Trống đồng Ngọc Lũ lớn nhất nước
Trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn là tiêu biểu cho đỉnh cao của kỹ thuật và mỹ thuật tạo hình của nghề luyện kim và đúc đồng. Trống đồng cũng là nhạc cụ độc đáo của thời Văn Lang – Âu Lạc. Trống đồng gồm có phần tang phình ra, phân thân và chân loe ra làm cho hình dạng trống đẹp mắt, còn có tác dụng cộng hưởng để âm thanh vang xa. Mặt trống và tang trống được trang trí đẹp mắt. Mặt trống tròn, ở giữa có ngôi sao nhiều cánh, chung quanh là những vành tròn đều đặn cách nhau bằng những đường viền với hoa văn khác nhau, cân đối, có nhiều hình người hoá trang lông chim đang múa, nhảy hát, thổi kèn, giã gạo, đua thuyền hoặc trang trí những con vật như chim hạc, hươu, nai v.v… phản ánh cuộc sống văn hoá của người Việt Cổ. Trống đồng không những là một nhạc cụ tuyệt vời mà còn là hiệu lệnh trong chiến đấu chống quân xâm lược, là đồ gia bảo tuỳ táng trong các lăng mộ, vật quý trao đổi đối với các bộ tộc chung quanh.
Những trống đồng khai quật được (khoảng gần 250 cái) thường có kích thước mặt trống có đường kính (50 – 60) cm, cao (50 – 55) cm, và bé hơn. Trống đồng Việt Nam trưng bầy ở trụ sở Liên Hiệp Quốc cũng có kích thước tương tự.
Xuất phát từ khát vọng có được chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam, khơi dậy nghề đúc đồng truyền thống tồn tại hàng trăm năm nay ở làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, Thiệu Hoá, Thanh Hoá, nghệ nhân Lê Văn Bảy, tập hợp nghệ nhân đúc đồng của làng đã đúc thành công chiếc trống đồng lớn nhất nước theo đơn đặt hàng của ông Hoàng Văn Thông giám đốc bảo tàng cổ vật tư nhân của Thành phố Thanh Hoá.
Để làm khuôn đúc, họ đã dùng gần 3 m 3đất đạt tiêu chuẩn, phơi khô đập nhỏ 3 lần, nghiền và rây cẩn thận. Đất được trộn với bột than và trấu theo tỷ lệ nhất định. Sau khi tạo khuôn phải 5 thợ trong 2 tháng tạo hoa văn chìm, nổi trên mặt trống và tang trống của khuôn đúc theo mẫu trống đồng Ngọc Lũ. Sau khi tạo xong phải mất 10 ngày để làm lõi. Sau khi sấy khô lõi mới tiến hành nấu đúc. Việc pha chế hợp kim được tính toán và cân đo rất cẩn thận theo tỷ lệ đồng, thiếc, chì nhất định. Sau khi nấu chảy khoảng 1 tấn liệu, ông Thông thả vào 5 lạng vàng ròng. Với số công nhân lành nghề gồm 30 người đúc rót liên tục vào khuôn an toàn và đúng kỹ thuật.
Sau hơn 4 tiếng đồng hồ khuôn được rỡ ra, chiếc trống đồng hoàn hảo không vết nứt, vết rỗ, mặt trống và thân trống vàng chói, hoa văn nổi lên như vừa chạm khắc. Việc đúc trống đồng lớn nhất nước thành công mỹ mãn.