Trồng lan hài ở miền xuôi
Giàn che
Lan hài thuộc nhóm cây ưa ánh sáng yếu, yêu cầu ánh sáng khoảng 30%, nên việc làm giàn che cho cây là rất cần thiết. Tuỳ thuộc vào địa thế của vườn và các loại vật liệu ta có thể làm loại giàn nhẹ, bền. Tuy nhiên không nên dùng sắt vì gỉ sắt rơi xuống có thể làm hại cây lan. Giàn che nên đặt theo hướng bắc – nam là tốt nhất để khi Mặt Trời di chuyển trong ngày theo hướng đông – tây thì bóng của các nẹp che sẽ không di chuyển, luôn luôn che được cho cây lan, đồng thời vườn lan có thể nhận được nhiều ánh sáng ban mai, hướng đông phải thông thoáng. Cây sống dưới giàn che nếu thiếu nắng lá sẽ đậm mầu, thừa nắng sẽ tái nhạt, nhưng quá thừa nắng lá sẽ bị cháy và cây sẽ khô héo nhanh chóng.
Tưới nước
Lan hài thích nghi ở nơi ẩm ướt, nên việc tưới nước là việc quan trọng nhất. Nước tưới phải đảm bảo hài hoà với nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng không để cây quá khô hay quá ẩm mà bị chết. Tưới 1 – 2 lần/ngày bằng vòi phun sương, tốt nhất nên có một thời gian khô nhẹ giữa hai lần tưới và nước mưa là nguồn nước tưới lý tưởng nhất. Khi tưới tránh để nước đọng ở đọt cây, chồi hoa, nhất là vào mùa nắng sẽ làm thối đọt và hư hoa. Tưới nước đẫm trước và sau khi tưới phân để rửa bớt muối còn đọng lại làm ảnh hưởng bất lợi cho lan. Vào mùa khô phải tưới hàng ngày. Vào mùa mưa thì phải quan sát môi trường trồng còn ẩm hay đã khô, khô ở đáy chậu hay trên mặt để quyết định tưới nước.
Chậu và đất trồng
Chậu và đất trồng (giá thể) phải giữ ẩm tốt, nhưng không được úng nước. Nên chọn chậu có nhiều lỗ và hỗn hợp chất trồng là xơ dừa vụn, than gỗ vụn nhỏ bằng ngón tay, có thể thêm vỏ trứng hay vỏ sò đập vụn… tất cả được trộn đều với nhau. Bỏ một lớp than vụn xuống đáy chậu, cho tiếp hỗn hợp chất trồng đã trộn trên vào một nửa chậu, rồi cho cây vào giữa chậu và cho tiếp hỗn hợp chất trồng vào phủ rễ nhưng không được phủ kín gốc.
Bón phân
Phân tổng hợp NPK thường được sử dụng để bón cho cây. Khi cây cần tăng trưởng và ra lá ta bón nhiều đạm theo tỷ lệ 3:1:1, để cho ra hoa bón nhiều lân (tỷ lệ 1:2:1), cho ra rễ bón nhiều kali hơn (tỷ lệ 1:1:2). Bình thường một tuần tưới phân một lần, nhưng nếu trời râm mát, âm u và có mưa dẫn đến sự quang hợp của cây giảm, khả năng cây hấp thụ phân kém, vì vậy không nên bón nhiều phân, cứ 10 – 15 ngày bón phân một lần.
Để tăng hiệu quả, trước khi tưới phân ta nên tưới qua một lượt nước làm cho chất trồng dễ dàng thấm, phân không bị chảy đi. Đồng thời, tưới nước đậm sau mỗi lần tưới phân để loại bỏ phần muối dư thừa ở trên lá. Thời gian tưới phân trong ngày phù hợp nhất là buổi chiều muộn hoặc buổi sáng sớm, không được tưới vào buổi trưa.
Sang chậu
Khi cây sinh trưởng phát triển mọc ra ngoài chậu, chất trồng bắt đầu mục nát và quá trình thoát nước trở nên kém đi thì cần chuyển sang chậu to hơn. Thời điểm sang chậu đẹp nhất là ngay sau mùa ra hoa. Ta bỏ hết chất trồng cũ, rễ cũ, lá già hư thối, nếu cẩn thận thì rửa rễ với thuốc trừ nấm. Trồng vào chậu mới với chất trồng như trên, sau đó tưới đẫm cho chất trồng ổn định. Khoảng 3 – 5 ngày sau khi sang chậu không nên tưới nước tránh rễ bị thối, nếu chất trồng khô chỉ nên tưới sương trên lá để giữ ẩm, đến khi chồi mới phát triển ta chăm sóc trở lại bình thường.
Bệnh
Nhện đỏ và rệp thường phá hại lan hài. Để trừ được chúng nên xử lý bằng thuốc chống côn trùng loại Dimethoate mỗi tháng 1 – 2 lần. Ngoài ra dùng thuốc trừ nấm 1 tháng/1 lần như Orthocide, Benomyl để ngừa thối gốc và thối rễ.
Nguồn: Khoa học và đời sống, số 1 (1719), ngày 3 – 1 – 2005, trang 10