Trầu không
Đó là một dây leo mọc bám. Cành hình trụ, nhẵn, có khía dọc, bén rễ ở những mấu. Lá mọc so le, hình tim tròn, gốc đôi khi hơi lệch, đầu nhọn, dài 10-13cm, rộng 4,5-9cm, hai mặt nhẵn, mặt trên mục lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt có gân nổi rất rõ, cuống lá có bẹ dài.
Cụm hoa mọc buông thõng ở kẽ lá thành bông ngắn; hoa đực dài có lông, nhị 2; hoa cái dài khoảng 5cm, cuống phủ lông dày, bầu có lông ở đỉnh.
Quả trầu không mọng, tròn và có lông ở chóp. Toàn cây có tinh dầu thơm, cay, mùa quả tháng 5 - 8.
Công dụng và cách dùng
Theo kinh nghiệm dân gian, lá trầu không và gừng sống ép lấy nước uống chữa ho, khó thở. Nước ép lá trầu không pha loãng với nước có tác dụng phòng chống viêm họng và trợ lực tốt cho các thuốc trị bệnh bạch hàu. Lá trầu không và lá ráy (lượng bằng nhau) giã nhỏ, hơ nóng, đắp chữa sưng tấy. Trầu không (3-5 lá), cau (1 hạt) phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, rắc làm thuốc cầm máu. Lá trầu không phơi khô, tán thành bột (100g) ngâm nhỏ giọt nhiều lần với nửa lít nước rồi cô thành cao đặc. Sau đó, pha chế với vaselin thành thuốc mỡ 1%, dùng bôi chữa bỏng rất tốt.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều đơn vị y tế ở chiến trường miền Nam đã dùng nước trầu không - phèn chua để rửa vết thương thay thuốc tím và thuốc đỏ. Cách làm cụ thể như sau: Lá trầu không tươi (40g), rửa sạch, đun với hai lít nước cho sôi trong 15 - 20 phút. Sau đó để nguội, gạn lấy nước trong, cho phen phi (8g) vào, đánh tan. Lọc - đựng vào chai kín dùng dần.
Rễ trầu không (10g) phối hợp với rễ cau (10g), thái nhỏ, sắc với 400ml nước. Đến khi nước trong bình còn khoảng 100ml thì bắc ra, uống làm 2 lần trong ngày sẽ có công dụng chữa đái nhắt, đái buốt. Phụ nữ có thai không được dùng.
Nguồn: KH&ĐS Chuyên đề NTDTTS&MN Số 3 10/11/2006