Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 09/07/2007 22:55 (GMT+7)

Trần Khánh Dư (? – 1339)

Năm Mậu Ngọ (1258) quân Mông Cổ xâm lược nước ta lần thứ nhất. Trước thế giặc mạnh, vua Trần thực hiện chính sách “vườn không nhà trống”. Vị tướng trẻ Trần Khánh Dư đã chọn vùng đất ven đê tả ngạn sông Hồng, cách kinh thành Thăng Long 18 km về phía đông nam là kho dự trữ lương thảo (Mễ Sở), tên đó còn được lưu truyền đến ngày nay – Mễ sở thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Ngày 29 – 01 – 1258, vua Trần Thái Tông cầm quân ngược sông Hồng tấn công quyết liệt vào trại giặc ở Đông Bộ Đầu. Trong trận này, tướng trẻ Khánh Dư bằng mưu trí sáng tạo, đột kích bất ngờ vào trại giặc. Quân Nguyên bị đánh bật khỏi kinh thành tháo chạy về Vân Nam .

Tại lễ mừng công ban thưởng đầu xuân 1258 Trần Khánh Dư được vua Trần Thái Tông khen là người có trí lược, nhận là con nuôi (Thiên tử Nghĩa Nam ) và phong tước Nhân Huệ Vương. Sau đó Khánh Dư lại đánh thắng người Man ở vùng sơn cước được phong làm “Phiêu Kỵ Đại tướng quân” tước Thượng vị hầu (chức tước này chỉ các hoàng tử mới được phong, Trần Khánh Dư là con nuôi của vua, được coi như hoàng tử). Rồi từ Trật hầu phong mãi đến Tải Phục Thủ vị hầu, quyền chức Phán Thủ.

Sau đó Khánh Dư phạm tội tư tình với công chúa Thiên Thuỵ. Bấy giờ Hưng Võ Vương Nghiễn là con trai Trần Hưng Đạo có công đánh giặc, được hứa gả công chúa Thiên Thuỵ. Vua sợ phật ý Trần Hưng Đạo sai người đánh Khánh Dư ở ven Hồ Tây sau đó xuống chiếu cách mọi chức tước tịch thu gia sản đuổi về Chí Linh làm dân thường, chèo thuyền đi bán than. Bài thơ sau đây là của Khánh Dư làm trong giai đoạn khó khăn này:

Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn

Hỏi rằng chi đó? Dạ rằng than

Đói no chẳng quản đồng tiền tốt

Hơn thiệt nài chi gốc củi tàn”.

Thời kỳ lam lũ đi bán than ông thường rong ruổi khắp vùng sông nước, từ Vạn Kiếp, Lục Đầu ngược lên Na Sầm, Lục Ngạn, xuôi tận “Tam Trữ Nguyên”, Ba Chẽ - Quảng Ninh. Năm Kỷ Mão (1279) ông ra tận cửa biển An Bang, Vân Đồn - Quảng Ninh, đi đến đâu cũng đều ghi chép địa hình, mực nước nông sâu của cả vùng sông nước, từ đó có sự hiểu biết sâu rộng về thuỷ văn.

Tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1282) vua Trần Nhân Tông tới vùng Trần Xá để họp Vương hầu bàn kế chống giặc. Trông thấy thuyền than, thoáng thấy Khánh Dư vua cho gọi đến.

Toàn Thư bản kỷ(quyển 5) ghi lại tình tiết này như sau:

“Vua xuống chiếu miễn tội. Khánh Dư lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự, ngồi hàng dưới các vương, trên các công hầu cùng bàn việc công, nhiều điều hợp ý vua”.

Hội nghị Bình Than có mục đích bàn kế đánh phòng và chia quân giữ nơi hiểm yếu, không họp ở Thăng Long vì muốn tránh con mắt dò xét của sứ thần nhà Nguyên lúc này đang có mặt tại Thăng Long.

Sau cuộc họp Khánh Dư được phong làm Phó đô Tướng quân, giao cho phòng giữ cửa Vân Đồn (1)Quảng Ninh.

Tục ở đó lấy buôn bán làm kế sinh nhai; ăn uống may mặc đều dựa theo khách buôn phương Bắc. Khánh Dư duyệt quân các trang ra lệnh “Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc. Không đội nón của phương Bắc sợ khi vội vàng, khó lòng phân biệt; nên đội nón Ma Lôi (2),ai trái tất phải phạt”. (Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lộ, hương này khéo nghề đan cật tre làm nón cho nên lấy tên hương làm tên nón).

Khánh Dư đã sai người nhà mua nón từ trước, chở thuyền đến đậu sẵn trong cảng. Lệnh phát ra, người người trong trang nối gót ra bến tranh nhau mua nón. Ban đầu mua không tới một tiền một nón. Sau giá tăng lên bán một nón một tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm. Khánh Dư trở thành nhà kinh doanh giàu có.

Đại Việt Sử Ký toàn thư tập 2 trang 60 ghi: “ Khi ấy (1287) thuỷ quân Nguyên đánh vào Vân Đồn. Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thuỳ cho Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương. Khánh Dư thất lợi. Thượng Hoàng được tin, sai Trung Sứ giải về kinh chịu tội. Khánh Dư nói với Trung Sứ: Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội. Nhưng xin khất 2 – 3 ngày để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn”.Trung Sứ theo lời xin đó.

“Khánh Dư liệu biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải tất theo sau nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến. Khánh Dư đánh bại chúng bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết. Tù binh cũng rất nhiều. Tướng giặc là Trương Văn Hổ nhảy xuống một chiếc thuyền nhỏ trốn về Quỳnh Châu, thoát thân một mình. Khánh Dư lập tức sai chạy ngựa mang thư về báo tiệp. Thượng hoàng tha cho tội trước, không hỏi đến và nói với Trần Hưng Đạo: “Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới. Nay đã bị ta cướp cả rồi, thì thế nó không tràng cửu được nữa. Nhưng nó chưa biết, tất còn đắc chí. Vậy ta nên thả những quân bị bắt cho nó về báo tin với Thoát Hoan, thì quân sĩ của nó tất ngã lòng. Bấy giờ phá mới dễ” (3).

Từ đó quân của Thoát Hoan xôn xao hoang mang, mà lương thực ngày một cạn, có bụng muốn về Tầu.

Chiến thắng Vân Đồn của Phó đô Tướng quân Khánh Dư làm cho quân giặc kinh hoàng, thiếu hụt lương thực, nhụt chí xâm lăng, mở đường cho thuỷ quân nhà Trần tạo nên chiến thắng Bạch Đằng lẫy lừng, dẫn tới cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba kết thúc thắng lợi.

Với kinh nghiệm chiến trường dày dạn, kinh qua 3 cuộc kháng chiến, tinh thông binh nghiệp, chính Khánh Dư là người việt lời tựa cuốn Vạn kiếp tông bí truyền thư của Trần Hưng Đạo.

Song người có tài thường có tật. Khánh Dư cũng tham lam (ngày nay gọi là tham nhũng). Sau sự việc buôn nón Ma Lôi, ông trở thành quan chức giàu có nhất Vân Đồn. Thơ mừng của một khách thương phương Bắc có câu:

Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh”

Nghĩa là “Ở Vân Đồn gà chó thảy đều kinh”.

Bề ngoài nói thác là sợ phục uy danh của Khánh Dư mà thực chất là châm biếm ngầm ông ta. Năm 1296 Nhân Huệ Vương Khánh Dư từ Bãi Áng vào chầu ở kinh, người trong trang đâm đơn kiện Khánh Dư. Hành khiển đem sự trạng tâu lên. Khánh Dư nhân đó tâu vua: “Tướng là chinh ưng. Dân lính là vịt. Dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”. Vua Nhân Tông không hài lòng song chỉ tiếc ông có tài làm tướng nên không nỡ bỏ mà vẫn trọng dụng. Tháng 11 Bính Thìn (1316) vua sai Khánh Dư đi Châu Diên làm sổ binh dân (tương tự điều tra dân số, lên kế hoạch tuyển quân, bảo vệ biên thuỳ).

Cuối đời ông về trí sỹ tại thái ấp ở thôn Linh Giàng. Nhận thấy dân làng thuần nông, đời sống vẫn rất khổ cực nên ông đã hướng dẫn khuyến khích dân cư làm nghề phụ sản xuất đồ gốm. Linh Giàng quê ông là nơi hợp lưu của hai con sông lớn là sông Thái Bình và sông Kinh Thầy. Đồ gốm sản xuất ra được vận chuyển đường thuỷ đi bán khắp nơi. Hàng sản xuất ra có nơi tiêu thụ, bao nhiêu cũng hết, nhờ đó kinh tế phát triển. Nghề gốm tồn tại đến ngay nay.

Do vậy thôn Linh Giàng còn có tên là làng Gốm. Ngày 15 – 8 năm Kỷ Mão (1339), Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư qua đời thọ trên 60 tuổi. Vua Trần thương tiếc sắc chỉ cho dân làng Linh Giàng lập đền thờ hàng năm cúng giỗ, gọi là Nhân Huệ Vương từ, hay còn gọi là đền Gốm. Hội đền Gốm trùng với hội đền Kiếp Bạc 15 - 20 tháng 8 âm lịch nên dân thập phương đến trảy hội rất đông.

Tại vịnh Vân Đồn nơi ông trấn trị và lập chiến công, dân làng Quan Lạn tôn Trần Khánh Dư làm Thành Hoàng làng và xây dựng ngôi đình Quan Lạn rất lớn để phụng thờ. Đình Quan Lạn đươc công nhận là di tích lịch sử của tỉnh Quảng Ninh.

Khánh Dư là tướng thuỷ quân có nhiều đóng góp trong 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, đồng thời là nhà doanh nghiệp, nhà kinh tế giỏi biết tổ chức nhân dân trong thái ấp làm nghề phụ, thoát ra khỏi kinh tế thuần nông. Ngày nay dân vùng này vẫn sống về nghề gốm.

Với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, chính quyền thể theo ý nguyện của nhân dân làng gốm Linh Giàng đã dùng tước hiệu Nhân Huệ Vương của ông đặt tên là xã Nhân Huệ, Hải Dương, thành phố quê hương ông cũng như nhiều thành phố khác trong cả nước, kể cả thủ đô Hà Nội, có đường phố mang tên Trần Khánh Dư.

-----
(1)   
Vân Đồn cách thành phố Hạ Long chừng 60 km, đường biển. Vịnh Vân Đồn rộng gần 100 km 2với nhiều dãy đảo vây kín như thành luỹ.

(2)   Ma Lôi nay là thôn Liêu Trì, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Trong thần tích của làng có viết: “Làng xưa là Ma Lôi trang, có nghề làm nón”.

(3)   Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, trang 74, tập 2.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...
Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..
Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.