thô sơ.
Đồng Dinh (như tên gọi của nó) không phải là một di tích tồn tại đơn nhất, độc lập. Nó được nằm trong một quần thể di tích lịch sử làm chứng cứ khẳng định thêm cho vị trí Đại bản doanh của vua Lê Đại Hành.
Xã An Lạc cùng với xã Tân Dân, thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương có vinh dự lưu giữ và bảo tồn những chứng tích quí giá đó cho chúng ta và cho muôn đời sau. Ở đây, những chứng tích liên quan tới Đại bản doanh của vua Lê Đại Hành có thể chia làm hai loại: Những địa danh - lịch sử và các di tích đền, miếu, chùa…
Về những địa danh lịch sử của xã An Lạc và xã Tân Dân, hiện nay còn khá nhiều tên liên quan trực tiếp hoặc gợi cho ta những suy nghĩ về một địa bàn đóng sở chỉ huy khá lâu của một vị tướng tổng tư lệnh, vị Hoàng đế thân chinh đánh giặc. Đó là: Núi Cao Hiệu: núi sát với bến Vạn, bên dòng Nguyệt Giang đổ ra sông Kinh Thày, tương truyền nơi cắm cờ và vọng gác tiền tiêu. Đồng Dinhnơi đặt Đại bản doanh của vua Lê Đại Hành. Nội xưởng: nơi tương truyền rèn, sửa vũ khí và phương tiện chiến đấu. Lò Văn: nơi một số viên quan từ hàn đi theo quân đội phụ trách việc văn thư làm việc. Bàn Cung: nơi tương truyền vua Lê Đại Hành họp bàn việc quân với các tướng lĩnh dưới quyền. Nền bà Chúa: nơi ở của các vị nữ tướng. Núi Sơn Đụn: nơi tương truyền là kho quân lương của quân đội…
Về các di tích đền, miếu, đình, chùa thì ở xã An Lạc có thể nói khá nhiều như: Đền Cao, Đền Bến Tràng, Đền Bến Cả, Chùa Nguyệt, Chùa Sơn Đụn… Có một điều đáng lưu ý hầu hết các ngôi đền nói trên đều thờ các vị tướng tham gia cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 do vua Lê Đại Hành lãnh đạo. Trong số các di tích lịch sử đó, đáng chú ý hơn cả cần nói đến khu Đền Cao mà phần trên chúng tôi đã có dịp nhắc tới.
Đền Cao được xây dựng trên ngọn Thiên Bồng, có độ cao 47m so với mặt biển. Đền toạ lạc trên bãi đất bằng phẳng rộng ước chừng 5414m2. Cảnh Đền Cao trên núi Thiên Bồn luôn gợi chó du khách một cảm giác u tịch, thanh vắng. Phải chăng chính vì vậy, núi được đặt tên với ý nghĩa “cảnh tiên bồng lai trên thiên giới?” Phủ kín quả núi và xung quanh Đền Cao là 54 cây lim cổ, tuổi ước cũng vài trăm năm, càng tôn thêm vẻ tịch mịch của chốn danh thắng được mệnh danh là nơi tách khỏi bụi trần này.
Bản Ngọc phảhiện còn lưu giữ tại Đền Cao là do Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và được vị Thiếu khanh Nguyễn Hiền giữ chức Quản giám bách thần sao lại vào năm Vĩnh Hựu thứ ba (1737) cho biết: Vị thần được thờ ở đây họ Vương huý là Đức Minh. Cũng theo Ngọc phả, trong cuộc kháng chiến chống Tống vào mùa xuân năm Tân Tỵ (981), vua Lê Đại Hành đã đem quân về lập Đại bản doanh tại An Lạc. Bấy giờ An Lạc, còn có tên là Dược Đậu Trang thuộc huyện Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Ở Dược Hậu Trang có 5 anh em họ Vương tham gia quân đội đánh giặc cứu nước. Sau khi dẹp xong giặc Tống tàn bạo, người anh cả là Vương Đức Minh được phong làm Thiên Bồng Đại tướng quân Đại vương, ông thứ hai là Vương Đức Xuân làm Dực thánh Dũng mãnh Đại Vương, ông thứ ba là Vương Đức Hồng làm Anh Vũ Dũng Lược Đại Vương, bà em gái thứ tư là Vương Thị Đào làm Đào Hoa Trinh Thuận Công chúa, và bà thứ năm là Vương Thị Liệu làm Liễu Hoa Linh Ứng Công chúa.
Người anh cả là Vương Đức Minh được thờ tại Đền Cao, còn các em trai, em gái ông được thờ ở các đền như Đền Bến Tràng, Đền Bến Cả, Đền Cả…
Trong đền còn treo 13 bộ câu đối gỗ sơn son thiếp vàng, nội dung phần lớn nói lên tấm lòng ngưỡng mộ của khách thập phương đối với tướng Vương Đức Minh “sinh vi tướng, tử vi thần” được thờ ở đền. Tinh thần bao trùm lên các câu đối ở Đền Cao là ca ngợi khí thế hào hùng của quân đội thời Tiền Lê dưới sự chỉ huy của chủ soái Lê Đại Hành và các danh tướng của ông.
Những câu đối còn lại ở Đền Cao hay Đền Bến Cả, Đền Bến Tràng… tại xã An Lạc, huyện Chí Linh dường như nhằm nhắc nhở chúng ta nhớ về lịch sử xa xưa, thời đại mà vị vua anh hùng “phá Tống, bình Chiêm” Lê Đại Hành cùng quân dân thời Tiền Lê viết nên những trang sử dựng nước và giữ nước thật oai hùng. Chúng tôi thiết nghĩ sắp tới là vừa tròn 1020 năm chiến thắng trận Bạch Đằng lần thứ hai (981 – 2001), nhà nước ta, cùng các cơ quan hữu trách cần có kế hoạch dựng bia kỷ niệm nơi đóng Đại bản doanh và tu tạo các đền, miếu, đình chùa tại xã An Lạc vừa nói liên quan tới vua Lê Đại Hành và các vị tướng tài ba của ông. Và nếu có thể được, chúng tôi đề nghị nên dựng tượng Lê Đại Hành trên một quả đồi nào đó ở vùng này bên Đại bản doanh của ông. Việc làm có ý nghĩa giáo dục lịch sử này nếu được Nhà nước ta tiến hành, chắc chắn sẽ thuận lòng dân không chỉ ở xã An Lạc, mà còn đáp ứng lòng ngưỡng mộ của nhân dân mọi miền đối với Lê Đại Hành.
Nguồn: Xưa và Nay, số 76, tháng 6/2000, tr 9, 10, 23