Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 10/10/2005 14:12 (GMT+7)

Ung thư mi mắt

Cũng như nhiều bệnh ung thư khác, nguyên nhân gây ung thư mi chưa được xác định rõ, nhưng qua nhiều nghiên cứu người ta thấy rằng: Các yếu tố nguy cơ gây ung thư da nói chung và ung thư mi nói riêng có thể kể đến là tia tử ngoại (tia cực tím) có trong ánh nắng mặt trời, một số hóa chất như các chất chiết xuất từ dầu mỏ, nhựa đường, xăng, các muối arsenic…


Có nhiều loại ung thư mi khác nhau vì có nguồn gốc mô học khác nhau nên có triệu chứng và độ ác tính khác nhau, do đó tiên lượng và phương pháp điều trị cũng khác nhau. Hai loại ung thư mi hay gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tuyến bã.


Triệu chứng và chẩn đoán


Triệu chứng của ung thư mi còn phụ thuộc vào loại ung thư mi, tuy nhiên các triệu chứng của bệnh có thể là:


Một vết loét ở da mi, bờ xung quanh nổi gồ đen, lâu lành mặc dù đã được điều trị, có thể tạm khỏi rồi lại tái phát, thường nghĩ đến ung thư biểu mô tế bào đáy.


Xuất hiện cục ở da mi, có thể có loét hay không có loét da mi, sắc tố hoặc màu trắng nhợt, có giãn mạch…


Một mảng da mi cứng như “tờ bìa”, ranh giới với vùng xung quanh không rõ.


Khi một nốt ruồi thay đổi tính chất như: To nhanh, ngứa, thay đổi màu sắc hoặc loét rỉ máu thì phải nghĩ đến u hắc tố ác tính.


Đôi khi, bệnh biểu hiện như một “chắp” tồn tại dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần hoặc một lần hoặc một cục làm loét kết mạc mi (mặt trong của mi). Trường hợp này cần nghĩ đến một ung thư biểu mô tuyến bã.


Các trường hợp u lymphô ác tính ở mi mắt thường làm cho mi dày lên mà không gây loét da mi cũng như không gây loét kết mạc mi.


Để chẩn đoán xác định bệnh ung thư mi, cần làm sinh thiết cắt một mẩu nhỏ mô vùng tổn thương và làm xét nghiệm giải phẫu bệnh. Xét nghiệm giải phẫu bệnh không những có thể chẩn đoán xác định tổn thương đó có phải là ung không mà còn xác định được loại ung thư để từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Riêng đối với các trường hợp nghi ngờ u hắc tố ác tính, vì tính chất dễ di căn của bệnh, để có chẩn đoán xác định thì tốt nhất là phẫu thuật lấy bỏ rộng tổn thương với mục đích chẩn đoán và điều trị luôn.


Điều trị


Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp quan trọng và hiệu quả nhất trong điều trị ung thư mi. Đối với một số trường hợp ung thư mi như ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vẩy, khi được phát hiện sớm có thể được chữa khỏi bằng phương pháp phẫu thuật cắt hết toàn bộ khối ung thư.


Hóa chất: Dùng để điều trị u lymphô ác tính hoặc phối hợp với phẫu thuật để điều trị các loại ung thư mi khác như ung thư biểu mô tuyến bã, u hắc tố ác tính và ung thư biểu mô tế bào vẩy khi u lan rộng hoặc di căn.


Xạ trị: Điều trị bằng tia đối với các ung thư mi cũng có một số hạn chế như khó che chắn để bảo vệ nhãn cầu hoặc có loại ung thư mi không nhạy cảm với tia như ung thư biểu mô tế bào vẩy.


Lạnh đông: Phương pháp này ít được sử dụng do tỷ lệ tái phát cao và có thể ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ như gây mất sắc tố da, teo mô, nếu có thể chỉ dùng cho loại ung thư biểu mô tế bào đáy.


Phòng bệnh


Cơ bản nhất là tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, đặc biệt trong khoảng thời gian 10-14 giờ là thời gian có nhiều tia tử ngoại nhất. Khi phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì cần che tránh nắng như đội mũ rộng vành, đeo kính râm, khăn che mặt…


Trong điều kiện làm việc phải tiếp xúc với hóa chất thì phải có quần áo bảo hộ lao động, kính bảo hộ, găng tay…


Khi có triệu chứng như: Có u cục bất thường ở mi mắt, vết loét da mi lâu lành, nốt ruồi tự nhiên to nhanh và đổi màu, “chắp” dai dẳng ở người lớn tuổi… thì cần đến ngay cơ sở y tế chuyên về mắt hoặc u bướu để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.


Nguồn: tuoitre.com.vn   4/10/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.