Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 22/08/2013 22:27 (GMT+7)

Trưởng thành từ cuộc chiến đấu vì độc lập tự do

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của dân tộc Việt Nam ra đời đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng và phát triển đất nước vì độc lập tự do. Mặc dù địch khủng bố nặng nề, song còn quần chúng là còn Đảng, uy tín và vai trò tiên phong của Đảng vẫn được quần chúng tin tưởng. Nhân dân Việt Nam, không phân biệt thành phần tộc người, nam hay nữ, công nhân hay nông dân, tri thức, tiểu thương, tiểu chủ, tư sản dân tộc, trung tiểu địa chủ, những ai có tinh thần quốc gia dân tộc đều âm thầm ủng hộ cách mạng và khi có điều kiện đã xuống đường đấu tranh theo khẩu hiệu của Đảng. Từ thực tiễn, Đảng đã tuyển chọn, kết nạp đảng viên mới.

Chu Văn Tuấn, người con của tộc Nùng, quê xã Phú Thượng, huyện Vũ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1934 và đến năm 1936 được kết nạp vào Đảng.

Thế chiến lần thứ II bùng nổ. Đế quốc Pháp tham chiến và ra sức thi hành chính sách thời chiến ở Đông Dương. Phát xít Nhật bắt đầu xâm lược Đông Dương thì thực dân Pháp đầu hàng. Dân ta phải chịu hai tầng xiềng xích nô lệ của Pháp và Nhật. Vấn đề sống còn của dân tộc ta được đặt ra một cách cấp bách hơn bao giờ hết. Lúc bấy giờ: "Nhân dân Việt Nam… ai cũng chán ghét cuộc đời nô lệ, ai cũng muốn độc lập, tự do và đang trong tư thế một người lên tiếng vạn người ủng hộ". Giữa lúc đó, nhân cơ hội phát xít Nhật đánh vào Lạng Sơn (22 - 9 - 1940) quân Pháp ở đây tan rã, quần chúng đã tự nổi dậy tước vũ khí của tàn binh Pháp. Khí thế cách mạng của quần chúng sôi nổi. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đảng viên ở địa phương, đêm 27 - 9 - 1940 hàng trăm quần chúng thuộc các tộc Tày, Dao, Nùng, Kinh… đã bao vây, tấn công đồn Mỏ Nhài (châu lỵ Bắc Sơn), Tri châu và quân lính tìm cách chạy trốn, quân khởi nghĩa đã chiếm được châu lỵ, xóa bỏ chính quyền của địch.

Trước thắng lợi của ta, Nhật - Pháp thỏa hiệp với nhau, tạo điều kiện cho Pháp quay chiếm lại Bắc Sơn và tiến hành cuộc khủng bố đàn áp quân khởi nghĩa. Lúc đó, giữ thế cố thủ một chỗ không có lợi nên quân du kích phải phân chia ra nhiều vùng để chiến đấu và tiếp tục hoạt động.

Các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, tiếp đến là khởi nghĩa Nam Kỳ rồi đến Đô Lương, trong đó mở đầu là tiếng súng Bắc Sơn có ảnh hưởng rộng lớn toàn quốc. Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, bước đấu tranh bằng võ lực của các dân tộc. Vì vậy, để bảo vệ lực lượng, phát huy ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa, theo sự chỉ đạo của xứ ủy Bắc Kỳ, phải duy trì lực lượng vũ trang, thành lập đội du kích, đấu tranh, chống khủng bố, bảo vệ nhân dân, phát triển lực lượng, lấy vùng Bắc Sơn - Võ Nhai làm trung tâm căn cứ.

Ngày 14 - 2 - 1941, Trung đội du kích Bắc Sơn gồm 32 chiến sĩ, cán bộ đảng viên quê ở miền xuôi và miền ngược đã lớn lên từ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, được tập hợp để chính thức làm lễ thành lập ở khe Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ, Bắc Sơn).

Chu Văn Tấn là một thành viên của Ban chỉ huy Trung đội du kích Bắc Sơn, được Trung ương Đảng chỉ định bổ sung vào Xứ ủy Bắc kỳ, có nhiệm vụ tổ chức, bảo vệ đưa Ban chấp hành trung ương Đảng đi dự Hội nghị lần thứ 8 (5 - 1941) do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì - một hội nghị lịch sử quyết định những vấn đề quan hệ vận mệnh sống còn của dân tộc. Vượt qua mọi gian lao nguy hiểm, vượt qua nhiều đồn của thực dân Pháp trong khi chúng đang tung lực lượng binh lính và mật thám bao vây vùng căn cứ, khủng bố quân khởi nghĩa, tổ bảo vệ đưa đường do Chu Văn Tấn tổ chức thực hiện đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử đặc biệt, đưa Trung ương đến địa điểm Hội nghị và trở về xuôi an toàn để lãnh đạo và tổ chức nhân dân thực hiện Nghị quyết lịch sử của Trung ương. Được tổ chức, bảo vệ Trung ương đi họp Hội nghị lần thứ 8 tại Pác Bó, là một cơ hội đặc biệt cho Chu Văn Tấn được sớm nhận biết ánh sáng của chủ trương thay đổi chiến lược, đặc biệt được gặp ông cụ Thu Sơn, ông già Thu - Hồ Chí Minh, quan tâm bồi dưỡng. Hồi ức của Chu Văn Tấn đã ghi lại: lúc đi còn non nớt, lúc về đã cứng cáp hơn, thêm lông thêm cánh, thêm sức bay cao. Trong thời gian Trung ương họp, "ông Cụ" thu xếp cho Chu Văn Tấn học tập lý luận; ngoài giờ học "ông Cụ" thường bày cho việc làm hoặc hỏi tỉ mỉ về phong trào Bắc Sơn - Vũ Nhai, khuyên bảo về công tác tuyên truyền vận động quần chúng: "Từng điều, từng điều "ông Cụ" nói, tôi ghi nhớ trong lòng, cảm thấy một ngày gặp "ông Cụ" bằng mấy năm học tập. Trước khi gặp "ông Cụ", thấy trình độ mình thấp, tôi rất lo, không biết mình gánh vác được bao nhiêu. Hy sinh xương máu, tôi không sợ nhưng bảo tôi làm cán bộ lãnh đạo thì tôi chưa tin sức mình đảm đương được. Gặp "ông Cụ" rồi tôi thấy tự tin có thể làm được các việc Đảng giao".

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, xây dựng Bắc Sơn - Vũ Nhai và Cao Bằng thành hai trung tâm khởi nghĩa tại Việt Bắc, Phùng Chí Kiên ủy viên Trung ương Đảng được cử về cùng với Lương Văn Chi, Chu Văn Tấn mở rộng khu căn cứ du kích Bắc Sơn. Cuộc chiến đấu của quân du kích Bắc Sơn đã diễn ra quyết liệt để chống lại quân địch từ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang tấn công vào khu căn cứ. Trước sự chênh lệch quá lớn về tương quan lực lượng giữa địch và ta, quân du kích buộc phải tìm cách thoát ra khỏi vòng vây. Trên đường rút lui, Phùng Chí Kiên hy sinh, Lương Văn Chi bị thương, địch bắt giam và đã hy sinh trong nhà tù. Chu Văn Tấn và một số chiến sĩ du kích ở lại tiếp tục hoạt động, khắc phục mọi khó khăn, tích cực dựa vào nhân dân để chiến đấu và tiếp tục đưa phong trào tiến lên. Hoàng Quốc Việt, trước khi về xuôi đã thay mặt Trung ương Đảng, quyết định thành lập Trung đội Cứu Quốc quân II - gồm 47 chiến sĩ. Lễ chính thức thành lập đã được tổ chức ngày 15 - 9 - 1941 tại Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, Vũ Nhai, Thái Nguyên. Ban chỉ huy gồm có Lê Dục Tôn, Nguyễn Cao Đàm do Chu Văn Tấn là Trung đội trưởng. Giữa không khí trang nghiêm của buổi lễ, các lời thề của Cứu quốc quân được đọc lên một cách trang trọng cùng những tiếng "xin thề" vang lên. Nữ chiến sĩ Cứu quốc quân Đường Thị Ân, người con của dân tộc Nùng đứng nghiêm trước lá cờ đỏ sao vàng, ngọn cờ chung của Tổ quốc, xin thề hy sinh tất cả vì Đảng, vì nhân dân (sau này trở thành bạn đời của Chu Văn Tấn). Quyết tâm làm tròn nhiệm vụ của một đội viên Cứu quốc quân.

Hoạt động của Cứu quốc quân ngày càng mở rộng sang cả Tuyên Quang. Trên cơ sở đó, ngày 25 - 2 - 1944 tại Khuổi Kịch, Sơn Dương, Tuyên Quang, trung đội Cứu quốc quân III gồm 24 chiến sĩ do Triệu Khánh Phương chỉ huy cũng chính thức được thành lập. Ở Cao Bằng, phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ trong các xã, các châu. Đến năm 1942, đã xuất hiện các xã "hoàn toàn", châu "hoàn toàn". Đồng bào nô nức tham gia các hội cứu quốc. Một thứ chính quyền hai mặt đã xuất hiện ở nông thôn. Năm 1941, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, đội vũ trang đầu tiên đã được thành lập do Lê Quảng Ba chỉ huy. Hầu hết các xã "hoàn toàn" đều có tổ chức tự vệ. Trở về nước, Hồ Chí Minh đóng bản doanh tại Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng, một vùng có phong trào cách mạng khá sớm, tiện liên hệ với quốc tế và liên lạc với vùng xuôi. Người nói: Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi. Trước tình hình phát triển phong trào cách mạng trong cả nước, Hồ Chí Minh chỉ thị phải cấp tốc tổ chức những con đường quần chúng từ Cao Bằng đi về miền xuôi. Có như vậy, khi địch khủng bố ta mới giữ được liên lạc, hoạt động vũ trang của các đội du kích mới có thể tiến hành được thuận lợi, nhất là khi thời cơ tốt xuất hiện, Trung ương Đảng mới kịp thời truyền đạt chỉ thị tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Theo chỉ thị của Hồ Chí Minh và quyết định của liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, nhiệm vụ Nam tiến được đề ra một cách khẩn trương. Võ Nguyên Giáp và Lê Thiết Hùng phụ trách ban xung phong Nam tiến có nhiệm vụ mở đường từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Cạn) nối liền với chợ Chu, Đại Từ (Thái Nguyên). Công tác tổ chức Nam tiến được xúc tiến mạnh mẽ. Các đội xung phong Nam tiến nhanh chóng được thành lập, mở đường tiến về xuôi. Còn từ khu căn cứ Bắc Sơn - Vũ Nhai, theo sự thống nhất giữa Chu Văn Tấn và Võ Nguyên Giáp, có sự tham dự của Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan, Vũ Anh tại Lam Sơn, Cứu quốc quân sẽ mở bốn con đường lên đón mũi Nam tiến và tìm cách liên lạc với Ban chấp hành Trung ương hoạt động ở dưới xuôi. Hai con đường liên lạc nối liền căn cứ Cao Bằng với Bắc Sơn - Vũ Nhai được đánh thông, và gặp nhau ở xã Nghĩa Tà, hợp lại thành một con đường quần chúng của cách mạng đã ôm vòng lấy Cao - Bắc - Lạng, là bàn đạp để tiếp tục về xuôi - con đường được vạch ra sau Hội nghị lần tám của Trung ương Đảng đã thành hiện thực.

Cuối năm 1944, chủ nghĩa phát xít đã đứng bên bờ vực thẳm. Ở trong nước, cuộc khủng bố của đế quốc Pháp đang diễn ra ác liệt. Nhân dân Cao Bắc Lạng nóng lòng đợi tiếng súng của cách mạng để chặn hành động tàn bạo của kẻ thù. Tình hình đó cho thấy cuộc đấu tranh lúc đó từ hình thức chính trị phải tiến lên hình thức quân sự, song chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm một hình thức đấu tranh thích hợp để tiếp tục đẩy mạnh phong trào tiến lên. Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Người giao cho Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm nhiệm vụ này.

Ngày 22 - 12 - 1944, tại châu Nguyễn Bình, tỉnh Cao Bằng, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập. Đội gồm 34 chiến sĩ do Hoàng Sâm làm đội trưởng. Xích Thắng làm chính trị viên, được chia làm 3 tiểu đội với chiến công đầu thắng lợi là trận Phai Khắt (25 - 12 - 1944) và trận Nà Ngần (26 - 12 - 1944)… Đội đã nhanh chóng phát triển thành nhiều đại đội.

Sau cuộc đảo chính của Nhật lật đổ Pháp (9 - 3 - 1945), Cứu Quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đẩy mạnh đấu tranh quân sự, thúc đẩy quần chúng nổi dậy giành chính quyền từng bộ phận ở nhiều nơi. Giữa lúc đó, Đảng đã triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ do Trường Chinh chủ trì quyết định thành lập Việt Nam Giải phóng quân, tổ chức rộng rãi tự vệ, tự vệ chiến đấu…, cử Ủy ban quân sự cách mạng Bắc kỳ trong đó có Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh. Ngày 15 - 5 - 1945, Việt Nam Giải phóng quân được thành lập tại Định Biên Thượng, Định Hóa, Thái Nguyên trên cơ sở hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu Quốc quân. Vùng giải phóng đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng bên ngoài các tỉnh xung quanh, địa thế nối liền nhau, lập thành một khu căn cứ rộng lớn lấy tên là Khu giải phóng. Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng được thành lập. Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm thường trực Ủy ban.

Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về xuôi. Võ Nguyên Giáp đi đón Người, đồng thời cũng báo tin cho Chu Văn Tấn chuẩn bị đón "ông Cụ". Chu Văn Tấn cùng Song Hào và một số cán bộ đã đón Người trước đình Hồng Thái. Sau đó Người ở lại Tân Trào làm việc để chỉ đạo phong trào trong nước, khẩn trương chuẩn bị Đại hội quốc dân. Tân Trào trở thành thủ đô của Khu giải phóng.

Giữa tháng 8 - 1945, thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi. Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp ở Tân Trào quyết định phát động cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc trước khi quân Đồng minh kéo vào nước ta để giải ngũ quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng minh; xác định những vấn đề đối nội và đối ngoại cần thi hành ngay khi giành được chính quyền và bổ sung thêm một số ủy viên vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Tấn…

Ngày 16 - 8 - 1945, Quốc dân đại hội đã họp, có khoảng 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái yêu nước, các đoàn thể cứu quốc, các tộc ít người, có đại biểu từ Nam bộ, Nam trung bộ, Việt kiều ở Lào và Thái Lan về dự Đại hội đã tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Tổng bộ Việt Minh, thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam với tính cách như Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam độc lập tự do trong đêm trước của cuộc Tổng khởi nghĩa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu phó Chủ tịch và các ủy viên là Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Chu Văn Tấn….

Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã thành công trong cả nước. Chính quyền cách mạng thuộc về toàn dân. Ủy ban dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm ngoại giao, Võ Nguyên Giáp Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chu Văn Tấn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra một kỷ nguyên lịch sử mới.

Trong cuộc trường kỳ chiến đấu và xây dựng đó, các chiến sĩ cộng sản và lực lượng vũ trang… được trưởng thành trong Cách mạng tháng Tám tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, đã có những cống hiến mới trên các cương vị công tác và chiến đấu được Đảng và Nhà nước giao phó, trong đó có Chu Văn Tấn. Từ tháng tám năm 1945 trở đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân đã giao cho Chu Văn Tấn những trọng trách quân sự với cấp bậc thượng tướng, các trọng trách chính trị của Đảng và Nhà nước với cương vị ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa II, III, đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV, V, VI, phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa III đến khóa VI, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo Hiến pháp.

Chu Văn Tấn, người con của tộc Nùng, cũng như bao thanh niên gái trai thuộc các tộc ít người anh em cùng chịu chung một số phận của đất nước bị đế quốc áp bức, đè nén, đói nghèo, dốt nát nhưng khi được ánh sáng của vị anh hùng dân tộc vĩ đại Hồ Chí Minh soi rọi, được Đảng cộng sản trực tiếp lãnh đạo và tổ chức, họ đã đứng lên cầm vũ khí chiến đấu để giải phóng khỏi gông cùm nô lệ, giành lấy quyền độc lập tự do, quyền thiêng của quốc gia dân tộc.

Từ một thanh niên yêu nước, khi vào Đảng trình độ văn hóa "còn kém lắm", trình độ "lý luận thấp", song trải qua thực tiễn chiến đấu và công tác, sớm được Hồ Chí Minh quan tâm chỉ bảo, giáo dục, được gần gũi, học tập và trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các chiến sĩ hoạt động ở căn cứ Cao Bằng, Chu Văn Tấn đã trưởng thành nhanh chóng, giữ các trọng trách công tác quan trọng trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 và tiếp tục trưởng thành vượt bậc, đảm đương nhiều nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong hơn ba thập kỷ tiếp theo.

Kiên trì mục tiêu lý tưởng cách mạng là động lực để Chu Văn Tấn không ngừng vươn lên và thực hiện các trọng trách do Đảng và Nhà nước giao phó trong vòng bốn thập kỷ dưới ngọn cờ độc lập tự do của Hồ Chí Minh đã được nhân dân tin yêu, được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng việc trao tặng các Huân chương cao quý…

Chú thích:

1)     Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG. H 1995, T. 3, tr 173, 174.

2)     Sau Hội nghị lần thứ 8 của BCH TƯ, Trung đội du kích Bắc Sơn được gọi là Trung đội Cứu Quốc quân I.

3)     Chu Văn Tấn, Kỷ niệm Cứu Quốc quân. Hồi ký. Nxb QĐND. H 1997, tr 31.


Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.