Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 01/08/2007 23:18 (GMT+7)

Tri thức quản lý nguồn tài nguyên rừng của người Mường

1. Tri thức địa phương trong việc sử dụng nguồn tài nguyên rừng

Cách phân loại rừng:

Trước năm 1945, về lý thuyết, đất đai của người Mường nói chung thuộc quyền sở hữu của quý tộc Mường, được gọi là lang đạo. Tuy nhiên lang đạo chỉ trực tiếp quản lý những khu ruộng nước tốt nhất của làng. Trên thực tế, quyền quản lý đất đai thuộc về cộng đồng các làng, đất rừng được coi là tài sản của cộng đồng.

Hiện nay, Cẩm Thành có diện tích rừng 2244,25 ha, chiếm 73% diện tích đất tự nhiên. So với Mường Trám cũ thì diện mạo cũng như diện tích đất đai nhìn chung thay đổi không đáng kể. Rừng chủ yếu là rừng đầu nguồn, có nhiều loại gỗ và động vật quý hiếm, với một hệ thảm thực vật phong phú và đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào sinh cơ lập nghiệp bao đời nay.

Từ xa xưa đồng bào đã dựa vào những đặc điểm vượt trội để đặt tên cho các cánh rừng. Rừng Đồi Khế, nằm ở phía Nam có nhiều gỗ lim quý, nhất là lim xanh. Rừng Đồi Tường, nằm ở phía Đông Nam có nhiều giang, nứa, luồng. Rừng Đồi Cao, nằm ở phía Bắc có nhiều giang, nứa, không có gỗ quý, chân đồi không có mó nước, do vậy được chọn làm bãi tha ma và làng cấm không cho ai phát rừng làm rẫy ở đây.

Cho đến năm 1994-1995, rừng được phân loại và cấp sổ đỏ, giao đến từng hộ gia đình sử dụng và quản lý dưới sự hướng dẫn của Nhà nước. Hiện nay rừng của làng Muốt cũng như xã Cẩm Thành gồm có 3 loại: rừng phòng hộ, rừng tái sinh và rừng trồng.

Những kinh nghiệm trong khai thác rừng: Rừng là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, nếu không có kinh nghiệm trong việc khai thác sử dụng thì sẽ nhanh chóng cạn kiệt, có tác động rất nguy hại đối với sự sống con người và muôn loài. Cư dân Mường, sống dựa vào rừng hàng bao đời, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng tài nguyên rừng có hiệu quả lâu dài, không làm ảnh hưởng xấu đến rừng, đến môi trường sống của cộng đồng.

Gỗ rất cần thiết trong đời sống hàng ngày, đối với đồng bào Mường gỗ chủ yếu dùng để làm nhà, bàn ghế, đóng quan tài... Để làm nhà, người Mường chọn gỗ sến, dổi, lim, chò, ngù hương, sú, còn những loại gỗ bi, trám, trầm dùng làm quan tài. Theo kinh nghiệm gỗ bi là loại gỗ chịu được nước và lâu bị mục rữa.

Theo kinh nghiệm dân gian, muốn gỗ tốt, bền thì phải khai thác vào mùa thu đông, nếu chặt vào mùa hè thì gỗ hay bị mọt do thời tiết nóng. Không nên khai thác gỗ vào mùa xuân vì đây là mùa sinh trưởng của cây, các chất trong cây tập trung vào nuôi lá, cành dẫn đến gỗ kém bền. Hơn nữa mùa xuân cũng là mùa đâm chồi của cây non, nếu đốn gỗ sẽ làm ảnh hưởng đến những mầm chồi của thảm thực vật và tầng tán thấp nhất của rừng.

Người Mường rất có kinh nghiệm trong việc sử dụng gỗ, luồng. Tục ngữ dạy: “Tre 3, luồng 7, gỗ đẫy một năm”. Muốn cho gỗ được bền, người ta ngâm xuống nước ít nhất một năm sau đó mới đem vào sử dụng.

Luồng cũng là loại cây quan trọng thường dùng để làm nhà, bè, mảng, đan lát... Đất Cẩm Thủy nói chung và làng Muốt nói riêng có thổ nhưỡng phù hợp nên ở đây có những cánh rừng luồng, giang, nứa bạt ngàn. Không phải vì thế mà người Mường tự do khai thác, ngược lại họ còn có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác luồng rất hiệu quả.

Cũng như gỗ, luồng khai thác vào mùa hè dễ bị mọt và nhanh hỏng. Tháng 5, tháng 6 là mùa măng luồng, măng mai mọc... nếu chặt luồng vào mùa này thì ít nhiều cũng bị gẫy măng cho nên thường mùa thu đông là thời gian khai thác hợp lý và khoa học nhất. Từ khi măng đâm chồi đến hơn một năm sau là lúc luồng ở độ bánh tẻ, thân cây thẳng, bóng đẹp rất phù hợp cho việc làm nhà, làm đòn tay, rui, mè. Người Mường thường không dùng luồng già để làm nhà vì hay bị cong, thân cây đen xấu.

Với người Mường hái lượm rau rừng là công việc dành riêng cho phụ nữ, thường kết hợp khi làm rẫy, chăn trâu, lúc rỗi rãi... Công cụ hái lượm rất đơn giản, con dao là thông dụng nhất, dùng để chặt, cắt, đào, bới,... Họ còn dùng thuổng, cuốc để đào củ mài, củ kiệu, củ nâu. Với người phụ nữ cái “dón” bao giờ cũng được đeo ở bên mình khi ra khỏi nhà như đi chơi, đi cấy, đi gặt, đi rừng..., ngoài chức năng để đựng trầu còn có chức năng đựng rau lúc gặp dịp, khi tiện tay.

Vào mùa xuân hàng năm, khi măng ở địa phận rừng làng đã nhú ngọn, thì ông xã truyền đánh một hồi trống, báo hiệu đóng cửa rừng, nghiêm cấm việc đào măng. Khi măng mọc được từ 15 đến 20 ngày, ông xã lại đánh một hồi 3 tiếng trống, báo hiệu mở cửa rừng để dân trong làng đi lấy măng trong thời gian từ 1 đến 3 ngày tùy theo măng nhiều hay ít, do đó một vụ măng cũng phải đóng cửa rừng 5-6 lần. Trong năm măng mọc dài suốt ba vụ xuân, hạ, thu.

Ngoài nguồn măng, rừng còn cung cấp nhiều loài rau, loại cây có giá trị phục vụ việc chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe, tạo nên văn hóa ẩm thực Mường phong phú và đặc sắc.

Bên cạnh khai thác nguồn gỗ, luồng, măng, hái lượm rau rừng là công việc săn bắn. Đi săn gồm có hai hình thức, cá nhân và tập thể. Dĩ nhiên, mục đích của đi săn, đi bẫy là tìm kiếm nguồn thức ăn tại chỗ và bảo vệ mùa màng, song đối với người Mường đi săn còn là thú tiêu khiển của giới mày râu. Trước đây, người Mường có lịch săn bắn riêng, rất tiếc đến hiện nay không còn lưu lại.

Người Mường kiêng kỵ nhất là đi săn vào mùa xuân. Đây là mùa sinh sản của thú rừng nên thịt thường gầy và hôi, ăn không ngon. Hơn nữa đó là ý thức bảo vệ trong việc dự trữ nguồn động vật tự nhiên. Ngoài ra, mùa xuân, mùa hạ là mùa rắn rết, kẻ thù nguy hiểm nhất của người đi săn, đi kiếm mồi, vả lại mùa này thú rừng không bắt đèn, nhìn thấy ánh sáng đèn săn, thú thường bỏ chạy.

Trong mùa săn thu đông, để có hiệu quả nhất, người ta thường đi săn từ ngày 17 âm lịch cho đến cuối tháng, từ 6 đến 8 giờ tối. Theo kinh nghiệm dân gian, đây là lúc thú đi kiếm ăn, người Mường gọi là thú ăn “tranh trăng”.

2. Những quy ước trong việc quản lý tài nguyên rừng

Ngoài việc dùng quy ước phân thủy để quản lý phạm vi rừng chung của cả làng thì người Mường trước đây còn có những quy ước không thành văn trong việc quản lý rừng để bảo vệ lâu dài có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này.

Trước hết là việc quản lý rừng đầu nguồn. Đây là những cánh rừng lớn có nhiều loài gỗ và động vật quý hiếm, có trữ lượng nước lớn cung cấp nước quanh năm cho dân làng. Chính vì thế làng cấm mọi người chặt phá bừa bãi rừng để làm rẫy, mặc dù đây là loại rừng có chất đất tốt, độ mùn cao thuận lợi cho cây trồng phát triển. Ngoài ra, làng còn quy định chỉ được khai thác ở khu rừng này những cây gỗ già đủ độ tuổi sử dụng, khi lấy gỗ ở đó phải hỏi ý kiến và được sự đồng ý của trùm làng và các cụ cao niên trong làng. Tuyệt đối không được chặt gỗ của làng để bán cho các làng khác. Lưu giữ nguồn nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.

Một khu rừng cấm khai thác gỗ cũng như làm rẫy đó là rừng ma (nghĩa địa) mà người Mường gọi là tôồng. Theo quy ước, dân làng phải có trách nhiệm chung trong việc bảo vệ rừng, nếu như có người ngoài làng vào rừng chặt trộm gỗ, người dân phát hiện được phải báo với trùm làng thu lại số gỗ đã chặt cùng với những phương tiện khai thác. Nếu người chặt trộm gỗ có ý ăn năn hối lỗi thì phải sắm 1 con lợn khoảng 20kg, 30kg cùng 2 con gà trống thiến đến tạ lỗi và xin chuộc dụng cụ đã bị bắt. Số lợn và gà đó được làm thịt để thiết đãi trùm làng, các cụ già và lang đạo trong làng.

Khi đốt rừng làm rẫy nếu gia đình nào không cẩn thận để cháy rừng thì bị làng phạt một con lợn khoảng 25kg đến 30kg, rượu, gạo đủ để cho cả làng mỗi nhà một người đại diện ăn uống một bữa tại nhà trùm làng. Gia đình bị phạt phải phục vụ cho đến khi làng ăn uống xong mới được ra về.

Tuy nhiên, những gia đình ở làng khác nếu thiếu một vài cây gỗ để làm nhà hoặc làm quan tài thì phải sắm một đôi gà trống thiến, hai chai rượu hoặc một bình rượu cần mang đến nhà trùm làng để xin gỗ. Nếu dân làng sở tại thiếu gỗ thì cũng phải đi xin gỗ ở làng khác theo tục lệ này.

Bắn được thú rừng, con thú nằm chết trên địa phận làng mình thì được chia các phần thịt theo quy ước cụ thể như: người bắn chết thú được một cái thủ và một cái đùi cùng một phần thịt. Trường hợp con thú mới bị thương phải đến người thứ hai bắn mới chết thì người thứ hai được chia thêm một phần thịt. Người có chó săn cùng tham gia cuộc săn thì được thêm một khoanh thịt cổ, còn tất cả mọi người tham gia đều được chia phần bằng nhau nếu được thú lớn thì phường săn ngoài việc phải biếu lang đạo một đùi trước còn phải biếu ông trùm, ông xã mỗi một phần thịt tương đương phần thịt của những người tham gia cuộc săn.

Ở người Mường Cẩm Thành cũng có quy ước bảo vệ nguồn động vật. Theo đó dân ở làng nào chỉ có quyền được phép săn bắn ở địa phận rừng của làng đó, tuyệt đối không được săn bắn ở rừng của làng khác. Trong trường hợp người đi săn bắn con thú trên đất rừng của làng mình, nhưng con thú lại chết trên đất rừng của làng khác thì phần thịt con thú đó được chia đôi. Phía con thú nằm tiếp đất làng được hưởng, phía còn lại thì thuộc về người thợ săn. Con thú được làm thịt ở nhà trùm làng- nơi con thú nằm chết, những người tham gia khiêng thú cũng được phần thịt tùy theo mức độ to nhỏ của con thú.

Từ xa xưa người Mường tuân thủ quy ước, khi vào rừng chọn được gỗ, tìm thấy tổ ong, người ta đánh dấu chéo hình chữ thập, hoặc cắm một cây nêu vào gốc cây để báo cho người khác biết đã có người sở hữu, những người phát hiện sau không được xâm phạm.

Từ cuối những năm 1970, Nhà nước đã bắt đầu định hướng lại chính sách lâm nghiệp: Việc tái trồng rừng và bảo vệ rừng được ưu tiên số một, thay cho việc chú trọng khai thác trước đây. Một loạt các chính sách, chương trình, kế hoạch liên quan đến bảo vệ rừng được soạn thảo và thực hiện. Bên cạnh thực hiện luật bảo vệ rừng của Nhà nước, một số làng Mường còn xây dựng quy ước riêng. Chẳng hạn, ở làng Muốt trong điều 10 của quy ước nếp sống làng văn hóa có ghi “... phần đất rừng của các hộ đã được giao theo chương trình 327 phải bảo vệ môi trường khai thác có hiệu quả. Nghiêm cấm mọi người chặt phá bừa bãi, nếu vi phạm sẽ phải phạt bồi thường thiệt hại mức thấp nhất là 50.000 đồng ai phát hiện được người vi phạm thì được làng thưởng. Mọi cá nhân và tổ chức đến khai thác phải có giấy phép của UBND huyện và UBND xã. Nếu không có đủ thủ tục trên thì làng sẽ phạt từ 100 đến 500.000 đồng”.

3. Tri thức địa phương - giá trị văn hóa tộc người Mường

Trải qua bao đời sống chung, sống cùng với tự nhiên, người Mường xứ Thanh đã tích lũy được nhiều tri thức trong sử dụng cũng như quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tất cả những giá trị ấy nhằm ngăn chặn tình trạng cạn kiệt suy thoái nguồn tài nguyên. Suy cho cùng nếu sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên thì tri thức địa phương không chỉ có giá trị trong phạm vi một tộc người mà đó là tài sản chung của cả dân tộc.

Người Mường cũng rất hữu thức trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên rừng thông qua việc sử dụng khai thác và quản lý. Người Mường cũng phát rừng làm rẫy như nhiều dân tộc khác, cũng khai thác gỗ luồng làm nhà, cũng hái măng để ăn, cũng săn thú để sống... thế nhưng trong từng công việc cụ thể họ luôn luôn ý thức để dành cho ngày mai. Chính vì thế mà mãi đến đầu thập niên 60 của thế kỷ XX rừng của người Mường vẫn còn bạt ngàn với nhiều loài gỗ, động vật quý, kể cả cá, tôm, cua, ốc ở khe suối, đồng ruộng... Điều này chứng tỏ người Mường đã sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua một hệ thống tri thức địa phương.

Bên cạnh những tri thức trong việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên đó là những quy ước. Giống như một số tộc người khác, mỗi quy ước có 2 phần: trách nhiệm của mỗi người và hình phạt. Trong đó trách nhiệm là nội dung chính, còn hình phạt có chức năng củng cố thêm trách nhiệm, và thực tế được biết hành vi vi phạm các quy ước rất hiếm khi xảy ra trong cộng đồng Mường. Sức mạnh của các quy ước là ở chỗ, nó đáp ứng được đúng mục đích và hợp với lòng dân, được mọi người trong cộng đồng chấp nhận (2). Đồng thời các quy ước được thường xuyên nhắc nhở mỗi khi họp làng, hội đình; được các bậc ông bà, cha mẹ truyền lại cho các thế hệ con cháu. Vì vậy, các quy ước trong việc quản lý bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên trong địa bàn cư trú của cộng đồng được người Mường tuân thủ một cách tự nguyện và trở thành một tập quán.

Hiện nay, hệ thống luật pháp Nhà nước đã thấm vào các làng Mường, song các quy ước trong việc quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên không giảm đi mà còn giữ nguyên giá trị. Nó vừa có mối quan hệ với luật pháp nhưng đồng thời cũng có tính độc lập nhất định. Sức mạnh của quy ước trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên cùng đồng hành và hỗ trợ luật pháp khi luật pháp chưa giải quyết một cách thấu đáo một vấn đề nào đó liên quan đến việc quản lý tài nguyên trong từng làng xã cụ thể. Chính vì thế vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng thôn cực kỳ quan trọng trong việc duy trì củng cố cũng như điều hòa các quy ước truyền thống trong xã hội hiện tại.

____________________
1. Theo số liệu tổng điều tra dân số năm (1999) người Mường ở Thanh Hóa có dân số 322.879 người (Dẫn theo: Địa chí Thanh Hóa, tập I, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000). So với người Mường trong cả nước, người Mường ở Thanh Hóa chiếm xấp xỉ 29% dân số.
2. Vương Xuân Tình, Nguyễn Ngọc Thanh, Tập quán bảo vệ rừng và nguồn tài nguyên của các dân tộc Tày, Nùng, Kinh ở 2 tỉnh Lạng Sơn và Hà Bắc, trong chương trình: Lâm nghiệp Xã hội Việt Nam - Ngân hàng tái thiết Đức, Hà Nội, 1996.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.