Tinh hoa tư tưởng phương Đông: vấn đề kẻ sĩ trong sách Luận ngữ
Một là, Xây dựng nên học thuyết mang tên ông.
Hai là, Đào tạo nên những con người đảm đương việc truyền bá và thực hiện học thuyết đó.
Việc xây dựng học thuyết đã được Khổng tử thực hiện suốt cả cuộc đời. Hơn thế nữa, việc xây dựng học thuyết đó còn được Khổng tử thực hiện đồng thời với việc đào tạo ra những con người mà Luận ngữ gọi là kẻ sĩ, suốt đời gắn bó với học thuyết.
Để thực hiện sự nghiệp trên đây của mình, trước hết Khổng tử đã phải làm hai việc lớn đối với lịch sử văn minh phương Đông.
Thứ nhất, Đưa việc đào tạo con người thoát ra khỏi sự toả chiết của đẳng cấp quý tộc thị tộc để đi thẳng xuống quảng đại dân chúng, điều mà sách xưa gọi là “trúc bạch hạ thứ dân – tre lụa dùng để ghi văn tự - đi xuống thứ dân”.
Thứ hai, Xác lập sự tương đồng về nhân cách của con người, xác định rằng chỉ cần là con người, là đồng loại, thì có sự tương đồng về nhân cách người.
Rồi xuất phát từ hai việc đó, Khổng tử đã sáng lập ra “tự học” [đối lập với cái gọi là “học tại quan phủ” của quý tộc thị tộc từ thời Tây Chu (1111 – 700 TCN) để dạy mọi hạng người, không phân biệt xuất thân của họ, lễ nhập học chỉ là một bó nem. Ông dạy cho họ về những phẩm chất chỉ con người mới có nên con người cần phải giữ lấy, về nhân cách con người, về giá trị làm người, về cách làm người, và cuối cùng là biết tu thân để tạo ra cảm hứng trách nhiệm của con người, khiến cho con người có mục đích sống rõ ràng và biết sống hữu ích cho cuộc đời. Bên cạnh đó, ông còn dạy cho họ lục nghệ để họ có thể tham gia vào việc trị nước dù là lĩnh trách nhiệm lớn hay nhỏ. Ông cho rằng, muốn gách vác việc đời thì phải học và điều đáng lưu tâm thời nay là, ông chủ trương phải học trước đã rồi mới làm chính sự được. Nếu dùng kẻ vô học cai trị dân thì theo Khổng tử, thế là “làm hại con người ta” ( Luận ngữ, XI/24).
Suốt đời mình, Khổng tử đã đào tạo ra một lớp người đặc biệt trong xã hội, dù tham gia chính sự hay không, đều gọi chung là kẻ sĩ, thuở sinh thời Khổng tử, số lượng mới chỉ có khoảng ba ngàn người.
Khổng tử tạ thế năm 479 TCN nhưng học thuyết của ông vẫn được các thế hệ học trò liên tục thừa truyền cho nhau đời này sang đời khác, với quy mô ngày càng lớn, vượt qua các ngôn ngữ và các biên giới quốc gia cổ đại. Nhờ thế, kẻ sĩ theo học thuyết Khổng tử vẫn cứ nối tiếp nhau gánh vác việc đời, việc xây dựng xã hội, xây dựng đất nước suốt thời văn minh nông nghiệp ở các quốc gia Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam) cho đến khi các quốc gia này tiếp xúc với làn sóng văn minh công nghiệp từ phương Tây ập tới.
Điều quan trọng đối với thế hệ chúng ta ngày nay là, lớp người gọi là kẻ sĩ đó hiện nay không còn nữa, nhưng họ đã để lại những đặc trưng, những dấu ấn không thể phai mờ, tạo nên tính cách và tâm thức thăm thẳm của con người Việt Nam có học, của trí thức Việt Nam.
Trước khi xét tới vấn đề đó, cần tìm hiểu đến nơi xem sách Luận ngữ đã xác định những gì về kẻ sĩ.
I. Luận điểm một: Bản chất xã hội của kẻ sĩ
Khổng tử yêu cầu kẻ sĩ sống phải có trách nhiệm với xã hội, với cuộc đời, với đồng loại, với con người.
Dù xã hội này, cuộc đời này có thế nào đi chăng nữa thì kẻ sĩ vẫn phải tận lực nhập thế, nỗ lực dấn thân vào cuộc đời chứ không thể lấy lý do “tránh đời ô trọc” để lẩn tránh trách nhiệm kẻ sĩ. Đoạn đối thoại của 4 người (giữa Trường Thư và Kiệt Nịch đang cày ruộng gieo hạt với Tử Lộ và giữa Tử Lộ với Khổng Tử) được Luận ngữ ghi lại ở chương 6 thiên Vi tử (XVIII/6) và Sử ký của Tư Mã Thiên (145 – 85? TCN) ghi lại cở chương “Khổng tử thế gia”, đã thể hiện quan điểm nhân đạo sau đây của học thuyết Khổng tử: con người không thể tồn tại ngoài thế giới người, cũng tức là, con người không thể sống ngoài xã hội của chính mình. Thành ra con người và loài người không thể có cách tồn tại nào khác ngoài cách tồn tại chung bên nhau để sống và phát triển. Theo chúng tôi, lý thuyết về đạo Nhân của Khổng tử đã lấy quan điểm đó làm tiền đề.
“Trường Thư và Kiệt Nịch đang cặp đôi cày ruộng gieo hạt. Khổng tử đi qua, sai Tử Lộ đến hỏi bến đò ở đâu.
Trường Thư hỏi lại Tử Lộ: Này, người đang cầm cương trên xe kia là ai vậy?
Tử Lộ đáp:
- Là thầy Khổng Khâu.
- Có phải là Khổng Khâu ở nước Lỗ không?
- Đúng thế.
Trường Thư nói: Thế thì tự ông ấy biết bến đò rồi mà!
Tử Lộ bèn quay sang hỏi Kiệt Nịch.
Kiệt Nịch hỏi lại: Thế anh là ai vậy?
- Là Trọng Do.
- Có phải là học trò ông Khổng Khâu nước Lỗ không?
- Dạ, phải.
Kiệt Nịch nói: Khắp thiên hạ ly loạn, đâu đâu cũng là dòng nước đục cuồn cuộn. Thế thì ông Khổng Khâu còn mong cùng người nào thay đổi tình thế thiên hạ được? Vả lại, đi theo kẻ sĩ tránh người, sao bằng đi theo kẻ sĩ tránh đời?
Vừa nói ông vừa tiếp tục bừa phủ lên luống cày mới được gieo hạt.
Tử Lộ trở về xe, kể lại tất cả với Khổng tử.
Khổng tử bùi ngùi nói rằng:
- Chỉ có loài chim loài thú, con người mới không thể đánh bạn với thôi. Ta không sống chung với người trong xã hội này thì sống chung với ai đây? Nếu thiên hạ yên trị rồi thì Khâu này còn cần gì phải tham dự vào việc thay đổi nữa!”
(Luận ngữ chính văn, Vi tử XVIII/6, bản chép tay xưa truyền lại).
II. Luận điểm hai: Hai thang bậc giá của kẻ sĩ: kẻ sĩ đích thực và kẻ sĩ hữu danh vô thực
Trong kẻ sĩ thường có một bộ phận làm quan, tham dự chính sự, gánh vác việc đời, việc xã hội. Hình như bộ phận này thường có thể theo bậc thang danh vọng, lợi lộc mà đánh mất dần nhân cách kẻ sĩ của họ. Đã đành. Vấn đề là ở chỗ: giữa kẻ sĩ thật, và kẻ sĩ giả kia rất khó phân biệt danh với thực và người đời thường lầm lẫn kẻ sĩ danh tiếng hão với kẻ sĩ chân chất đích thực.
Thế cho nên, trong cuộc giải đáp câu hỏi của học trò Tử Trương, Khổng tử đã vạch ra lầm lẫn đó, và đã xác định rõ sự khác biệt này thông qua việc xác định nội hàm khái niệm “đạt” (thấu triệt, thành tựu) với khái niệm “văn” (1)(“có tiếng tăm”, “nổi tiếng”).
Theo Khổng tử, gọi là “đạt” là để chỉ kẻ sĩ chân chất đích thực và đây chính là kẻ sĩ đã thấu suốt và thành tựu về nhân cách, về trách nhiệm kẻ sĩ, có ảnh hưởng đến cả xã hội.
Khổng tử nêu ra 4 chuẩn mực của kẻ sĩ được gọi là “đạt” (tức “đạt sĩ”) đó như sau:
Một là, Chất trực, tức trung thực và ngay thẳng, khí khái, không vì bất cứ một tư lợi nào – dù nhỏ - mà so vai rụt cổ trước các thế lực đối nghịch với lẽ phải và sự thật (thường nói gọn là cương trực liêm khiết). Và đó làm phẩm chất đầu tiên của kẻ sĩ.
Hai là, Hiếu nghĩa, tức hào hiệp, khảng khái, không tiếc sức mình làm việc cho quốc gia xã hội, dám hy sinh chịu thiệt thòi vì chân lý.
Ba là, Sát ngôn quan sắc, tức là đối với việc và con người cần có cách nhìn và tầm nhìn, mẫn cảm với thời thế.
Bốn là, Cẩn thận trong giao tiếp với người, nhún mình nhường người nuôi lấy đức độ, lúc nào cũng lưu ý điều chỉnh bản thân mà không cầu người ta phải biết đến mình.
Còn kẻ sĩ gọi là “văn”, tức là kẻ sĩ có tiếng tăm thì hoàn toàn khác với kẻ sĩ gọi là “đạt”.
Kẻ sĩ có tiếng tăm là kẻ chỉ thạo làm những việc hình thức, thường khéo tạo ra cái vỏ nhân đức nhưng việc làm thì lại trái với nhân đức, coi dân như phương tiện để thủ lợi, luôn luôn tự cho mình là phải chẳng biết kiêng sợ gì, thường vì cái danh bên ngoài mà làm rối loạn cái thực bên trong. Cho nên gọi là “nổi tiếng”, “có tiếng tăm”, nhưng không có thực chất, chỉ là danh suông vì cái danh không đi đôi với cái thực. Kẻ sĩ vì danh và kẻ sĩ vụ lợi, tuy tên gọi khác nhau nhưng cùng một bản chất trục lợi, bất chấp liêm sỉ.
“Tử Trương hỏi: Kẻ sĩ như thế nào thì gọi là đạt?
Khổng tử hỏi lại: Thế theo ý anh, đạt là thế nào?
Tử Trương thưa: Làm quan trong nước có tiếng tăm (nổi tiếng), làm gia thần một đại phu cũng có tiếng tăm!
Khổng tử bảo: Như thế thì gọi là “văn” (có tiếng tăm) chứ không phải là “đạt” (thấu suốt, thành tựu). Được gọi là “đạt” thì phải:
1. Chất trực, tức chính trực, ngay thẳng, khí khái.
2. Hiếu nghĩa, tức ham làm điều nghĩa.
3. Sát ngôn quan sắc (biết xét lời nói quan sát sắc mặt người khác), tức là có cách nhìn và tầm nhìn đối với người và công việc, mẫn cảm với thời thế.
4. Sự dĩ há nhân, tức biết suy nghĩ để nhún mình nhường người, điều chỉnh bản thân để nuôi lấy đức độ.
Được như vậy, làm quan một nước sẽ “đạt”, làm gia thần một đại phu sẽ “đạt”.
Còn người có tiếng tăm, chẳng qua chỉ là kẻ ngoài mặt ra vẻ giữ nhân đức mà hành động trái nhân đức, nhưng cách sư xử không để ai nghi ngờ. Như vậy, làm quan một nước sẽ có tiếng tăm (làm quan), làm gia thần một đại phu sẽ có tiếng tăm (gia thần)”.
Luận ngữ chính văn, Nhan Uyên, XII/19, bản chép tay xưa truyền lại.
III. Luận điểm ba: Phân biệt ba bậc sĩ
Chương 20 thiên Tử Lộ (XIII/20) sách Luận ngữ đã ghi lại gần như đầy đủ cuộc đối thoại dài giữa Khổng tử và Tử Cống, học trò nổi tiếng ở khoa ngôn ngữ ngoại giao (Tiên tiến, XII/2). Chủ đề cuộc đối thoại là câu hỏi sau đây của Tử Cống: “Phải làm thế nào mới đáng được gọi là kẻ sĩ?”
Toàn bộ nội dung giải đáp của Khổng tử đã cho ta biết trong quan niệm của Khổng tử, kẻ sĩ có thể bao gồm ba bậc.
Bậc một: Tiêu chuẩn đầu tiên của kẻ sĩ bậc một này là biết nhục, biết xấu hổ, hiểu rõ rằng không biết nhục không phải là người. Do đó mà nỗ lực giữ mình có liêm sỉ. Họ sống thanh cao. Những ai được cử đi sứ trong thiên hạ đều không làm nhục đến quốc thể, đến danh dự đại diện cho một nước.
Bậc hai: Môi trường sống của kẽ sĩ thời văn minh nông nghiệp là gia đình, họ hàng, quê hương, làng nước. Cho nên, xuống đến kẻ sĩ bậc hai, phải có phẩm chất sau: hiếu thảo với gia đình họ hàng, hoà mục với xóm làng, biết giữ tín nghĩa và đối xử khoan dung với mọi người.
Bậc ba: Tiêu chuẩn của bậc ba này được xét ở lời nói và việc làm. Kẻ sĩ bậc này nhất thiết phải: lời nói đáng tin cậy, việc làm có hiệu quả. Được như thế thì tuy bụng dạ hẹp hòi cố chấp đi chăng nữa cũng vẫn đáng xếp bậc ba của kẻ sĩ.
Cuối cùng, Tử Cống hỏi về những người đang làm chính sự ở nước Lỗ thời bấy giờ. Tâm trạng Khổng tử không vui và ông thẳng thắn đánh giá với học trò của mình rằng, những người ấy tầm thường nhỏ bé như cái đấu, cái sao (dụng cụ đo lường ở nước Lỗ thời Xuân Thu), họ làm quan chỉ cốt để thủ lợi, thử hỏi trong họ có mấy ai để tâm đến quốc gia đại sự, có mấy ai lo đến quốc kế dân sinh, có mấy ai lo cho dân.
“Tử Cống hỏi: Phải như thế nào mới đáng được gọi là kẻ sĩ?
Khổng Tử trả lời rằng: Giữ mình có liêm sỉ, đi sứ bốn phương không để nhục mệnh vua. Như vậy có thể gọi là kẻ sĩ.
Tử Cống lại hỏi: Dám hỏi bậc dưới đó phải làm sao?
Trả lời: Họ hàng khen là người hiếu, xóm làng khen là người đễ.
Tử Cống lại hỏi: Dám hỏi bậc dưới nữa phải làm sao?
Trả lời: Lời nói đáng tin cậy, làm việc có hiệu quả; tuy rằng bụng dạ hẹp hòi cố chấp đi chăng nữa cũng vẫn đáng xếp bậc ba kế đó.
Tử Cống lại hỏi: Những người làm quan đời nay (ở nước Lỗ) thì sao?
Khổng tử nói: Ôi! Hạng người nhỏ mọn như cái đấu, cái sao ấy có đáng kể gì!”
Luận ngữ chính văn, Tử Lộ XII/20, bản chép tay xưa truyền lại.
_________________
(1)Văn ở đây có nghĩa là “nghe tiếng” chứ không phải văn trong “văn chương”.
Nguồn: Thông tin KH - CN Nghệ An, 5/ 2005