Về một số kiểu nói lịch sự trong tiếng Việt
Với cách tiếp cận này, hàng loạt vấn đề trước đây vẫn được xem là nằm ở vùng ngoại vi của ngôn ngữ học lại thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu. Một trong những vấn đề được nhắc đến là lịch sử ngôn ngữ. Thực tế giao tiếp cho thấy, một số dấu hiệu như nụ cười niềm nở, cái bắt tay hân hoan, hành động cúi đầu chào trân trọng là những biểu hiện lịch sự. Nhìn chung, trên cứ liệu tiếng Việt, các nhà nghiên cứu đã vận dụng lí thuyết ngữ dụng học phương Tây để khảo sát các phổ niệm ngôn ngữ học, còn việc đi tìm những đặc điểm riêng, có thể nói được rằng, thành tựu mới chỉ ở giai đoạn đầu.
Bài này khảo sát một số kiểu nói lịch sự rất đặc biệt trong tiếng Việt.
2.Liên quan đến vấn đề đang bàn, có một số từ ngữ sau:
a. (xin) mạo muội, (xin) mạn phép, (xin) được phép
b. hân hạnh, trân trọng.
c. trộm nghĩ, trộm nghe, trộm phép, trộm vía.
d. thiển kiến, thiển nghĩ, thiển ý, ngu ý, thiết nghĩ, thiết tưởng
đ. tệ xá, bữa cơm dưa muối, cơm rau, bữa cơm đạm bạc, chén rượu nhạt, ngồi tạm, ăn tạm, xài đỡ (nói kiểu Nam Bộ)
e. bần đạo, bần sĩ, bần tăng, quả nhân
g. nhã ý, tôn ý, tôn huynh, tôn ông, tôn sư, tôn tánh, tôn xưng, quý huynh, quý quyến, quý danh, quý ngài, quý cơ quan, quý bộ.
2.1. Thuộc nhóm (a), hoặc đó là các hành động xin phép ( mạn phép, được phép) hoặc là lời rào đón, trước khi thực hiện một hành động nào đó như khai mạc, công bố, phát biểu, nêu suy nghĩ, bày tỏ ý kiến riêng… ( mạo muội). Đặc điểm giống nhau của nhóm này: (i) tình huống giao tiếp không bắt buộc phải sử dụng các nghi thức này; (ii) việc bộc lộ các nghi thức (xin phép, rào đón) là hoàn toàn tự nguyện; (iii) thể hiện sự nhún nhường của người nói và (iv) luôn gắn liền với ngôi thứ nhất, tức chủ thể của hành động phát ngôn.
Hãy quan sát các ví dụ:
(1) - Buổi lễ xin được phépbắt đầu.
(2) - Vòng thi thứ hai đã kết thúc, xin mạn phépđược công bố số điểm của các thí sinh.
(Chương trình Chuyện nhỏHTV 7)
(3) - “Khoe hàng quá” - người viết xin mạn phépxào lại câu này của giới trẻ hiện nay để nói thực về cách ăn mặc của một số “sao”…
(Hoa Trần - 1001 chuyện mặc- T/c Truyền hình VTV số 59, tháng 8/2005)
(4) - Thưa các anh chị, mặc dù không được dự từ đầu buổi họp và là người nhỏ nhất tổ, song qua phần trình bày vừa rồi của anh tổ trưởng, em xin mạo muộicó mấy ý kiến như sau…
(1), (2) và (3) thường gắn liền với các nghi thức giao tiếp trang trọng, và tuy không đề cập một cách tường minh nhưng ai cũng biết chủ thể phát ngôn ở đây là ai và cương vị giao tiếp, vị thế xã hội của họ như thế nào, còn (4) như đã nói, đây là ngữ đoạn chêm xen có ý nghĩa như lời rào đón.
2.2. Các từ ngữ nhóm (b) cũng có sắc thái nghĩa trang trọng. Sự xuất hiện của chúng làm cho phát ngôn có phần kiểu cách. Tuy nhiên, trong những môi trường giao tiếp chính thức, các từ ngữ này ít nhiều mang tính xã giao, nhất là khi mối quan hệ giữa người nói và người nghe nằm trong cái ngưỡng của sự thăm dò. Và ở đây, chúng là “tài sản chung” cho tất cả các vai giao tiếp. Nói rõ hơn, dù bất cứ môi trường giao tiếp này, sự xuất hiện của chúng chỉ có thể có ý nghĩa dương tính.
Ví dụ:
(5) - Tôi trân trọngmời em dự chuyến tàu tình ái… (Thơ Nguyên Sa).
(6) - Nó trân trọnggiới thiệu khách hàng cho chúng tôi.
(7) - Chúng tôi hân hạnhđược biết cô là con ngài, nhưng chưa được cái vinh dự biết tên cô.
(Lê Văn Trương - Trường đời)
(8) - Yên vừa ngả người cúi xuống vừa đưa tay kéo ghế:
- Hân hạnhđược mời cô.
- Cảm ơn anh Ba.
(Nguyễn Quang Sáng - 25 truyện ngắn)
(9) - Rất hân hạnhđược biết ông!
(10) - Nó nói rằng rất hân hạnh đượclàm chiếc cầu nối giữa chúng ta.
Rõ ràng, dù các phát ngôn trên là hành động tại lời hay tạo lời gắn với ngôi thứ nhất, thứ hai hay thứ ba; số nhiều hay số ít, sự có mặt của trân trọng, hân hạnhđều có tác dụng làm cho tính chất “quý phái” của cách diễn đạt được gia tăng.
2.3. Xét thuần tuý về cấu tạo, nhóm (c) đều bắt đầu bằng thành tố trộmvà cách định danh này có phần hơi cổ. Nhóm này có cùng chung đặc điểm (iv) ở (2.1), tức chúng chỉ được sử dụng trong trường hợp gắn liền với ngôi thứ nhất, chủ thể phát ngôn và tự xưng.
Ví dụ:
(11) - Con xin lỗi ông, con đã trộm phépông xem trước.
(12) - Xin anh bỏ qua cho, chúng tôi đã trộm víaanh bàn qua việc đó.
Trong các ví dụ trên, việc sử dụng các từ trộm phép, trộm víaít nhiều giúp chủ thể phát ngôn bày tỏ kính nể, khiêm nhường của mình trong lời xin lỗi, góp phần làm cho những lời xin lỗi này trở nên lịch sự hơn.
Thực tế giao tiếp cho thấy, các từ ngữ trong nhóm đang khảo sát không xuất hiện khi nói với các ngôi khác ngôi thứ nhất. Quả nhiên, các phát ngôn sau đây là rất khó chấp nhận:
(13) - Nó trộm nghĩ, chắc là câu chuyện không liên quan đến nó. (-)
(14) - Thằng Ba đã trộm nghechuyện vừa rồi, nay nó xin mạn phépđược trao đổi thêm với các bác. (-)
Đó là nhìn một cách khái quát, còn đi vào từng ngữ cảnh cụ thể giữa chúng có thể có một số khác biệt.
2.4. Nhóm (d) với các từ ngữ thiển kiến, thiển nghĩ, thiển ý, ngu ý, thiết nghĩ, thiết tưởng, theo quan sát của chúng tôi, chúng cũng chỉ được dùng gắn liền với ngôi thứ nhất, tức cùng đặc điểm (iv) ở (2.1).
Ví dụ:
(15) - “Theo thiển ý, thời đại mới đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự bộc lộ rõ để đóng góp vào cái chung. Nhưng tự bộc lộ ngôn từ đến mức nào là đúng mức, là phải?” ( Ngôn ngữ & Đời sống, số 4/2004)
(16) - Xin các đồng chí chú ý, thiển ý của tôi là muốn đem vấn đề này bàn bạc thật kĩ trong đơn vị.
Trong ví dụ (15) mặc dù chủ thể phát ngôn không xuất hiện nhưng ai cũng biết thiển ýở đây là của chính người phát ngôn - ngôi thứ nhất. Mục đích của việc lược bỏ này là tác giả muốn giảm bớt tính chủ quan trong nhận định của mình. Còn trong ví dụ (16), thiển ýxuất hiện trong cụm danh ngữ, ít nhiều bộc lộ tính khiêm nhường của chủ thể phát ngôn.
Tương tự như ở nhóm (c), các phát ngôn sau dây không thấy xuất hiện trong thực tế giao tiếp:
(17) - Anh thiết nghĩnhư vậy mà được à? (-)
(18) - Họ thiết tưởng, công việc này cũng không đụng chạm đến ai. (-)
(19) - Theo ngu ýcủa họ, vấn đề này là có thể chấp nhận được. (-)
Cần thấy, các từ thiển nghĩ, thiết nghĩ, thiết tưởng, v.v… có thể xuất hiện trong lời nói dưới 2 dạng: i) có kèm theo đại từ ngôi thứ nhất; ii) không xuất hiện đại từ, nhưng ai cũng mặc nhiên thừa nhận đây là chủ thể phát ngôn. Và như vậy, có thể nói, trường hợp (i) là trùng ngôn (tautology).
Xét về mặt ngữ nghĩa ngữ dụng, sự xuất hiện của các từ ngữ trong nhóm này làm cho câu nói, lời nhận định bớt đi tính chất chủ quan, mặt khác còn thể hiện được tính chất khiêm tốn của chủ thể phát ngôn. Theo quan sát của chúng tôi, nhóm từ này xuất hiện với tần xuất rất lớn trong lời phát biểu cá nhân hoặc trong các cuộc tranh luận mà ở đó chủ thể giao tiếp cần bộc lộ chính kiến của mình.
2.5. Cùng nằm trong chủ định khiêm nhường, lịch sự như đã phân tích ở trên, chúng ta còn có một số tổ hợp thường được dùng trong lời mời thuộc nhóm (đ) như tệ xá, bữa cơm rau, bữa cơm dưa muối, bữa cơm đạm bạc, chén rượu nhạt, ngồi tạm, ăn tạm, xài đỡ,v.v…
Ví dụ:
(20) Ông trung tá giám đốc trại giam ân cần nắm tay luật sư mời ngồi vào bàn tiệc:
- Mời đồng chí xơi cơm dưa muốivới anh em chúng tôi đã. ( Báo văn nghệ, 17/3/90)
(21) - Hay là nhân tiện chẳng mấy khi ngài về, mời ngài rời gót ngọc lại tệ xá chơi xơi chén rượu nhạt mừng cho ông tôi thì chúng tôi lấy làm hân hạnh quá. (Vũ Trọng Phụng - Cuộc vui ít có)
Trong các ví dụ trên, các yếu tố giảm thiểu cơm dưa muối, chén rượu nhạt, tệ xáđược người mời sử dụng như một chiến lược làm ra vẻ tự giảm thiệt hại cho mình, nhằm tạo thuận lợi giúp cho người được mời không e ngại khi nhận lời mời.
Một tình huống khác:
(22) Chủ nhà: - Hôm nay mời anh ở lại đây xơi cơmvới gia đình.
Khách: - Cơm nước gì, chị cứ bày vẽ.
Chủ nhà: - Cơm rauấy mà.
Ở đây, lời mời của chủ nhà là thật lòng. Song, thoạt tiên khách vẫn khước từ vì sợ gây phiền cho gia chủ. Vì vậy, không để cho khách có cơ hội từ chối và để cho khách nhận lời mời mà không thấy áy náy rằng mình đang làm phiền chủ nhà, chủ nhà đã tăng tính thuyết phục cho lời mời của mình bằng cách chỉ ra rằng mình chẳng có thiệt thòi gì cả ( cơm rau). Bằng cách nói khiêm nhường ấy, rõ ràng, mức lịch sự của lời mời cũng được gia tăng.
Cũng như nhóm (d) vừa khảo sát bên trên, nhóm từ ngữ dùng trong lời mời với ý khiêm nhường này cũng chỉ có thể xuất hiện trong lời mời của chính chủ thể phát ngôn. Các phát ngôn sau đây cũng không tồn tại trong thực tế sử dụng ngôn ngữ. Chẳng hạn:
(23) Một bà mẹ nói thay con:
- Cháu nó mời cụ hôm nào quá bộ đến thăm tệ xá của vợ chồng nó. (-)
(24) - Họ có ý mời ông ở lại dùng chén rượu nhạt. (-)
Trong các từ ngữ thuộc nhóm đang xét, đáng chú ý nhất là ngữ nghĩa của tệ xá. Thật ra không chỉ là lời mời, khi tự đánh giá những cái thuộc về sở hữu của mình, với kết cấu tệ + x như tệ huynh, tệ muội.. tệ quốc, tệ ấp, tệ gia…tất thảy chúng đều có sắc thái nghĩa khiêm nhường.
2.6. Các từ ngữ ở nhóm (e) bần đạo, bần sĩ, bần tăng, quả nhâncó phần hơi cổ, cũng có chung đặc điểm (iv) với nhóm (a), luôn gắn liền với ngôi thứ nhất. Đây là các danh từ được đại từ hoá chỉ dùng duy nhất trong trường hợp chủ thể phát ngôn tự xưng một cách khiêm tốn. Ví dụ:
(25) - Bần đạoxin kính chào quý khách. (Dương Hà - Bên dòng sông Trẹm)
(26) - Mời thí chủ vào dùng với bần tăngchén trà.
Thực tế giao tiếp không tồn tại phát ngôn dạng dưới đây:
(27) - Xin kính chào bần đạo. (-)
(28) - Con vẫn thường lui tới cửa Phật nhưng đã lâu hôm nay mới được gặp bần tăng. (-)
Riêng quả nhânthì có hơi đặt biệt. Tuy trẫmvà quả nhânđều là những từ ngữ mà vua thường dùng để tự xưng, nhưng giữa chúng có sự khác biệt về sắc thái nghĩa. Đó là khi dùng quả nhân thì hàm nghĩa khiêm tốn còn trẫm thì hình như không có sắc thái nghĩa này.
Từ (2.1), (2.2), (2.3), (2.4), (2.5), (2.6), có thể nói, tất thảy các trường hợp đều ít nhiều có liên quan đến ngôi thứ nhất và chức năng tự xưng, trong đó có nhiều trường hợp là trùng ngôn, và đều liên quan đến cách ứng xử khiêm tốn của người Việt.
2.7. Cuối cùng ta xét trường hợp (g), nếu như thiển ý, ngu ý, tệ huynhchỉ dùng với ngôi thứ nhất hoặc liên quan đến ngôi thứ nhất thì nhã ý, tôn ý, quý huynh…lại không như thế. Hãy quan sát:
(29) - Ngày mai tôi có nhã ýmời anh tới chơi. (-)
Đây là một lời mời nghe rất lạ tai. Trong khi đó, phát ngôn dưới đây lại được xem là hết sức bình thường, quen thuộc trong giao tiếp của người Việt Nam :
(30) - Họ có nhã ý mời chúng ta đi ăn tiệc. (+)
(31) - Xin cảm ơn ông bà đã có nhã ýđến thăm và an ủi gia đình. (+)
Trong những bối cảnh giao tiếp trang trọng, việc dùng tôn ý giúp cho người phát ngôn đề cao thể diện và vai trò của người đối thoại, như vậy cũng đạt được lịch sự dương tính. Ví dụ:
(32) Trong cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm 1945, phóng viên tạp chí Duy Tân phỏng vấn Người:
- … Tuyên ngôn thời kỳ “ôn cố” đã qua, nay đến lúc phải theo mục đích “Tri tân” để phụng sự tổ quốc, vậy theo tôn ý, một cơ quan văn hoá trong lúc này có thể xu hướng hẳn về chính trị không? ( Nửa giờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh- T/c Tia sáng số 5/2005)
Nói như lí luận của phương Tây, từ (2.1) đến (2.6) đều đề cập đến mình (self) hay liên quan đến mình, còn (2.7) lại dùng để tôn vinh người khác (other). Nói rõ hơn , nhã ý, tôn ý… quý huynh, quý đệ, quý danh, quý ngài, quý cơ quan, quý bộ, quý quyến, quý quốc, quý hữu, quý thể, quý khách… tôn ông, tôn huynh, tôn sư, tôn tánh, tôn xưng…đều dùng để hô gọi người khác hoặc những cái thuộc về người khác với sắc thái ý nghĩa là đề cao, kính trọng.
3.Có thể một vài phân tích bên trên chưa bao quát hết ngữ cảnh biểu đạt và chưa đạt được độ thuyết phục cao. Tuy nhiên, tất thảy đều liên quan đến phương châm giao tiếp xưng khiêm, hô tôn của người Việt. Tại đây, từ trong bản chất, có những đặc điểm rất giống với cách ứng xử ngôn ngữ của người phương tây, nhưng quả nhiên là không hoàn toàn đồng nhất. Nếu tiếp tục mở rộng phạm vi quan sát về cách nói vòng, cách dùng nhã ngữ, cách xưng hô, cách thể hiện tôn trọng và tự trọng, cách thăm dò, cách rào đón, chắc chắn chúng ta sẽ thu hoạch được nhiều bài học bổ ích, lí thú trong cách sử dụng lời ăn tiếng nói của người Việt.
__________
Tài liệu tham khảo
1. Đại nam quốc âm tự vi– (Huình - Tịnh Paulus Của), 1895, 1896.
2. Việt – Nam từ - điển(Hội khai trí Tiến Đức), 1931.
3. Từ điển tiếng Việt(Hoàng Phê chủ biên), 1997.
4. Tự vị miền Nam (Vương Hồng Sển), 1999.
Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 11 (121), 2005, tr 1 - 4