Tính độc trong cây thuốc
Không có sự khác nhau về hình thức bên ngoài giữa cây độc và cây không độc; chúng đều mọc hoang hoặc được trồng khắp nơi, không có điểm gì khác biệt nổi bật trong sự phân bố, cũng như điều kiện thổ nhưỡng. Theo nhận xét chung, cây hai lá mầm có tỉ lệ độc cao hơn cây một lá mầm; cây độc ở vùng nhiệt đới nhiều hơn ở vùng hàn đới và ôn đới.
Không ít cây có chất độc đã và đang được sử dụng rộng rãi để làm thuốc. Độc tính của chúng nhiều hay ít phụ thuộc vào cách chế biến, cách sử dụng và liều lượng sử dụng. Nếu bào chế không đúng cách, dùng không đúng bệnh và không đúng liều qui định, lập tức cây thuốc sẽ gây độc.
Độc tính của cây phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, mà trong một số trường hợp, ta có thể chủ động phòng tránh được:
Do cây thuốc
* Ngoài một số cây thường xuyên có độc trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển (như Lá ngón, Cà độc dược), có những cây, độc tính chỉ xuất hiện trong những giai đoạn nhất định và ở những bộ phận nhất định. Ví dụ ở Khoai tây, chất độc solamin chỉ có trong giai đoạn Khoai tây nẩy mầm và chỉ tập trung ở mầm củ mà thôi.
* Hàm lượng chất gây độc thay đổi tuỳ thuộc điều kiện sinh trưởng qua các giai đoạn phát triển của cây. Ở cây Anh túc, hàm lượng morphin cao nhất trong nhựa quả xanh và giảm dần khi quả càng chín.
* Sự tích luỹ chất độc trong cây phụ thuộc vào thời tiết, thổ nhưỡng, độ chiếu sáng và cả nhịp sinh học của cây. Những lá ở phía trên của cây Cà độc dược (được chiếu sáng nhiều nhất) có hàm lượng atropin cao hơn những lá phía dưới (chiếu sáng ít). Ở cây Khoai mì và những cây có chứa acid cyanhydric, độc tính thường tăng rõ rệt khi cây bị tàn héo đột ngột hoặc ngưng phát triển do khí hậu thay đổi.
![]() |
Trúc đào |
Do chế biến, sử dụng
* Về mặt cảm quan, trong một số trường hợp, có thể nhận biết cây độc bằng những dấu hiệu bên ngoài. Ví dụ khi bẻ lá có thể có chất nhựa (lỏng nhớt) chảy ra, có màu trắng sữa hoặc vàng hoặc nâu sẫm,… (cây Thông thiên, Trúc đào…). Một số cây có vị đắng hoặc chát (Mã tiền, Lá ngón…) hoặc có mùi hăng hắc, hoặc dễ gây kích ứng da.
* Dựa vào kinh nghiệm dân gian, nhất là dân gian địa phương. Đây là một biện pháp đơn giản nhưng khá hiệu quả. Ngoài ra, ở những bãi chăn thả gia súc, súc vật thường tránh ăn hoặc đụng chạm tới những cây độc.
* Quá trình phơi sấy, chế biến làm thay đổi độc tính của cây.
Ví dụ: Cây Thảo quyết minh có chứa chất Anthraglucosid có tác dụng nhuận trường (liều thấp) hoặc tẩy sổ (liều cao), nhưng đem sao vàng xém cạnh lại có tác dụng an thần. Hạt Mã tiền trước khi dùng làm thuốc phải ngâm nước vo gạo, rồi nấu với nước Camthảo, sau đó bóc vỏ ngoài và bỏ mầm rồi đem tẩm dầu Mè và sao vàng…
* Mỗi vị thuốc có tác dụng khác nhau tuỳ thuộc từng trường hợp bệnh lý khác nhau. Với người này thì đó là thuốc tốt, nhưng với trường hợp người bệnh khác thì nó trở thành tác dụng bất lợi.
Ví dụ: vị thuốc Thục địa có tác dụng bổ âm, sinh tân dịch rất thích hợp cho những bệnh nhân âm hư gầy còm suy nhược, nhưng nếu dùng cho bệnh nhân tỳ hư thì sẽ gây đầy trướng bụng, rối loạn tiêu hoá,…
Nguồn: Thuốc & Sức khoẻ, số 294, 15/10/2005, tr 12