TP.Hồ Chí Minh: Tấm lòng người thầy thuốc
Theo lối vào khu dân cư mới Bình Hưng, quận 8, hỏi đường đến nhà Lương y Trang Hồng Châu, bà con quanh khu vực phường 6, quận 8 trước khi chỉ đường đều tấm tắc khen ngợi tấm lòng nhân hậu của ông. Ông đã từng trãi qua năm tháng của tuổi trẻ trong kháng chiến.
Chiến tranh đã cướp đi của ông một phần cơ thể. Đôi chân khỏe mạnh thời trai trẻ sau trận đánh vào năm 1973 đã bước đi không đều nữa. Ấy vậy mà dẫu cho có khập khiễng vẫn không làm chùn bước tiến lên của người bộ đội Cụ Hồ. Sau giải phóng ông được phân công tiếp quản quận 5, đến năm 1993, ông làm quản lý tại công ty Đông dược Chợ Lớn.
Lương y Trang Hồng Châu tâm sự “Nghề y như cái duyên vậy, từ hồi trong chiến khu đã từng là anh y tá nhỏ cho đến khi làm việc tại Công ty Dược, tôi thấy mình cần phải học chuyên sâu hơn về nghề thầy thuốc”. Thế là vừa đi làm, ông vẫn đều đặn đến lớp học tại trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh. Thời gian cứ cuốn đi nên tuổi già đến lúc nào ông cũng không biết. Vừa kể, ông vừa nở một nụ cười thật tươi khi nói về gia đình nhỏ, chính sự động viên và ủng hộ từ gia đình là động lực lớn để ông hoàn thành tốt công việc cơ quan lẫn việc học hành.
Bệnh nhân của ông hầu hết là những người nghèo, ông đến với họ bằng tấm lòng chân thành, có lẽ vì vậy mà những ai từng được ông khám và chữa bệnh đều cảm phục vị lương y có trái tim nhân hậu. Trước khi trở thành cán bộ trong lĩnh vực y tế, Lương y Trang Hồng Châu từng là anh bộ đội cụ Hồ sống gần gũi người dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, nên ông rất thấu hiểu những khó khăn của bà con.
Lương y Trang Hồng Châu chia sẻ: ngày còn làm việc tại công ty Dược tôi luôn đau đáu làm thế nào giúp bà con về mặt y tế. Tiếp sau đó là những chuyến đi đến với các vùng sâu vùng xa, tôi đã vận động mạnh thường quân cùng chung sức cho công tác chăm sóc y tế cho người nghèo. Mỗi chuyến đi tôi đều cân nhắc và lên kế hoạch thật kỹ lưỡng, vận động rộng khắp, nơi có thuốc góp thuốc, có sức góp sức và đi đến tận nơi khám chữa bệnh cho người nghèo.
Trung bình mỗi chuyến đi, đoàn khám và chữa bệnh từ 200 đến 300 người dân. Từ Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh đến Bình Phước…Ở những vùng khó khăn nhất của các tỉnh đều đã có dấu chân của ông. Mỗi chuyến đi là mỗi kỷ niệm đẹp về những vùng quê nghèo nhưng con người thì vô cùng chân chất. Họ yêu quý những người thầy thuốc từ TP HCM đến như chính người trong nhà, nhất là Lương y Châu, đến đâu họ cũng nhớ, cũng thương. Nói về tình cảm của mình với vị lương y đáng quý, bà Trần Thị Kim Chi - người dân ở Ba Tri, Bến Tre bày tỏ:
Còn với Lương y Trang Hồng Châu, ông nhớ mãi kỷ niệm khi về về xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Theo kế hoạch là đoàn phục vụ cho gần 300 bà con từ tám giờ sáng đến bốn giờ chiều. Khi đoàn chuẩn bị về thì thấy còn hơn 30 bà con ngoài danh sách nữa đang đợi, bà con nói “biết việc khám này là ngoài kế hoạch, nên không dám đòi hỏi, chỉ mong các bác sĩ khám cho toa rồi bà con sẽ tự mua”. Điều này làm cả đoàn vô cùng xúc động. Vậy là Lương y Châu đề nghị anh em làm thêm chút nữa. Dù đã thấm mệt nhưng khi thấy niềm vui hiển hiện trên gương mặt những người dân hiền hòa thì những mệt mỏi sau một ngày lao động như được xua tan đi.
Sống trong đời cần lắm một tấm lòng và cuộc đời này cần lắm tình yêu thương giữa con người với con người. Lương y Trang Hồng Châu và những người bạn của mình đã làm được thật nhiều, nhưng với ông thì vẫn cho rằng đây không chỉ là việc nên làm mà đó là trách nhiệm cao cả của người thầy thuốc. Ông tâm sự:
Trong khi chúng ta đang lên án sự vô cảm của những vụ việc diễn ra hàng ngày trong xã hội hiện đại ngày nay, thì chính những việc làm hữu ích của Lương y Trang Hồng Châu như cơn gió mát lành thổi vào tâm hồn của những người đang cần những bàn tay giúp đỡ. Nó xoa dịu những nỗi đau của những người gặp bất hạnh. Cuộc sống con người thì cần nhiều thứ để tồn tại, thế nhưng chỉ có tình người mới đáng quí, hãy để tình người làm đẹp cuộc sống hôm nay.