Tín ngưỡng, kiêng kỵ và hèm
Theo tư duy nông nghiệp, và ảnh hưởng của chế độ Nho giáo, trong cộng đồng làng xã, câu hỏi Tín ngưỡng là gì được hiểu như sau:
Tín là tin theo. Ngưỡng là ngửa trông lên trời.
Như vậy, tín ngưỡng là thứ vô hình, nhưng thiêng liêng và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa xã hội của người nông dân. Hạt nhân của tín ngưỡng là tính thiêng, trong đó bao gồm rất nhiều kiêng kỵ và hèm tục.
Chính người nông dân với quan niệm “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” đã góp phần tồn lưu những kiêng kỵ, hèm tục trong đời sống của họ. Họ bị những điều kiêng kỵ quy định và điều chỉnh trong mọi hoạt động thường ngày và cũng chính họ là lực lượng duy trì và phổ biến những điều kiêng kỵ đó cho thế hệ nối tiếp. Hành trình này lâu dần trở thành tập quán.
Kiêng là sự dè chừng, cảnh giác của mọi người trong cộng đồng đối với những sự vật hiện tượng diễn ra trong cuộc sống. Kiêng giúp người ta sống an toàn hơn nhờ những lời cảnh báo, khuyên nhủ của thế hệ tiền nhân. Kỵ cũng là sự tránh né, dè chừng nhưng được diễn ra có ý thức cao hơn kiêng. Như vậy, trong sự kỵ đã bao hàm cả cả những yếu tố kiêng. Kỵ còn được hiểu là cấm kỵ - nghiêm cấm, không được vi phạm. Nếu cố làm trái đi, người đó sẽ phải gánh chịu hậu quả xấu. Thông thường, những điều cần kiêng trong cuộc sống diễn ra nhiều và phổ biến hơn những điều cần kỵ
J.G.Frazer chia các tập tục cần kiêng kỵ thành 4 loại (1): Những hành động kiêng kỵ như về tình dục, về ăn uống, về quần áo, nhà ở…; Những người phải kiêng kỵ như người có tang, phụ nữ trong thời gian có kinh nguyệt, kẻ sát nhân, người săn bắn, đánh cá…; Những vật và đồ vật phải kiêng kỵ như đồ sắc nhọn, vũ khí bằng sắt, máu, đầu tóc, móng tay cắt ra, bãi khạc nhổ…; Những từ kiêng kỵ như tên người, tên gọi các quan hệ họ hàng, tên người chết, tên vua chúa, tên các vị thần...
Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ cho rằng cách phân loại của Frazer đã tách riêng hành vi kiêng kỵ bằng ngôn ngữ ra một nhóm và nhóm này thuộc lĩnh vực tu từ học hoặc tâm lý ứng xử ngôn từ, không thuộc phạm vi các tục lệ kiêng kỵ. Ba nhóm còn lại của Frazer hoàn toàn trùng hợp với khái niệm kiêng húy trong tiếng Việt, hoặc tị húy hay kỵ húy trong tiếng Trung Quốc.
Theo chúng tôi, từ thực tế cuộc sống, thường kiêng kỵ được hiểu một cách đầy đủ theo sự phân loại của Frazer và biểu hiện cụ thể ở những hành động kiểu như kiêng tên (tên hèm, tên húy). Con cháu kiêng không nói tên ông bà, cha mẹ. Nếu trong cuộc sống thường ngày có những tiếng trùng với tên của các bậc này, con cháu sẽ gọi tránh đi, hoặc tìm một tiếng đồng nghĩa để thay vào. Chẳng hạn Hà Đông làm Hà Đương, thịt đông gọi là thịt đặc, hồng gọi là hường, hoa gọi là huê, xuân gọi là xoan, quả bưởi gọi là quả bòng…
Đối với tổ tiên là các vị đã khuất, sự kiêng tên càng được giữ gìn hơn. Khi con cháu làm một điều gì không phải, bị người khác gọi tên ông bà cha mẹ đã khuất ra mà réo chửi thì bị coi là một điều tủi hổ, sỉ nhục cho gia đình và dòng họ, có thể gây nên thù oán sâu đậm. Chính để tránh cho người khác khỏi xúc phạm đến tổ tiên mình, mọi người đều giữ gìn trong điều ăn nếp ở, cố làm sao không gây bất cứ sự đụng chạm nào.
Trong lúc cúng giỗ phải khấn đến tên tổ tiên, người gia trưởng cũng lâm râm khấn rất khẽ, e khấn to có người nghe tiếng là phạm tội bất kính.
Các con cháu nhỏ không được biết tên tổ tiên, e chúng nhắc bậy bạ phạm tội đến các người, gây điều bất hiếu cho cha mẹ. Trước khi đặt tên cho các con, bố mẹ phải kiêng, không được đặt tên của tổ tiên.
Đối với thành hoàng làng, người ta cũng kiêng gọi thẳng tên ra, hoặc tránh đặt tên trùng với tên thành hoàng. Sự kiêng kỵ về cách đặt tên, gọi tên còn đúng cả trong trường hợp tên vua hay hoàng tộc. Trong những giai đoạn lịch sử nhất định, việc phạm húy tên của vua và hoàng tộc còn bị coi là tội, phải chịu quở trách hoặc nặng hơn thì phạt theo luật.
Kiêng kỵ trong những ngày đầu năm, đầu tháng; kiêng trong ma chay, cưới xin, cúng giỗ; kiêng kỵ trong học hành, chữa bệnh; kiêng kỵ trong xuất hành, buôn bán, chăn nuôi, trồng trọt, ăn uống, làm nhà dựng cửa; những kiêng kỵ dành riêng cho đàn bà con gái; những kiêng kỵ đối với tên gọi cơ thể người và các con vật; Những kiêng kỵ đối với thiên nhiên, đối với các vật dụng trong gia đình, những kiêng kỵ gắn với tôn giáo tín ngưỡng; kiêng kỵ trong truyền nghề, dạy nghề… Có thể nói kiêng kỵ đã chứa đựng trong nó rất nhiều tri thức dân gian về mọi lĩnh vực trong cuộc sống và lao động của con người nhằm mục đích bảo vệ, khuyến cáo con người khỏi những bất trắc và tạo ra nét văn hóa trong cộng đồng.
Hèm được coi là biểu hiện cao nhất của khái niệm kiêng, kỵ. Hèm thường đi kèm với những hoạt động mang tính cộng đồng cao như việc cúng tế thành hoàng làng và thể hiện cao qua lễ hội. Thông thuờng, hèm của mỗi làng là những hành động, nghi lễ mang tính bí mật, riêng tư gắn với lai lịch vị thần làng đang thờ. Những hèm đó có chung đặc điểm là bí mật riêng, phải giấu giếm đối với người ngoài cuộc (cộng đồng khác) và giấu giếm với chính quyền trung ương. Chính các nghi lễ hèm đã tạo ra dấu ấn riêng cho cộng đồng sở hữu nó và trở thành niềm tin linh thiêng khi oai linh của các vị thần có hèm phù trợ cho cộng đồng an lành, thịnh vượng.
Nếu như kiêng có tính khá phổ biến trong xã hội, kỵ có tính ít phổ biến hơn thì hèm là một đặc sản riêng. Có lẽ đến hiện nay, chưa có một tổng kết nào trong nghi lễ thờ phụng mà lại có hèm trùng nhau, cho dù cùng chung một đối tượng thờ phụng. Đã có một thời, hèm bị coi là sản phẩm điển hình của mê tín đị doan, song thực chất, chính hèm lại là nơi chưa đựng nhiều nghi lễ, phong tục cổ, những lớp văn hóa sớm hơn, thô sơ, mộc mạc, khi con người còn non thơ trước cuộc sống đầy bất trắc.
Kiêng kỵ là hiện tượng phổ biến trong đời sống nông thôn Bắc Bộ. Đặc biệt, trước Cách mạng tháng Tám, việc kiêng kỵ được người dân tuân thủ khá nghiêm với tinh thần tự giác. Cộng đồng mỗi làng xã khép kín sau lũy tre xanh dường như đều có những bí mật kiêng kỵ rất riêng tư. Do vậy, những lực lượng ngoài cộng đồng không dễ gì thâm nhập vào thế giới kiêng kỵ riêng tư đó. Tuy nhiên, một hiện tượng trái ngược cũng thường xảy ra. Có khi, việc kiêng kỵ tại cộng đồng này lại không có ý nghĩa hay giá trị gì với cộng đồng khác, dù cho hai cộng đồng này liền kề nhau về lãnh địa. Như vậy, vấn đề kiêng kỵ, hèm húy cũng có những nét phổ quát và dị biệt khi đặt chúng trong bối cảnh nhất định.
___________________
1. Dẫn lại từ Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb Văn hóa, 1997, tr 16.