Về một vài kinh nghiệm của Malaixia trong giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và tôn giáo
Sở dĩ như vậy là vì ở vào thời điểm này vấn đề dân tộc mang ý nghĩa lớn hơn, một phần là do sự lạc hậu của người Mã Lai trước các cộng đồng khác, chủ yếu là người Hoa nhập cư. Thời kỳ đầu sau độc lập, trong nước đã xuất hiện một tình thế có một không hai khi người Mã Lai – là người bản địa – sống tập trung ở các bang nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu ở vùng bán đảo Malacca như Kedah, Kelantan, Trenganu, Perlis cũng như ở Sabah và Sarawak, nghề nghiệp chính của họ là nghề nông nhưng lại chiếm ưu thế trong lĩnh vực chính trị; thì đa số cư dân người Hoa và ở mức độ nhỏ hơn là người Ấn – đại diện cho các nhóm tộc người không phải chính gốc – lại tập trung ở các vùng duyên hải, các thành phố lớn cũng là các trung tâm kinh tế của cả nước và nắm chủ yếu công việc kinh doanh, buôn bán. Như vậy, cùng với sự tồn tại tự nhiên của ranh giới tộc người (huyết thống, ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán), sự khác nhau về ranh giới nghề nghiệp, trình độ phát triển kinh tế, về quyền lợi kinh tế và địa vị xã hội…chính là nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ mạnh mẽ giữa các cộng đồng cư dân người Mã Lai và người Hoa. Mâu thuẫn này vốn đã nặng nề dưới chính sách cai trị của thực dân Anh, càng nặng nề hơn trong thời kỳ chiếm đóng của phát xit Nhật và giờ đây nó trở thành thách thức lớn nhất đối với chính phủ sau khi giành được độc lập dân tộc.
Vì vậy, ngay sau độc lập, vấn đề được các nhà lãnh đạo đất nước (đứng đầu là UMNO) quan tâm hơn cả là việc cải thiện sự lạc hậu của người Mã Lai, tiến tới khắc phục tình trạng chênh lệch về kinh tế giữa cộng đồng người Mã Lai và cộng đồng người Hoa, qua đó củng cố địa vị thống trị truyền thống của người Mã Lai. Để có thể đưa người Mã Lai lên địa vị kinh tế, văn hóa, giáo dục ngang bằng, thậm chí cao hơn các cộng đồng cư dân khác trong nước, Hiến pháp Malaixia đã công nhận “Quyền đặc biệt của người Mã Lai” với tư cách là cộng đồng cư dân bản địa. Theo đó là hàng loạt các chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi cho người Mã Lai trên mọi phương diện như dành sự ưu tiên tối đa cho phát triển nông nghiệp và nông thôn – khu vực tập trung đông đảo của người Mã Lai nghèo khổ, tăng cường vai trò kinh tế cho người Mã Lai bằng cách hình thành giai cấp tư bản Mã Lai và nhiều chính sách ưu tiên khác cho con em người Mã Lai trong lĩnh vực giáo dục…Trước những chính sách đặc biệt dành cho người Mã Lai của UMNO, các đảng phái chính trị đã lên tiếng phản đối và yêu cầu chính phủ phải công bằng trước tất cả các cộng đồng cư dân trong cả nước với nguyên tắc “ Malaixia là của người Malaixia”. Đây chính là trung tâm của những bất ổn định chính trị ở Malaixia trong suốt những năm 60. Thêm vào đó là chính sách ngôn ngữ và giáo dục của chính phủ. Năm 1957, tiếng Melayu đã được Hiến pháp quy định là ngôn ngữ quốc gia. Đến năm 1967, Quốc hội Liên bang thông qua Dự luật ngôn ngữ với quy định “ tiếng Melayu là ngôn ngữ chính thức duy nhất của đất nước”(bên cạnh đó, tiếng Anh có thể được sử dụng như là tiếng nói chính thức trong một số trường hợp, tiếng Trung và tiếng Tamil được sử dụng như là ngôn ngữ không chính thức). Chính sách giáo dục của chính phủ thời kỳ này cũng nhằm vào mục tiêu khẳng định địa vị thống trị của tiếng Melayu trong hệ thống giáo dục quốc gia. Những chính sách này về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của người Mã Lai vì nó đồng nghĩa với việc khẳng định ưu thế của họ trước các dân tộc khác. Song, các cộng đồng cư dân người Ấn, đặc biệt người Hoa lại hết sức bất bình vì họ lo sợ rằng ngôn ngữ và các truyền thống văn hóa của họ sẽ bị mai một đi vì mục tiêu “thống nhất quốc gia” của chính phủ. Vấn đề này càng làm cho sự chia rẽ, mất đoàn kết giữa các cộng đồng sắc tộc vốn đã sâu sắc lại càng sâu sắc thêm.
Từ cuối năm 1960, mối quan hệ căng thẳng giữa các tộc người trong nước đã dẫn đến sự bất ổn về chính trị, đặc biệt vấn đề sắc tộc luôn đứng trước nguy cơ khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, cuộc đụng độ sắc tộc giữa người Mã Lai và người Hoa vào ngày 13-5-1969 đã thực sự đẩy Malaixia vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng mà sau này Thủ tướng Tunku Abdul Rahman gọi đây là “ thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử dân tộc”.Cuộc xung đột này đã phản ánh những bất ổn khó tránh khỏi của hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội được vận hành trên cơ cở của sự bất bình đẳng về kinh tế và sự chia rẽ sâu sắc giữa các tộc người trong xã hội. Mặt khác, Islam giáo xét về mặt Tôn giáo, nó không phải là một tôn giáo chính trị, nhưng lại tồn tại trong một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo mà trong đó vai trò chính trị cùng với nền văn hóa của người Mã Lai luôn được đề cao thì sự gắn bó thống nhất giữa chính trị và Islam giáo là điều hiển nhiên. Cuộc khủng hoảng chính trị năm 1969 đã buộc các nhà lãnh đạo đất nước phải xem xét lại những chính sách đối với những vấn đề Dân tộc và tôn giáo .
Bởi vậy, sau cuộc rối loạn sắc tộc năm 1969, chính phủ Malaixia đã đặt vấn đề thống nhất dân tộc lên hàng đầu. Dù xuất thân từ người gốc Hoa, gốc Ấn, hay gốc Mã Lai thì trên lãnh thổ của Liên bang ngày nay tất cả đều hợp thành một dân tộc Malaixia. Trên tinh thần đó, ngày 31-8-1970, chính phủ đã thông qua Hệ tư tưởng dân tộc: RUCUNEGARA (nền tảng quốc gia). Với hệ tư tưởng này, lần đầu tiên ở mức độ chính phủ, các nhà lãnh đạo Malaixia đã đặt ra vấn đề tồn tại và phát triển đất nước với tư cách là một quốc gia nhiều sắc tộc và nhấn mạnh rằng mọi hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội cũng như trong sự nghiệp giáo dục, văn hóa đều phải nhằm vào mục đích đoàn kết dân tộc, thống nhất dân tộc.Hệ tư tưởng được khẳng định để bảo đảm sự hòa hợp các dân tộc thì các lợi ích chung nhất thiết phải được đặt cao hơn bất kỳ nhóm sắc tộc nào và nếu như trong trường hợp ngược lại thì sẽ dẫn đến sự mất ổn định, nguy hiểm đối với đất nước. Muốn vậy, mọi công dân Malaixia phải công nhận năm nguyên tắc của Rukunegara một cách vô điều kiện thì mới có thể tạo dựng những tiền đồ cho sự thống nhất dân tộc. Năm nguyên tắc đó là: Tin vào Đấng tối cao; Trung thành với Quốc vương và đất nước; Tôn trọng Hiến pháp; Pháp quyền; Có hành vi và đạo đức tốt.
Rukunegara như chúng ta thấy, chỉ là một biện pháp mang tính chất hành chính, tức là nó chỉ có thể giải quyết vấn đề sắc tộc từ bên trên cho nên không thể coi đó là một biện pháp mang tính triệt để và toàn diện. Vấn đề là ở chỗ, nguyên nhân sâu xa của các mâu thuẫn và xung đột sắc tộc chính là do sự bất bình đẳng vềkinh tế g iữa các cộng đồng.Do đó, để có thể giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc, thống nhất dân tộc thì nhất thiết phải xây dựng một đường lối phát triển kinh tế hướng tới việc huy động tiềm năng của tất các dân tộc trong nước hay nói cách khác là thực hiện sự phát triển một cách công bằng giữa các cộng đồng sắc tộc. Như vậy, từ chỗ chỉ quan tâm đến quyền lợi của người Mã Lai và thấy quyền lợi của người Mã Lai luôn mâu thuẫn với các cộng đồng cư dân khác, thì nay UMNO đã thừa nhận rằng các quyền lợi mâu thuẫn nhau đó có thể được dàn xếp trong cơ cấu của một xã hội hòa hợp dân tộc. Xuất phát từ nhận thức trên, Kế hoạch triển vọng lần thứ nhất (OPP-I) được đề xuất tiến hành trong hai thập kỷ (1971-1990). Những chiến lược phát triển của OPP- I được thực hiện trong khuôn khổ của Chính sách kinh tế mới (NEP) với nội dung cơ bản là điều chỉnh những mất cân đối trong kinh tế - xã hội để giảm và cuối cùng loại bỏ phân biệt sắc tộc, thực hiện hòa hợp dân tộc và thống nhất dân tộc. NEP tập trung vào các vấn đề như phát triển cộng đồng công thương nghiệp bản địa, phát triển nông nghiệp và nông thôn, khắc phục sự phát triển chênh lệch giữa các vùng lãnh thổ…Và để thực hiện tốt các nhiệm vụ của NEP thì phát triển giáo dục được coi là chiếc chìa khóa đảm bảo tăng trưởng bền vững, là phương tiện để đạt được và duy trì sự hòa hợp dân tộc.
Khi xem xét các chính sách kinh tế - xã hội của NEP, người ta có thể dễ dàng nhận thấy chính phủ Malaixia tiếp tục có những đường lối nâng đỡ cộng đồng người Mã Lai (như các chính sách thủ tiêu nạn đói nghèo, giảm sự mất cân đối giữa ba cộng đồng, ưu tiên đầu tư công cộng vào các khu vực kém phát triển, tập trung vào phát triển nông nghiệp và nông thôn) nhưng lại không ảnh hưởng đến các vấn đề săc tộclà vì tất cả đều hướng tới mục đích công bằng xã hội. Do vậy, kết quả mang lại khác xa so với thời điểm những năm 60. Nếu những năm 60, khi thực hiện chức năng kinh tế, nhà nước chưa tính đến các nhân tố sắc tộc do yêu cầu của việc phục hồi kinh tế nhanh chóng sau độc lập, thì từ những năm 70 trở đi, nhân tố sắc tộc giữ vị trí hàng đầu, chi phối các nhân tố khác trong quá trình phát triển đất nước. Quá trình thực hiện NEP không những đã đem lại sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Malaixia, mà còn giải quyết hữu hiệu những vấn đề căng thẳng trong quan hệ sắc tộc.
Trên cơ sở của sự gia tăng ý thức cộng đồng, ý thức tôn giáo của người Mã Lai Islam giáo thời kỳ này cũng được củng cố và đẩy mạnh. Mặt khác, từ đầu những năm 70 (chính xác là từ sau năm 1969) Chính phủ Mã Lai mà trước hết là UMNO đã có sự điều chỉnh chính sách đối với Islam giáo, tuyên bố sẽ ủng hộ Islam giáo cả trong chính sách đối nội và đối ngoại, nhưng nhất quán quan điểm không biến đất nước Malaixia thành đất nước thần quyền Islam giáo như lời phát biểu của Thủ tướng thứ nhất của Malaixia, Tunku Abdul Rahman (1957-1970): “ Tôi muốn làm sáng tỏ một điều rằng, đất nước này không phải là một quốc gia Islam giáo như nó vẫn thường được hiểu. Tôi chỉ quy định rằng đạo Islam là tôn giáo chính thức của quốc gia”và khi ở cương vị là Chủ tịch Perkim – tổ chức Phúc lợi Islam giáo toàn Malaixia – một trong những tổ chức có nhiều đóng góp cho phong trào Phục hưng Islam giáo ở Malaixia thập kỷ 70-80, ông cũng nói: ” Đất nước chúng ta thực sự là một đất nước thế tục, không phải là một nước Islam giáo như Pakistan và Saudi Arabia, mặc dù tôn giáo chính thức của chúng ta là đạo Islam”.
Lý do dẫn đến sự điều chỉnh chính sách đối với Islam giáo của chính phủ, trước hết là vì Islam giáo từ nhiều đời nay đã là yếu tố không thể tách dời của nền văn hóa Malaixia, nói cách khác, “Islam giáo là một yếu tố mang tính bản sắc của nền văn hóa Malaixia”. Vì vậy, khi hoạch định chính sách dân tộc chính phủ Malaixia không thể không tính đến yếu tố này; thứ hai, ủng hộ Islam giáo là biện pháp giúp UMNO củng cố vị trí của mình trong cộng đồng người Mã Lai chủ yếu theo người Mã Lai Islam giáo trong các cuộc tranh cử với đảng PAS); thứ ba; cuộc cách mạng Islam giáo ở Iran năm 1973 đã tác động mạnh mẽ đến ý thức tôn giáo của cộng đồng người Mã Lai Islam giáo, bởi vậy chính phủ cũng cần phải điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với tình hình mới.
Từ sau cuộc bạo loạn năm 1969, chính sách nâng đỡ của chính phủ đối với tôn giáo này đã vượt ra ngời phạm vi hỗ trợ mang tính hình thức như xây dựng nhà thờ, tổ chức thi đọc kinh Koran, kỷ niệm những ngày lễ và sự kiện quan trọng của Islam giáo mà chú ý đi vào chiều sâu và mang tính pháp chế. Ngay năm 1969, chính phủ đã cho thành lập Hội đồng Quốc gia về những vấn đề Islam giáo. Năm 1971, Trung tâm nghiên cứu Malaixia ra đời với nhiệm vụ về những vấn đề liên quan đến những quyền lợi của người Islam giáo. Năm 1974, Tun Razak (Thủ tướng Malaixia thời kỳ 1971-1980) chính thức tuyên bố thành lập Trung tâm truyền bá đạo Islam. Cũng trong năm đó, Hội đồng Cố vấn giáo dục Islam giáo được thành lập. Từ năm 1978 trở đi, các chương trình phát thanh và truyền hình về Islam giáo được gia tăng thời lượng phát sóng…Về đối ngoại, từ cuối những năm 1960, chính phủ Malaixia đã thiết lập mối quan hệ thân thiết với Islam giáo mà Malaixia luôn coi đó là hậu thuẫn cho sự phát triển của mình. Cụ thể là, năm 1969, Malaixia là một trong những nước khởi xướng “Hội nghị đoàn kết Islam giáo “. Năm 1974, Malaixia chủ trì “Hội nghị Ngoại trưởng Islam giáo” và tại Hội nghị này, Tun Razak đã kêu gọi tất cả các quốc gia Islam giáo hợp tác và phối hợi hành động trong các lĩnh vực hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội …
Trong những năm 70, phong trào Phục hưng Islam giáo (còn gọi là phong trào Dakwah) được sự ủng hộ của nhà nước, hoạt động hết sức sôi nổi với vai trò quan trọng của các tổ chức như Phong trào Thanh niên Islam giáo Malaixia (ABIM), ngôi nhà của Arqam (Darum Arqam) và tổ chức Phúc lợi Islam giáo toàn Malaixia (Perkim) …Hoạt động của các tổ chức này đã vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo của mình và phát triển thành phong trào chính trị có ảnh hưởng lớn đối với đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của Malaixia. Phong trào Dakwan càng lớn thì ý thức Islam giáo càng sâu đậm. Chính phủ vì vậy càng phải nhượng bộ nhiều hơn và phải thể hiện “Islam giáo” của mình trước cộng người Mã Lai nhiều hơn. Do vậy, từ những năm 70, ảnh hưởng và ý nghĩa của Islam giáo trong nền chính trị Malaixia lớn hơn trước nhiều. Điều đó cũng có nghĩa là những mâu thuẫn giữa chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa Islam giáo chưa thực sự chấm dứt sẽ vẫn tiếp tục là mối hiểm họa tiềm tàng gây nên những bất ổn định chính trị của Malaixia. Mặt khác, phong trào Dakwah càng phát triển thì càng khoét sâu thêm vết rạn nứt giữa các cộng đồng Islam giáo và không phải Islam giáo ở Malaixia, chủ yếu là cộng đồng người Mã Lai và người Hoa vì Islam giáo luôn gắn liền với cộng đồng người Mã Lai. Đây tiếp tục là những thách thức đối với chính phủ Malaixia.
Bước sang thập niên 80 của thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mahathir Mahamad (1981-2000), đất nước Malaixia nhờ những biện pháp đúng đắn trong giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo, đã tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong sự phát triển của mình.
Mahathir Mahamad đã trải qua con đường từ nhà dân tộc chủ nghĩa Malaixia cực đoan, người mà trong thời kỳ khủng hoảng của năm 1969 (với tư cách là thành viên của UMNO) đã phê phán sự lãnh đạo đất nước của “người cha của nền độc lập” – Abdun Rahman là không có khả năng đưa ra những biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm những lợi ích của người Mã Lai, trở thành một nhà hoạt động chính trị tự tin và ý thức được sự cần thiết của quan điểm cân bằng trong giải quyết bất kỳ cácvấn đề c hính trị nào trong điều kiện xã hội phân chia thành những nhóm tôn giáo và sắc tộc đối lập nhau.Từ khi còn là thành viên của UMNO và cả sau này, nhất là khi ông đã trở thành Thủ tướng của Malaixia, vấn đề luôn được ông quan tâm và đặt lên hàng đầu là vấn đề dân tộc và tôn giáo. Nhìn vào các tác phẩm của Mahathir như The Malay Dilema (1970) –tạm dịch là Thế tiến thoái lưỡng nan của người Mã Lai, The challenge (1986) – Sự thách thức, The challenge of Tumoil (1998) – Thách thức của sự rối loạn,hay cuốn Globalisation and the New Realities (2002) – Toàn cầu hóa và những hiện thực mới …chúng ta sẽ thấy những quan điểm và tầm nhìn của Mahathir về vấn đề dân tộc và vấn đề Islam giáo của Malaixia cũng như những cố gắng không mệt mỏi của ông nhằm hướng tới sự công bằng xã hội, ôn hòa tôn giáo và thống nhất dân tộc – nền tảng cho sự phát triển bền vững của Malaixia hiện nay.
Về vấn đề dân tộc của Malaixia (một đất nước đa dân tộc lại tồn tại những cách biệt lớn về trình độ phát triển kinh tế), Mahathir cho rằng “ bình đẳng tộc người là điều kiện tiênquyết cho hòa hợp dân tộc và thống nhất quốc gia”. Muốn vậy, theo ông thế hệ công dân mới ở Malaixia phải là thế hệ biết đặt sự trung thành với đất nước cao hơn sự trung thành với cộng đồng dân tộc hay tôn giáo của mình. Và chỉ có duy nhất một khái niệm dân tộc Malaixia ở Malaixia chứ không phải là khái niệm người Malaixia gốc Ấn, gốc Hoa hay gốc Mã Lai mới có thể đưa Malaixia tiến tới một mục tiêu cao nhất là hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước. Ông cũng nhấn mạnh “chúng ta không bao giời quên rằng sự thống nhất quốc gia là tài sản lớn nhất của chúng ta. Sự thống nhất quốc gia trong một đất nước đa dân tộc và đa tôn giáo chỉ có thể được duy trì trên sự hiểu biết sâu sắc, lòng khoan dung và sự kính trọng lẫn nhau trong một tập thể đa dạng. Chúng ta đã chứng kiến nhiều xã hội đa sắc tộc thất bại trước vấn đề của mình bởi vì quyền lợi của dân tộc được đặt trên quyền lợi của quốc gia. Do đó nếu chúng ta không thận trọng, chúng ta sẽ thất bại và sẽ bị hủy hoại”.
Từ đó, Mahathir Mohamad cũng nhận thức được rằng sự phát triển kinh tế thực sự vững mạnh sẽ là giải pháp tốt nhất giúp ông giải quyết vấn đề này. Đây cũng là chiến lược duy trì sự ổn định của các nước Đông Nam Á nói chung – chiến lược phát huy đà tăng trưởng kinh tế. Chiến lược này tỏ ra đặc biệt phù hợp với Malaixia vì “…ổn định sắc tộc tùy thuộc vào chiến lược kinh tế có tác dụng khuyến khích các hy vọng về đời sống ngày càng cao hơn, …nếu kinh tế sa sút hay thậm chí suy giảm thì căng thẳng về sắc tộc sẽ tăng “bởi” chừng nào tất cả các bộ phận của xã hội đều thấy rằng mức sống của họ đang được nâng lên và tin tưởng rằng mức sống sẽ tiếp tục được cải thiện thì họ sẽ quan tâm đến ổn định chính trị”.
Trên cơ sở đó, sau khi NEP kết thúc vào năm 1990, chính phủ Mahathir đã xây dựng và triển khai chiến lược phát triển mới gọi là Kế hoạch triển vọng lần thứ hai (OPP II), thực hiện trong giai đoạn 1991 – 2000. Cũng như NEP là trọng tâm của OPP – I thì NDP – chính sách phát triển Quốc gia – được coi là trọng tâm của OPP – II. Mục tiêu của tổng thể của OPP – II và NDP là đạt được sự phát triển cân đối dựa trên nền móng mà OPP – I và NEP đã xây dựng nhằm tạo lập một xã hội Malaixia thống nhất và công bằng hơn. Có thể thấy, nếu OPP đặc biệt nhấn mạnh đến một nền kinh tế tăng trưởng nhanh để trên cơ sở của sự tăng trưởng sẽ tạo cho mọi người dân Malaixia hưởng thành quả của sự phát triển, thì OPP – II lại đặc biệt nhấn mạnh đến một nền kinh tế phát triển cân đối vì trên nền tảng của những thành tựu mà OPP – I đã đạt được, sự phát triển cân đối của nền kinh tế thời kỳ này sẽ là điều kiện thiết yếu để bảo đảm tăng trưởng ổn định, giảm tới mức tối đa những xung đột sắc tộc và thúc đẩy đoàn kết dân tộc. Như vậy, thống nhất dân tộc vẫn tiếp tục là mục tiêu tối hậu trong phát triểnkinh tế - xã hội của Malaixia trong Kế hoạch triển vọng lần thứ hai giai đoạn 1991-2000bởi vì một xã hội thống nhất là nền tảng cho việc thúc đẩy ổn định chính trị và xã hội phát triển bền vững. “Các sách lược phát triển của NDP quan tâm đến những đa dạng trong sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo cũng như khu vực sinh sống của người dân Malaixia, từ đó có thể dần tạo lập một xã hội hài hòa, bao dung và năng động”.
Và trong “Tầm nhìn 2020”, Thủ tướng Mahathir Mohamad cũng đưa ra mục tiêu xây dựng một quốc gia – dân tộc Malaixia (Bangsa Malaixia) thống nhất trên cơ sở Hiến pháp và Nền tảng quốc gia Rukunegara không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, đảng phái và giai tầng xã hội, phấn đấu đưa Malaixia trở thành một quốc gia phát triển hiện đại vào năm 2020.
Với vấn đề tôn giáo – Islam giáo: từ thực tiễn lịch sử và tình hình hiện tại của đất nước, Mahathir luôn ý thức được sự phức tạp và tính nhạy cảm của vấn đề này, bởi vậy, ông luôn đặt vấn đề ở đúng tầm quan trọng của nó. Theo Mahathir, Islam giáo chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt sâu sắc giữa những người Mã Lai Islam giáo với những người không phải Mã Lai Islam giáo. Nói cách khá Islam giáo luôn là nhân tố thúc đẩy thêm mâu thuẫn giữa các cộng đồng dân tộc. Do đó, ông bày tỏ quan điểm ủng hộ Islam giáo và xem Islam giáo như là cơ sở để thống nhất cộng đồng người Mã Lai nói riêng và Malaixia nói chung. Mahathir trong suốt 20 năm lãnh đạo đất nước luôn tán thành việc thống nhất các tín đồ Islam giáo. “Thống nhất là từ thường xuyên xuất hiện trong tất cả các bài diễn văn liên quan đến vấn đề Islam giáo của Mahathir như một mối trăn trở của ông về vấn đề này. Vì thế, thời kỳ này, Islam giáo được đề cao trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, văn hóa và xã hội Malaixia. Ông cho rằng, Islam giáo là cơ sở của nền văn hoá Mã Lai vì vậy nó phải là cơ sở của nền văn hoá quốcgia Malaixia. Nhưng để cho văn hoá của họ thực sự trở thành nền tảng của nền văn hoá quốc gia thì cộng đồng người Mã Lai Islam giáo cần phải được tăng cường hơn nữa về tiềm lực kinh tế, cần phải kiến tạo một sức mạnh mới cho cộng đồng Islam giáo để khái niệm Islam giáo không bị đồng nghĩa với nghèo đói và lạc hậu như nó đã từng được hiểu trước đây (trong tình hình thực tế của đất nước). Một mặt, ông chỉ ra rằng người Islam giáo ngày nay cần phải chủ động học tập, phải tự trau dồi kiến thức về khoa học và kỹ thuật, yếu tố có tính quyết định cho việc thay đổi cuộc sống của họ. Mặt khác, ở cấp độ nhà nước, từ NEP đến NDP đều tập trung vào việc khuyến khích sự phát triển kinh tế Islam giáo, gây dựng cho người Islam giáo một hậu thuẫn vững mạnh. Nhất là khi bước sang thập niên 1990,văn hoá nói riêng và Islam giáo nói chung chịu sự tác động sâu sắc bởi sự gia tăng của xu thế toàn cầu hoá và cạnh tranh quốc tế. Bởi vậy vấn đề đặt ra là các chính sách của chính phủ và bản thân Islam giáo phải có sự điều chỉnh và tự điều chỉnh để thích nghi và phát triển hài hoà trong môi trường mới đầy biến động này. Chính sách "Thế tục hoá Islam giáo" vàchính sách tăng cường chức năng kinh tế cho tôn giáo này được Mahathir Mohamad giải thích rằng "thế tục hoá hay hiện đại hoá không phải là phương Tâyhoá" để chống lại sự kết án của PAS về tính chất thế tục hoá Islam giáo của chính phủ và rằng chính phủ mới không thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Islam giáo mà chỉ muốn biến Islam giáo thành công cụ chính trị để thu hút cử tri... Bên cạnh đó, để tăng thêm sức mạnh cho mình, UMNO đã tự tuyên bố mình là đảng Islam giáo lớn nhất và lâu đời nhất của đất nước và là đảng Islam giáo lớn thứ ba trên thế giới. Trên thực tế, xét về toàn diện, các chính sách của chính phủ Mahathir Mohamad đối với Islam giáo (như thành lập Ngân hàng Islam giáo Malaixia, trường Đại học Islam giáo quốc tế, Hội đồng Dakwah Islam giáo khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương - RISFAP và việc tổ chức nhiều hội nghị quốc tế bàn về các vấn đề Islam giáo và công nghệ, hợp tác các nước Islam giáo, phụ nữ Islam giáo trong phát triển..., trong chính sách đối ngoại của chính phủ cũng thể hiện rõ xu hướng nghiêng về thế giới Islam giáo, cụ thể là ngày càng tăng cường các quan hệ kinh tế, chính trị với các quốc gia Islam giáo đặc biệt là các nước A rập...) đều nhằm chứng minh mình là đảng thực hiện chân chính duy nhất lợi ích của Islam giáo (trong sự cạnh tranh với đảng PAS). Các chính sách đối nội và đối ngoại thiên về Islam giáo như trên của chính phủ càng nâng cao vai trò và địa vị của Islam giáo. Có thể nói, từ khi Mahathir Mohamad trời thành Thủ tướng chính phủ, không năm nào lại không có các chính sách ủng hộ Islam giáo một cách cụ thể. Điều này khẳng định quan điểm rõ ràng của Mahathir về vấn đề Islam giáo và người theo Islam giáo. Tầm nhìn 2020 cũng đặt ra cho Islam giáo những mục tiêu cần phải được theo đuổi nhằm đưa xã hội Malaixia tiến lên hiện đại và quan trọng là không có sự xung đột nào giữa các giá trị Islam giáo với sự thịnh vượng về kinh tế.
Tóm lại, chính những nhận thức và những hành động sáng suốt của Mahathir Mohamad trong giải quyết vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo - lslam giáo đã giúp cho tình hình đất nước Malaixia trở nên ổn định hơn so với các thời kỳ trước và so với nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới./.