Tính dân tộc và văn hoá dân gian
Trong trào lưu đó, nỗ lực có tính dân tộc chủ nghĩa nhằm vẽ lại các đường biên giới chính trị cho phù hợp với ranh giới cư trú của các tộc người lại hoà vào sự nhấn mạnh có tính lãng mạn về cảm xúc và trực giác, về thiên nhiên và về quá khứ như một nguồn cảm hứng cho hiện tại. Cái "chủ nghĩa dân tộc lãng mạn" ra đời đã đưa các nhà nghiên cứu quay trở về thời vàng son của ngày xa xưa, khi họ còn có thể khám phá ra những bảo đảm thuộc về lịch sử cho sự thành lập các quốc gia độc lập, cũng như những mô hình để sử dụng trong việc định hình hiện tại và tương lai. Các mô hình đó có thể tìm thấy trước tiên trong các truyền thống dân gian cổ xưa còn sót lại trong các cộng đồng nông dân ở nông thôn - một cộng đồng sống gần gũi với thiên nhiên, không bị hư đốn bởi việc học hành và chủ nghĩa tân tiến của cuộc sống thành thị.
Có thể chỉ ra rằng những xung lực dân tộc chủ nghĩa lãng mạn đã có ngay từ thế kỉ 16. Sau Phong trào Cải cách, các vua chúa ở Anh và Thụy Điển, trong nỗ lực củng cố quyền lực vào tay mình, đã sử dụng các nhà viết sử biên niên để tìm kiếm những tàn tích cổ xưa trong địa hạt của mình nhằm minh chứng cho một quá khứ huy hoàng, biện minh cho sự cần thiết xây dựng một chính quyền trung ương mạnh hiện tại. Những xung lực đó còn có thể thấy trong các trào lưu chuộng đồ cổ và tiền lãng mạn thế kỉ 18, dấy lên mạnh mẽ mối quan tâm đến những thứ có tính cổ và đến dân gian, những người đã giữ cho nó sống và sản sinh ra những công trình như cuốn Reliques of Ancient English Poetry[Di sản của thi ca Anh cổ] (1765] của Thomas Percy. Tuy nhiên, những giáo lí của chủ nghĩa dân tộc lãng mạn được thể hiện rõ nét nhất trong các bài viết của nhà triết học Đức Johann Gottfried Herder (1744-1803).
Thời kì thống nhất về văn hoá mà Herder tin là đã từng tồn tại ở nước Đức thời Trung cổ thì vào thời ông đã mất đi phần lớn, do nhiều thập kỉ chiến tranh. Đất nước bị chia cắt thành 1.800 vùng lãnh thổ với số luật lệ cũng bằng từng đó. Tệ hại hơn nữa, dân chúng rời bỏ các hình thức văn hoá bản địa để theo đuổi các mô hình của nước ngoài - đặc biệt là từ Pháp. Giới quý tộc Đức ra sức bắt chước cuộc sống cung đình hào nhoáng của Versailles với một hậu quả đáng tiếc là những ý tưởng và phong tục Pháp đã ngấm đến tầng lớp trung lưu và đào sâu thêm hố ngăn cách họ với giới bình dân. Tiếng Pháp là thứ ngôn ngữ của sự tế nhị và văn hoá, còn tiếng Đức của đại chúng bị xem là thô lỗ. Trong văn chương, tình hình cũng tồi tệ y hệt. Các nhà văn Đức không chỉ sử dụng tiếng Pháp mà còn đem hình thức và nội dung các tác phẩm của mình dựa trên các mô hình Pháp và cổ điển. Theo đánh giá của Herder thì tất cả những cái đó thực sự là thảm họa. Ông nhấn mạnh rằng nước Đức phải quay về với những nền tảng của riêng mình, bằng không sẽ bị đoạ đày. Bằng cách chỉ cho người Đức thấy tại sao xây dựng một nền văn hoá dân tộc trên cơ sở bản địa không chỉ là điều mong muốn mà còn tuyệt đối cần thiết, ông đã đề ra một tập hợp những nguyên lí của chủ nghĩa dân tộc mà nói chung có thể áp dụng cho mọi dân tộc nào đang đấu tranh cho sự tồn tại độc lập.
Thứ nhất, Herder lập luận rằng mỗi dân tộc là một đơn vị hữu cơ riêng biệt, được tạo ra bởi những hoàn cảnh lịch sử và môi trường đặc hữu riêng mình, và do đó khác với mọi dân tộc khác. Cấu trúc hữu cơ của các đơn vị này được phản ánh trong cái mà ông gọi là đặc điểm dân tộc hay linh hồn dân tộc. Thứ hai, ông lập luận rằng một dân tộc sẽ không thể tồn tại như một dân tộc nếu không trung thành với các đặc điểm dân tộc mình. Nó phải bồi dưỡng những truyền thống văn hoá và nghệ thuật bản địa của riêng mình theo những cách thức do kinh nghiệm từ quá khứ mách bảo. Đem những yếu tố nước ngoài vào một dân tộc hữu cơ thống nhất, vào một thực thể chính trị, chắc chắn sẽ dẫn tới cái chết của dân tộc đó. Thứ ba, ông lập luận rằng hình mẫu văn hoá và lịch sử của một dân tộc - cái linh hồn dân tộc - được thể hiện tốt nhất trong ngôn ngữ của dân tộc đó, đặc biệt là trong thi ca dân gian, biểu hiện cao quý nhất mà ngôn ngữ có thể trông theo. Những bài thơ dân gian được ông gọi là "kho lưu trữ của tính dân tộc" (Herder 9: 352), "dấu ấn của linh hồn" (Herder 3: 29) của một dân tộc. Muốn sống một cách hài hoà với dân tộc đó, muốn nắm bắt được đặc trưng riêng của nó và biến nó thành của mình, các công dân phải hấp thụ thi ca của dân tộc mình và sống hoà hợp với tinh thần của nó.
Cuối cùng, Herder lập luận rằng khi tính liên tục trong sự phát triển văn hoá của một dân tộc bị phá vỡ, như là trường hợp của nước Đức, thì cách cứu vãn duy nhất là thu thập từ nhân dân những hiểu biết, những truyền thuyết còn sót lại từ thời điểm trước lúc gián đoạn. Từ những vốn hiểu biết và truyền thuyết này, các học giả - nhà yêu nước sẽ đưa dân tộc một lần nữa quay trở lại tinh thần dân tộc thực sự và do đó có thể làm cho nó phát triển trong tương lai dựa trên những nền tảng văn hoá của riêng mình, nói tiếng nói của mình và sáng tạo ra các thể loại văn chương của riêng mình. Khi viết những dòng này, Herder đưa ra lời kêu gọi hành động: "Tiếng nói của cha ông bạn đã bị suy yếu đi và lặng yên trong cát bụi... Vậy thì hãy giúp một tay, hỡi những người anh em, chỉ cho dân tộc chúng ta thấy họ là gì và không phải là gì, họ đã nghĩ và đã cảm thấy cái gì, hay đang nghĩ và đang cảm thấy cái gì" (Herder 9: 530 - 531).
Tiếng kèn hiệu triệu của Herder vang lên không chỉ ở nước Đức mà hầu khắp châu Âu, truyền cảm hứng cho các nghiên cứu văn hoá dân gian (mang tính) dân tộc chủ nghĩa ở các nước Bắc Âu (đặc biệt là ở Phần Lan và Na Uy), và cả ở Trung và Đông Âu (đặc biệt là các nước Xlavơ). Suốt thế kỉ 19, các học giả yêu nước, được khích lệ bởi những tình cảm dân tộc chủ nghĩa, đã dấn thân vào những vùng đất xa xôi để phục hồi những di sản văn hoá dân gian ẩn chứa trong quên lãng của đất nước mình. Đến thế kỉ 20, khi Thế giới Thứ ba phá bỏ được những xiềng gông thực dân và chú trọng vào những di sản văn hoá của riêng mình, thì những lời lẽ phấn khích như vậy về quá khứ dân tộc huy hoàng và vận mệnh cao quý đã từng lôi cuốn cả châu Âu vào hành động lại vang lên khắp châu á và châu Phi.
Ở Hoa Kì, bằng những ngôn từ mang đậm dấu ấn dân tộc chủ nghĩa, những người theo chủ nghĩa thân Mĩ như Richard M. Dorson cũng lập luận rằng một nền văn hoá dân gian đặc Mĩ phải bắt nguồn từ những hoàn cảnh của địa lí và lịch sử đất nước. Theo ông, trong các câu chuyện kể về giới lục lâm thảo khấu có thể tìm thấy những anh hùng dân gian Mĩ bình dị, những bậc kì tài mang bản sắc dân tộc Mĩ. Các học giả Hoa Kì khác, khi chuyển sự chú ý của họ từ dân tộc như một chỉnh thể sang những cá nhân và tập đoàn nhiều người nhập cư sinh sống ở mảnh đất đa dạng về văn hoá này, đã cố gắng xác định tinh thần, hay bản sắc văn hoá, của những nhóm người này trong nền văn học dân gian của họ. Cũng như các đồng nghiệp ở nơi khác, họ thường tìm được một tinh thần vừa cao quý vừa có tính chất tôn lên cao quý - và họ đã tuân thủ những đường lối mà Herder đề ra từ trước đó rất lâu.
Ngày nay chúng ta nhận ra rằngnhững quá khứ mà các nhà dân tộc chủ nghĩa lãng mạn hướng về thì phần lớn là những quá khứ có tính chất thần thoại, rằng những dân tộc vĩ đại và cao quý mà họ mong muốn tái tạo là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của bản thân họ mà thôi. Vào thế kỉ 19, những nỗ lực của các nhà dân tộc chủ nghĩa này thường đem lại những kết quả tốt đẹp, có tác dụng điều chỉnh những bất công do lịch sử đem lại. Song vào thế kỉ 20, các phong trào thường mang màu sắc tô vẽ cực đoan, bởi vì các nhà nghiên cứu đã đặt những lí tưởng chính trị của bản thân vào quá khứ, rồi lại sử dụng cái quá khứ tưởng tượng hoặc dựng đứng lên đó để phán xét những lí tưởng của họ. Nói cách khác, hình ảnh của quá khứ văn hoá được phản chiếu một cách giả định qua tấm gương của văn hoá dân gian, hình ảnh mà các công dân trung thực hoặc các thành viên cộng đồng lấy làm khuôn mẫu cho hành vi của mình, sẽ được xác định bởi những khuynh hướng chính trị của cá nhân nắm giữ tấm gương đó.
Chẳng hạn, ở đất nước Phần Lan thế kỉ 19, những nhà dân tộc chủ nghĩa lãng mạn vừa thoát khỏi sự đô hộ về văn hoá của Thuỵ Điển mấy trăm năm, đã sục sạo khắp các làng quê hẻo lánh của Phần Lan để sưu tầm những bài hát cổ. Sau đó họ đã dùng những bài hát này để sáng tác ra thiên sử thi dân tộc, Kalevala,nhằm củng cố cho sự phát triển của một nền văn học Phần Lan bản địa, nhằm đề cao ngôn ngữ Phần Lan từng bị coi nhẹ, và trong quá trình đó, đặt nền móng cho sự độc lập tương lai của Phần Lan. Nhưng một khi đã đạt được sự độc lập rồi thì những lãnh tụ trí thức của cả hai cánh chính trị đều lí giải thi ca dân gian Phần Lan theo quan điểm riêng của mình, rồi nhân danh lòng trung thành với di sản để sử dụng nền thi ca đó biện hộ cho những cương lĩnh hành động chính trị hoàn toàn đối nghịch nhau - phe hữu thì tìm cách lập ra trong một xã hội công dân một chế độ quân phiệt và biện luận cho chính sách đối ngoại bành trướng; phe tả thì đi ngược lại hệ tư tưởng của phe hữu và biện minh cho một xã hội cộng sản không có giai cấp.
Rất có khả năng là chủ nghĩa dân tộc trên cơ sở văn hoá dân gian sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong thế giới đương đại. Khi những dân tộc mới được giải phóng khỏi Liên bang Xô Viết cũ cố gắng lập hoặc tái lập bản thân như những dân tộc độc lập thì nhiều trong số họ, theo đúng kiểu của Herder, đã tìm kiếm trong các hồ sơ văn hoá dân gian của quá khứ những chứng tích lịch sử biện hộ cho hành động hiện tại của họ. Đáng tiếc là, với những nỗ lực này, như nhà văn hoá dân gian Roger Abrahams đã nhận xét, "một chủ nghĩa dân tộc nhân dân có thể bị biến thành công cụ mà vì nó các dân tộc khác bị mất quyền công dân" (1993, trang 5). Trong một thế giới bị xé nát bởi những xung đột sắc tộc và thanh lọc chủng tộc, các nhà lãnh đạo văn hoá / chính trị ngày nay phải quyết định xem có theo đuổi những mô hình dân tộc chủ nghĩa lãng mạn kiểu cũ đã từng vận hành khá tốt ở thế kỉ trước hay không, mà mô hình này do đặt nặng vào các dạng thức văn hoá duy nhất và thuần khiết nên ẩn chứa nguy cơ gây chia rẽ, hay là đi tìm những mô hình mới dựa trên sự đa dạng văn hoá và tôn trọng lẫn nhau giữa tất cả các dân tộc.
-----
(Trích từ cuốn Folklore một số thuật ngữ đương đại.- GS. Ngô Đức Thịnh - TS. Frank Proschan đồng chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005).