Trạng nguyên Nguyễn Hiền nhìn từ góc độ văn hoá Hán Nôm
Nguyễn Hiền người làng Dương Miện huyện Thượng Hiền phủ Thiên Trường, lộ Sơn Nam (1) sinh khoảng năm 1235 thời Trần. Khoa thi Hương năm Bính Ngọ niên hiệu Thiên Ứng 15 (1246) đời Trần Thái Tông ông thi đỗ giải nguyên (thủ khoa), khoa thi Hội năm Đinh Mùi (1247), tiếp ông đậu Hội Nguyên. Ngay sau đó ông dự tiếp thi Đình, vua ra đề phú “ Áp tử từ kê mẫu du hồ phú” (Vịt con từ giã mẹ gà đi chơi hồ) ông lại trúng Đình nguyên và được vua ban cho danh hiệu Trạng nguyên. Ông là người đầu tiên ở nước ta đỗ thủ khoa liền cả ba khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình. Ông mất năm Ất Mão (1225) (2) khi mới 21 tuổi, vua Trần cho xây đền thờ ngay trên nền nhà của ông ở quê nhà. Ngôi đền thờ Nguyễn Hiền trải nhiều triều đại, qua bao cuộc bể dâu đến nay vẫn tồn tại như một chứng nhân của lịch sử.
Tư liệu Hán Nôm còn lại là những dòng văn khắc trên các hoành phi, câu đối, biển gỗ, bia đá, những chữ chép tay trên giấy cùng một số sắc phong của mấy triều đại đã tạo nên mảng tư liệu không nhỏ về Trạng nguyên Nguyễn Hiền, được bảo lưu ngay trong đền thờ ông và tản mạn trong các tư gia ở những địa phương khác nhau quanh khu vực Sơn Nam cũ. Nhìn chung các văn bản chữ hán chép tay đều do cháu chắt nhiều đời của Nguyễn Hiền thực hiện dựa trên tư liệu truyền khẩu và một số tư liệu khác của dòng họ Nguyễn này.
Đầu tiên phải kể đến bài phú thi Đình “ Áp tử từ kê mẫu du hồ” được chép lại vào tháng 8 năm Quí Dậu và treo ngay trong ngôi đền. Bài phú này được chi phái của dòng họ quan trạng sao chép lưu giữ và truyền tụng trong dòng họ (1)
Văn bản chữ hán chép tay có đầu đề “ Namquốc vĩ nhân Trạng nguyên Nguyễn Hiền” (Vĩ nhân nước Nam Trạng nguyên Nguyễn Hiền) như một bản thần tích nhưng sinh động mang đậm nét sắc mầu văn hoá dân gian. Nội dung ghi rõ hành trạng, tài trí và công tích của ông, chi tiết đến cả việc khi ông mất được vua Trần truyền chỉ đổi huyện Thượng Hiền thành huyện Thượng Nguyên để tỏ lòng kính trọng kiêng huý như các bậc tiên đế mình. Phụ chú còn ghi “Trạng nguyên Nguyễn Hiền mất sớm, thân mẫu Trạng nguyên sau qui y theo đại phật cùng Trạng nguyên phu nhân Trần Thị Châu, tu hành ở chùa, nuôi dưỡng cháu đích tôn là Nguyễn Ngộ Duyên, về sau học thành tài được triều đình bổ dụng giúp việc triều chính làm cho đức sáng của Trạng nguyên càng thêm tỏ. Từ thời Trần trải các triều Lê, Mạc, Trịnh thi thư văn vật hanh thông nối đời khoa giáp nho phong thịnh đạt”.
Bài thơ ngũ ngôn nổi tiếng do Nguyễn Hiền làm để trả lời sứ phương Bắc được người đời truyền tụng cũng được hậu duệ quan trạng chép lại thành văn đóng khung treo trong ngôi đền thờ:
Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Lưỡng vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành gian
Tạm dịch:
Hai chữ “nhật” bằng đầu nhau
Bốn chữ “Sơn” xếp chồng xuôi ngược
Hai vua (chữ vương) tranh một nước
Bốn miệng “chữ khẩu” ngang dọc đầu quay vào nhau.
Văn khắc chữ Hán trong đền còn lại gồm 8 bức hoành và 17 đôi câu đối. Nổi bật là bức “ Hoa quốc phúc dân” (Khiến nước tươi đẹp, dân được tốt lành) do Hiệp biện Đại học sĩ Tổng đốc khâm sứ Phan Đình Khôi triều Tự Đức (3) cung tiến
Bức “khai trạng nguyên quốc” (mở đầu danh vị Trạng nguyên của đất nước) có niên đại Tự Đức 18 (1865) đi liền với đôi câu đối:
“Đông A nhất giáp sinh tri trạng
NamViệt thiên thu quốc tế thần”
Câu đối ca ngợi tên tuổi và công tích của Nguyễn Hiền:
Danh tự Trạng nguyên đằng bắc địa
Công huân sử ký tráng Nam Thiên
Tạm dịch:
Tên tuổi Trạng nguyên vang đất Bắc
Công lao sử chép rạng trời Nam
Hay câu:
“Văn quang địa vọng tam khôi tuyển
Thiếu tuấn thiên tài lưỡng quốc tri”
Tạm dịch:
Văn nghiệp rực rỡ mọi người đều ngưỡng vọng được chọn vào hàng Tam khôi
Bậc thiên tài anh tuấn tuổi thiếu niên hai nước đều biết tiếng
Và:
“Minh đô văn uý dư thiên tải
Đỉnh giáp sinh tri thuỷ nhất nhân”
Tạm dịch::
Một vùng đẹp đẽ văn học vẻ vang dư hơn ngàn năm
Tên nêu đầu bảng sinh ra đã biết mới có một người.
Hoặc nhắc lại tích của bài thơ ngụ ngôn về chữ “điền”:
“Bắc sứ kinh văn điền tự tán
Thượng nguyên trường ký ấp danh tôn”
Tạm dịch:
Sứ Bắc kinh sợ khi nghe việc bình chữ “điền”
Đất Thượng Nguyên còn ghi mãi tên tôn ấp”
(1) Tương truyền năm giỗ sau khi Nguyễn Hiền mất vua sai sứ giả mang bốn chữ “Hoa quốc phúc dân” xuống ban cho ông.
Hoặc nói về thuyết phong thuỷ “Địa linh sinh nhân kiệt” nơi sinh ra và cũng là nơi thờ phụng Trạng nguyên
“Thất tinh ngũ mã sinh anh tuấn
Vạn cổ thiên thu thư miếu đình”
Theo thuyết phong thuỷ ngôi nhà sinh ra Nguyễn Hiền (sau trở thành đền thờ ông) là cuộc đất rất đẹp: tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền án với “ngũ mã triều tiền”, hậu chẩm là “thất tinh ủng hậu” thuỷ tàng khí tụ sinh bậc anh tuấn cho đời, cho đến nay địa thế xung quanh có thay đổi đôi chút nhưng về tổng thể vẫn giữ được cảnh trí như xưa.
Đền thờ Nguyễn Hiền được các triều đại phong kiến Việt nam ban sắc phong là “Trác vĩ thượng đẳng thần”, vì nạn binh hoả triền miên nên số sắc phong hiện còn lại không nhiều và chủ yếu có niên đại cuối thời Nguyễn.
Bên cạnh tư liệu Hán Nôm trên, cháu chắt Nguyễn Hiền còn truyền giữ được bài văn tế về tổ tiên mình. Văn bản Hán Nôm này không ghi niên đại và tên tác giả nhưng lời văn sâu xa, ý tứ đầy đủ cả về hành trạng và công tích của vị Trạng nguyên, chi tiết cả đến việc biện giải rõ ràng bài thơ chữ “điền” và hai chữ “Thanh thuý”. Dưới đây xin được trích giới thiệu bài văn tế này:… Thánh thượng ngũ mã chứa thiêng thất tinh rực rỡ, hơn tài hơn đức bẩy trăm năm danh thế anh hoa, trước biết trước hay mấy ngàn thuở chẳng truyền bí ẩn. Xuân thu xoay thuộc một vòng, tiếng giỏi được nghe lên chín bệ. Trời cho trúng tuyển tam khôi hùng văn đại bút nổi bật xưa nay, bảng giáp đứng đầu tên, tháp nhọn đầu ngao rỡ ràng chữ họ. Phẩm giá siêu quần vốn ưu, văn chương hữu dụng ở đó. Sớm biết chữ “Thanh thuý” (4) cột giường cao ngất trời Nam , biện giải thơ chữ “điền” kiến thức nghe kinh đất Bắc. Có công to đức sáng ở đời nên nước phong cho địa vị quí. Bảng vàng thêm mũ vàng đời lưu ơn xích mạch. Có công phò nước, có đức cho dân. Thượng Hiền được cải làm Thượng Nguyên vì nước trọng lễ kiêng đặt tên. Danh vang hai triều muôn năm vườn uyển lưu thơm, là giỏi tức là thiêng, ức thủa quốc dân sùng bái. Nay thuộc tiết thu khánh huý kính bầy lễ mọn, xin chứng lòng thành ban cho phúc lớn. Thôn xóm được hưởng ân trạch thi thư văn vận hanh thông, hậu học được nối đời khoa giáp vẻ vang nho phong hưng phát, muôn nhà đức lớn mong sức âm phù vậy. Cẩn tâu…
Ngoài số tư liệu Hán Nôm ở đền thờ và gia tộc Nguyễn Hiền còn một số văn bản Hán Nôm khác nữa chép trong sách Trung hưng thực lụcvà trong gia phả dòng họ Từ. Nội dung ca ngợi vị Trạng nguyên mà tài danh lẫy lừng cả đất Bắc trời Nam, tiếng thơm muôn thuở uy linh còn mãi giúp nước, giúp dân. Đó là bài thơ của Thượng thư bộ Công Hồ Sĩ Dương viết vào tháng 7 năm Bính Thân niên hiệu Lê Vĩnh Trị (1676), khi ông tới thăm đền thờ Nguyễn Hiền ở Dương A Nam Định, nhan đề bài viết là “Điếu trạng nguyên từ”
Trung tâm quốc nội bất như tiền
Hạnh đắc kim thì đáo miếu biên
Danh tự Trạng nguyên đằng Bắc địa
Công huân sử ký tráng Nam thiên
Dữ tri triều dã giai suy trọng
Do thị vân sơn hạ trạo thuyền
Hồi thủ đa nhân ly tội võng
Khởi tham đại phú giữ cao quyền
Tạm dịch:
Thăm đền Trạng nguyên
Người có tấm lòng trung ở trong nước nay không còn được như trước nữa
May sao nay tôi lại có dịp đến thăm đền
Danh tiếng Trạng nguyên của ông lừng lẫy cả đất Bắc,
Công lao chép ở sử ký cũng làm tăng thêm ký mạnh của trời Nam
Chắc vì hay từ triều đình đến nơi thôn dã đã biết cả mà trân trọng
Cho nên chở mái chèo trên thuyền đi du ngoạn cảnh núi mây
Ngoảnh đầu laị mà xem nhiều người vướng vào nơi tù ngục
Phải chăng vì tham quyền cao chức trọng và sự giàu có?
Một bài thơ khác của Tổng đốc Nam Định Từ Đạm viết nhân chuyến đến thăm đền Trạng nguyên vào năm Thành Thái, 1893 khi ông nhận nhiệm vụ đi xây sửa các di tích văn hoá lịch sử ở tỉnh Nam Định. Bài này chép trong tập Từ gia thế phảcủa dòng họ Tổng đốc Từ Đạm. Nội dung bên cạnh lời ca ngợi Nguyễn Hiền cũng là lời gửi gắm tâm trạng của một con người có tấm lòng đa ưu
Phiên âm
Bái Trạng nguyên từ
Tự sơ tiểu quốc thiếu tài nhân
An kiến văn tinh xuất hải tân
Nguyễn trạng thần đồng danh lưỡng quốc
Công quan thánh đoán nghiệp thiên xuân
Nội xâm ngoại tặc giai kinh tị
Lão bão nhi ôn cộng hà ân
Tiền sự mỗi ngôn thường mộng tưởng
Nguyện trừ dị chủng tựu khi lâm
Tạm dịch:
Tới đền quan Trạng
Từ xưa vẫn nói rằng nước nhỏ ít có người tài
Đã thế thì sao thấy được ngôi sao văn học toả sáng ở nơi bãi biển quê mùa
Trạng nguyên thần đồng họ Nguyễn danh vang hai nước
Vị quan bộ Công tài giỏi như thánh, sự nghiệp để mãi ngàn năm
Thù trong giặc ngoài thảy đều sợ hãi tránh xa
Trẻ vui vẻ già no ấm đều được nhờ ơn
Mỗi khi nói đến việc xưa thì đầu cầu mong người phù hộ
Nguyện diệt trừ hết bọn dị chủng đang tới khinh rẻ dân ta.
Trong bài có câu “công quan thánh đoán nghiệp thiên xuân” (vị quan to bộ công tài giỏi như thánh, sự nghiệp để mãi ngàn năm) khiến chúng tôi phải giới thiệu cả bài vị thờ của Trạng nguyên Nguyễn Hiền trong đền thờ Dương A, Nam Định;
“Trần triều Đinh Mùi khoa Trạng nguyên thăng kim tử vĩnh lộc đại phu Công bộ Thượng thư Nguyễn tướng công huý (Hiền, tự Khôi Nguyên tiên triết thần vị”
Nghĩa là thần vị Trạng nguyên khoa Đinh Mùi triều Trần, thăng chức Kim tử vinh lộc đại phu, Thượng thư bộ Công Nguyễn tướng công, tên huý là Hiền, tên tự là Khôi Nguyên.
Tư liệu Hán Nôm về Trạng nguyên Nguyễn Hiền chắc chắn còn tiềm ẩm trong lòng các di tích thờ phụng ngài và tồn tại trong văn hoá dân gian Việt Nam . Với khuôn khổ một bài viết này chúng tôi không thể đề cập hết được, xin dành cho những ai có tấm lòng đối với Trạng nguyên Nguyễn Hiền, đối với các bậc tiền bối của dân tộc ta.
__________________________
1. Sau đổi là thôn Dương A huyện Thượng Nguyên, nay là thôn Dương A xã Nam Thắng huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
2. Về năm sinh và mất của Nguyễn Hiền chúng tôi tạm dựa trên tư liệu Hán chép tay của hậu duệ Nguyễn Hiền ở thôn Dương A Nam Thắng Nam Trực Nam Định, có thể chưa được chính xác, xin nêu ra như một tư liệu tham khảo.
3. Xem bài “Về bài phú tương truyền của Trạng nguyên Nguyễn Hiền” của Nguyễn Minh Tường cũng ở trong tập này.
4. Chữ “Thanh thuý”: năm 1249 đời Trần Thái Tông, vua Tống Trung Quốc gửi thông điệp đến triều ta hai chữ “Thanh thuý” ( ) không ai giải được, chỉ có Nguyễn Hiền giải rằng đây là ẩn ý của nhà Tống, chữ Thanh là thập nhị nguyệt (tháng 12). Chữ thuý là “xuất tốt” (xuất quân) nghĩa là tháng 12 xuất quân, ý vua Tống muốn cầu viện binh ta, giúp họ giữ vững biên giới Tây Nam .
Nguồn: Xưa và Nay, số 78, tháng 8 - 2000