Tục ‘kéo vợ’
Văn hóa hôn nhân của người Việt rất phong phú và đa dang. Sau nhiều biến động lịch sử, có những tục lệ nội dung đã khác nhưng hình thức vẫn được bảo lưu. Đây là nét mới thích ứng với thời cuộc mà vẫn đậm đà sắc thái tộc người, trong đó “kéo vợ” là một tập tục điển hình.
“Kéo vợ” theo nguyên mẫu cổ xưa
Namthanh niên đến tuổi trưởng thành, được sự ngầm đống ý của bố mẹ rủ một nhóm bạn đón đường để “kéo” một người con gái nào đó về làm vợ, dù người đó không bằng lòng. Về đến nhà, nhà trai làm lễ “ nhập môn” để trói buộc người con gái. Tập tục người Mông quy định, con gái sau khi làm lễ “nhập môn” phải lấy người đã kéo mình, gia đình bố mẹ, anh em không được cứu. Vì thế, xưa kia trong dân gian đồng bào Mông có câu nói buồn “ Đẻ con gái là thua người ta”.
Sau khi kéo được người con gái về nhà mình hai ngày, nhà trai cử người đại diện báo cho nhà gái biết và bàn việc tổ chức lễ cưới. Do cướp vợ nên nhà trai phải mất tiền “đền danh dẹ” cho nhà gái.
Xưa kia, nhiều trường hợp “kéo vợ” nhằm mục đích hôn nhân chỉ là thứ yếu, mà chủ tâm trước hết là lấy người về làm việc.Việc này dẫn đến nhiều trường hợp tảo hôn trong cộng đồng. Người “vợ” lớn tuổi hơn người “chồng” tí hon rất nhiều. Họ phải làm tụng vất vả và chăm sóc “chồng” như người mẹ. Khi người chồng lớn lên lại lấy vợ lẽ trẻ hơn. Khi lấy vợ lẽ ít chịu trách nhiệm làm công việc gia đình mà được hưởng tình cảm trai gái nhiều hơn nên nhiều cô gái thích làm vợ lẽ.
Mặc dù vậy, xưa vẫn có những trường hợp người con gái thoát được việc bị kéo nhờ bạn bè giúp đỡ hoặc khi đã bị kéo về nhà trai rồi vẫn kiên quyết không lấy người kéo mình, “không sợ ma”, được bản khen ngợi.
Ngày nay, tục “kéo vợ” vẫn còn tồn tại ở một số dân tộc thiểu số chủ yếu ở miền núi phía Bắc, đa phần thuộc nhóm ngôn ngữ Thái – Ka Đại, như các dân tộc Mông, Giáy, Cờ Lao, La Chí, Mảng, Phù Lá…
Viêc hôn nhân ở các dân tộc này hiện nay diễn ra theo luật tục tộc người. Ngoài những nghi lễ, nghi thức bắt buộc của một cuộc hôn nhân bình thường, nhiều đám còn giữ lại tục “kéo vợ” nhưng chỉ là hình thức vì đôi bên gia đình và bản thân đôi trai gái đã có thỏa thuận từ trước.
Hình thức “kéo vợ” hiện nay
Người Mông, người Giáy, người Cờ Lao…tổ chức “kéo vợ” trước khi xin hỏi cưới để tôn trọng tập quán truyền thống.
Với người La Chí, trong các bước cưới xin có một số việc làm tượng trưng nhưng bắt buộc phải có như: Trong lễ đón dâu khi chú rể cúi chào họ hàng cô dâu, nhà gái lấy một tấm vải trắng dài khoảng 9m vờ trói chú rể và bạn rể. Ông mối phải cản lại không cho trói. Sau đó khi chú rể định đón cô dâu, cô dâu cưỡng lại và sau một hồi lôi kéo, khi tới cửa người ta lấy nón đội lên đầu cô dâu mới chịu đi. Cô dâu đến nhà chú rể chào bố mẹ họ hàng và bà con hàng xóm rồi buổi chiều lại quay về nhà bố mẹ đẻ, hôm sau mới trở lại nhà bố mẹ chồng. Những hành động này là tàn dư của tục cướp vợ và quá trình hôn nhân cư trú bên nhà vợ xưa kia.
Nét đặc biệt kháctrong lễ cưới Mảng là tục giả vờ đánh nhau giữa nhà trai và nhà gái để giành cô dâu ngay sau bữa tiệc. Sau cưới, chàng rể có thể ở rể cả đời bên nhà gái hoặc ở rể một thời gian rồi trở về nhà mình. Đây cũng là thể hiện của tục “kéo vợ” xưa kia.
Người Phù Lá cũng duy trì tục này bằng cách vẫn phải co kéo cô dâu giữa nhà gái và nhà trai. Trong đám cưới người Phù Lá uống rượu, hát đối đáp để được vào nhà đón và đưa cô dâu về nhà trai. Họ còn có tục vẩy nước bẩn và bôi nhọ nồi lên mặt đoàn người nhà họ trai trước khi về.
Tục “kéo vợ” xưa thể hiện cách ứng xử của một số dân tộc thiểu số trước điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và lối sống du canh du cư. Phải sống rải rác trên vùng núi cao, lại du canh du cư nay đây mai đó, trai gái ít có điều kiện tìm hiểu nhau nên dùng tục kéo vợ. Việc thiếu nhân lực lao động là nguyên nhân thứ hai giải thích cho việc “kéo vợ” từng tồn tại lâu dài và được cả cộng đồng tuân thủ.
Ngày nay, tuy nội dung của “kéo vợ” đã thay đổi nhưng hình thức vẫn duy trì tại một vài cộng đồng người. Đây rõ ràng là tà dư, nhưng không mang yếu tố tiêu cực, ngược lại mang những yếu tố tích cực. “Kéo vợ” nhắc người trẻ nhớ về nguồn gốc tộc người. “Kéo vợ” ghi dấu ấn hôn nhân khác với hình thức cưới xin ở dân tộc khác và làm đa dạng hình thức cưới cũng như những nét văn hóa cổ truyền của người Việt Nam .
Nguồn: Khoa học và Đời sống (Chuyên đề dân tộc và miền núi), số 24 (180)