Tìm về ý nghĩa của lao động và kỹ thuật
GS Trần Văn Toàn từng dạy triết học tại các đại học ở Huế, Sài Gòn và Đà Lạt trong thập niên 1960, ở Kinshasa (Congo) trong những thập niên 1960 và 1970 và ở Lille (Pháp) những thập niên 1970-1990. Ông là tác giả của Tìm hiểu triết học của Karl Marx (Sài Gòn, NXB Nam Sơn, 1965), Xã hội và con người (Sài Gòn, NXB Nam Sơn, 1965), Hành trình vào triết học (Hà Nội, NXB Tri Thức và ĐH Hoa Sen tái bản, 2009).
Thiên khảo luận này không đi vào những khía cạnh tác nghiệp của lao động và kỹ thuật, mà là phân tích mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên cũng như giữa con người với nhau trong lao động, cũng không dừng lại ở phạm vi lao động và kinh tế, mà mở rộng nhãn giới ra phạm vi xã hội, chính trị và văn hóa.
Khởi sự từ những ý tưởng về nhân sinh của các triết gia cổ đại như Khổng Tử, “có được ở với người khác, và có ở được với người khác, thì mới nên người” (Nhân giả, nhân dã) (tr. 13), tác giả Trần Văn Toàn nêu ra một vấn nạn muôn thuở trong quá trình lao động là “vì sao có nhiều người làm việc đầu tắt mặt tối, mà cứ phải đói rét, ngược lại, có người không làm gì hay là làm rất ít, thế mà cứ có của, có quyền, đàn áp người khác?” (tr. 13).
Tác giả cho rằng bàn về lao động và kỹ thuật thì mới chỉ dừng lại ở “phạm vi của các phương tiện”, còn muốn tìm hiểu cho đáo lý thì “còn phải đặt vấn đề mục đích hay cứu cánh của con người”, tức là bước sang “phạm vi của hành động tự do” (tr. 17). Lao động là một thứ hoạt động vừa có tính cách khó nhọc, vừa tạo ra giá trị, nhưng “khi ta thêm vào đó mối liên quan giữa người với người, thì lao động trở thành một vấn đề rất phiền phức” (tr. 34). Tác giả đã trình bày một cách cô đọng và súc tích các ý tưởng của Hegel và Marx liên quan đến chủ đề này.
Nhà triết học Đức Hegel cho rằng lao động là “môi giới giữa nhu cầu (...) và phương tiện thỏa mãn nhu cầu” (tr. 43), là “đi ra ngoài bản thân để định hình cho thiên nhiên” (tr. 44), nhưng đồng thời mối quan hệ với người khác trong lao động cũng “đưa cá nhân hạn hẹp lên bình diện phổ biến” (tr. 43). Tuy nhiên, Hegel không coi lao động là “cách thức duy nhất để thực hiện toàn thể bản tính của con người (...) vì người ta còn có nhiều phạm vi khác, như: xã hội, chính trị, nghệ thuật, tôn giáo nữa” (tr. 44-45).
Dựa trên quan niệm của Hegel về ý nghĩa của lao động (tr. 51), Karl Marx đã tập trung vào việc phân tích các kích thước triết học và kinh tế chính trị của lao động làm thuê của các tầng lớp thợ thuyền để rồi đi đến kết luận về tình trạng “vong thân” của người lao động trong chế độ tư sản (tr. 50). Marx “đã để tâm suy nghĩ và đã đưa ra lý thuyết và giải pháp thực hành” (tr. 34) nhằm khôi phục nhân phẩm và thay đổi vận mệnh của con người, nghĩa là phải tiến hành “cách mệnh” (tr. 37), “để con người có thể đạt thân” (tr. 46).
Cho đến nay, “lý thuyết nhân bản của Marx vẫn còn làm cho cả người lao động lẫn trí thức cảm kích và mơ ước một thế giới đại đồng” (tr. 74). Nhưng “cho đến nay, sau bao nhiêu xáo trộn trong xã hội khắp thế giới, vấn đề xem ra vẫn chưa được giải quyết cho ổn thỏa” (tr. 34).
Mặc dù mang cái nhìn thoạt đầu tưởng chừng như bi quan, nhưng ở phần cuối, tác giả đã đưa ra một hướng giải pháp do André Gorz đề ra cho xã hội phương Tây - mà chúng ta có thể hiểu đây như một lời mời gọi tiếp tục suy nghĩ cho nỗ lực làm cho thế giới con người được công bằng hơn và nhân bản hơn.
Với một văn phong hết sức sáng sủa và dễ đọc, tập sách này cung cấp cho độc giả một cái nhìn triết học mang tính phân tích và phê phán, không chỉ về “ý nghĩa của lao động và kỹ thuật”, mà còn khai mở một cách phong phú và bổ ích cho những ý tưởng khái quát về triết lý tổ chức đời sống xã hội.