Trung quốc làm thay đổi “trật tự” thế giới
Ai cũng biết từ hơn 50 năm nay, tôi vẫn quan tâm đến cái mà người ta gọi là “các nước chậm phát triển” (1). Khái niệm này đến từ Mỹ, cụ thể là từ Nhà Trắng: underdeveloped countries. Vào đầu thời kỳ “chiến tranh lạnh” (1947), từ khi Mỹ bắt đầu đưa ra chiến dịch lớn “giúp đỡ các nước chậm phát triển” (thực chất là để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản), thế giới được trình bày như là được chia thành hai phần, thành hai tổng thể lớn của các quốc gia, hoàn toàn khác nhau về kinh tế, xã hội và nhất là dân số: các nước phát triển và các nước chậm phát triển. Cần ghi nhớ rằng các lý thuyết gia về sự phân chia kinh tế đó trên hành tinh, trong 20 năm không hề nhắc đến một cách nói khác đang diễn ra trước mắt: mâu thuẫn giữa “thế giới tự do” và “khối cộng sản” mà Trung Quốc đã gia nhập từ năm 1949. Lúc dó nó chiếm đến 600 triệu dân, nghĩa là gần một phần tư dân số thế giới.
Sự kết hợp của hai cách nhìn đó đối với thế giới diễn ra cùng với sự phổ biến của khái nhiệm “thế giới thứ ba”, xuất hiện một cách kín đáo ở Paris vào giữa những năm 1950. Ý tưởng về thế giới thứ ba chỉ phát triển sau hội nghị Ba lục địa ở Habana tháng 1 - 1966, tập hợp 82 đoàn đại biểu của các đảng và phong trào chống đế quốc. Tất cả 430 đại biểu châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, phần lớn đều không biết tên gọi thế giới thứ ba xuất hiện từ lối chơi chữ (thế giới thứ ba, tương đương với đẳng cấp thứ ba - chỉ đẳng cấp bình dân trong xã hội Pháp thời phong kiến) mà Alfred Sauvy đã viết trên tờ France - Observateurnăm 1952. Và họ tưởng rằng đó là sự kết hợp của “ba lục địa” chống đế quốc, châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Từ cuối những năm 1960 đến đầu những năm 1980, khái niệm đó đã thắng thế lớn trong mọi nước.
Năm 1973, Mao Trạch Đông trịnh trọng tuyên bố với tổng thống Mali đến thăm rằng Trung Quốc cũng thuộc thế giới thứ ba, tuy rằng Trung Quốc không phải là nước chính thức trở thành thuộc địa. Khẳng định đó về sau được Đảng Cộng sản Trung Quốc ghi nhận coi như đường lối chủ chốt của “tư tưởng Mao Trạch Đông”. Tất cả các nước thuộc thế giới thứ ba, lớn hay nhỏ, dù theo chế độ nào, đều tuyên bố đoàn kết. Thế giới thứ ba đã “đau khổ, đấu tranh, đòi hỏi, chiến đấu” đều được tuyên dương khắp nơi như vị anh hùng Prométhée khổng lồ. Nước Việt Nam cộng sản và Khmer đỏ là những người anh hùng trong cuộc đấu tranh thắng lợi chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ ....
Nhưng từ năm 1979, cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” Việt Nam - Campuchia - Trung Quốc đã đánh dấu bước đầu thủ tiêu của ý tưởng về thế giới thứ ba và huyền thoại về tình đoàn kết giữa các nước nghèo. Từ đó người ta không nói thế giới thứ ba nữa, mà gọi là các nước Nam, đối lập với các nước Bắc. Hiển nhiên đó là hàm ý mang ý nghĩa khí hậu và đã giành được thắng lợi lớn. Thật vậy, cho đến đầu những năm 1990, “tiêu chí” về chậm phát triển có thể nhận thấy ở phần lớn các nước nhiệt đới và á nhiệt đới. Nhưng có một ngoại lệ thường bị bỏ qua là Trung Quốc thuộc các nước phương Bắc. Từ sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc hơn một tỉ năm trăm triệu dân - ẩn dụ về phương Nam không còn đứng vững.
Ngay từ thời thế giới thứ ba, khi khái niệm ẩn dụ Bắc - Nam đang nở rộ, các nhà Macxit muốn chứng minh giá trị khoa học trong lập luận mang tính toàn cầu của mình bằng cách dựa trên một mô hình hình học: trung tâm/ ngoại vi. Từ đó đưa đến những diễn giải có thể tóm tắt về thực chất sau: Tại sao chủ nghĩa tư bản lại phát triển ở Tây Âu? Vì nó là trung tâm. Tại sao trung tâm lại chuyển sang Mỹ? Tại vì châu Âu đã trở thành ngoại vi. Nhưng tại sao lại có những nước “Chậm phát triển”? Vì các nước đó nằm ở ngoại vi. Nhưng làm thế nào để phân biệt các ngoại vi đó? Đấy là điều mà mô hình không giải thích được. Nói theo ngôn từ địa - lịch sử, thực tế đã cáo giác sự tồn tại của chính Trung Quốc.
Đế chế Trung Hoa, đã khẳng định trong nhiều thế kỷ là trung tâm của thế giới hay ít ra là của cựu thế giới, trung tâm tất yếu hơn hẳn về dân số cũng như về sự tiến bộ kỹ thuật và khoa học. Như vậy thì tại sao Trung Quốc lại rơi vào ngoại vi? Cuộc tấn công của phương Tây, cuộc “chiến tranh thuốc phiện” nổi tiếng, cái chính sách pháo hạm đó cũng có thể bị đẩy lùi, như nó đã bị đẩy lùi ít lâu sau đó ở Nhật Bản. Lực lượng của phương Tây dù sao cũng là quá nhỏ bé so với sức mạnh của đế chế Trung Hoa.
Ta có thể nghĩ về nguyên nhân cản trở sự hình thành trong đế chế quan liêu đó là một giai cấp tư sản thực sự trong khi nó vẫn có thể hình thành trong cơ chế phong kiến của Nhật Bản, giống như trong trường hợp của Tây Âu. Đấy là những câu hỏi mà trước kia tôi đã từng đặt ra, và trước hết là đối với thế giới Hồi giáo, trong khi tôi có may mắn được dính líu, với tư cách là nhà địa lý, đến một cuộc xung đột diễn ra trong thế giới thứ ba (2).
Nhưng ngày nay, lại có những vấn đề khác đặt ra cho chúng ta, để thử tìm hiểu đâu là nguyên nhân sâu xa sự phát triển khủng khiếp của Trung Quốc, mặc cho tiến trình toàn cầu hoá, mà cũng là vì toàn cầu hoá; sự phát triển kinh khủng ở tốc độ nhanh chóng và số dân thành thị to lớn mà nó đã huy động được.
Trung Quốc thực sự đang làm thay đổi trật tự của thế giới: nếu nó còn mang nhiều hậu quả của hiện tượng chậm phát triển mà nó đã trải qua và của tình hình tự cung tự cấp dưới thời Mao, thì sự phát triển của chủ nghĩa tư bản theo định hướng cộng sản chủ nghĩa đã phá vỡ mô hình trung tâm/ ngoại vi nổi tiếng. Trừ khi ta coi rằng Trung Quốc đang trở thành một trung tâm mới của thế giới, điều mà các nhà lãnh đạo Liên Xô cũ chưa bao giờ giám nghĩ đến về mặt kinh tế, mà chỉ là ở trên bình diện chính trị và ý thức hệ.
Trong nền kinh tế thế giới, các hiệu quả sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ngay từ lúc này đã là đáng kể; việc tăng gấp ba sản lượng thép và các kim loại không phải sắt, việc tăng gấp bội sức cạnh tranh của những thoả hiệp về dầu khí và con đường ống dẫn dầu, hiện tượng chính các ngân hàng Trung Quốc đã thanh toán phần lớn sự thâm hụt tài chính của Hoa Kỳ, sau khi đã mua các trái phiếu Kho bạc Nhà nước Hoa Kỳ với 350 tỉ đô la. Tháng 11 – 2006, 48 nguyên thủ quốc gia châu Phi được chủ tịch Trung Quốc mời họp ở Bắc Kinh – mà từ đấy Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Trung Quốc không ngừng đến thăm các nước châu Phi. Càng ngày càng có nhiều, không chỉ vốn và kỹ thuật viên Trung Quốc, mà còn có nhiều nhân công Trung Quốc thực hiện những công trình rẻ hơn của người Châu Phi và với một tốc độ nhanh chóng. Đã hết thời châu Phi của nước Pháp, xin chào châu Phi của Trung Quốc.
Nguyên nhân sâu xa của sự phát triển to lớn của thứ chủ nghĩa tư bản kỳ lạ đó dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản còn rất khó để nắm bắt. Nhưng từ nay về sau người ta có thể mô tả, dựa vào công cụ của các khoa học xã hội khác nhau, những đặc tính đa dạng của nước Trung Hoa đang trên đường đổi thay.
______________
*Hérodote - revue de géographie et de géopolitique, số 125, quí 2 - 2007.
(1) Yves Lacoste, Địa lý các nước chậm phát triển, PUF, Paris, 1965.
(2) Yves Lacoste, Tính thống nhất và đa dạng của thế giới thứ ba - từ những biểu hiện toàn cầu đến các chiến lược trên thực địa, Maspero, Paris, 1980.
Nguồn: Xưa & Nay, số 293, 10 - 2007, tr 36.