Trầm hương một cây thuốc quý hiếm
- Trầm hương có tên khác: kỳ nam, trà hương, gió bầu... tuỳ theo từng địa phương.
- Bộ phận dùng: là nhựa của cây trầm hương đã được kết tụ thành mảng, hoặc thành cục rắn chắc trong lòng thân cây gỗ trầm hương.
- Tính vị quy kinh: vị đắng, hơi cay, mùi thơm, tính ấm. Vào các kinh: tỳ, vị, thận.
- Tác dụng: giáng khí, tiêu đàm, chỉ thống (giảm đau), an tâm thần.
- Ứng dụng lâm sàng: chữa các chứng đau bụng, nôn mửa, nấc, hen suyễn, bí tiểu tiện, đầy hơi chướng khí, người khó chịu, hồi hộp, tinh thần hoảng loạn không yên.
- Liều dùng: ngày dùng từ 3-4g mài với nước ấm hay ngâm rượu uống hoặc xoa.
- Kiêng kỵ: người bị khí hư và âm hư hoả vượng không dùng.
Bài thuốc có trầm hương:
Bài 1:
* Công thức: trầm hương 2g, hạt củ cải 12g, chỉ xác 8g, mộc hương 4g.
* Cách bào chế: các vị trên + nước 800ml, sắc lọc bỏ bã lấy 100ml.
* Công dụng: giáng khí, định suyễn, chỉ thống.
* Ứng dụng lâm sàng: chữa các cơn hen do khí nghịch lên gây ra suyễn cấp, nôn, nấc, ợ hơi ợ chua, đầy bụng...
Bài 2: tứ ma ẩm
* Công thức: (theo Y phương tập giải): nhân sâm, trầm hương, tân lang, ô dược
Liều lượng các vị đều bằng nhau.
* Cách bào chế: các vị trên + 1400ml, sắc lọc bỏ bã lấy 150ml.
* Công dụng: phù chính giáng nghịch, phá tích trệ.
* Cách dùng: sắc uống ngày 1 thang chia đều 3 lần.
* Ứng dụng lâm sàng: chữa các chứng thất tình khí nghịch, can khí uất kết, khí suyễn cấp, hung cách không yên, phiền muộn, không muốn ăn.
* Phương giải: ô dược hành khí sơ can giải uất; trầm hương thuận khí giáng nghịch nhằm bình suyễn; tân lang hành khí hoá trệ nhằm trừ đầy; nhân sâm ích khí phù chính nhằm giữ cho chính khí không bị suy khi khí kết bị phá. Như vậy vừa chữa chứng thực vừa phòng chứng hư do phá khí kết.
* Gia giảm: nếu có thêm biểu hiện giận dữ quá mức gây chân tay quyết lạnh đột ngột (bạo quyết) hoặc thất tình uất kết gây đau chướng ở vùng tâm và bụng, cố định hoặc di chuyển thì gia mộc hương. Nếu chỉ có thực chứng, không có biểu hiện hư, thì bỏ nhân sâm, thêm chỉ xác.
Bài 3: van ứng hoàn (Y học chính truyền)
* Công thức: (theo Trung y phương dược học giảng nghĩa): tân lang 5 lạng, đại hoàng 8 lạng, hắc sửa 4 lạng, tạo giác 10 quả, khổ luyện căn bì 1 thăng, trầm hương 1 lạng, lôi hoàn 1 lạng.
* Cách bào chế: tạo giác, khổ luyện căn bì nấu thành cao; tân lang, đại hoàng, hắc sửu tán bột mịn trộn đều với cao tạo giác và khổ luyện căn bì. Trầm hương, lôi hoàn, mộc hương làm áo theo thứ tự.
* Công dụng: công tích khu trùng
* Cách dùng: ngày uống 3 lần, mỗi lần 4-10g. Trẻ em tuỳ tuổi cho liều thích hợp.
* Ứng dụng lâm sàng: chữa các chứng trùng tích nội hãm, phúc chướng thống cự án, đại tiện bí, mạch trầm thực.
* Phương giải: đại hoàng thanh nhiệt công tích; lôi hoàn, khổ luyện căn bí khu trùng; hắc sửu, tân lang, tạo giác chủ yếu là công tích, thứ yếu là khu trùng an hồi; trầm hương, mộc hương hạ khí khoan trung.
Bài 4: noãn can tiễn
* Công thức (Theo Trung y phương dược học giảng nghĩa): đương quy 2-3 tiền, kỷ tử 3 tiền, tiểu hồi hương 2 tiền, nhục quế 1-2 tiền, ô dược 2 tiền, trầm hương 1 tiền, phục linh 2 tiền.
* Cách bào chế: các vị trên + nước 1500ml, sắc lọc bỏ bã lấy 15ml.
* Công dụng: ôn bổ can thận, hành khí chỉ thống.
* Cách dùng: ngày uống 1 thang chia đều 3 lần. Uống ấm vào lúc đói.
* Ứng dụng lâm sàng: chữa các chứng can thận âm hàn. Bụng dưới đau, sán khí.
* Phương giải: đương quy, kỷ tử: bổ can thận; nhục quế, tiểu hồi: ôn thận tán hàn; phục linh thẩm thấp kiện tỳ; sinh khương tán hàn hoà vị.
Chú ý : Bảo quản trầm hương phải để nơi khô ráo, không phơi nắng, không bảo quản bằng vôi sống.
Nguồn: 351,25/7/2003