Ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị di chuyển trong các tòa nhà
Em Lê Quang Trí - học sinh lớp 11A7, Trường THPT Long Khánh, TX. Long Khánh đã sáng tạo “Ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị di chuyển trong các tòa nhà” và đã dành giải Nhì trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia.
Học sinh Lê Quang Trí (bên trái) (ảnh st)
Cậu học sinh nhớ lại kỷ niệm khi đến với con đường sáng tạo khoa học bằng sự cởi mở vô tư. Trong tâm thức của Trí, ngay từ nhỏ em đã đam mê sáng tạo.
Năm học lớp 3, thay vì sử dụng máy vi tính vào việc lên mạng vô bổ thì Trí đã biết tìm hiểu các sáng chế của nhiều nhà khoa học. Trong đầu Trí đặt những câu hỏi xoay quanh các sáng chế là, làm sao để các thiết bị có thể vận hành.
Trí bắt đầu với các loại thiết bị một cách khái quát xen lẫn mơ hồ. Những năm lớp 4 và lớp 5, Trí mạnh dạn tham dự các cuộc thi, nộp đề tài sáng tạo các ý tưởng của mình từ tranh vẽ. Thế nhưng, các cuộc thi này vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh và em chưa thể đoạt giải.
Năm học lớp 6, Trí bắt đầu đam mê lĩnh vực công nghệ thông tin. Năm học lớp 8, Trí đã thực hiện sản phẩm đầu tay “Hệ thống tự động tắt điện trong lớp học”. Ý tưởng của em là khi mở cửa ra, đèn trong phòng học sẽ tự động bật sáng lên; sau khi học xong, mọi người ra khỏi phòng và đóng cửa lại thì đèn cũng tự động tắt. Trí đã đưa sản phẩm tham gia cuộc thi Sáng tạo KHKT cấp tỉnh nhưng không đoạt giải, vì ý tưởng còn khá thô sơ.
Đến năm lớp 8, Trí đã nghe giới thiệu về cuộc thi do Thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) tổ chức. Cuộc thi này, Trí đã trình bày đề tài “Hệ thống tắt điện khi đóng cửa”. Đề tài của cậu học sinh rất đơn giản nhưng đã đoạt giải Nhì cấp Thị xã.
Trí tiếp tục mang đề tài đi dự thi cấp tỉnh nhưng rớt ngay do mới tham gia cuộc thi nên chưa có kinh nghiệm. Ở vòng 1, Trí nộp bài báo cáo qua mạng trực tuyến không thành công nên bị đánh rớt.
Sự nỗ lực phấn đấu của Trí cuối cùng cũng được đền đáp, những năm sau đó, các sản phẩm của em luôn đoạt giải cao. Cụ thể, năm học lớp 9, em thực hiện dự án “Hệ thống cảnh báo xe ở góc khuất” (nhằm đảm bảo an toàn giao thông tại các giao lộ) và đoạt giải ba cuộc thi Sáng tạo KHKT cấp tỉnh. Năm học lớp 10, em thực hiện dự án “Thiết bị bảo vệ tai khỏi tiếng ồn có tạo áp suất cao” (tức là khi có tiếng ồn lớn thì thiết bị có chức năng tự động ngắt âm thanh bên ngoài) và đoạt giải ba cấp tỉnh.
Năm lớp 11, Trí lại đến với đề tài “Ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị định hướng di chuyển trong các tòa nhà”. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, Trí nghĩ đến người khiếm khuyết, người khuyết tật.
Những dự án trước đây, Trí nghiên cứu phục vụ cho người bình thường thì dự án năm nay, Trí muốn có sự khác biệt.
Trong buổi sáng mùa hè đi ăn với gia đình, cậu học sinh thấy người đàn ông khiếm thị được hỗ trợ bởi thiết bị điện tử có thể nhận biết được các vật cản, biết được đồ vật nhưng chưa xác định được hướng đi.
Một câu hỏi trong đầu lóe lên và Trí tập trung vào dự án để nghiên cứu “Định hướng cho người khuyết tật”.
Bắt đầu từ ý tưởng đến khi thực hiện dự án là cả một quá trình. Trí lên mạng tìm hiểu, xem thử người khuyết tật định hướng.
Trí đưa ra ví dụ, người khuyết tật dùng con chó để dẫn đường, dùng gậy để dò đường và chỉ dành cho con đường quen thuộc. Vấn đề cần giải quyết là, đến những nơi mới, nơi lần đầu tiên đến, không quen nhưng vẫn hình dung được hướng đi.
Trí nghĩ đến việc tiết kiệm chi phí, đơn giản, không cầu kỳ đối với các tòa nhà và đặc biệt đề tài phải hướng đến người Việt Nam đang cần được giúp đỡ.
Sau khi trình bày ý tưởng lên nhà trường và được các thầy cô góp ý, đến đầu tháng 10-2018, Trí bắt đầu thực hiện dự án. Để thực hiện dự án, ngoài tìm hiểu các trang mạng ở Việt Nam, em còn nghiên cứu các thư viện bằng tiếng Anh của nước ngoài. “Có những chức năng làm sai nên em phải sửa đi sửa lại nhiều lần và mất nhiều thời gian. Thậm chí khi làm xong, em đem ra thử nghiệm thì không đạt, phải làm đi làm lại… Tuy nhiên, em không nản mà tự động viên mình phải cố gắng hơn nữa. Bên cạnh đó, em còn được bạn bè thầy cô động viên và hỗ trợ hết mình. Hơn nữa, em đang làm dự án cho người khiếm thị nên mỗi khi nghĩ đến họ là thôi thúc mình phải quyết tâm làm bằng được. Nhờ vậy, cuối cùng dự án cũng hoàn thành”, Trí chia sẻ.
Chia sẻ thêm về “Ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị di chuyển trong các toà nhà”, Trí cho biết, hiện nay, một số nơi trong và ngoài nước có các giải pháp đang được thử nghiệm để giúp người khiếm thị định hướng đi lại trong các tòa nhà. Tuy có nhiều giải pháp nhưng lại không được áp dụng, một trong những nguyên nhân được tìm ra là “do chi phí thiết kế cho các giải pháp đó còn khá cao nên những nơi công cộng, các tòa nhà ngại áp dụng”. Từ những phân tích trên, thấy rõ việc tìm ra những giải pháp giúp người khiếm thị xác định hướng di chuyển có chi phí thấp, hiệu quả, thao tác sử dụng đơn giản và chuyên dụng là điều cần thiết cho người khiếm thị ở Việt Nam và trên thế giới.
Hơn nữa, hiện nay có khá nhiều ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị bằng cách dùng điện thoại thông minh. Ở Việt Nam, chúng ta có bộ đọc tiếng Việt VnSpeak TTS. Đây là bộ đọc đang được hàng ngàn người khiếm thị sử dụng để học tập, giao tiếp, giải trí và tiếp cận thông tin theo VnSpeak. Qua giới thiệu của VnSpeak, ta có thể thấy số lượng người khiếm thị dùng ứng dụng này để sử dụng điện thoại là rất lớn. Việc dùng điện thoại thông minh đối với người khiếm thị không còn xa lạ. Do đó, việc dùng một ứng dụng để chỉ dẫn cho người khiếm thị là khả thi.
Từ phân tích trên, Trí quyết định chọn phương pháp dùng mã QR để lưu trữ thông tin lối đi, địa điểm vì những ưu điểm mạnh về chi phí thấp, cách lưu trữ dữ liệu đơn giản, không phụ thuộc vào kết nối internet và GPS. Các tòa nhà phần lớn có các bảng hướng dẫn đặt tại chỗ giao nhau giữa các lối đi và các bảng tên đặt trước các địa điểm. Chúng ta có thể đặt mã QR tại các bảng đó để đơn giản hóa vấn đề lựa chọn vị trí đặt mã; có thể tích hợp các API (giao diện lập trình ứng dụng) sẵn có vào ứng dụng để hướng dẫn người khiếm thị đưa camera tới mã QR. Và đây cũng chính là điểm nổi bật của dự án. Người khiếm thị sẽ được hướng dẫn thông qua âm thanh để đưa điện thoại đến mã để quét.
Bài: HT