Trận đánh đồn Ngọc Hồi: Quang Trung dùng bó rơm hay tấm ván?
1. Hai giả thuyết về trận tấn công đồn Ngọc Hồi
Đồn Ngọc Hồi là một vị trí then chốt của quân Thanh ở phía Nam Thăng Long, nơi địch tập trung phần lớn binh lính tinh nhuệ, các tướng lĩnh cao cấp như Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng... là lá chắn bảo vệ cửa ngõ phía Nam kinh thành. Xung quanh đồn được đặt địa lôi, cắm chông sắt dày đặc. Trong đồn được bố trí một hỏa lực rất mạnh.
Rạng sáng mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), Quang Trung bắt đầu công phá đồn Ngọc Hồi. Đoàn quân dàn trận hình chữ "nhất" tiến vào. Hỏa lực địch bắn ra như mưa. Theo Hoàng Lê nhất thống chí:"Vua Quang Trung lại truyền cho lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép ba ván thành một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là 20 bức. Đoạn kén 10 lính khoẻ mạnh, cứ 10 người khiêng một bức, lưng dắt dao ngắn. 20 người khác đều cầm binh khí theo sau, dàn thành trận chữ nhất; Vua Quang Trung cưỡi voi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nổ súng bắn ra, chẳng trúng người nào cả. Nhân có gió Bắc, quân Thanh liền dùng ống phun khói lửa ra, khói tỏa mù trời, cách gang tấc không thấy gì, hòng làm cho quân Nam rối loạn. Không ngờ trong chốc lát, trời bỗng trở gió Nam, thành ra quân Thanh lại tự hại mình. Vua Quang Trung liền gấp rút sai đội khiêng ván vừa che vừa xông thẳng lên trước. Khi gươm giáo của hai bên đã chạm nhau thì quăng ván xuống đất, ai nấy cầm giáo ngắn chém bừa; những người cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới mà đánh. Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy toán loạn, giày xéo lên nhau mà chết" (Hoàng Lê nhất thống chí. NXB Văn học. 2005 tr359, 360).
Đại Việt sử ký tục biên cũng chép tương tự như thế: "Đến ngày mồng 5, khi trời chưa sáng, Nguyễn Huệ tự thân đốc chiến đem hơn trăm voi khoẻ đi trước, quân mạnh đi theo sau, đánh nhau rất lâu.
Kỵ binh của quân Thanh cưỡi ngựa, chợt thấy bầy voi, ngựa đều hí lên quay đầu chạy. Bộ binh bị voi dẫm đạp lên, bèn chạy vào trong lũy, cố thủ, bắn súng ra. Quân Nguyễn Huệ đem những tấm bia đỡ, đạp lũy mà vào" (Đại Việt sử ký tục biên, NXB Khoa học xã hội - H 1991 tr .483). Đại Việt sử ký không nói cụ thể như Hoàng Lê nhất thống chí, nhưng "bia đỡ" thì cũng có nghĩa là những "tấm ván" chứ không thể là bó rơm.
Như vậy, theo Hoàng Lê Nhất thống chí và Đại Việt sử ký tục biên thì để tránh tên đạn của địch, Quang Trung đã cho làm 20 tấm ván, lấy rơm dấp nước phủ ngoài ván, cho người vác lên che chắn phía trước, người đi sau cứ nương theo tấm ván mà xông lên, cho đến khi giáp nhau với địch thì quăng ván đi mà đánh giáp lá cà. Ta đã hạ đồn Ngọc Hồi bằng chiến thuật như thế.
Tuy nhiên, cũng có tài liệu ghi khác, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn) thì cho rằng không phải dùng ván mà dùng những bó rơm to, lăn lên phía trước để đỡ tên đạn. Sách này chép: “Bốn mặt đồn lũy, quân Thanh đều cắm chông sắt. Súng và tên bắn ra như mưa. Giặc dùng những bó rơm to để che đỡ mà lăn xả vào, rồi quân tinh nhuệ tiến theo sau. Kẻ trước ngã, người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu. Các lũy quân Thanh đồng thời tan vỡ và quân Thanh đều chạy. Giặc đuổi đến đồn Nam Đồng, thừa thắng ập lại giết chết. Quân Thanh bị chết và bị thương quá nửa. Thế Hanh, Tiên phong Trương Sĩ Long, Tả dực Thượng Duy Thăng đều chết” (Sđd, q.47, tờ 42).
Thanh thông giám cũng chép tương tự như thế “Vào canh 5 ngày này (mồng năm) Nguyễn Huệ đem đại binh tiến đánh, thân tự đốc chiến, dùng 100 thớt voi khỏe làm tiên phong. Rạng sáng quân Thanh cho kỵ binh nghênh địch, ngựa bị voi quần kinh hãi bỏ chạy, quân rút lui vào trại cố thủ. Phía ngoài trại, lũy đầy chông sắt, bên trong bắn súng ra cự địch… Vào giờ ngọ, quân Nguyễn bắn hỏa châu, hỏa tiễn tới tấp; lại dùng rạ bó to lăn mà tiến đều, khinh binh theo sau, trước ngã, sau tiến lên, một lòng quyết chiến, tại các trại, quân Thanh đồng thời tan vỡ, quân Nguyễn thừa thắng chém, giết, quân Thanh bị tử thương quá nửa” (Thanh thực lục. Bản dịch của Hồ Bạch Thảo, NXB Hà Nội 2007, tr.74).
Như vậy, cho đến nay có hai thuyết nói về chiến thuật công phá đồn Ngọc Hồi của Quang Trung. Thuyết của Hoàng Lê nhất thống chí và Đại Việt sử ký tục biên cho rằng Quang Trung ghép ván, dùng rơm tẩm nước rồi phủ ra bên ngoài để che đỡ. Còn Thanh thông giám và Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì lại cho rằng Quang Trung dùng rơm rạ bó to, rồi cho lăn tròn ở phía trước để chắn đạn cho đoàn quân ở phía sau tiến lên.
2. Bó rơm hay tấm ván?
Vậy ở đây, sách nào chép đúng. Hay nói cách khác, là ta nên tin vào tài liệu nào. Tấm ván hay bó rơm?
Dịch giả Hồ Bạch Tảo khi dịch cuốn Thanh thực lục cũng đặt nghi vấn về chi tiết dị biệt này giữa các tài liệu. Ông nghiêng về việc dùng bó rơm. Trong lời bàn của người dịch, ông viết: “Việc dùng rạ bó thành bó lớn như bánh xe khổng lồ, bó nọ nối liền bó kia cùng lăn đều tạo thành bức tường di động giúp quân lính núp đằng sau tương đối an toàn, vừa tiến lên vừa bắn, để đánh chiếm đồn giặc, là một sáng kiến tuyệt diệu”. Cuối cùng ông kết luận: “Rất tiếc những bộ sử ngày nay như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, và Đại cương lịch sử Việt Nam của NXB Giáo dục Hà Nội vẫn dùng sử liệu “Ghép ván có phủ rơm” của bộ tiểu thuyết Hoàng lê nhất thống chí mà không đề cập đến bó rạ lăn tròn được chép trong sử Thanh và sử Triều Nguyễn” (Thanh thực lục tr.79-80). Gần đây trên tạp chí Xưa và nay số 336 ra tháng 7-2009, tác giả Hồ Bạch Thảo cũng nhận định tương tự.
Chúng tôi cho rằng, trong việc tấn công đồn Ngọc Hồi, việc dùng “tấm ván phủ rơm” như Hoàng Lê Nhất thống chí là hoàn toàn hợp lý. Trong trường hợp này, người ta không thể dùng bó rơm (hay rạ) bởi vì:
-Rơm rạ là chất dễ cháy, dễ bén lửa. Trong lúc đó, hỏa lực trong đồn địch bắn ra rất mạnh. Không ai lại dùng rơm để tự thiêu cháy quân mình.
-Muốn khỏi cháy, cách duy nhất là phải dấp ướt các bó rơm, lúc ấy sẽ bị xẹp lại, bết vào nhau. Rơm phải đủ ướt (ướt sũng) thì mới không thể cháy được khi tên lửa và súng phun lửa bắn vào. Nhưng nếu ướt như thế, nó sẽ thành một mớ bùng nhùng, không thể lăn tròn được, nhất là với một bó rơm to như cái bánh xe khổng lồ, đường kính ít nhất phải 1,5m mới che được cho người thì làm sao mà lăn được. Dù buộc bằng cách nào, đối với một bó rạ to như thế, khi lăn sẽ bị xộc xệch, chỉ độ chục mét là bung ra ngay. Không lẽ lúc ấy phải dừng lại mà bó để hứng đạn của địch? Không ai lại đùa với mạng sống của binh lính khi dùng những vật dễ bung, dễ hỏng như vậy.
Vậy thì dù dùng rơm khô hay rơm ướt đều không khả thi. Trong khi đó, dùng ván phủ một lớp rơm ướt ở bên ngoài, việc khiêng vác sẽ rất nhẹ nhàng, thuận tiện.
Dịch giả Hồ Bạch Thảo nêu nghi vấn: Nếu khiêng ván thì mép dưới ván ít nhất cũng phải cách mặt đất 0,2 mét để khỏi vấp khi địa hình mấp mô, tên đạn của địch cứ nhắm vào chân mà bắn, như vậy không tránh khỏi bị thương vong. Xin thưa rằng, không ai khiêng ván dựng đứng cả (tức mặt phẳng ván vuông góc với mặt đất). Mà người ta khiêng ván nghiêng 60-70 độ so với mặt đất. Lúc đó mép dưới của ván cách xa chân người, dù mép ván cách mặt đất 0,2 mét (để khỏi vấp khi địa hình mấp mô) thì đạn cũng không thể chạm tới chân người được.
Chúng tôi cho rằng, trong trận tấn công đồn Ngọc Hồi, quân ta đã dùng tấm ván phủ rơm ướt bên ngoài che đỡ cho đoàn quân tiến lên là hoàn toàn chính xác. Đối với quân đội của Quang Trung, các chiến thuật công đồn là rất sáng tạo. Chúng ta không loại trừ có những đơn vị sử dụng “thuyền cáng” làm khiên che khi tấn công, như có lần chúng tôi đã đề cập. Tuy nhiên, không thể dùng bó rơm lăn tròn như sử nhà Thanh hay sử nhà Nguyễn mô tả. Ngay sử nhà Nguyễn trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi là dùng bó rơm lăn tròn thì trong Đại Nam liệt truyện lại cho rằng Quang Trung dùng những tấm ván. Sách này viết: “Mờ sáng mồng 5, tiến sát đến lũy Ngọc Hồi, trên lũy đạn bắn, Huệ sai chiến sĩ đội ván gỗ để xông vào trận mà tự thúc voi đốc đằng sau” (Sđd, q.30). Như vậy thì thuyết cho rằng Quang Trung dùng tấm ván phủ rơm ướt bên ngoài để che đỡ cho quân lính là chính xác.